‘Cuộc tái thiết toàn cầu’ của mối quan hệ đối tác Trung-Nga
Sự bùng phát trở lại của virus Trung Cộng, các đợt phong tỏa, và cuộc xâm lược của Nga đe dọa sẽ tàn phá nền kinh tế toàn cầu một cách nghiêm trọng hơn
Cho đến giờ, tất cả chúng ta đều đã nghe nói về nghị trình “Đại Tái thiết” xuất phát từ những người cuồng tín độc tài kỹ trị tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Nhưng cho đến nay, nghị trình này vẫn chưa trở thành hiện thực.
Ngày mai, tất nhiên, là một ngày khác.
Chúng ta nên dự đoán những tác động kinh tế nào từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng mà chúng ta đang gặp phải?
Chúng ta có nên mong đợi sự trở lại của điều gì đó ít nhất trông bình thường hơn khi đại dịch này có vẻ như sắp kết thúc?
Thật không may, điều đó không có khả năng xảy ra. Trong thực tế, con đường có lẽ còn gập ghềnh hơn nhiều kể từ đây trở đi.
Các gián đoạn trong năm 2022 sẽ còn tồi tệ hơn
Theo các nhà quan sát kinh tế như ông Richard Martin, giám đốc điều hành tại IMA Á Châu, sự gián đoạn chuỗi cung ứng mà chúng ta đã thấy trong năm 2020 và 2021 sẽ trở nên “nhỏ bé” bởi những gì sẽ đến vào cuối năm nay. Hoạt động sản xuất của các nhà máy Trung Quốc đã chậm lại do các đợt phong tỏa, hoạt động vận chuyển hàng cũng vậy, với việc các tàu chở hàng bị chậm trễ trong quá trình giao hàng của họ.
Ông Martin nhìn thấy một triển vọng khá ảm đạm đối với nền kinh tế toàn cầu kể từ đầu năm nay. Ông lưu ý rằng ngoài chính sách phong tỏa “không khoan nhượng” hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên quan đến virus Trung Cộng, thì cuộc chiến ở Ukraine đang đổ thêm dầu vào ngọn lửa chuỗi cung ứng. Điều này có liên quan sâu rộng đến Liên minh Âu Châu (EU), vốn phụ thuộc khoảng 1/4 lượng nhập cảng ngũ cốc và dầu thực vật, trong đó gần một nửa lượng ngô của họ phụ thuộc vào Ukraine.
Đương nhiên, đó không chỉ là những đợt phong tỏa ở Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraine, mà còn là phản ứng dây chuyền và tác động lớn nhất bắt đầu từ đó. Và chắc chắn không thể bỏ qua sự phối hợp trong các chính sách ngoại giao của Trung Quốc và Nga. Đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi nói đến thời điểm Nga xâm lược Ukraine và các cuộc phong tỏa trên diện rộng của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến các khu vực sản xuất lớn.
Thiếu hụt lương thực và những thách thức đối với Âu Châu
Tuy nhiên, cả hai chính sách đó đều dẫn đến việc gián đoạn chuỗi cung ứng, tác động đến các nền kinh tế phương Tây và nguồn cung cấp thực phẩm Bắc Phi. Vấn đề thứ hai đặc biệt quan trọng, vì tình trạng thiếu lương thực, nếu không được giải quyết, có thể gây ra tình trạng nhập cư ồ ạt từ khu vực Bắc Phi vào Âu Châu.
Âu Châu đã và đang đối phó với dòng người tị nạn kinh tế lớn đang băng qua Địa Trung Hải. Dòng người chết đói sẽ tạo thêm gánh nặng đáng kể cho các chính phủ Âu Châu. Nạn đói là một mối đe dọa thực sự, vì một số chính phủ Âu Châu đã ngừng xuất cảng ngũ cốc.
Tuy vậy, sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ có tác động sâu hơn đến nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng ở Đức, quốc gia phụ thuộc vào không chỉ ngũ cốc của Ukraine mà còn cả khí đốt tự nhiên của Nga nhiều hơn các nước EU khác.
Hoa Kỳ sẽ đối mặt với nhiều đau thương hơn
Theo ông Martin, đó mới chỉ là sự khởi đầu của những gì chúng ta sẽ chứng kiến kể từ đầu năm nay.
Ông viện dẫn các đợt tăng lãi suất lớn ở Hoa Kỳ sẽ gây thêm tình trạng trì trệ cho nền kinh tế tiêu dùng phụ thuộc vào hàng nhập cảng của Trung Quốc và đang chịu áp lực, điều này sẽ gây thêm tác động lên nền kinh tế toàn cầu vốn đã chậm lại.
Nhưng không chỉ là lãi suất tăng sẽ kìm hãm hoạt động kinh tế ở Hoa Kỳ. Mọi người đã đang cảm nhận được tác động của lạm phát tới nền kinh tế tiêu dùng của Mỹ. Và không chỉ tầng lớp thấp và trung lưu đang cắt giảm chi tiêu. Những người giàu có hơn cũng đang chi tiêu ít hơn.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến nền kinh tế Hoa Kỳ là tâm lý tiêu cực của người tiêu dùng, bị tác động bởi các chính sách và sự kiện trong nước cũng như quốc tế. Hầu hết người Mỹ đều cho rằng đất nước đang đi sai hướng và chính phủ Tổng thống (TT) Biden đang khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn.
