Cựu Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc có lịch sử vi phạm nhân quyền đang bị điều tra
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã đưa ông Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua), một quan chức lâu năm trong lĩnh vực an ninh công cộng của Trung Quốc, vào mục tiêu bị điều tra. Mặc dù nhà cầm quyền này không tiết lộ chi tiết về cuộc điều tra, ông Phó được biết là đã vi phạm nhân quyền trong nhiều năm.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, một cơ quan kiểm soát tham nhũng của đảng, đã đưa ra một tuyên bố ngắn vào hôm 02/10, nói rằng ông Phó bị nghi ngờ “vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật” — một cách nói thường được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để chỉ việc tham nhũng. Ủy ban này không cung cấp thêm chi tiết nào.
Ông Phó, 66 tuổi, trở thành Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc vào tháng 03/2018 về sau đã từ chức vào tháng 04/2020. Kể từ đó, ông giữ chức phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội và Pháp lý trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), một cơ quan cố vấn chính trị.
Sự nghiệp của ông trong lĩnh vực an ninh công cộng của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2010, khi ông này được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Công an thành phố Bắc Kinh. Ba năm sau, ông đảm nhận thêm hai chức vụ – thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc và thành viên của cơ quan pháp lý đứng đầu của ĐCSTQ, Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương (PLAC).
Ông đã tiếp tục đảm nhiệm vị trí ở cả Bộ Công an và Ủy ban Chính trị và Pháp luật cho đến giữa năm 2016.
Từ năm 2015 đến năm 2018, ông Phó đã lãnh đạo Phòng 610 khét tiếng của nhà cầm quyền cộng sản này – một lực lượng cảnh sát bí mật ngoài vòng pháp luật tương tự như Gestapo của Đức Quốc Xã. Được thành lập vào tháng 06/1999, phòng 610 đã và đang thực hiện các chính sách đàn áp của ĐCSTQ đối với các công dân Trung Quốc thực hành môn Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền định cùng các bài giảng về đạo đức.
Trong lúc vụ việc của ông Phu vẫn đang chờ điều tra thêm, thì nhiều quan chức ĐCSTQ đã bị thanh trừng kể từ năm 2012, thời điểm mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chiến dịch chống tham nhũng không nhân nhượng. Kể từ đó, hơn 100 “hổ và ruồi” – biệt ngữ mà ĐCSTQ dành cho các quan chức cấp cao và cấp thấp — đã bị thanh trừng vì các tội danh tham nhũng như hối lộ và tham ô. Tuy nhiên, nhà cầm quyền này đã tránh xa việc xem xét rằng các quan chức này có thể đã vi phạm nhân quyền ra sao.
Ông Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương Trung Quốc, đã bị kết án tù chung thân vào năm 2015. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Chu đã phạm tội lạm dụng quyền lực, cùng các tội danh khác, nhưng không hề đề cập đến việc dính dáng của ông này trong vấn đề lạm dụng nhân quyền.
Ông Phó đã bị Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG), một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Kỳ, chỉ đích danh về tội ác nhằm vào các học viên Pháp Luân Công của ông này, cũng như là một trong những quan chức ĐCSTQ chịu trách nhiệm cho việc đàn áp quy mô lớn đối với các luật sư của Trung Quốc trong năm 2015.
Vào ngày 09/07/2015, nhà cầm quyền Trung Quốc đã vây bắt hàng trăm luật sư và nhà hoạt động trên khắp Trung Quốc trong một cuộc đàn áp thường được gọi là “Sự kiện 709.” Một số họ hiện vẫn đang ở tù hoặc bị giam giữ, chẳng hạn như luật sư nhân quyền Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) và luật sư Thường Dĩ Bình (Chang Weiping).
Theo dữ liệu từ Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc bức hại đối với nhóm tín ngưỡng này, hàng trăm học viên Pháp Luân Công sống ở Bắc Kinh đã bị bắt cóc và hơn 60 người đã bị đưa đến các trại lao động trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2015, lúc này ông Phó là trưởng Công an thành phố Bắc Kinh. Hơn một chục học viên đã qua đời, trong số đó có ông Lý Dược Tiến (Li Yuejin).
Theo trang Minghui.org, ông Lý bị các nhân viên cảnh sát thuộc sở an ninh thành phố tại Bắc Kinh và các đồn công an địa phương khác bắt cóc vào tháng 08/2012. Sau đó ông đã bị đưa đến một trại lao động, tại đây ông đã bị bức hại vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Vào một ngày tại trại lao động, ông Lý đã bị ép buộc chích một loại chất không rõ tên khiến ông vô cùng khó chịu. Theo trang Minghui, mũi chích đó được xác định là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông vào tháng 10/2013, vài tháng sau khi ông được ân xá vì lý do y tế do sức khỏe yếu.
Hàng triệu học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động và các cơ sở khác tại Trung Quốc, trong đó hàng trăm ngàn người đã bị tra tấn trong quá trình giam giữ, kể từ tháng 07/1999, thời điểm mà cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại này, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Trong sáu tháng đầu năm 2021, ít nhất 674 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án bất hợp pháp, với bản án dài nhất là 14 năm tù.
Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: