Cựu giám đốc tình báo chỉ trích tư thế ‘báo động’ của Hoa Thịnh Đốn về Nga
Cựu quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Richard Grenell đã chỉ trích chính phủ Tổng thống Biden và những người bên trong nội bộ Hoa Thịnh Đốn vì đã có những xích mích không cần thiết với Nga.
Nhận xét của ông Grenell được đưa ra tại phiên điều trần tại quốc hội hôm 16/02 về Ukraine, sau tuyên bố gần đây từ Tòa Bạch Ốc rằng có mối đe dọa “ngay lập tức” về một cuộc xâm lược của Nga. Nga đã nhiều lần phủ nhận mọi kế hoạch xâm lược và tuyên bố đã bắt đầu di chuyển một số lực lượng của mình ra khỏi biên giới của Ukraine — mặc dù các quan chức NATO cho biết hôm 16/02 rằng họ không có bằng chứng về việc rút lui.
Tại phiên điều trần hôm 16/02, nhiều nhân chứng và nhà lập pháp đã kêu gọi chính phủ Tổng thống Biden dùng vũ lực nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm lược Ukraine. Ông Kweisi Mfume (Dân Chủ-Maryland) đã thậm chí còn đi xa hơn khi so sánh ông Putin với Hitler, gợi ý rằng ông ta sẽ tiếp tục mở rộng sang Âu Châu nếu không bị ngăn chặn từ bây giờ.
Ông Mfume cho biết: “Tôi nhớ sự hung hăng của Hitler và điều được gọi là ‘xu hướng muốn leo thang chiến tranh’, và tôi có thể cho các vị biết những gì chúng ta đang thấy ở đây là xu hướng muốn leo thang chiến tranh,” khiến tân Giám đốc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Andrea Kendall-Taylor đồng ý và kêu gọi quay về với “tâm lý Chiến Tranh Lạnh” với Nga.
Nhưng ông Grenell, người từng là Đại sứ Hoa Kỳ tại Đức từ năm 2018 đến năm 2020 trước khi phục vụ một thời gian ngắn với tư cách là Quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia vào thời kỳ cuối của chính phủ cựu Tổng thống Trump, đã chỉ trích những cảm tính này là xem nhẹ ngoại giao một cách không cần thiết.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ đang báo động mạnh mẽ ngay bây giờ. Chúng ta đã gạt ngoại giao sang một bên; đã có đủ loại bàn tán về chiến tranh. Chúng ta đã từ chối các biện pháp mà Hoa Kỳ sở hữu về mặt trừng phạt.”
Ông Grenell đã nói về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt vào năm 2019 của chính phủ đối với bất kỳ công ty nào giúp Nga hoàn thành đường ống dẫn khí đốt dưới biển tới Đức. Tổng thống Biden đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đó ngay sau khi nhậm chức.
Ông nói: “Để cho tất cả các quan chức của Hoa Thịnh Đốn chạy đua theo các lựa chọn quân sự, bỏ qua công cụ ngoại giao mà sẽ làm tê liệt ông Putin [các lệnh trừng phạt đối với Nord Stream 2], kiểu hành động này là điển hình của thủ đô Hoa Thịnh Đốn — tất cả các chuyên gia ở Hoa Thịnh Đốn đua nhau nói về chiến tranh thay vì sử dụng ngoại giao.”
Ông Grenell đã đưa ra thêm những nghi vấn về tuyên bố của Tòa Bạch Ốc về một cuộc xâm lược sắp xảy ra của Nga vào Ukraine. Nếu những tuyên bố như vậy là thật, ông không thể tưởng tượng được tại sao Tòa Bạch Ốc lại ngồi yên khi Nord Stream 2 được tiến hành.
“Phát ngôn gây hấn từ Hoa Thịnh Đốn không phải là thông tin xác thực,” ông nói. “Nếu thông tin có thể xác minh đã thực sự cho thấy một cuộc chiến đẫm máu sắp xảy ra, thì tôi không thể nghĩ ra điều gì nhẫn tâm hơn việc chờ cảnh đổ máu được chiếu trên truyền hình trước khi chúng ta tiến hành ngoại giao và thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2.”
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) đã giới thiệu một dự luật trừng phạt Nord Stream 2 hồi tháng trước (01/2022), nhưng nó đã không được thông qua. Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) là thành viên Đảng Cộng Hòa duy nhất phản đối dự luật, chỉ trích chính sách này gây tổn hại cho các đồng minh Đức và tiếp tay cho các công ty dầu mỏ của Hoa Kỳ.
“Không ngạc nhiên khi những người phản đối đường ống này phần lớn đến từ các tiểu bang cạnh tranh trong việc bán khí đốt tự nhiên. Các báo cáo cho thấy đường ống sẽ làm giảm đáng kể xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Hoa Kỳ,” ông Paul cho biết trong bài nói hôm 13/01 tại Quốc hội.
“Tôi đã hỏi [ông Cruz và những người ủng hộ khác của dự luật này] rằng ông ấy muốn Nga làm gì, thay đổi hành vi nào. Họ trả lời rằng không một sự thay đổi hành vi nào là đủ. Họ chỉ muốn Nga không thể vận chuyển khí đốt tự nhiên cho Đức.”
Trong bài nói của mình, ông Paul cũng đưa ra quan điểm tương tự như ông Grenell, nói rằng các lệnh trừng phạt Nord Stream 2 có thể được sử dụng như một công cụ để ngăn chặn sự xâm lược của Nga đối với Ukraine.
“Nếu các lệnh trừng phạt Nord Stream 2 thực sự là nhằm thay đổi chính sách của Nga hoặc ngăn chặn sự xâm lược, thì NATO, bao gồm cả Đức, có thể đe dọa các lệnh trừng phạt nếu Nga xâm lược Ukraine,” ông nói. “Với Đức là một đồng minh, giờ mối đe dọa trừng phạt đó thực sự có khả năng có giá trị răn đe.”
Ông Ken Silva đưa tin về các vấn đề an ninh quốc gia cho The Epoch Times. Kinh nghiệm đưa tin của ông cũng bao gồm cả an ninh mạng, tội phạm và tài chính hải ngoại – kể cả ba năm làm phóng viên ở Quần đảo Virgin thuộc Anh và hai năm ở Quần đảo Cayman. Quý vị có thể liên lạc với ông tại [email protected]
Phù Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: