Cuộc xâm lược Ukraine chuyển hướng chú ý của phương Tây vào Chiến Tranh Lạnh với Nga, thay vì với Trung Quốc
NEW DELHI – Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang tái thu hút sự chú ý của thế giới vào thế cân bằng trong Chiến Tranh Lạnh cũ, khiến thế giới mất đi trọng tâm chính là nghị trình bành trướng của nhà cầm quyền Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các chuyên gia đã nói với The Epoch Times rằng cuộc tấn công vào Ukraine cho thấy sự hội tụ giữa Trung Quốc và Nga đang tạo ra những thách thức mới cho trật tự thế giới hiện có.
Bà Cleo Pascal, một phụ tá nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London, nói rằng cuộc tấn công của Nga vào Ukraine giúp ích cho Trung Quốc theo nhiều cách.
“Đầu tiên, cuộc tấn công này chuyển hướng sự chú ý của phương Tây vào Chiến Tranh Lạnh 1.0, vào Chiến Tranh Lạnh với Nga, và sao lãng Chiến Tranh Lạnh với Trung Quốc, vốn đang nhanh chóng trở nên nóng hơn một chút,” bà Pascal nói với The Epoch Times.
Cho rằng chính phủ Tổng thống Biden và các quốc gia thành viên NATO chịu trách nhiệm cho sự sao lãng chiến lược khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Madhav Nalapat — một nhà phân tích chiến lược và là phó chủ tịch của Tổ chức Nghiên cứu Tiến bộ Manipal có trụ sở tại Ấn Độ — nói rằng tình hình này đã khiến Bắc Kinh được “tự do hành động” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Nalapat nói: “Sự hồi sinh của Chiến Tranh Lạnh 1.0 (Moscow-Hoa Thịnh Đốn) — vốn lấy đi phần lớn oxy từ Chiến Tranh Lạnh 2.0 (Bắc Kinh-Hoa Thịnh Đốn) — là một sai lầm to lớn mang tính lịch sử khi nói đến các nền dân chủ.”
Mối bang giao Trung-Nga
Kể từ cuộc xâm lược, Bắc Kinh đã có bước đi ngoại giao chặt chẽ, từ chối đưa ra quan điểm chắc chắn ủng hộ bất cứ bên nào.
Bắc Kinh đã nhiều lần từ chối gọi cuộc tấn công là một “cuộc xâm lược” hoặc lên án Nga về cuộc tấn công, và thay vào đó, đổ lỗi cho Hoa Kỳ “thổi bùng ngọn lửa” chiến tranh.
Trong cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Sáu (25/02), ông Tập đã thúc giục ông Putin giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua các cuộc đàm phán.
Ông Tập mô tả cuộc tấn công này là “những thay đổi đột ngột ở các khu vực phía đông của Ukraine” và nhắc lại “lập trường căn bản của Trung Quốc luôn nhất quán trong việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước.”
Chưa đầy ba tuần trước cuộc xâm lược, ông Putin đã gặp ông Tập tại Bắc Kinh vào ngày khai mạc Thế vận hội Mùa Đông, dẫn đến việc cả hai nhà lãnh đạo đều tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn”. Ông Tập cũng lên tiếng ủng hộ việc Nga phản đối NATO mở rộng, vấn đề trung tâm của cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine; trong khi Nga ủng hộ các tuyên bố lãnh thổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Đài Loan tự trị. Hai nước cũng đã ký các hợp đồng khí đốt và dầu mỏ trị giá gần 118 tỷ USD.
Ông Frank Lehberger, một nhà nghiên cứu Hán học sống tại Đức nói với The Epoch Times rằng các nguồn tin của ông cho biết ông Tập và các quan chức cao cấp khác của ĐCSTQ trong bộ chính trị, cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng, đã tổ chức một cuộc họp bí mật trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh, nơi “đã xảy ra trận khẩu chiến giữa ông Tập và các đối thủ [của ông ấy].”
“Ông Tập buộc phải rút lại sự hậu thuẫn hoàn toàn dành cho ông Putin. Giờ đây, Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc không còn thể hiện một sự ủng hộ hoàn toàn cho cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin nữa,” ông Lehberger nói.
Khi các lực lượng Nga tiến vào thủ đô Kyiv của Ukraine hôm thứ Bảy (26/02), sau hai ngày không kích vào các thành phố và căn cứ quân sự trên khắp đất nước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã từ chối sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để tháo chạy khỏi Kyiv và nói rằng ông cần đạn chống tăng chứ “không phải là một chuyến đi nhờ.” Ông yêu cầu người dân nước mình “đứng vững” trước cuộc bao vây này.
Trong khi đó, các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc coi đây là một cơ hội để lên án Hoa Kỳ đã hành động không có trách nhiệm đối với Ukraine và sử dụng chiến tranh để đạt được nhiều lợi ích chiến lược hơn.
Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết trong một bài xã luận rằng, “Trong một thông điệp qua video Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phàn nàn rằng các nước phương Tây đã bỏ rơi Ukraine và để mặc cho Ukraine tự vệ. Một số cư dân mạng phương Tây thậm chí còn hỏi: Hoa Kỳ ở đâu sau khi đã kích động cuộc chiến này và nói rằng họ ‘đứng về phía Ukraine?’”
Tuy nhiên, ông Lehberger cho rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine là một thất bại ngoại giao đối với Bắc Kinh vì trước đó, các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần thông báo cho Trung Quốc về cuộc tấn công sắp xảy ra nhưng Bắc Kinh không tin.
Ông nói: “Ông Tập và ban lãnh đạo đã bị ‘đồng minh’ của họ là ông Putin lừa phỉnh rằng ông ấy sẽ không tấn công. Họ chế giễu người Mỹ và sau đó sau cuộc xâm lược hôm 24/02 đã khiến họ hoàn toàn sửng sốt.”
“Có 20,000 người Trung Quốc đang làm việc ở Ukraine và hiện giờ họ đang rơi vào cảnh bị tàn sát ở các mặt trận,” ông Lehberger nói, đồng thời cho biết thêm rằng những người Trung Quốc cố gắng chạy trốn khỏi Ukraine này đang treo cờ Trung Quốc trên xe hơi của họ để “chạy trốn một cách muộn màng khỏi các khu vực tàn sát trong thành phố.”
Không phận của Ukraine đã bị đóng cửa đối với tất cả các chuyến bay dân sự sau cuộc tấn công của Nga.
Ông Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru có trụ sở tại New Delhi nói với The Epoch Times rằng cuộc xâm lược của Nga diễn ra vào thời điểm khó xử đối với ĐCSTQ, khi nhà cầm quyền này dự kiến tổ chức một cuộc họp quan trọng, Đại hội Đảng, vào cuối năm nay. Ông Tập sẽ khởi động một cuộc đấu tranh chưa từng có cho nhiệm kỳ thứ ba của mình tại Đại hội.
Ông Kondapalli nói: “Nga, nước đã giúp thành lập Đảng Cộng sản [Trung Quốc] vào năm 1921, có rất nhiều đòn bẩy chính trị ở Trung Quốc và những diễn biến ở Ukraine dự kiến sẽ tác động đến các cuộc đấu tranh chính trị trong nước.”
Ông cho biết thêm, “Đã có một số nhà lãnh đạo phe phái ở Trung Quốc đang đặt câu hỏi về các hành động của Nga. Bất chấp việc kiềm chế mọi thông tin tiêu cực về Nga trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, sự bất hòa chính trị ở Trung Quốc đang gia tăng.”
Các biện pháp trừng phạt có giúp Trung Quốc?
Sau cuộc tấn công, Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, Anh, Nhật Bản, Canada, Đài Loan, và New Zealand, đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Gần đây nhất, Hoa Thịnh Đốn và các đồng minh đã ngăn chặn một số ngân hàng Nga truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, điều có khả năng giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế nước này.
Bà Pascal cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ giúp ích cho Trung Quốc vì sau khi bị phương Tây đóng cửa Nga sẽ trở nên phụ thuộc hơn vào Bắc Kinh về mặt kinh tế.
“Có lẽ đó là lý do tại sao chúng ta thấy những thỏa thuận kinh tế lớn về nhiên liệu hóa thạch này được ký kết giữa Nga và Trung Quốc vì nó mang lại cho ông Putin nguồn sống kinh tế mà ông ấy sẽ cần nếu ông định cắt đứt với phương Tây ở một số mức độ,” bà nói, khi đề cập tới cuộc gặp giữa ông Putin và ông Tập hồi đầu tháng Hai.
Hồi đầu tuần này, cơ quan hải quan Trung Quốc thông báo rằng họ đã quyết định nhập cảng lúa mì từ tất cả các khu vực của Nga. Trước đó, Trung Quốc đã hạn chế nhập cảng lúa mì từ Nga, nhà sản xuất lúa mì hàng đầu thế giới do lo ngại về một loại nấm gây bệnh.
Hôm 24/02, Thủ tướng Úc Morrison đã lên án việc Trung Quốc tự do hóa thương mại với Nga trong bối cảnh khủng hoảng.
“Vào thời điểm thế giới đang tìm cách áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga, thì họ đã nới lỏng các hạn chế đối với hoạt động giao thương lúa mì của Nga vào Trung Quốc,” ông Morrison cho biết tại một cuộc họp báo.
“Quý vị không thể đi qua và ném một chiếc phao cứu sinh cho Nga ngay giữa lúc họ đang xâm lược một quốc gia khác. Đơn giản là điều đó không thể chấp nhận được.”
Tuy nhiên, ông Lehberger nói rằng cả Nga và Trung Quốc đều là những quốc gia cơ hội và các lệnh trừng phạt không nhất thiết sẽ có lợi cho Trung Quốc.
“Trung Quốc ngang ngược sẽ cố gắng bóp nghẹt mọi hình thức nhượng bộ đối với một nước Nga đang suy yếu và bị tẩy chay. Họ luôn luôn làm điều này khi họ đánh hơi thấy điểm yếu bất kể quý vị có là bằng hữu hay đồng minh,” ông nói và cho biết thêm rằng, “ông Putin không khá hơn, ông ta đã lừa dối người bạn thân nhất của mình là ông Tập trong cuộc xâm lược này, và lừa dối rốt ráo đến mức ông [Tập] không tin tưởng vào bất kỳ thông tin trung thực nào mà ông Biden đã cung cấp cho ông ấy.”
Hai ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc, Ngân hàng Trung Quốc và các chi nhánh ngoại quốc của Ngân hàng Công thương Trung Quốc cho biết hôm 25/02 rằng họ đã hạn chế tài chính với các giao dịch mua hàng của Moscow, sau thông báo về các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Lehberger nói: “Trung Quốc đã đánh hơi thấy điểm yếu của Nga ba ngày sau cuộc chiến.”
Theo ông Kondapalli, do mối quan hệ kinh tế quan trọng của Trung Quốc với phương Tây, việc giúp Nga né tránh tác động của các lệnh trừng phạt có thể không nằm trong lợi ích của Bắc Kinh.
Ông nói: “Mặc dù Trung Quốc đã công bố chiến lược ‘lưu thông kép’ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất cảng, nhưng quá trình này có thể mất nhiều thời gian hơn và do đó tác hại từ Ukraine là một vấn đề lớn.”
“Hợp tác với Nga có thể làm tăng thêm phí tổn cho Trung Quốc khi cơ chế trừng phạt được tăng cường,” ông Kondapalli cho biết thêm.
Các biện pháp trừng phạt đối với Nga cũng đã khiến giá dầu tăng từ 94 USD/thùng lên 100 USD/thùng và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường phụ thuộc vào nhập cảng của Trung Quốc.
Ông Kondapalli cho biết: “Nhập cảng năng lượng của Trung Quốc phải đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung bền vững và giá cả phải chăng trong tương lai gần.”
Làm suy yếu phương Tây
Các nhà phân tích cho biết, mặc dù Nga và Trung Quốc không phải là bằng hữu thân thiết trong mọi trường hợp, nhưng họ có lợi ích chung là làm suy yếu phương Tây và sự hội tụ của họ sẽ tạo ra những thách thức mới cho các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn dựa vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc.
Bà Pascal nói rằng bà dự đoán cả Trung Quốc và Nga đều sẽ hỗ trợ lẫn nhau về mặt chiến thuật vì các lợi ích trải dài trên nhiều lĩnh vực của họ.
Bà nói: “Ở đây Nga nhận được một kiểu hỗ trợ ngầm nào đó ít nhất về mặt kinh tế hoặc về mặt kinh tế cho các cuộc xâm lược vào Âu Châu. Trên thực tế, Nga không phải trả bất kỳ chi phí nào cho việc này. Và tương tự, tôi kỳ vọng rằng họ sẽ không phản đối các hành động của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.”
Theo bà Pascal, mặc dù lợi ích của Nga và Trung Quốc không trùng lặp trong nhiều lĩnh vực, nhưng họ có chung một lợi ích là làm suy yếu phương Tây.
Bà nói: “Bất cứ điều gì khiến phương Tây suy yếu, đều là lợi thế cho cả Nga và Trung Quốc. Vì vậy, cho dù Trung Quốc đang làm suy yếu phương Tây hay Nga làm suy yếu phương Tây, thì điều đó đều có lợi cho họ.”
Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: