Cựu ký giả bị sách nhiễu vì điều tra ‘người phụ nữ bị xích cổ’ quyết định rời Trung Quốc
Sau nhiều lần được yêu cầu ngồi trên chiếc ghế sắt của tử tù để thẩm vấn, ký giả kiêm nhiếp ảnh gia kỳ cựu đã quyết định rời khỏi Trung Quốc.
Hôm 04/08, ký giả Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian) đã chia sẻ với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times về kinh nghiệm đối phó với lực lượng an ninh nhà nước Trung Quốc. Ông nói, “Môi trường ở đây thật tệ hại. Tôi là con người, tôi có thể dùng chân mà bỏ phiếu.”
Ông trở thành mục tiêu của cảnh sát địa phương và nhân viên an ninh nhà nước sau khi đăng đoạn video điều tra của ông về người phụ nữ bị xích cổ ở Từ Châu lên mạng, trong đó đã vạch trần những lời dối trá của chính quyền về vụ án.
Ông Triệu diễn tả cảm giác của mình khi ngồi trên chiếc ghế sắt, thứ mà ông nói là rất nặng, “Chiếc ghế sắt đó thực sự đáng sợ.”
Cuối cùng ông đã đến Hoa Kỳ sau khi đào thoát khỏi Trung Quốc qua Malaysia hồi tháng Bảy.
Các cuộc điều tra thẩm vấn bất hợp pháp và mệt mỏi
Ông nhớ lại những cuộc thẩm vấn quá chi tiết, dài dòng và mệt mỏi của cảnh sát. Ông nói, “Mỗi lần phỏng vấn sẽ mất ít nhất năm giờ đồng hồ.” Có lần ông được gọi đến và họ thẩm vấn ông từ 9 giờ sáng đến tận 5 giờ chiều.
Ông giải thích rằng các nhà chức trách không tuân theo bất kỳ thủ tục hay nghi thức chính thức nào, và ông không được phép gọi cho luật sư hoặc ghi âm cuộc thẩm vấn bằng điện thoại di động của mình. Sau đó, ông đã cố gắng gửi đơn khiếu nại nhưng vô ích.
Ví dụ, hôm 10/05, ông đã bị lực lượng cảnh sát an ninh quốc gia ở tỉnh Hà Bắc giam giữ và thẩm vấn bất hợp pháp. Cảnh sát đã truy cập thông tin cá nhân của ông trên điện thoại di động của ông, bao gồm cả mật khẩu tài khoản ngân hàng của ông, mà không tuân theo bất cứ thủ tục pháp lý nào.
Mỗi cuộc thẩm vấn đều căng thẳng và đáng sợ, ông nói, “Họ đã hỏi một lượt các câu hỏi hết lần này đến lần khác,” hỏi mọi thứ từ bạn gái cũ cho đến tình trạng hôn nhân, gia đình, và người thân của ông.
“Nhưng nói chung, họ không đánh tôi,” ông nói, “bởi vì tôi có quen biết một số người bạn quốc tế, như chủ tịch, ủy viên của tổ chức nhân quyền Liên Hiệp Quốc.”
Ký giả trở thành nhà điều tra bất công xã hội
Năm 2014, ông bỏ nghề nhà báo và bắt đầu hành trình điều tra thực địa về các trường hợp bất công xã hội ở cả trong và ngoài nước, khi Trung Quốc thắt chặt kiểm soát đối với báo chí. Ví dụ, ông đã đưa tin về vấn đề ô nhiễm nước thải ở sa mạc Tengger của Nội Mông.
Sau khi tin tức về người phụ nữ bị xích cổ xuất hiện hồi tháng Một, chính quyền địa phương đã ban hành một thông báo hôm 07/02 trong đó xác định tên của người phụ nữ bị xích là Tiểu Hoa Mai (Xiao Huamei), quê ở tỉnh Vân Nam và có thể là nạn nhân của đường dây buôn người.
Hôm 10/02, ông Triệu quyết định đến Vân Nam vì lo lắng cho những đứa trẻ mất tích ở Trung Quốc.
Câu chuyện của người phụ nữ bị xích cổ bị phanh phui hồi tháng Một, ngay trước khi khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh. Vụ việc này đã phơi bày cách mà cảnh sát địa phương cấu kết với những kẻ buôn người ở vùng nông thôn Trung Quốc, như The Epoch Times đã đưa tin trước đó.
Người phụ nữ này được tìm thấy trong một túp lều dột nát, nơi bà bị xích cổ. Bà được cho là nạn nhân của nạn buôn người, và đã bị cưỡng hiếp trong nhiều năm. Bà đã sinh hạ tám người con cho những người đàn ông đã mua bà.
Đoạn video về người phụ nữ bị xích cổ khiến dư luận phẫn nộ.
Trong chuyến thăm Vân Nam, ông Triệu đã tìm thấy cậu của bà Tiểu Hoa Mai.
Tuy nhiên, đoạn video ghi lại cuộc phỏng vấn của ông Triệu với cậu của bà Hoa Mai lại cho thấy một câu chuyện hoàn toàn khác so với câu chuyện của chính quyền. Nhìn vào bức ảnh người phụ nữ bị xích cổ, người cậu đã khẳng định rằng người phụ nữ bị xích cổ đó không phải là cháu gái ông.
Chính thức bị năm tỉnh và thành phố trấn áp
Trước chuyến thăm của ông Triệu, hai nữ tình nguyện viên, vì nghi ngờ công bố của chính quyền về danh tính của người phụ nữ, nên đã đến thăm người cậu kể trên. Cả hai người này đều phải đối mặt với sự kiểm duyệt của chính quyền và bị giam giữ.
Phát hiện của ông Triệu ở Vân Nam đã thúc đẩy ông đăng tải cuộc phỏng vấn được ghi lại này lên mạng.
Hơn một tháng sau, hôm 30/03, ông đã trình lên Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và chính quyền địa phương về những phát hiện của mình.
Ông cũng nhận lời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông bên ngoài Trung Quốc.
Tuy nhiên, hành động của ông đã khiến ông trở thành mục tiêu của cảnh sát ở năm tỉnh và thành phố, bao gồm Vân Nam, Từ Châu, Bắc Kinh nơi ông ở; nơi đăng ký hộ khẩu của ông ở Cát Lâm cũng như nơi đăng ký tạm trú của ông ở Hà Bắc cũng đã bị kiểm tra.
Một số người trong số họ gọi cho ông và bảo ông giữ im lặng, trong khi những người khác triệu tập ông để thẩm vấn.
Hôm 15/04, ông bị một đội cảnh sát từ các tỉnh Hà Bắc và Giang Tô đưa đến đồn cảnh sát địa phương để điều tra.
Hồi đầu tháng Năm, chính quyền địa phương tỉnh Hà Bắc đã gọi điện cho ông nhiều lần và đề nghị ông rời khỏi khu vực vì ông chưa được chích ngừa COVID-19. Ông Triệu vì quá mệt mỏi và buồn chán nên đã quyết định rời khỏi Trung Quốc.
Ông Triệu cho biết vào khoảng hôm 17/03, khi ông cảm thấy quá chán chường, ông đã được The Epoch Times và NTD TV phỏng vấn. Các cuộc phỏng vấn này đã mang lại cho ông “niềm an ủi lớn lao, … Tôi đã quyết định thoái xuất khỏi Đội Thiếu niên Tiền phong và Đoàn Thanh niên Cộng sản của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói.
Cô Mary Hong đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2020. Cô đưa tin về các vấn đề nhân quyền và chính trị của Trung Quốc.