Từ việc bắt buộc chích vaccine, cho đến thực phẩm, nhà ở, và lạm phát nhiên liệu, người Mỹ rất tức giận về hướng đi của đất nước. Việc chính phủ TT Biden thất bại trong việc ngăn chặn ông Vladimir Putin xâm lược Ukraine chỉ làm gia tăng thêm tâm lý không tin tưởng của người Mỹ đối với chính phủ.
Tác động toàn cầu là không thể tránh khỏi
Không có gì ngạc nhiên khi ông Martin không phải là chuyên gia quan sát duy nhất nhìn ra những vấn đề lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhiều người khác cũng nhìn thấy các xu hướng tiêu cực tương tự sắp xảy đến.
Chẳng hạn, nhà kinh tế thương mại Vincent Stamer thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức cũng nhận thấy khó khăn lớn đối với EU và nền kinh tế toàn cầu trong nửa cuối năm nay.
Việc tắc nghẽn nguồn cung ứng các phụ tùng không thể thiếu của xe hơi đơn giản như cụm dây điện cho các nhà sản xuất xe hơi của Đức hoặc khí neon được dùng trong sản xuất chất bán dẫn được sản xuất độc quyền tại Ukraine, nơi sản xuất 50% khí neon tinh khiết trên thế giới.
Về tác động toàn cầu, sự gián đoạn nguồn cung trong xuất cảng nguyên liệu thô của Nga sẽ tác động sâu sắc hơn đến nền kinh tế toàn cầu. Hơn 2,100 công ty Hoa Kỳ và 1,200 công ty Âu Châu phụ thuộc vào ít nhất một nhà cung cấp độc quyền hoặc gần như độc quyền có trụ sở tại Nga. Những con số này tăng vọt lên 300,000 khi tính cả các nhà cung cấp gián tiếp.
Hậu quả là sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ trở nên tồi tệ hơn trong tương lai gần. Thậm chí, sự gián đoạn và thiếu hụt lớn có thể trở thành chuyện thường tình trước cuối năm 2022.
Ông Mark Manduca, giám đốc đầu tư của GXO Logistics, đồng tình với đánh giá này. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên Bloomberg, ông lưu ý rằng lạm phát và lãi suất có rủi ro tăng giá rõ ràng, và tác động của cả hai, cũng như tình hình chuỗi cung ứng xấu đi, sẽ trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta bước vào nửa cuối năm nay.
Đây có phải là một phần của cuộc tái thiết?
Nói cách khác, nền kinh tế, cuộc sống của chúng ta, và thời đại sắp trở nên khó khăn hơn. Lập luận rất đơn giản nhưng thuyết phục. Khi hàng tồn kho bắt đầu cạn kiệt, tình trạng thiếu hàng sẽ xảy ra và giá cả sẽ tăng lên – thậm chí có thể khá đột ngột.
Không có gì bí ẩn ở đây cả. Thế nhưng Bắc Kinh và Moscow đã mong đợi bao nhiêu trong số những tác động này?
Vào thời điểm viết bài này, Trung Quốc đang niêm phong các lối ra vào các căn hộ ở Thượng Hải và thực hiện các biện pháp cực đoan khác tại các khu đô thị và sản xuất lớn như Quảng Châu ở phía Nam và Cát Lâm ở phía Bắc, nơi có nhiều nhà máy sản xuất xe hơi. Lệnh phong tỏa được ban bố với lý do áp dụng chính sách “không khoan nhượng” nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể virus Trung Cộng tiếp theo.
Nhưng liệu virus có phải là thứ mà Bắc Kinh muốn ngăn chặn? Hay chính là các chuỗi cung ứng cho Hoa Kỳ mà Bắc Kinh có ý muốn giảm thiểu?
Liệu Bắc Kinh có bổ sung biện pháp kích thích chi tiêu để thúc đẩy nhu cầu nội địa đối với hàng hóa thường được xuất cảng ra thị trường ngoại quốc không?
Liệu việc Nga sáp nhập Ukraine cuối cùng có nhằm phá vỡ chuỗi cung ứng trên khắp phương Tây và ngoài phạm vi đó ra không?
Liệu ĐCSTQ có cung cấp cho Nga nhiều viện trợ tài chính hơn để tiếp tục đi theo con đường hiện tại có thể khiến các nền kinh tế phương Tây chao đảo trước cuối năm nay?
Câu trả lời cho tất cả các câu hỏi trên cũng có thể là “Có”.
Tất nhiên có vẻ như chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của những gì dường như là một cuộc tái thiết nhanh chóng và đáng sợ của nền kinh tế toàn cầu theo một số điều kiện rất khác biệt.
Hay lẽ nào có thể là hết cuộc tái thiết này đến cuộc tái thiết khác?
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông James R. Gorrie là tác giả của “The China Crisis” (“Cuộc Khủng Hoảng Trung Quốc”, Nhà xuất bản Wiley, 2013) và viết trên blog của mình, TheBananaRepublican.com. Ông hiện đang sinh sống tại Nam California.
Huệ Giao biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: