Cựu chuyên viên ngoại giao Trung Cộng: ĐCSTQ đã ‘rất thành công’ trong việc xâm nhập vào các trường đại học Úc
Trong văn bản nộp cho cuộc điều tra của quốc hội Úc về những rủi ro an ninh quốc gia ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục, cựu quan chức ngoại giao Trung Cộng, người đã tiết lộ thông tin ra công chúng năm 2005, cảnh báo các chính trị gia Úc nên chú ý hơn đến việc Trung Cộng xâm nhập vào các trường đại học và cơ sở nghiên cứu.
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin) trước đây là một chuyên viên ngoại giao cao cấp tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, với các nhiệm vụ bao gồm việc giám sát những người Trung Quốc bất đồng chính kiến trước khi ông đào thoát 16 năm trước. Kể từ đó, ông Trần đã liên tục vạch trần các thủ đoạn thâm nhập của Trung Cộng vào các quốc gia phương Tây.
Trong bản đệ trình của mình, ông Trần cho biết việc xâm nhập vào các trường đại học, là một phần quan trọng trong các chính sách của Trung Cộng ở Úc.
Ông Trần liệt kê 4 phương thức mà Trung Cộng đã sử dụng để gây ảnh hưởng trong lĩnh vực này. Đó là các viện Khổng Tử (CI), hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc (CSSA), các chương trình thu hút chất xám như Kế hoạch ngàn nhân tài và các chương trình tương tự, và giới hạn các quyền tự do học thuật.
“Trung Quốc đã rất thành công trong việc xâm nhập vào các trường đại học của NSW [New South Wales],” ông Trần cho biết.
Các viện Khổng Tử
Ông Trần lưu ý rằng phương thức xâm nhập thành công nhất của Trung Cộng là các lớp học Khổng Tử và viện Khổng Tử, có sức hút với các trường đại học hàng đầu và các trường công lập và tư thục.
“Trung Cộng coi các viện Khổng Tử là công cụ của quyền lực mềm, là nơi xuất cảng văn hóa và ảnh hưởng của Trung Cộng, và là một cấu phần quan trọng trong chiến lược tuyên truyền quy mô lớn trên toàn cầu.
Một phần trong chiến lược tuyên truyền toàn cầu của lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình là sử dụng ảnh hưởng của nó tại phương Tây để “kể câu chuyện Trung Quốc thật hay.”
“Trên thực tế, việc kể câu chuyện Trung Quốc giống như tuyên truyền phục vụ các mục tiêu tư tưởng của Trung Cộng”, ông Louisa Lim, cựu phóng viên-giảng viên-tác giả của BBC Trung Quốc, và ông Julia Bergin, chuyên gia nghiên cứu cho kênh phát thanh “The Little Red Podcast,” đã viết trên tờ ‘The Guardian’ hôm 07/12/ 2018.
Các viện này cấm thảo luận về các chủ đề nhạy cảm như dân chủ, sự nổi lên của quân đội Trung Cộng, các vấn đề ở Tây Tạng, Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Đài Loan, vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và luật an ninh quốc gia của Hồng Kông, ông Trần cho biết.
Theo ông Trần, các học sinh của viện Khổng Từ được coi là “tài sản quý giá của Trung Cộng trong các hoạt động gián điệp và mạng lưới ảnh hưởng chính trị trong tương lai.”
“Các viện Khổng Tử là con ngựa thành Troy của Trung Cộng, được gài làm nội gián trong giáo dục đại học ở nước ngoài, chứ không phải là một hòm châu báu được chuyển giao từ Trung Cộng,” ông Trần nhấn mạnh.
Ông Peter Hoj, phó hiệu trưởng sắp tới của đại học Adelaide và là cựu phó hiệu trưởng đại học Queensland (UQ), thông báo hôm 03/02/2021 rằng UQ lẽ ra không nên chấp nhận các tài trợ môn học từ viện Khổng Tử và phủ nhận các viện này có liên hệ đến việc xây dựng các môn học.
Bị chỉ trích vì quá thân thiết với Bắc Kinh, ông Hoj nói với tờ ‘The Australian’ rằng đó là “một điều ngu xuẩn để làm.”
“Khi bạn điều hành một trường đại học, có rất nhiều thứ xảy ra trong một tổ chức với 6,000 người, hầu hết trong số họ là những chuyên gia tư tưởng độc lập. Ngay sau khi chúng tôi biết về việc đó, chúng tôi đã nói rõ: sẽ không lặp lại nữa. Đó là một điều ngu xuẩn để làm,” ông Hoj chia sẻ.
Hiệp hội sinh viên và học giả Trung Quốc
Nhánh xâm nhập thứ hai được nhận diện trong bản đệ trình, là Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA).
Theo ông Trần, có mặt ở tất cả các đại học trên khắp nước Úc, CSSA là công cụ của các cơ quan đại diện Trung Cộng ở nước ngoài để duy trì và mở rộng sự kiểm soát của Trung Cộng về tư tưởng đối với các sinh viên Trung Quốc.
Được tài trợ bởi các lãnh sự quán Trung Quốc, các nhóm mặt trận thống nhất, các quỹ đầu tư nhà nước và các tổ chức khác của Trung Cộng, các CSSA ở Úc đã thành công trong việc kiểm soát “tư tưởng” của đa số sinh viên Trung Quốc, ông Trần cho biết.
Ông Trần cũng giải thích rằng thông qua các CSSA, sinh viên Trung Quốc được tổ chức thành các nhóm chính trị tại các đại học Úc, để tiến hành các cuộc tập hợp phản đối các cuộc biểu tình chống Trung Cộng, các bài giảng và diễn đàn ủng hộ dân chủ về các vấn đề như nhân quyền ở Trung Quốc.
“Các CSSA tuân theo chỉ thị của Trung Cộng trong việc hỗ trợ chiến lược ‘tuyên truyền toàn cầu’ của Trung Cộng, và các hoạt động thu thập thông tin tình báo ở Úc,” ông Trần chỉ rõ.
Ngoài ra, ông Trần giải thích rằng có nhiều sinh viên Trung Quốc được cử sang Úc với mục đích chính là có được tư cách thường trú nhân. Và một số sinh viên được tuyển dụng bởi các đặc vụ bí mật để khai triển các hoạt động của Trung Cộng tại Úc.
Giới hạn tự do học thuật
Một điểm quan ngại khác của ông Trần là cách mà Trung Cộng có thể khiến các đại học đi theo định hướng chính trị của họ, bằng cách giới hạn các quyền tự do học thuật để đổi lại có nhiều sinh viên Trung Quốc đăng ký hơn.
“Trung Cộng sử dụng các đại học Úc để tạo ra các câu chuyện có lợi cho họ. Trung Cộng đã cử rất nhiều học giả tuyên truyền sang Úc học, và sau đó nhập quốc tịch,” ông Trần nêu rõ.
Hơn nữa, ông Trần cũng lưu ý những vụ việc từ năm 2004 đến năm 2020, các lãnh sự quán Trung Quốc đã sử dụng nhiều cách để tác động đến các đại học, nhằm giới hạn các quyền và tự do ở Úc.
Theo ông Trần, vào năm 2004, lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney đã chỉ thị CSSA tại đại học Wollongong, gây áp lực buộc đại học này gỡ bỏ một bức hình có phông nền là gian hàng sách Pháp Luân Công. Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần thiền định, mà các học viên đều sống theo nguyên lý của Chân, Thiện và Nhẫn. Môn tu luyện này hiện đang bị đàn áp ở Trung Quốc.
Vào tháng 04/2006, ông Wei Wu, là trợ giảng và là nghiên cứu sinh tiến sỹ đã bị buộc phải từ chức sau khi CSSA tổ chức một chiến dịch trên internet, “phối hợp cùng với truyền thông Trung Cộng”, để chống lại ông vì đã đăng những lời chỉ trích Trung Cộng trên nền tảng mạng xã hội tiếng Hoa Weibo.
Vào tháng 04/2013, đại học Sydney đã hủy bỏ sự kiện bài diễn văn đã có kế hoạch từ trước của Đức Đạt Lai Lạt Ma do áp lực từ lãnh sự quán Trung Quốc ở Sydney, và vào tháng 08/2020, đại học New South Wales (UNSW) đã xóa bài báo chỉ trích những vi phạm nhân quyền của Trung Cộng ở Hồng Kông sau các phản ứng dữ dội trên mạng từ các sinh viên Trung Quốc. Bài báo về sau đã được khôi phục lại sau những chỉ trích của các chính trị gia Úc và các phương tiện truyền thông.
Ông Trần cũng trích dẫn sự cố nổi bật tại đại học Queensland [UQ] vào năm 2019, khi những kẻ côn đồ ủng hộ Trung Cộng đã tấn công anh Drew Pavlou, khi đó là sinh viên, vì dẫn đầu một cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.
“[Các lãnh sự quán Trung Quốc] thường đe dọa các đại học rằng họ sẽ ngừng hợp tác về việc tuyển sinh sinh viên Trung Quốc,” ông Trần nêu rõ.
Các đại học Úc bị chỉ trích vì phụ thuộc vào nguồn sinh viên Trung Quốc, nhưng ông Peter Varghese, hiệu trưởng UQ và là cựu bộ trưởng ngoại giao và thương mại Úc, cho biết vào năm 2018 rằng “Trung Quốc đã được chứng minh là câu trả lời dễ dàng nhất cho áp lực ngân sách mà tất cả các đại học Úc đang phải đối mặt.”
Năm 2018, doanh thu từ học phí của sinh viên quốc tế đã vượt qua sinh viên nội địa, bao gồm cả HELP (Chương trình cho vay đại học). Sinh viên Trung Quốc chiếm 50% tổng số sinh viên quốc tế.
Các chương trình thu hút chất xám
Trong bản đệ trình, ông Trần cũng kêu gọi tất cả các nghị sỹ Úc đọc báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc, săn phượng hoàng, về kế hoạch ngàn nhân tài của Trung Cộng, dự án nổi tiếng nhất trong số các kế hoạch làm “thất thoát chất xám” (“brain drain”) của Trung Cộng mà Bắc Kinh sử dụng để đánh cắp tài sản trí tuệ thông qua việc tuyển dụng các nhà khoa học và học giả.
Bên cạnh việc cảnh báo rằng có nhiều chương trình tương tự khác ở Úc—như là chương trình học bổng Cheung Kong, kế hoạch ngàn tài năng trẻ, kế hoạch 111 và học bổng nghiên cứu sinh cao cấp—ông Trần lưu ý rằng Trung Cộng sử dụng liên hệ hợp tác với các nhà khoa học và chuyên gia nghiên cứu ở nước ngoài, để tiếp cận các nghiên cứu công nghệ mới và quan trọng có thể được ứng dụng trong quân sự.
“Năm 2013, đại học New South Wales [UNSW] đã bắt tay với đại học giao thông Thượng Hải thành lập Quỹ Nghiên cứu Hợp tác, để tài trợ cho một số nghiên cứu công nghệ nhạy cảm có khả năng hữu ích đối với quân đội Trung Cộng,” ông Trần dẫn chứng.
UNSW đã không trả lời yêu cầu bình luận. Các trang web của ‘Quỹ Nghiên cứu Hợp tác’, không còn được công bố trực tuyến nữa.
Caden Pearson
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: