Cựu cố vấn của ĐCSTQ đặt câu hỏi về số người tử vong ở Hoa lục
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thông báo rằng số người tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc đã tăng từ 30 người hôm 07/01 lên 60,000 người hôm 14/01. Ông Lưu Mộng Hùng (Lew Mon-hung), cựu ủy viên của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan tham mưu chính trị của ĐCSTQ, đã đặt nghi vấn về các số liệu tử vong này, đồng thời tiết lộ rằng tình trạng thiếu hụt quan tài hiện đang xảy ra ở Hoa lục.
Hôm 07/01, một tháng sau khi ĐCSTQ loại bỏ toàn bộ các biện pháp cách ly COVID-19 đối với khách du lịch, Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc (NHC) cho biết đã có 120,000 người được chẩn đoán nhiễm COVID-19, và tổng cộng có 30 trường hợp tử vong.
Hôm 14/01, Cơ chế Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Phối hợp của ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc họp báo, tại đó bà Tiêu Nhã Huy (Jiao Yahui), Vụ trưởng Vụ Y tế thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết, từ ngày 08/12/2022 đến ngày 12/01/2023, đã có 59,938 ca tử vong liên quan đến lây nhiễm COVID-19 xảy ra tại các cơ sở y tế trên toàn quốc.
Ông Lưu kêu gọi ĐCSTQ “hãy nói sự thật và ngừng cai trị đất nước bằng những lời dối trá.” Ông đặt câu hỏi về [tính xác thực của] những số liệu được công bố hôm 07/01, nói rằng 120,000 trường hợp ghi nhiễm và 30 trường hợp tử vong do COVID-19 là “hoàn toàn hoang đường và không đáng tin cậy.”
Dùng xảo ngôn để trị quốc
Ông Lưu chỉ trích rằng Trung Quốc đã không chuẩn bị đầy đủ trước khi dỡ bỏ các biện pháp cách ly đối với các du khách quốc tế. Ông cho biết trong suốt ba năm thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội, Trung Quốc không những không mua đủ sản phẩm hoặc trang thiết bị y tế mà còn không chuẩn bị thêm bất kỳ phòng áp suất âm (hay phòng cách ly) nào cho những bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm, máy thở, các loại thuốc đặc trị, vaccine, và thuốc uống cho những ca bệnh nặng.
Tháng trước, hệ thống y tế của Trung Quốc gần như rơi vào tình trạng sụp đổ. Ông Lưu cho biết, “toàn bộ khoa ngoại trú và khoa cấp cứu của các bệnh viện đều chật kín người và không còn giường cho người nằm viện. Các nhà tang lễ thì quá tải, còn tử thi thì la liệt khắp nơi.” Theo một người phụ trách nhà tang lễ, tỷ lệ tử vong hiện tại cao gấp 8 đến 10 lần so với mức cao nhất trong lịch sử.
Ông dẫn chứng về tình hình ở tỉnh Chiết Giang, nói rằng số ca nhiễm hàng ngày ở tỉnh này đã lên đến 1 triệu ca. Các quan chức ở thành phố Thanh Đảo thừa nhận số ca nhiễm hàng ngày đã tăng lên 500,000 người. Các ca nhiễm được xác nhận tại thành phố Đông Hoản, trung tâm tỉnh Quảng Đông đã tăng từ 250,000 lên 300,000 ca mỗi ngày. Hai tỉnh đông dân nhất cả nước là Tứ Xuyên và Hà Nam đã ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm trên 80%.
Ông Lưu cho biết bằng hữu của ông ở Bắc Kinh cũng lần lượt bị nhiễm bệnh. “Ngoại trừ một cựu ủy viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương không bị nhiễm bệnh, còn lại tất cả bằng hữu của tôi ở mọi ban ngành, trong đó có những người làm trong Phòng Hợp tác Quốc tế của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng như Ủy ban Ngoại giao, đều nhiễm bệnh.” Do đó, nhiều bộ phận hữu quan đã không thể tổ chức các cuộc họp, “vì rất nhiều người trong số họ đều có kết quả dương tính.”
‘Địa ngục trần gian’
Ông cũng tiết lộ rằng thân nhân của ông ở Trung Quốc cũng đều bị nhiễm bệnh. “Họ hàng thân thích của tôi, anh chị em ruột, và mẹ tôi ở Quảng Châu đều bị nhiễm bệnh. Một đoàn người xếp hàng, chạy dài từ một đến hai cây số (khoảng 1-1.2 dặm) bên ngoài Nghĩa trang Liệt sĩ Ngân Hà Quảng Châu, chờ ghi danh cho dịch vụ hỏa táng. Người dân không chỉ xếp hàng dài bên ngoài các nhà tang lễ ở khắp mọi nơi trên cả nước, mà có người còn phải đợi cả nửa tháng, thậm chí hơn một tháng mới có thể hỏa táng được cho người thân của mình.”
Ông cho biết hiện ở Trung Quốc đang thiếu hụt quan tài. “Khi Thượng Tướng Vu Vĩnh Ba (Yu Yongbo), cựu Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng Nhân dân qua đời, đã không thể tìm thấy một quan tài nào thích hợp cho ông. Thay vào đó, người ta cho ông vào một quan tài bằng giấy. Ông được hỏa táng nhờ vào ‘sự quen biết’ của mình với hội cựu chiến binh đã về hưu. Nói chung, đối với những người dân bình thường, họ cần có sự giúp đỡ của những người làm phe vé, và họ phải trả 38,500 nhân dân tệ (5,700 USD) thì mới có thể chuyển thi thể đến một nhà tang lễ.”
Ông Lưu cho biết ông cảm thấy rất buồn khi trận ôn dịch này đã khiến nhiều gia đình bình thường phải kinh qua cái mà ông gọi là “địa ngục trần gian”. Người dân không thể liên lạc với các bộ phận liên quan để nhờ sự trợ giúp. Theo Luật Kiểm soát và Phòng chống Bệnh Truyền nhiễm, thi thể của một người qua đời vì một căn bệnh truyền nhiễm phải được đưa ngay đến nhà tang lễ và hỏa táng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ông Lưu cho hay, dù họ có gọi bao nhiêu cuộc điện thoại đến dịch vụ cấp cứu, thì cũng chẳng có ai đến để đưa thi thể đi. Họ đã hoàn toàn bị phớt lờ.
‘Xem 1.4 tỷ dân đều là những kẻ ngốc’
Ông Lưu trách cứ Ủy ban Y tế Quốc gia vì đã công bố một con số sai sự thật về số ca nhiễm được ghi nhận và số ca tử vong. Ông nói, “Làm sao các vị có thể nói dối không chớp mắt như vậy chứ? Các vị xem 1.4 tỷ người Trung Quốc đều là A-Q hết à? Các vị nghĩ là tám tỷ người trên toàn thế giới này đều là những kẻ ngốc cả ư?”
Ông Lưu cho biết những lời dối trá đó sẽ chỉ khiến chính quyền Trung Quốc mất đi sự tín nhiệm, như rơi vào một “bẫy Tacitus”. Ông giải thích, “Bẫy Tacitus là một lý thuyết chính trị, có nghĩa là nếu một bộ máy công quyền không được lòng dân thì sẽ bị chối bỏ, cho dù họ làm gì đi chăng nữa và liệu họ đúng hay sai, bởi vì họ đã đánh mất sự tín nhiệm của người dân rồi.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times