Cựu Giám đốc CDC dự đoán virus cúm gia cầm sẽ gây ra bệnh dịch tiếp theo
“Vấn đề không phải là liệu có hay không có, mà vấn đề là khi nào chúng ta sẽ gặp phải bệnh dịch cúm gia cầm,” Tiến sỹ Robert Redfield cho hay.
Tiến sỹ Robert Redfield, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), vừa đưa ra dự đoán ảm đạm rằng đại dịch tiếp theo sẽ do cúm gia cầm gây ra.
“Tôi thực sự nghĩ rằng rất có thể chúng ta sẽ gặp phải, vào một lúc nào đó — vấn đề không phải là liệu có hay không có, mà vấn đề là khi nào — chúng ta sẽ gặp phải một trận bệnh dịch cúm gia cầm,” Tiến sỹ Redfield nói với NewsNation trong một cuộc phỏng vấn được phát hành hôm 14/06.
Mới đây, các quan chức Hoa Kỳ xác nhận rằng virus cúm gia cầm có độc lực cao đã được phát hiện trong một đàn bò ở Wyoming, tiểu bang thứ 12 báo cáo có ca nhiễm bệnh.
Cựu giám đốc CDC này cho biết cúm gia cầm, khi xâm nhập vào con người, sẽ gây ra tỷ lệ tử vong “rất cao.”
Tiến sỹ Redfield cho biết: “Có lẽ tỷ lệ tử vong nằm trong khoảng từ 25 đến 50%, vì vậy mọi chuyện sẽ khá phức tạp.”
Theo Cơ quan Kiểm dịch Sức khoẻ Động vật và Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, kể từ khoảng năm 2019, virus cúm gia cầm lây lan trong động vật có vú với số lượng tăng dần, trong đó lạc đà alpaca trở thành loài mới nhất bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.
Tiến sỹ Redfield cho biết khi cúm gia cầm đã lây lan sang hơn hai chục loài động vật có vú ở Hoa Kỳ, thì virus này đã thích nghi và học được cách để biến đổi cách sử dụng các thụ thể, với nguy cơ lây sang người ngày càng tăng.
“Vì vậy, virus này đang trải qua rất nhiều biến đổi. Và khi tiếp nhận một số thụ thể mới này, virus có thể ngày càng tiến gần hơn đến con người,” ông nói.
“Một khi virus có được khả năng bám vào thụ thể người, sau đó truyền từ người sang người, đó là chúng ta sẽ gặp phải bệnh dịch. Và như tôi đã nói, tôi nghĩ đó chỉ là vấn đề thời gian.”
Mặc dù Tiến sỹ Redfield cho biết không thể dự đoán chính xác khi nào cúm gia cầm có thể bắt đầu lây từ người sang người, nhưng ông cho biết sự phát triển gần đây về số lượng bò sữa nhiễm virus này là đáng báo động vì bò thường ở gần loài heo, và heo từng có xu hướng là bước đệm cuối cùng cho virus trước khi lây sang người.
Tiến sỹ Redfield nói thêm rằng sự tiến hóa tự nhiên của virus này đến mức nó có thể lây nhiễm cao ở con người lại không khiến ông lo ngại hơn là nguy cơ nó sẽ tăng độc lực trong điều kiện phòng thí nghiệm — qua việc nghiên cứu tăng chức năng.
Nhắc lại việc nghiên cứu tăng chức năng trên virus cúm gia cầm đã được thực hiện vào năm 2012, chứng minh cho khuyến nghị nêu trên của mình, Tiến sỹ Redfield cho biết rằng “công thức” khiến cúm gia cầm có thể lây nhiễm cao sang người đã được thiết lập rõ ràng rồi.
Kể từ cuối tháng Ba, virus cúm gia cầm có độc lực cao này được báo cáo đã xuất hiện ở hơn 80 đàn bò sữa trên khắp cả nước. Cho đến nay, ba trường hợp nhiễm bệnh ở người đã được báo cáo ở Hoa Kỳ — hai ca ở Michigan và một ca ở Texas, tất cả đều là công nhân trang trại bò sữa.
CDC cho biết trong thông tin cập nhật về cúm gia cầm ngày 12/06 rằng họ đang theo dõi chặt chẽ tình hình và nguy cơ hiện tại đối với sức khỏe cộng đồng vẫn ở mức thấp.
“Cúm gia cầm H5N1 đang lan rộng ở các loài chim hoang dã trên toàn thế giới và đang gây ra các đợt bùng phát bệnh dịch ở gia cầm và bò sữa của Hoa Kỳ, với một trường hợp nhiễm bệnh mới ở người là một công nhân chăn nuôi bò sữa ở Hoa Kỳ,” cơ quan này cho biết.
“Mặc dù rủi ro sức khỏe cộng đồng hiện tại ở mức thấp, nhưng CDC đang theo dõi tình hình một cách cẩn thận và hợp tác với các tiểu bang để giám sát những người tiếp xúc với động vật. CDC đang sử dụng hệ thống giám sát bệnh cúm để theo dõi hoạt động của H5N1 ở người.”
Nghiên cứu tăng chức năng của cúm gia cầm?
Trước đây, Tiến sỹ Redfield đã cảnh báo về sự nguy hiểm của nghiên cứu tăng chức năng, bao gồm việc thay đổi các đặc tính của một mầm bệnh, chẳng hạn như độc lực của virus, để nghiên cứu những tác động tiềm ẩn của virus đối với sức khỏe con người.
Người ủng hộ nghiên cứu như vậy cho rằng việc này có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động và lây lan của virus, đồng thời đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả hơn. Người phản đối thì cho rằng những rủi ro mà nghiên cứu như vậy đặt ra lớn hơn những lợi ích tiềm năng vì nghiên cứu này có thể khiến virus trở nên nguy hiểm hơn đối với con người.
Trong phiên họp ngày 08/03/2023 của Tiểu ban Đặc biệt Hạ viện về đại dịch Virus Corona, Tiến sỹ Redfield đã kêu gọi tạm dừng loại nghiên cứu này, đồng thời bày tỏ quan điểm rằng đại dịch COVID-19 được gây ra bởi một vụ rò rỉ ngẫu nhiên từ một phòng thí nghiệm có trụ sở tại Trung Quốc, nơi virus này đang được thử nghiệm.
“Mặc dù nhiều người tin rằng nghiên cứu tăng chức năng là rất quan trọng để phòng ngừa virus bằng cách phát triển vaccine, nhưng trong trường hợp này, tôi tin rằng nghiên cứu này có kết quả hoàn toàn ngược lại, đó là phóng thích một loại virus mới ra thế giới mà không có bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào và hậu quả là hàng triệu người tử vong,” Tiến sỹ Redfield nói vào thời điểm đó, đề cập đến COVID-19.
“Chính vì điều này, theo quan điểm của tôi, chúng ta nên kêu gọi tạm dừng tất cả các nghiên cứu tăng chức năng cho đến khi chúng ta có thể có một cuộc tranh luận rộng rãi hơn và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng về giá trị của nghiên cứu tăng chức năng.”
Tiến sỹ Redfield cũng từng nói rằng những người đóng thuế cuối cùng đã vô tình tài trợ cho nghiên cứu tăng chức năng đầy rủi ro tại Viện Virus học Vũ Hán, phòng thí nghiệm có trụ sở tại Trung Quốc, vốn là tâm điểm của giả thuyết về nguồn gốc rò rỉ từ phòng thí nghiệm của virus gây ra COVID-19.
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times