Cựu đại diện Hoa Kỳ: Tiền điện toán mới của Bắc Kinh là công cụ giám sát đe dọa Hoa Kỳ
Một chuyên gia tài chính toàn cầu cảnh báo rằng đồng tiền điện toán mới của Bắc Kinh là một công cụ có thể ủng hộ các chế độ độc tài trên khắp thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, và tiền không giấy tờ của Trung Quốc cũng có thể làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong lĩnh vực tài chính.
Ông Erik Bethel, người từng là đại diện của Hoa Kỳ tại Ngân hàng Thế giới, cho biết: “Tiền điện toán mới của Bắc Kinh là một công cụ giám sát và nó được ngụy trang như một cơ chế thanh toán. Đồng tiền này sẽ cho phép Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), ngân hàng trung ương của họ nhòm ngó, soi mói lịch sử mua hàng của mọi người.”
Ông Bethel đã đưa ra lời cảnh báo này trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “Các nhà lãnh đạo tư tưởng Hoa Kỳ” của EpochTV.
Chính phủ Trung Quốc đang tạp ra đồng tiền — được gọi là nhân dân tệ điện toán, renminbi kỹ thuật số và e-CYN — lần đầu tiên có sẵn cho người ngoại quốc trong Thế vận hội mùa đông 2022, vì các vận động viên và du khách có thể sử dụng tiền thông qua thẻ vật lý hoặc thông qua ứng dụng di động có thể được tải xuống tại các cửa hàng ứng dụng nội địa của Trung Quốc.
Vì đồng tiền điện toán mới của Bắc Kinh được hỗ trợ bởi PBOC, đó là một loại tiền tệ điện toán của ngân hàng trung ương (CBDC) hoặc đơn giản là hình thức điện toán của tiền pháp định của Trung Quốc. Trước khi triển khai tiền điện toán tại Thế vận hội Mùa đông, Bắc Kinh đã bắt đầu thực hiện các cuộc thử nghiệm thí điểm ở một số thành phố vào năm 2020 sau khi PBOC bắt đầu phát triển hệ thống này vào năm 2014.
Giờ đây, các vận động viên Mỹ và khách tham dự Thế vận hội là những người duy nhất tiếp xúc với ứng dụng này nhưng ông Bethel cảnh báo rằng đây chỉ là bước đầu tiên của Bắc Kinh, do ĐCSTQ muốn xuất cảng công nghệ của mình ra khắp thế giới.
Ông Bethel nói: “Không thể tránh khỏi, chúng ta hãy nhìn vào tương lai trong vài tháng, mọi công ty đa quốc gia của Mỹ làm việc tại Trung Quốc sẽ phải sử dụng một phiên bản của công nghệ kỹ thuật số Trung Quốc, công nghệ tiền điện toán.”
Ông tiếp tục, và Bắc Kinh cũng sẽ không dừng lại ở đó.
Ông nói: “Hãy nhìn xa hơn nữa, một công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ, giả sử, một công ty dầu mỏ làm việc ở một quốc gia châu Phi sẽ phải sử dụng tiền điện toán của quốc gia đó, có thể được cung cấp bởi Trung Quốc. Làm thế nào điều đó có thể tốt cho chúng ta được?”
Cuối cùng, ông Bethel nói rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu yêu cầu các quốc gia khác sử dụng đồng nhân dân tệ điện toán thay vì USD để giải quyết các giao dịch ngoại hối, chẳng hạn như các hàng hóa như dầu, đồng, hoặc đậu nành.
Hơn nữa, ông nói rằng chính phủ Trung Quốc có thể cung cấp cho các quốc gia đang sa lầy vào các khoản nợ của Trung Quốc, chẳng hạn như Zambia, một số khoản giảm nợ để đổi lấy việc giúp các quốc gia này thiết lập tiền điện toán của riêng họ bằng cách sử dụng công nghệ của Trung Quốc.
Zambia là một trong nhiều quốc gia đang phát triển đang gặp khó khăn về tài chính vì họ không thể trả các khoản vay của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng theo sáng kiến “ Vành đai và Con đường ” của Trung Quốc.
Ông nói: “Vì vậy, mối quan tâm của tôi từ góc độ an ninh quốc gia là giờ đây Trung Quốc có thể tiếp cận các khoản thanh toán của hàng triệu cá nhân trên khắp thế giới, không chỉ ở Trung Quốc, mà còn mở rộng quyền lực đó ra những nơi khác.”
Điều đáng lo ngại hơn nữa là các chế độ độc tài khác sẽ hành xử như thế nào khi họ sở hữu một công cụ giám sát như vậy.
Ông nói: “Hãy nghĩ về Venezuela ở bán cầu này, hoặc Cuba, Triều Tiên hoặc Iran. Quý vị không nghĩ rằng chính phủ của ông Nicolas Maduro ở Venezuela sẽ tận hưởng cơ hội có một loại tiền điện toán… [mà] có thể soi mói vào những gì phe đối lập đang làm? Tất nhiên, họ sẽ làm. ”
Cuối cùng, ông Bethel cho biết đồng nhân dân tệ điện toán sẽ “làm tổn hại đến quyền tự do”, “ủng hộ các chế độ độc tài” và “có khả năng làm suy yếu đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới.”
Theo ông Bethel, bên trong Trung Quốc, nơi công dân Trung Quốc đã bị giám sát áp bức, đồng nhân dân tệ điện toán sẽ cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.
Ông giải thích.“Có rất nhiều cách mà chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng [đồng nhân dân tệ điện toán] này như một công cụ giám sát, gắn nó với điểm tín nhiệm xã hội của họ và cuối cùng là giữ cho một chính phủ độc tài tồn tại mãi mãi.”
Chính phủ Trung Quốc thực thi một hệ thống tín nhiệm xã hội, hệ thống này ấn định cho mỗi công dân một điểm “mức độ tin cậy xã hội”. Mọi người có thể bị tước điểm từ điểm tín nhiệm xã hội của họ bằng cách thực hiện các hành vi mà ĐCSTQ coi là không mong muốn, chẳng hạn như đi ẩu. Những người có điểm tín nhiệm xã hội thấp bị coi là “không đáng tin cậy” và do đó bị tước quyền tiếp cận các dịch vụ và cơ hội. Họ có thể bị cấm di chuyển bằng máy bay hoặc đi học, trong số những thứ khác. Các nhà phê bình đã coi hệ thống này là vi phạm nhân quyền.
Ông nói, “Vì vậy, nếu Trung Quốc cho phép tuyên truyền công nghệ điện toán cho các loại tiền điện toán của họ trên toàn thế giới, thì điều đó có thể rất có vấn đề từ góc độ an ninh quốc gia. Và đó là điều mà không ai nghĩ đến lúc này. Ý tôi là, có một vài người đang nghĩ về nó, nhưng không nhiều lắm.”
Ông Frank Fang là một nhà báo người Đài Loan. Ông đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Ông có bằng thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”
Hoàn Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: