Cuộc thi viết luận về Hoa Kỳ: Từ hát những bài hát ‘Đỏ’ đến sống với giấc mơ Hoa Kỳ của tôi
Tôi sinh ra ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, ngay trước khi bắt đầu cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao. Tôi sống với cha mẹ và hai em trai trong dãy nhà nền đất thuộc sở hữu chính phủ cùng với bảy gia đình khác.
Chúng tôi ở hai phòng nhỏ và dùng một ngăn bếp ở bên ngoài mà cha tôi tự xây. Trong nhà không có hệ thống nước hay sưởi. Tám gia đình chúng tôi sống trong dãy nhà dùng chung một máy bơm nước và một phòng tắm ở ngoài.
Cuộc sống khi đó đối với chúng tôi mà nói là rất khó khăn. Cha mẹ tôi là những người ít học. Mặc dù họ làm việc sáu ngày một tuần trong một nhà máy của nhà nước, nhưng chúng tôi vẫn phải dựa vào phân phối thực phẩm. Vì cha mẹ tôi là công nhân bình thường nên gia đình chúng tôi chỉ được phép nhận mức tối thiểu gạo, thịt, đường, v.v.
Khi lên 6 tuổi, tôi háo hức đến trường đến nỗi cha mẹ phải mua chuộc tôi bằng một vé xem phim để giữ tôi ở nhà thêm một năm trông chừng em trai út. Cha mẹ tôi không đủ khả năng chi trả chi phí trông trẻ của nhà máy.
Tôi bắt đầu đi học năm 7 tuổi. Sau 5 năm học được rèn dũa ở trường trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa – viết nhật ký học thuyết, học thuộc các câu danh ngôn của Mao, hô vang “Chủ tịch Mao muôn năm” và “Trung Cộng muôn năm”, đọc thuộc lòng các khẩu hiệu chính trị, hát các bài hát “Đỏ” – tôi thực sự tin rằng Mao là một vị Chúa, nhà lãnh tụ tối cao của chúng tôi và Đảng Cộng sản đã cứu Trung Quốc. Tôi cũng được dạy để tin rằng tất cả những người xấu nên bị loại bỏ.
Sự qua đời của Mao năm 1976 khiến tôi thấy mất mát và bi quan. Vì các trường cao đẳng được mở lại, nên ở tuổi 14 tôi đã hy vọng và mơ một ngày nào đó mình sẽ vào được trường đại học tốt nhất. Năm 17 tuổi, tôi chọn Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải để theo học luật, với tham vọng biến Trung Quốc từ một xã hội do nam giới cai trị thành một xã hội được cai trị bởi luật pháp.
Tại Phúc Đán, tôi rất thất vọng khi biết rằng ngành luật mà tôi đang học dựa trên mô hình của Liên Xô: “Pháp luật là một công cụ được giai cấp thống trị sử dụng để cai trị quần chúng”. Tôi nghĩ luật pháp vốn dĩ là để đưa ra công lý! Một lần nữa, tôi không biết phải tin vào điều gì và sống để làm gì. May mắn thay, tôi đã kết bạn với các sinh viên ngoại quốc và có thể học hỏi từ họ về thế giới bên ngoài Trung Quốc như thế nào.
Sau đó, một sinh viên trao đổi đến từ Hoa Kỳ đưa cho tôi xem một bản bỏ túi của “Tuyên ngôn Độc lập”. Ngay cả với khả năng tiếng Anh hạn chế của mình, tôi vẫn có thể hiểu được những câu này: “Chúng tôi coi những sự thật này là hiển nhiên…” Tôi chưa bao giờ nghe thấy những ngôn từ đẹp đẽ như vậy trước đây. Những tia sáng hy vọng đã lóe lên.
Tôi chỉ được dạy về các quyền theo nghĩa tập thể, không bao giờ biết rằng các quyền cá nhân là một món quà mà Đấng Tạo hóa đã ban cho tôi. Trong lớp học, tôi bắt đầu dùng những từ ngữ và những khái niệm đó khi tranh luận với các giáo sư của mình, và sau đó là khi tranh luận với các Bí thư Đảng ủy Đảng Cộng sản sau khi tôi trở thành giảng viên của trường luật Phúc Đán.
Tâm trí tôi được khai mở và đôi mắt tôi rực sáng. Tôi không thể quay lại lối suy nghĩ và lối sống cũ của mình dưới chế độ độc tài của Trung Cộng. Tôi đã có một ước mơ mới: Tôi muốn đến Hoa Kỳ, nơi mà mọi người có quyền cá nhân không thể bị tước đoạt bởi chính phủ của họ hay bất kỳ nhóm người nào khác.
Cuối cùng vào năm 1988, tôi đã đến được Hoa Kỳ với tư cách là một sinh viên cao học tại Đại học Texas cùng với việc không có gì ngoài một vài bộ y phục và những đồ vật kỷ niệm. Mặc dù tôi nói tiếng Anh rất kém, nhưng tất cả những người ở Texas đều rất chào đón và tử tế với tôi. Các nhân viên trong trường cao học của chúng tôi đã tặng quần áo và đồ gia dụng cho tôi, và các bạn cùng lớp đã giúp tôi học cách ghi chép trên lớp và học tiếng Anh. Hàng xóm của tôi sẽ nói “Xin chào” với tôi và đề nghị đưa tôi đi mua sắm.
Kể từ đó, tôi thích sống ở đất nước tuyệt vời này: lấy bằng tốt nghiệp, kết hôn, nuôi dạy ba đứa con, bắt đầu kinh doanh riêng, tìm kiếm sự thật, tìm hiểu thêm về đất nước mới của tôi và các nguyên tắc thành lập của nó, thoát khỏi sự truyền bá của Trung Cộng, đã trở thành công dân Hoa Kỳ nhập tịch, tham gia vào cộng đồng địa phương của tôi, bao gồm cả trường bán công của con tôi, làm chứng trước Hạ viện và Thượng viện Colorado, và tranh cử hai nhiệm kỳ. Trong ba năm qua, tôi đã đi khắp đất nước để chia sẻ những câu chuyện cá nhân của mình và giáo dục giới trẻ của chúng ta về chân tướng của Chủ nghĩa Cộng sản.
Tôi rất may mắn khi ở Hoa Kỳ. Hiện nay, tôi tiếp tục quản lý công việc kinh doanh mà tôi đã khởi dựng, và tận hưởng sự tự do, độc lập và thịnh vượng mỗi ngày mà tôi đã tìm thấy ở Hoa Kỳ. Tôi yêu đất nước mới của mình và thường xuyên đi khắp đất nước để chia sẻ câu chuyện về Giấc mơ Hoa Kỳ của tôi. Tôi muốn gìn giữ và bảo vệ Hoa Kỳ với tư cách là “Ngọn Hải đăng Hy vọng” cho các con tôi, cho những người dân, và cho tất cả những người yêu tự do trên thế giới.
Cô Lily Tang Williams, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc; là một sinh viên tốt nghiệp trường luật và là cựu giảng viên của Khoa Luật Đại học Phúc Đán; từng là giám đốc điều hành công ty ở Hồng Kông và Denver; là một doanh nhân, chuyên gia giáo dục, và diễn giả chuyên nghiệp; và hiện đang sống ở New Hampshire cùng với chồng.
Bài luận này đã được gửi đến cuộc thi “Vì sao tôi yêu Hoa Kỳ” của The Epoch Times.