Cựu Cảnh sát Trưởng Lý Gia Siêu đã được bổ nhiệm làm tân Trưởng Đặc khu của Hồng Kông
Tuần trước, ông Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu), Trưởng Đặc khu được chỉ định của Hồng Kông đã đến Bắc Kinh để nhận bổ nhiệm từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Lý, ứng cử viên duy nhất trong cuộc bầu cử, đã giành được 99.16% số phiếu ủng hộ và được tuyên bố là Trưởng Đặc khu thứ sáu của Hồng Kông.
Hôm 30/05, ông Lý được Thủ tướng Lý Khắc Cường trao chứng nhận bổ nhiệm của chính quyền Trung Quốc.
Buổi chiều cùng ngày, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã gặp ông Lý, ca ngợi ông là “một người ái quốc và yêu Hồng Kông,” người “kiên định lập trường, can đảm trong vai trò của mình, và tích cực trong công việc của mình”, trong khi “góp phần bảo vệ an ninh quốc gia,” và được chính quyền Trung ương “ghi nhận, tín nhiệm hoàn toàn”.
Dự kiến ông Tập sẽ tham dự lễ nhậm chức của ông Lý vào ngày 01/07, cũng ngày là đánh dấu dịp 25 năm Hồng Kông được chuyển giao chủ quyền từ Vương quốc Anh.
Ông Lý là cảnh sát đầu tiên của Hồng Kông trở thành Trưởng Đặc khu. Trong thời gian ông làm Bộ trưởng An ninh, các hành động và phương pháp thực thi của cảnh sát đã trở nên cực đoan và gây tranh cãi, đặc biệt là trong các cuộc biểu tình quy mô lớn năm 2019 phản đối việc sửa đổi luật dẫn độ cho phép nhà chức trách dẫn độ những người phản kháng ở Hồng Kông về Trung Quốc đại lục.
Các cuộc biểu tình được đặt tên là Phong trào Phản đối Dự luật Dẫn độ. Một số nghị sĩ ủng hộ dân chủ đã đặt câu hỏi về việc chính phủ sử dụng quá nhiều lực lượng cảnh sát và bắt giữ bừa bãi vào thời điểm đó.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng Lập pháp trước đó, ông Đặng Bính Cường (Chris Tang Ping-keung), Bộ trưởng An ninh đương nhiệm, cho biết tính đến tháng Hai, có tổng cộng 10,277 người đã bị cảnh sát bắt giữ liên quan đến các cuộc biểu tình Phản đối Dự luật Dẫn độ, trong đó có 2,804 người bị truy tố và 1,172 người bị kết án.
Chế độ bù nhìn
Thượng nghị sĩ Vương quốc Anh Chris Patten, vị thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông, và hiện là Hiệu trưởng danh dự của Đại học Oxford, cũng có đôi lời về cuộc bầu cử của ông Lý và tình hình của Hồng Kông.
Trong một bài xã luận trên tờ Project Syndicate hôm 25/05, ông Patten nói rằng “trong một quá trình bầu cử kỳ lạ được tô vẽ là dân chủ, gần đây Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bổ nhiệm một cựu cảnh sát, ông Lý Gia Siêu, làm Trưởng Đặc khu mới của chế độ bù nhìn của đảng này.”
“Ông Lý không chỉ là một cảnh sát già nua,” ông Patten cho biết. “Ông ta có được chức vụ này vì ông ta đã giám sát cuộc đàn áp tàn bạo năm 2019 đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông sau khi hai triệu cư dân phản đối kế hoạch của chính phủ thành phố cho phép dẫn độ các nghi phạm sang Trung Quốc đại lục.”
Ông Patten nói: “Cuộc đàn áp của ông Lý đã thay thế việc đối thoại bằng hơi cay, vòi rồng, đạn cao su, và súng bắn điện.”
Chỉ ba ngày sau khi ông Lý “được bầu”, ông Patten cũng nhận xét về vụ bắt giữ cựu Giám mục Hồng Kông Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen) hôm 11/05, gọi vị giám mục là “một trong những giáo sĩ nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất Á Châu,” cùng ba người khác. Cả bốn người này đều là ủy viên của Quỹ Cứu trợ Nhân đạo 612, quỹ này đã hỗ trợ pháp lý và tài chính cho hơn 2,200 người bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình năm 2019.
Ông Patten cho biết: “Mặc dù quỹ này đã bị siết chặt dưới áp lực của cảnh sát, nhưng vị hồng y 90 tuổi và các đồng sự của ông đã bị bắt vì bị cáo buộc thông đồng với các lực lượng ngoại quốc vi phạm luật an ninh quốc gia hà khắc của Trung Quốc.”
Kết thúc [bài xã luận], ông Patten nói: “Ngay cả khi họ chú tâm đến Ukraine, thì các nền dân chủ tự do vẫn phải tiếp tục lên tiếng chống lại sự tấn công của Trung Quốc đối với quyền tự do và pháp quyền của Hồng Kông.”
Chuyến đi Hồng Kông theo dự tính của ông Tập Cận Bình
Ông Li Xianzhi, một nhà bình luận của tờ Minh Báo ở Hồng Kông, cho biết trong một bài báo hôm 24/05 rằng, mặc dù chính quyền Hồng Kông vẫn chưa chắc chắn về việc liệu ông Tập có đến hay không, nhưng họ đã chuẩn bị cho chuyến đi của ông, viện dẫn lời của một số thành viên chủ chốt trong giới có vai vế ở Hồng Kông có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh.
Nhà chức trách Hồng Kông đang cân nhắc việc yêu cầu những vị khách có quyền tiếp cận ông Tập phải trải qua một khoảng thời gian cách ly 7 ngày trước khi tham dự sự kiện này, kể cả việc lựa chọn cách ly ở Thâm Quyến. Tuy nhiên, lựa chọn này sẽ khiến những người thân Bắc Kinh lo sợ bị mắc kẹt ở Trung Quốc đại lục trong một thời gian dài bởi chính sách zero COVID hà khắc của ĐCSTQ.
Kể từ đầu năm nay, các đợt bùng phát COVID-19 ở Hồng Kông đã dẫn đến các mức độ hạn chế khác nhau theo lệnh của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.
Nếu ông Tập thực hiện chuyến đi nói trên thì đây sẽ là lần đầu tiên ông rời Trung Quốc kể từ sau đại dịch.
Kể từ khi Anh chuyển giao Hồng Kông vào ngày 01/07/1997, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã tham dự lễ nhậm chức của tân Trưởng Đặc khu Hồng Kông cứ mỗi năm năm một lần vào đúng ngày tháng [chuyển giao] đó. Ông Tập đã tham dự lễ nhậm chức của Trưởng Đặc khu thứ năm, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), vào ngày 01/07/2017.
Bà Jennifer Bateman là một cây viết chuyên về tin tức tại Trung Quốc.