Cựu Bộ trưởng Ngân khố: ‘70%’ khả năng suy thoái sẽ bắt đầu ở Hoa Kỳ trong năm nay
Một quan chức chính phủ dưới thời các cựu tổng thống Clinton và Obama cho biết trong một cảnh báo vào sáng hôm Chủ Nhật (16/04) rằng một cuộc suy thoái rất có thể sắp xảy ra.
Ông viết trên Twitter: “Khả năng một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu trong năm nay ở Hoa Kỳ có lẽ là khoảng 70%. Tôi nghĩ rằng điều đó đặt tôi vào phía những người có quan điểm bi quan.”
Một số nhà kinh tế gần đây đã trở nên lạc quan hơn về việc Hoa Kỳ tránh được một cuộc suy thoái tiềm ẩn sau nhiều tháng có báo cáo việc làm tích cực và các chỉ số kinh tế tương đối tích cực khác. Tuy nhiên, tâm lý tiêu cực về tình trạng của nền kinh tế lại xuất hiện sau một loạt các vụ đổ vỡ ngân hàng cùng các nỗ lực cứu trợ liên bang hồi tháng trước (03/2023).
Ông Larry Summers từng là Bộ trưởng Ngân khố dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton và từng là người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
“Đó không phải là điều mà chúng ta có thể chắc chắn, nhưng khi tôi tổng hợp các độ trễ liên quan đến chính sách tiền tệ, rủi ro khủng hoảng tín dụng, nhu cầu tiếp tục có hành động đối với lạm phát, rủi ro địa chính trị hoặc các sự kiện tiêu cực khác ảnh hưởng đến hàng hóa, 70% sẽ là phạm vi mà tôi sẽ dự đoán,” ông Summers nói với Foreign Policy vào Chủ Nhật, đồng thời cho biết thêm rằng ông tin một cuộc suy thoái sẽ xảy ra trong vòng 12 tháng tới.
Hai tuần trước (tuần lễ từ 03-06/09), một cựu Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ khác, ông Hank Paulson, đã nói với Financial Times rằng ông cũng tin là một cuộc suy thoái sẽ xảy ra do khủng hoảng ngân hàng. Khoảng một tháng trước, hai ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank đã sụp đổ, buộc Bộ Ngân khố, Cục Dự trữ Liên bang, và Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang phải can thiệp.
“Một số điều thì chúng ta biết và một số điều thì chúng ta không biết,” ông Paulson nói với tờ báo. “Những gì chúng ta biết là nếu quý vị đang điều hành một ngân hàng nhỏ hoặc ngân hàng khu vực ngay bây giờ, thì quý vị sẽ không cho vay. Các thị trường vốn đóng cửa trong hai hoặc ba tuần. Giờ các thị trường đó đang mở nhưng không đến mức như xưa. Vì vậy, tôi nghĩ rằng rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái nếu quý vị nhìn vào những gì đang xảy ra với tín dụng.”
Ông không dự đoán khi nào những yếu tố đó có thể tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ. Ông nói: “Sẽ mất một thời gian để những diễn biến đó tự biểu hiện ra.”
“Một điều khác mà chúng ta gần như chắc chắn sẽ chứng kiến là hoạt động cung cấp tín dụng sẽ dịch chuyển ra bên ngoài lĩnh vực ngân hàng đang bị quản lý,” ông Paulson nói. “Lần này khác ở chỗ sự hoảng loạn diễn ra nhanh hơn khi quý vị có mạng xã hội và Twitter, và ai biết được nó sẽ bùng phát trở lại ở đâu. Sẽ có rất nhiều sự chú ý tập trung vào Âu Châu, nơi các tổ chức tài chính không mạnh hoặc được vốn hóa tốt như ở đây.”
Các dữ liệu khác
Trong khi đó, dữ liệu của Cục Thống kê Lao động công bố hồi tháng trước cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm 236,000 việc làm trong tháng Ba trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3.5%.
Trong một cuộc khảo sát của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia (NABE) khoảng một tháng trước đó, 58% trong số 48 nhà kinh tế được hỏi đã dự đoán về một cuộc suy thoái vào năm nay, bằng tỷ lệ những người đã nói như vậy trong cuộc khảo sát của NABE hồi tháng Mười Hai (2022). Nhưng chỉ ¼ số nhà kinh tế được hỏi nghĩ rằng một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu vào cuối tháng Ba, chỉ bằng một nửa tỷ lệ đã nghĩ như vậy vào tháng Mười Hai.
Những phát hiện phản ánh một cuộc khảo sát được thực hiện trên các nhà kinh tế đến từ các doanh nghiệp, hiệp hội thương mại, và học viện đã được công bố hôm thứ Hai (10/04). ⅓ các nhà kinh tế trả lời cuộc khảo sát hiện cho rằng một cuộc suy thoái sẽ bắt đầu trong quý từ tháng Tư đến tháng Sáu. ⅕ nghĩ rằng suy thoái sẽ bắt đầu trong quý từ tháng Bảy đến tháng Chín.
Hầu hết các nhà kinh tế nói với The Associated Press vào tháng trước rằng họ nghĩ tăng trưởng đang chậm lại đáng kể trong quý hiện tại, diễn ra từ tháng Một đến tháng Ba, một phần là do Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất đều đặn trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất căn bản chín lần trong năm qua. Các nhà hoạch định chính sách của Fed đang đánh cược rằng họ có thể đạt được cái gọi là một cuộc hạ cánh mềm — tăng trưởng chậm lại vừa đủ để chế ngự lạm phát mà không đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Kết quả là chi phí đi vay tăng cao đã cản trở ngành công nghiệp nhà ở và khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp chi tiêu và đầu tư vào các giao dịch mua lớn chịu chi phí đắt đỏ hơn.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times