Cuộc thi viết luận văn về Hoa Kỳ: Trở về để có một tương lai tươi sáng
Sinh ra và lớn lên ở Mexico, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ mọi thứ và mọi người tôi quen biết để đến một miền đất lạ — cho đến khi tôi yêu một người sinh ra tại Hoa Kỳ và theo anh đến đất nước của anh. Tôi không biết rằng mình đã may mắn đến nhường nào.
Ngay lập tức, tôi thấy rằng Hoa Kỳ không phải như những gì tôi đã được nghe nói — một quốc gia ích kỷ, kiêu ngạo, khao khát quyền lực và kiểm soát thế giới. Tôi đã ngạc nhiên trước số lượng người dân Hoa Kỳ tình nguyện đi ra nước ngoài và dành thời gian của họ, đôi khi ngay cả cuộc sống của họ, để giúp đỡ những người khác. Rất nhiều viện trợ tài chính từ đất nước này đã chảy đến khắp nơi trên thế giới, hầu hết từ túi tiền của chính những người dân Hoa kỳ. Trước mắt tôi là một quốc gia thiện lương. Ác ma ngược đãi hóa ra lại là một thiên thần chuyên đi giúp đỡ người khác.
Những điều kiện sống ở đây cũng khiến tôi ấn tượng. Ở đất nước này, ngay cả khi không có giáo dục đại học, bất kỳ ai cũng có thể kiếm sống thoải mái. Bất cứ ai sẵn sàng làm việc chăm chỉ cũng có thể đủ khả năng để sở hữu một ngôi nhà. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất là nghe mọi người nói về suy nghĩ của họ mà không sợ bị tống vào tù, hay thậm chí bị sát hại. Đương nhiên với tôi thì phần còn lại của cuộc đời mình sẽ tốt hơn khi ở đây, nơi có cơ hội, nơi có sự tốt lành, nơi tôi có thể được tôn trọng như một con người.
Sau khi có được quyền công dân, tôi quyết định tìm hiểu lịch sử của mảnh đất nơi tôi sinh sống. Hoa Kỳ đã khiến tôi ngạc nhiên thêm một lần nữa. Câu chuyện về sự ra đời của quốc gia này giống như một bộ phim phiêu lưu ly kỳ. Tôi ngạc nhiên trước sự can đảm của những người yêu nước đứng lên chống lại Hoàng gia Anh đầy quyền lực, quốc gia siêu cường vào thời của họ. Tôi ngưỡng mộ sự trung thực của họ để tập trung vào những gì tốt cho người dân sau khi giành được độc lập, thay vì tranh giành quyền lực với nhau, như thường xảy ra khi một quốc gia giành được độc lập từ một quốc gia khác.
Càng tìm hiểu lịch sử càng làm tôi tăng sự ngưỡng mộ của mình đối với đất nước này. Và rồi có một lần, sau khi xem một chương trình truyền hình về cuộc chiến giành độc lập, chồng tôi nói rằng, “Em biết không, anh tin rằng Thiên Chúa đã trợ giúp trong việc sáng lập ra quốc gia này. Những con người đó, những người Cha Lập Quốc, đã không có lấy một cơ hội — họ thiếu các phương tiện, họ mặc quần áo tồi tàn, đói khát — và dựa vào tất cả những thứ thô sơ đó họ đã chiến thắng.”
Khoảnh khắc đó, tôi đã [thực sự] mở rộng tầm mắt của mình, và cuối cùng tôi nhận ra một sự thực đằng sau một sự thực khác. Những người Cha Lập Quốc không chỉ là những người hùng của một câu chuyện phiêu lưu, mà họ còn là công cụ của Thiên Chúa để tạo ra một nơi trên trái đất, nơi mà tự do có thể trở thành sự thực.
Thông điệp “Chúng con Tin vào Thiên Chúa” từng khiến tôi phải suy nghĩ. Tại sao một quốc gia không phải là thần quyền lại in dòng chữ này trên tờ tiền của họ? Tôi đã cho rằng đó chỉ là những mỹ từ tốt đẹp.
Tuy nhiên, bây giờ tôi thấy rằng ý nghĩa của thông điệp này còn nhiều hơn thế. Những ngôn từ ấy là bản chất của quốc gia này, là nền tảng mà quốc gia vĩ đại này dựa vào. Đó là lý do tại sao có sự cảm thông và lòng tốt ở vùng đất này, và tại sao chúng ta có thể bày tỏ suy nghĩ của mình mà không phải sợ hãi, và tại sao quốc gia này đã thịnh vượng và phát triển mà không một quốc gia nào khác có được. Ở đây, không giống như những nơi khác trong lịch sử, Thiên Chúa là đức tin. Và ý chí của Ngài là cơ sở cho bản Hiến pháp.
Đó là lý do tại sao tôi yêu Hoa Kỳ — nơi này đã cho tôi cơ hội để trải nghiệm ở một mức độ nào đó về sự hiển hiện của Thiên Chúa.
Hoa Kỳ, quốc gia kính Chúa mà tôi yêu mến, giờ đây đang trải qua quãng thời gian khó khăn. Sự tồn tại của quốc gia này đang bị đe dọa. Nếu chúng ta muốn tồn tại như một quốc gia, chúng ta cần phải quay trở lại và trung thành một cách kiên định vào những lý tưởng đã sản sinh ra chúng ta, rằng tất cả mọi người được tạo ra bình đẳng, và rằng quyền bất khả xâm phạm của chúng ta đến từ Thiên Chúa. Chúng ta cần phải quay trở lại và khắc ghi trong tâm mình câu thần chú “Chúng con Tin vào Thiên Chúa”, giống như chúng ta làm với đồng tiền của chúng ta.
Sinh trưởng ở Mexico, tôi đã bi quan với tương lai của mình, bởi vì tôi không thấy gì ngoài việc vật lộn với cuộc sống với rất ít hy vọng về sự tưởng thưởng [cho một tương lai tươi sáng]. Và rồi một cánh cửa đã mở ra. Tôi bước qua, và nghĩ rằng mình đã ra khỏi nhà. Thật là một bất ngờ thú vị khi nhận ra kỳ thực là tôi đang trở về nhà.
Bây giờ tôi có tự do — tự do đến và đi, làm và không làm, tự do hiểu, tự do yêu thương. Một sự thật minh bạch là tự do tương đương với quyền lực. Tôi có quyền lựa chọn một tương lai tươi sáng cho bản thân mình, và cho đất nước của tôi. Tôi là một trong những người tự do, và quý vị cũng như thế.
Bà Nancy Simpson là một thông dịch viên tiếng Tây Ban Nha, một nghệ sĩ, và là đồng tác giả của một cuốn sách do bà tự xuất bản, “The View from Sawyer Canyon.” Bà hiện đang tận hưởng giấc mơ Hoa Kỳ gần Elephant Butte, New Mexico, trong một ngôi nhà kiểu adobe house (làm từ gạch sống) do bà và chồng cùng xây dựng.
Bài viết này đã đạt giải tại cuộc thi viết luận văn “Vì sao tôi yêu Hoa Kỳ” của The Epoch Times.