Cuộc sống ở Naples, nước Ý
Naples là thành phố lớn thứ 3 tại Ý sau Rome và Milan; tuy nhiên, trong suốt gần 3000 năm lịch sử, nó chưa bao giờ là đứa con cưng của bán đảo Ý. Là một công quốc tự chủ, Naples đã phát triển một cách mạnh mẽ và vững chắc, mặc dù chưa đủ toàn diện hoàn mỹ.
Những con đường được làm theo lối kiến trúc Hy Lạp – La Mã cổ đại: Ba đại lộ đông-tây chạy song song, được cắt qua bởi hàng loạt những con đường nhỏ hơn chạy theo hướng bắc-nam. Một trong số đó là đại lộ Via Duomo, nơi thánh đường Il Duomo thời Trung Cổ, còn được biết đến là Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Về Trời, sừng sững tọa lạc.
Từ bến cảng của Vịnh Naples, bạn có thể dạo bộ xuống đại lộ Via Duomo để đến trung tâm thành phố, và ngồi nghỉ bên một tách cà phê tại tiệm cà phê Caffè del Duomo để ngắm quảng trường Duomo dưới bóng Thánh đường.
Mỗi buổi chiều, quảng trường lại trở thành sân bóng cho những cậu bé sống ở nơi này, chúng hay đá bóng vào những cây cột trụ ở đó. Khung cảnh hiện đại trên phông nền cổ đại là một hình ảnh ẩn dụ thích hợp cho cuộc sống ở Naples.
Xa khỏi quảng trường là một nhà thờ nhỏ – được bảo hộ bởi Thánh đường – nơi lưu giữ thi thể của một trong những vị Thánh bảo trợ kính mến của thành phố, Thánh San Gennaro. Nhà thờ thuộc quyền sở hữu chính thức của thành phố và người dân, thay vì của ban quản lý nhà thờ.
Ranh giới giữa nhà thờ và thành phố được đánh dấu bởi một chiếc cổng sắt lớn ở lối vào mà bên trên có tượng bán thân của Thánh San Gennaro, và bên dưới có con dấu của Naples trước cả 3 bệ thờ. Một lượng lớn vàng, bạc, và châu báu, được những tín đồ thành kính quyên tặng như những món quà tạ ơn, được cất giữ ở căn phòng kế bên.
Thành phố kiểu Hy Lạp – La Mã cổ này hẳn phải được vinh danh vì đã cho chúng ta sử dụng quảng trường công cộng và khu chợ truyền thống như những nơi không chỉ là nơi chốn dành cho giao thương công cộng. Từ xa xưa, người ta đã tin rằng khu chợ giống như phòng sinh hoạt chung của thành phố – một căn phòng có thể vừa học tập vừa thư giãn, vừa dành cho giáo dục lại vừa dành cho sự nghỉ ngơi. Lấy ví dụ, những câu chuyện lịch sử về nhà triết học Socrates cho chúng ta thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sự ra đời của khu chợ công cộng và sự ra đời của triết học và đạo đức chính trị.
Khu chợ truyền thống Hy Lạp, không gian trung tâm công cộng, là phòng sinh hoạt chung của những người theo triết học trường phái Socrates. Đó là nơi mọi người cùng chia sẻ với nhau, và cũng trở thành một phòng học để [chúng ta có thể] nghiên cứu về hành vi con người. Socrates không ngồi tại nhà và viết; mà ông đi dạo quanh bên ngoài và nói chuyện với mọi người trong không gian trung tâm công cộng ở Athens. Thậm chí, ông còn không phải một diễn giả; ông [chỉ] trò chuyện và đưa ra các câu hỏi cho những người mà ông gặp tại khu chợ. Mặc dù ông bị kết án tử hình, những cuộc hội thoại của ông, được Plato ghi lại, vẫn còn tồn tại cùng với chúng ta [cho tới ngày nay]. Ngay cả ở hiện tại, những câu hỏi trường cửu của ông vẫn tiếp tục được lặp lại trong những cuộc trao đổi chuyện trò ở mọi khu chợ [trên thế giới].
Khu chợ truyền thống là một hình ảnh giàu ý nghĩa trong nền văn hóa của chúng ta. Trong bức tranh nổi tiếng “Trường học Athens,” họa sĩ Raphael đã mô tả cảnh hai nhà triết học Plato và Aristotle đang trò chuyện với nhau trong khi đi dạo qua một khu chợ truyền thống đông đúc, nhộn nhịp. Ngày nay, khi tín ngưỡng tôn giáo, triết học, và hùng biện chính trị vẫn đang tranh luận với nhau – hãy lắng nghe những thanh âm [vọng lại từ quá khứ] của Naples!
Để nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng đó, bạn có thể rời khỏi đại lộ Via Duomo, và đi xuống đại lộ Via dei Tribunali. Hãy chọn một chiếc bàn bất kỳ dưới những mái hiên hình vòng cung trước những khu chợ, gọi một chiếc bánh pizza margherita địa phương, và mở rộng cả mắt và tai để thấy và nghe bản tạp âm, cũng như bản hòa âm đó.
Những người hâm mộ túc cầu khoa chân múa tay hò reo trên đường đến sân vận động, những linh mục mặc áo chùng thâm, những nhạc công du hành, những nghệ nhân tung hứng, những nghệ sĩ đường phố, những thương nhân chào mời khách hàng, những người quét dọn, và những người đàm luận chính trị đều tranh tìm cho mình một nơi chốn – và đó là khu chợ truyền thống. Bên trong các quán bar và cà phê là tiếng người ta nói chuyện về “Maradona” hay “La Madonna,” bởi vì túc cầu và tôn giáo là hai lá phổi (hai điều quan trọng nhất) của Naples.
Những quảng trường đó – có một số là tạm thời, không lớn hơn một con phố bao nhiêu – trải đầy khắp cả thành phố và cho chúng ta nơi chốn để làm những con người tự do. Dù cho núi lửa Vesuvius thù lù hiện ra trên nền trời cao, dù cho cái chết luôn hiện hữu, sự sống vẫn được bảo vệ và tôn vinh trong thành phố xinh đẹp này dưới Thánh đường của Naples.
Wilhelm Höjer là một ký giả người Thụy Điển đã từng học ngành triết học và báo chí tại trường đại học Angelicum ở Rome. Vào năm 2020, ông bắt đầu giảng dạy tại trường Công giáo cổ điển Lindisfarne Hall trên đảo Amelia Island, nơi ông và vợ mình Sally cùng với con trai họ Crispin đang sinh sống.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: