Cuộc vật lộn của doanh nghiệp nhỏ
Các chủ doanh nghiệp nhỏ đang phải vật lộn để sống sót sau đại dịch và các đợt đóng cửa do chính phủ áp đặt. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp nam da trắng còn có một vấn đề khác. Trong khi các chính trị gia đang cung cấp các khoản vay và trợ cấp cho các doanh nghiệp do phụ nữ hoặc người thuộc sắc tộc thiểu số làm chủ, họ có thể ít quan tâm hơn đến việc giúp đỡ nam giới da trắng.
Tiếp theo là gì? Giảm thuế cho phụ nữ và người thuộc sắc tộc thiểu số, và áp tỷ lệ thuế cao hơn cho nam giới da trắng? Các chương trình của chính phủ không được phân biệt đối xử. Tất cả chúng ta đều phải bình đẳng theo luật pháp.
Hãy nói điều đó với Tổng thống Joe Biden, người đã thắng cử với những lời hứa sẽ thống nhất. Kế hoạch dài 27 trang của ông để “xây dựng lại tốt đẹp hơn bằng cách tăng cường công bằng chủng tộc” đề nghị hàng chục chương trình do người đóng thuế tài trợ cho các doanh nghiệp “do người Da màu làm chủ” và không đề cập đến các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người da trắng. Điều đó nhất định gây ra sự phẫn nộ về chủng tộc.
Ông Biden cam kết thu hẹp khoảng cách giàu có và thu nhập giữa người da trắng và người thuộc sắc tộc thiểu số. Hoan hô! Ai có thể tranh luận với việc muốn tất cả người dân Hoa Kỳ thành công? Vấn đề là làm thế nào. Ông Donald Trump đã thu hẹp khoảng cách bằng cách thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, và không sử dụng các chương trình cụ thể về chủng tộc.
Vào năm 2019, trước khi xảy ra đại dịch, khoảng cách thu nhập giữa người da trắng và người thuộc sắc tộc thiểu số đã giảm xuống, và tỷ lệ nghèo đói ở người da màu và người gốc Tây Ban Nha giảm xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận. Sở hữu nhà và giá trị ròng của người da màu và người gốc Tây Ban Nha tăng lên. Tất cả đạt được mà không cần sự trợ giúp của chính phủ dựa trên màu da và sắc tộc.
Mặt khác, kế hoạch của ông Biden hầu như không đề cập đến sự tăng trưởng. Cách tiếp cận của ông là gian lận hệ thống—nhắm mục tiêu có lợi cho các nhóm được ưu ái.
Một số tiểu bang do Đảng Dân Chủ kiểm soát cũng đang đặt vấn đề chủng tộc và giới tính lên trên sự công bằng. Hồi tháng 5/2020, Thống đốc New York Andrew Cuomo đã ra mắt Quỹ cho vay chuyển tiếp New York (New York Forward Loan Fund) “tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ và người thuộc sắc tộc thiểu số”. Chương trình yêu cầu 60% các khoản vay do người đóng thuế tài trợ cho các doanh nghiệp do phụ nữ và người thuộc sắc tộc thiểu số làm chủ, gấp đôi tỷ trọng của họ trong tổng thể các doanh nghiệp của tiểu bang. Điều đó khiến các chủ doanh nghiệp nam da trắng gặp bất lợi. Điều đó có thể là vi hiến—vi phạm sự bảo đảm của Tu chính án thứ 14 rằng tất cả chúng ta đều được đối xử bình đẳng.
Khi các chính trị gia tiểu bang Oregon dành một khoản tiền cứu trợ COVID-19 cho cư dân da màu và chủ doanh nghiệp da màu, một chủ công ty khai thác gỗ da trắng đang mất tiền vì các lần phong tỏa đã kiện tiểu bang và thành công khiến chương trình phân biệt đối xử tạm dừng cho đến khi vụ việc được quyết định.
Tương tự, khi Colorado chỉ trao quỹ cứu trợ COVID-19 cho các doanh nghiệp của người thuộc sắc tộc thiểu số, một chủ tiệm hớt tóc da trắng đã khởi kiện, đòi quyền được đối xử bình đẳng theo luật pháp của mình.
New Jersey hiện đang xem xét luật cung cấp 50 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp của người thuộc sắc tộc thiểu số trong khi từ chối tài trợ trợ giúp cho các doanh nghiệp không phải của người dân tộc thiểu số. Nếu luật này được chuẩn y, họ cũng nên bị kiện.
Các doanh nghiệp thuộc sở hữu của người thuộc sắc tộc thiểu số đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đại dịch, nhưng có nhiều cách để giúp đỡ mà không phải kêu gào “người da trắng không cần được viện trợ.”
Khi đợt cho vay đầu tiên của Chương trình Bảo vệ tiền lương được khai triển vào mùa xuân năm ngoái (2020), các doanh nghiệp nhỏ không có mối liên hệ sẵn có với ngân hàng đã gặp khó khăn khi đăng ký, bao gồm nhiều doanh nghiệp do người thuộc sắc tộc thiểu số sở hữu. Nhưng đến cuối mùa hè, vấn đề đó phần lớn đã được giải quyết bằng các nỗ lực tiếp cận cộng đồng. Dữ liệu liên bang cho thấy tính đến ngày 01/12, hơn một nửa số tiền tài trợ Bảo vệ tiền lương đã được chuyển đến các doanh nghiệp ở những vùng lân cận có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã đề nghị “hoa tiêu” (“navigator”, một thuật ngữ trong lĩnh vực kinh tế) để hướng dẫn cho các chủ doanh nghiệp ít hiểu biết nhất về ngân hàng thông qua quy trình đăng ký khoản vay. Đó cũng là một ý kiến hay.
Viện trợ trước hết nên đến với các doanh nghiệp hỗ trợ việc làm, bất kể chủ sở hữu thuộc chủng tộc nào. Khoản cứu trợ COVID-19 được cho là để bảo vệ tiền lương. Đáng kinh ngạc là 2.1 triệu trong số 2.6 triệu doanh nghiệp do người da màu làm chủ trên toàn quốc không có nhân viên mà chỉ có chủ sở hữu, theo hiệp hội doanh nghiệp của người da màu Hoa Kỳ (U.S. Black Chambers). Ủng hộ các doanh nghiệp không có công nhân chỉ đơn giản vì họ thuộc sở hữu của người thuộc sắc tộc thiểu số, mà không ưu tiên các doanh nghiệp có nhân viên, là điều ngớ ngẩn. Chương trình cho vay tập trung vào người thuộc sắc tộc thiểu số của ông Cuomo gặp phải vấn đề đó.
Quốc hội hiện đang soạn thảo dự luật cứu trợ COVID-19 tiếp theo. Để thúc đẩy đoàn kết dân tộc và đối xử bình đẳng với tất cả người dân Hoa Kỳ, các nhà lập pháp cần cung cấp sự trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ mà không phân biệt chủng tộc hay giới tính. Các doanh nghiệp chứng minh được nhu cầu lớn nhất nên nhận được sự trợ giúp. Ngay cả đối với những doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhóm người bị ghét bỏ về mặt chính trị đó là: nam giới da trắng.
Tiến sĩ Betsy McCaughey, là một nhà bình luận chính trị, chuyên gia hiến pháp, nhà báo đa kênh và là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm “The Obama Health Law: What It Says and How to Overturn” và “The Next Pandemic.” Bà cũng là một cựu phó thống đốc New York.
Góc nhìn được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Betsy McCaughey thực hiện
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: