Cuộc tấn công của những người cấp tiến chống lại chủ nghĩa liên bang
Nguyên tắc hoạt động của liên bang là một phần quan trọng của hệ thống kiểm tra và cân bằng mà những nhà sáng lập [quốc gia] đã tạo ra. Xu hướng tự nhiên là quyền lực ngày càng tập trung vào chính phủ liên bang. Những nhà sáng lập hy vọng sẽ tiết giảm xu hướng tập trung hóa thông qua chủ nghĩa liên bang—một thỏa thuận chính trị trong đó quyền lực chính phủ được phân chia giữa một bên là các chính quyền tiểu bang, quận, địa phương và một bên là chính phủ liên bang ở Hoa Thịnh Đốn.
Những người “cấp tiến” đã ủng hộ việc tăng quyền hạn của chính phủ liên bang/quốc gia trong hơn một thế kỷ qua. Họ đã ghi được một chiến thắng quan trọng vào năm 1913 khi quốc gia thông qua Tu chính án Thứ 17. Điều đó đã chấm dứt thông lệ các cơ quan lập pháp tiểu bang bổ nhiệm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, thay thế nó bằng cuộc bầu cử của dân bầu ra các thượng nghị sĩ. Cuộc cải cách đó đã loại bỏ một đòn bẩy quan trọng mà các cơ quan lập pháp tiểu bang đã có đối với chính phủ liên bang, làm suy yếu quyền lực các tiểu bang trong khi gia tăng quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn.
Ngày nay, chủ nghĩa liên bang đang bị Đảng Dân Chủ/[đảng] những người cấp tiến/[đảng] xã hội chủ nghĩa tấn công toàn diện. Tin rằng chính phủ ở Hoa Thịnh Đốn phải chịu trách nhiệm và do đó được trao quyền để bảo đảm phúc lợi kinh tế của tất cả công dân, những người cấp tiến ngày nay đang tìm cách tập trung quyền lực hơn nữa ở Hoa Thịnh Đốn, chuyển đổi đặc tính từ chính phủ liên bang thành chính phủ quốc gia. Họ hình dung Hoa Thịnh Đốn như một hố đen chính trị thu hút mọi quyền lực vào chính nó.
Mục tiêu tập trung quyền lực được thể hiện qua một số sáng kiến hiện nay của Đảng Dân Chủ: quốc hữu hóa luật bầu cử, chính sách tài khóa của chính quyền địa phương và mở rộng đáng kể quyền kiểm soát quốc gia đối với giáo dục.
Hãy xem xét ngắn gọn từng chi tiết của các chương trình này:
1. Thay đổi bầu cử
Nhiều nhà bình luận đã chỉ rõ tại trang báo này rằng các dự định phi dân chủ để tiến hành các cuộc bầu cử người đại diện vào các văn phòng liên bang theo cách ủng hộ một đảng. Cách các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ đã thực hiện điều này thật quá đỗi trơ trẽn.
Phải kể đến trường hợp mang tính biểu tượng lớn trong thực tế là đề nghị áp đặt các quy tắc quốc gia đối với các cuộc bầu cử tiểu bang được thể hiện trong H.R. 1. Dự luật đầu tiên được đệ trình khi Hạ viện mới được triệu tập hai năm một lần, được trao vị thế đặc biệt gọi là Số Một. Khi phiên họp Hạ viện lần thứ 117 được triệu tập vào tháng 01/2021, đất nước phải đối mặt với một đại dịch nghiệt ngã và mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Cộng. Đó lẽ ra là những vấn đề xứng đáng để được đánh dấu là H.R. 1., nhưng Đảng Dân Chủ đã bỏ qua. Một H.R. 1 tiềm năng khác cho sự lãnh đạo của Đảng Dân Chủ có thể là một kế hoạch cứu thế giới khỏi biến đổi khí hậu. Nhưng có thể các đảng viên Đảng Dân Chủ không tin rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa hiện hữu và có lẽ họ khẳng định là như vậy, bởi vì họ cũng đã bỏ qua vấn đề này.
Không, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và các đồng minh của bà là sửa lại các thủ tục bầu cử của tiểu bang (mặc dù quyền lực đó thuộc về các tiểu bang theo Hiến pháp) để cho phép đảng của bà giành được đa số vĩnh viễn. Để tăng thêm sự xúc phạm cho những gì đã làm, họ đã lớn tiếng gọi đó là “Đạo luật Vì Nhân dân.” Thật là những lời bỡn cợt! Phiên bản của họ về “quyền lực cho nhân dân” cũng giống như những người cộng sản đã làm: cống hiến cho nhân dân bằng những lời hứa suông và sau đó, khi đã đạt được quyền lực, thì ra lệnh cho họ phải sống như thế nào.
2. Kiểm soát chi tiêu của tiểu bang
Đảng Dân Chủ đã dùng “cứu trợ COVID-19’ là cái cớ để cứu trợ các đồng minh chính trị của họ ở các tiểu bang màu xanh (theo Đảng Dân Chủ) đã chi tiêu quá mức và hứa suông quá nhiều trong nhiều năm. Vì các chính phủ tiểu bang, không giống như ‘Chú Sam,’ không có ngân hàng trung ương có thể in tiền từ con số không và cung cấp cho họ một chi phiếu khống để chi tiêu vượt quá khả năng kiếm ra tiền của họ. Tôi đã giả định rằng cuối cùng các chính phủ tiểu bang đó sẽ phải đối mặt với thực tế tài chính và kiềm chế chi tiêu của họ. Giờ đây, Hạ viện đã cho thấy rằng họ sẽ cứu trợ các chính quyền tiểu bang dối trá, không có lý do gì để các chính phủ đó thực hiện hạn chế tài khóa.
Thêm một đặc điểm của việc cứu trợ nhà nước gần đây đó là Hạ viện đã dành 350 tỷ USD [để cứu trợ các chính quyền tiểu bang] từ Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ trị giá 1.9 nghìn tỷ USD, quả thực không giống với việc cứu trợ. Tại thời điểm Hoa Thịnh Đốn cấp các khoản tài trợ cho chính quyền tiểu bang, các chính quyền này ở trong tình thế khá “kỳ lạ”—tức là họ có ngân sách thặng dư. Ví dụ như California, được trợ cấp khoảng 26 tỷ USD khi ngân sách tiểu bang của họ thặng dư 75 tỷ USD, và 16 tỷ USD khác được chuyển đến các quận và thành phố của California.
3. Kiểm soát các chính sách thuế của tiểu bang
Một đặc điểm của Đạo luật Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ là điều kiện để đổi lấy viện trợ liên bang, chính quyền các tiểu bang bị cấm thực hiện bất kỳ hình thức cắt giảm thuế nào, ứng trước hoặc giảm trừ thuế. Sự thù địch của cánh tả đối với bất kỳ hình thức cắt giảm thuế là quá rõ. Nhiều người lo sợ rằng các tiểu bang có thể “kiếm chác” được tiền của Chú Sam bằng cách giảm thuế của chính họ một số tiền tương ứng. Theo một nghĩa nào đó, điều này có ý nghĩa. Tại sao chính quyền tiểu bang lại ngồi trên đống thặng dư thay vì phân chia phần tiền dư dả cho những người làm việc vất vả để họ có thể trả các hóa đơn của chính phủ?
Tôi đồng ý rằng theo hệ thống liên bang của chúng ta, người nộp thuế liên bang không nên trả tiền cho các khoản chi tiêu của tiểu bang, điều chỉ mang lại lợi ích cho cư dân của các tiểu bang nói trên. Tuy nhiên, giải pháp chính đáng và thực sự đúng đắn là chính phủ liên bang hoàn toàn không được chuyển tiền cho chính quyền tiểu bang chi tiêu, chứ không phải là trao tiền cho họ và sau đó giành quyền kiểm soát các chính sách thuế của tiểu bang.
Cách thích hợp của chủ nghĩa liên bang là để các tiểu bang cạnh tranh với nhau về các lợi ích họ cung cấp và thuế họ áp dụng, sau đó xem mọi người sẽ chọn sinh sống ở đâu. Như chúng ta đã thấy trong nhiều năm nay, xu hướng của người Mỹ là dịch chuyển từ các tiểu bang có mức thuế cao sang sống ở các tiểu bang có mức thuế thấp. (Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi rất nhiều người trong số đó đã bỏ phiếu ủng hộ những chính trị gia theo chính sách chi tiêu cao, thuế cao, những người đã đẩy họ ra khỏi tiểu bang cũ của họ).
4. Mở rộng kiểm soát quốc gia đối với giáo dục
Cuộc tấn công thứ tư mà những người theo chủ nghĩa xã hội hay những người cấp tiến của Đảng Dân Chủ đang thực hiện chống lại chủ nghĩa liên bang là những nỗ lực nhằm quốc hữu hóa nền giáo dục. Theo truyền thống, giáo dục được địa phương hóa. Việc tập trung hóa giáo dục vào tay chính phủ quốc gia (kế hoạch thứ mười của Marx trong cương lĩnh mười điểm của ông ta trong “Tuyên ngôn Cộng sản” về cách áp đặt chủ nghĩa xã hội một cách dân chủ) có những tác động đáng ngại.
Ví dụ, trong 30 năm qua, chính phủ quốc gia đã quyết định học sinh Hoa Kỳ được học những gì về môi trường. Kết quả là tạo ra một loạt những đứa trẻ buồn chán tin vào phiên bản ma quỷ của riêng chúng—ví dụ như chúng ta đang nhanh chóng tiếp cận thảm họa hoặc tiến đến diệt vong do biến đổi khí hậu mà con người gây ra.
Bây giờ họ muốn đi xa hơn nữa. Đầu tiên, những người cấp tiến muốn truyền dạy cho trẻ em thuyết chủng tộc trọng yếu (critical race theory) hay là “Dự án 1619” bóp méo lịch sử một cách trơ trẽn—một trò lừa đảo tồi tệ được thiết kế để phá hoại sự hợp tác và hòa hợp xã hội cũng như niềm tự hào hay lòng biết ơn trên đất nước chúng ta.
Như thể vẫn chưa đủ, Đạo luật Gia đình Hoa Kỳ do chính phủ ông Biden đề xướng là một nghị trình chống gia đình mang tính cách mạng để chính phủ quốc gia (không phải “liên bang” nữa) kiểm soát việc giáo dục trẻ em từ lớp mầm non (pre-school) đến ít nhất là hết trung học. Những người cấp tiến nhận thấy con đường dẫn đến chế độ nông nô không tưởng của họ sẽ thành công khi để Chú Sam nhập vai “Bố già” trước khi nhập vai ông Anh Cả—tức là, tạo sự ảnh hưởng phổ cập của những người nuôi dạy giới trẻ Hoa Kỳ trong cuộc sống, làm tăng sự phụ thuộc của nhiều công dân vào Chú Sam và—không phải ngẫu nhiên— phụ thuộc vào Đảng Dân Chủ. Tuyệt, những đồng dollar của liên bang được dùng để làm gì nữa nếu không phải là để mua lòng trung thành của đa số cử tri, phải vậy không?
Không nghi ngờ về việc còn có những cách khác để quyền lực ngày càng trở nên tập trung ở Hoa Thịnh Đốn. (Ví dụ, hãy xem cuộc phỏng vấn gần đây của ông Trevor Loudon với Epoch Times, trong đó ông ta thảo luận về khả năng quốc hữu hóa lực lượng thực thi pháp luật.)
Trong thời kỳ của chính sách tập trung hóa này, chúng ta cần chú ý đến những lời thông thái của một số người vĩ đại.
Cựu Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã đưa ra lời cảnh báo: “Tôi tin chắc rằng đội quân những người thúc giục sự tập trung quyền lực ngày càng lớn và sự phụ thuộc ngày càng cao vào Ngân hàng Trung ương Liên bang thực sự nguy hiểm đối với việc tổ chức của chính phủ chúng ta, còn nguy hiểm hơn bất kỳ mối đe dọa nào từ bên ngoài mà có thể đang hướng tới việc chống lại chúng ta.”
Ông Mahatma Gandhi: “Tập trung hóa thành hệ thống là không phù hợp với một cấu trúc xã hội bất bạo động.”
Cuối cùng, nhà sử học vĩ đại Arnold Toynbee: “Giai đoạn cuối cùng, trừ một lần, trong mọi nền văn minh nhân loại được đặc trưng bởi sự hợp nhất chính trị bằng vũ lực buộc các bộ phận tạo nên nó trở thành một thực thể lớn hơn.”
Các tiểu bang của chúng ta vẫn chưa bị hủy diệt, nhưng các tiểu bang và chủ nghĩa liên bang của Hoa Kỳ đang nhanh chóng tiến đến tình trạng nguy cấp.
Tác giả Mark Hendrickson, một nhà kinh tế học, là giảng viên mới nghỉ hưu gần đây của trường Đại học Thành phố Grove, nơi ông vẫn là thành viên của chính sách kinh tế và xã hội tại Viện Niềm tin và Tự do.
Quan điểm trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Mark Hendrickson thực hiện
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: