Cựu Cố vấn Peter Navarro ‘thẳng thắn’ trong cuốn sách mới: ‘Tại sao chúng ta để tuột mất Tòa Bạch Ốc’
Cựu phụ tá Tòa Bạch Ốc Peter Navarro cho biết những lựa chọn nhân sự tệ hại đã khiến chính phủ của ông Trump chịu thất bại.
“Tôi gọi đó là gót chân Achilles của ông chủ. Tôi yêu quý ông chủ bất chấp những nhân sự tệ hại này. Ông ấy là tổng thống tốt nhất mà chúng ta từng có,” ông Navarro nói khi đề cập đến ông Donald Trump, trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên chương trình “Capitol Report” của đài truyền hình NTD, một hãng thông tấn liên kết với The Epoch Times.
Ông nói thêm rằng chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2020 của ông Trump không phải là “sự khởi đầu” của một cuộc tranh cử tổng thống tiềm năng vào năm 2024.
Ông Navarro đang chia sẻ những gì ông đã viết trong cuốn sách mới của mình, “Lấy lại Nước Mỹ của ông Trump: Tại sao Chúng ta để Tuột Mất Tòa Bạch Ốc và Chúng ta Sẽ Chiến thắng Như thế nào” (“Taking Back Trump’s America: Why We Lost the White House and How We’ll Win”), sẽ được xuất bản vào ngày 20/09.
Trong cuốn sách của mình, ông Navarro đã viết về cách khởi đầu của ông Trump, ngay sau khi đắc cử, với xung quanh ông là “những người theo chủ nghĩa toàn cầu, những thành viên Đảng Cộng Hòa không bao giờ thích ông Trump, những kẻ điên khùng cực đoan của nhóm Tự do [Hạ viện] (Freedom Caucus)” và “những nhà giao dịch Wall Street”, những người “đến để trồng rất nhiều Cây Chính sách Xấu độc hại” dưới thời chính phủ của ông.
Ông Navarro, cho biết ông là một trong ba cố vấn cao cấp đã ở lại với ông Trump kể từ chiến dịch tranh cử năm 2016 cho đến khi chuyển giao quyền lực, nói thêm rằng ông “chẳng kiêng dè gì” trong cuốn sách của mình khi bình luận về những sai lầm của ông Trump trong việc lựa chọn nhân sự.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Navarro lần lượt nêu hai cái tên Rex Tillerson và Jim Mattis, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của ông Trump, làm ví dụ về “những lựa chọn ngu ngốc” của ông Trump trong cái mà ông gọi là “Nội các của Những Chú hề.”
Theo cuốn sách của ông, hai ông Tillerson và Mattis đã phản đối nỗ lực của ông Trump trong việc tái đàm phán một thỏa thuận thương mại với Nam Hàn, với lý do rằng làm như vậy có thể làm đảo lộn “tính toán quân sự chu toàn” hoặc “liên minh ngoại giao” giữa hai quốc gia.
Bất chấp sự phản đối của họ, ông Trump và Tổng thống Nam Hàn đương thời Moon Jae-in đã ký một thỏa thuận thương mại tự do sửa đổi vào tháng 09/2018, được các nhà sản xuất xe hơi và xuất cảng thịt của Hoa Kỳ hoan nghênh.
Ông Trump đã nói rằng thỏa thuận trước đó, được Quốc hội thông qua vào năm 2011 và có hiệu lực vào năm sau đó, là một “thỏa thuận khủng khiếp” của bà Hillary Clinton, người đã thúc đẩy phiên bản cuối cùng của hiệp định thương mại này với tư cách là ngoại trưởng dưới thời chính phủ ông Obama.
Theo Văn phòng Thương mại Hoa Kỳ, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Nam Hàn đã tăng từ 16.7 tỷ USD vào năm 2012 lên 27.7 tỷ USD vào năm 2016.
Chính sách đối với Trung Quốc
Một trong những “Người không bao giờ thích ông Trump” mà ông Navarro đề cập trong cuốn sách của mình là ông Steven Mnuchin, cựu Bộ trưởng Ngân khố dưới thời chính phủ ông Trump.
Ông Navarro cho biết ông Mnuchin và ông Jared Kushner, con rể của ông Trump, đã “một tay phá hoại” chính sách về Trung Quốc của ông Trump “bằng các giao dịch sau lưng với Wall Street và chính Trung Quốc Cộng sản.”
Ông Navarro nói: “Họ làm điều đó chỉ đơn giản là để trục lợi cho bản thân.”
Trong cuốn sách của mình, ông Navarro viết rằng ông Mnuchin “luôn từ chối” khi ông Trump yêu cầu Bộ trưởng Bộ Ngân khố của mình gán nhãn cho Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Cuối cùng, ông Mnuchin đã đồng ý gán danh hiệu đó cho Trung Quốc vào ngày 05/08/2019.
Tuy nhiên, ông Navarro cho rằng khi đó đã quá muộn. Ông giải thích trong cuốn sách của mình rằng nếu ông Mnuchin đồng ý gán nhãn hiệu đó lên Trung Quốc vào tháng 01/2017, thì điều đó sẽ “đánh trúng vào tử huyệt của một trong những hành động lạm dụng tệ hại nhất của Trung Cộng,” và việc này sẽ mang lại cho các quan chức Hoa Kỳ “một con bài mặc cả vô giá trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.”
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đã hủy bỏ danh hiệu đó vào ngày 13/01/2020, hai ngày trước khi ông Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He) ký một thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không thực hiện những lời hứa của họ trong thỏa thuận thương mại này. Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), Trung Quốc chỉ mua 57% lượng hàng hóa xuất cảng của Hoa Kỳ mà họ đã hứa hẹn.
“Thực tế của thỏa thuận đó là một thỏa thuận ẻo lả. Nó chính là như vậy,” ông Navarro nói với đài truyền hình NTD. “Đó là một cái bóng mờ nhạt của những gì nó đáng lẽ phải làm.”
Ông Navarro cho rằng ông Kushner là người có lỗi trong thỏa thuận thương mại tệ hại này.
“Ông ấy đã đối phó hai mặt với hai ông Steve Schwarzman ở Wall Street và John Thornton, những người này, cùng với các nhà đàm phán của ĐCSTQ, đã ở sau lưng tôi và [cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert] Lighthizer, và thậm chí cả tổng thống để tiến tới thỏa thuận tệ hại này,” ông Navarro nói.
Ông Schwarzman là giám đốc điều hành của công ty đầu tư The Blackstone Group có trụ sở tại Hoa Kỳ, và ông Thornton là chủ tịch điều hành của công ty khai thác mỏ Barrick Gold có trụ sở tại Canada và là cựu chủ tịch tập đoàn Goldman Sachs.
Nếu ông Trump trở thành tổng thống một lần nữa, ông Navarro đề nghị Hoa Kỳ nên tách khỏi Trung Quốc.
“Tôi có thể bảo đảm với quý vị một trong những điều đầu tiên ông ấy sẽ làm … là đóng cửa thuế quan đối với Trung Quốc Cộng sản,” ông nói. “Chúng ta sẽ cắt đứt mối ràng buộc với họ bởi vì mỗi dollar chúng ta trả tại Walmart cho sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, sản xuất tại Trung Quốc Cộng sản, nó sẽ đi vào cỗ máy chiến tranh quân sự của họ để hạ gục Đài Loan.”
“Tôi nghĩ nếu chúng ta giành lại Tòa Bạch Ốc năm 2024, điều thực sự quan trọng là trong bốn năm tới chúng ta sẽ điều hành theo một phương thức hiệu quả,” ông Navarro tiếp tục. “Thời gian là quý giá, khi quý vị ở Tòa Bạch Ốc, như chúng tôi đã học được, và có những việc chúng tôi đã để lãng phí cơ hội mà tôi ước rằng chúng tôi đừng như vậy.”
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times