Cuộc sống kiểu Úc: Cà phê miễn phí và chuyện trò bên cửa sổ với giá Một nụ cười
Chuyện bắt đầu khi Rick Everett treo một tấm biển bên ngoài cửa sổ nhà bếp của anh ở Sydney với nội dung “Cà phê miễn phí để chống chọi lại virus”.
Khi nghệ sĩ nhào lộn người Úc này bị mất việc vì đại dịch virus corona từ tháng ba, trong lúc rảnh rỗi, anh muốn giúp những người đặc biệt khó khăn khác. Bởi vì anh cũng biết làm bánh và nấu ăn khi còn làm quản lý ở một tiệm cà phê – sô cô la và một nhà hàng pizza, cho nên anh đã quyết định thực hiên dự án “Cửa sổ cà phê và trò chuyện”.
Hồi mới bắt đầu, anh nói cửa sổ luôn mở khi nào anh có ở nhà. Anh chỉ muốn làm điều gì đó tốt đẹp, để gặp gỡ hàng xóm cũng như thăm hỏi họ trong giai đoạn khó khăn này chứ không phải là mở quán cà phê.
“Kiểu như uống cà phê với bạn bè, chỉ khác là người bạn này bạn chưa từng gặp trước đây”. Trên biển hiệu anh ghi là “Tôi chẳng có bán buôn gì đâu, chỉ là tặng quà thôi, bạn chỉ tốn có một nụ cười”.
Chẳng bao lâu, những người hàng xóm của anh ghé qua và mang cho anh nhiều thứ, từ bánh ngọt, bánh mì, cho đến cả một lốc bia sáu lon. Những người lạ cũng nhận ra anh trên đường và vẫy tay chào.
“Cứ như là tôi lại được sống trong một thị trấn nhỏ mà cũng rất đẹp nữa!”, anh nói.
Thực đơn của anh bao gồm cappuccino, trà chai latte và sô cô la nóng. Everett cũng có một số loại bánh nướng kèm với cà phê nữa.
“Có người thậm chí rung chuông cà phê chỉ để nói chuyện”. “Họ không lấy cà phê! Cũng chẳng lấy gì từ tôi, chỉ để nói chuyện cho vui, thú vị lắm!”, anh nói.
Everett là một người yêu động vật, anh nhận nuôi hai con chim và một con mèo, anh thường hỏi những những người ghé thăm về thú cưng của họ để “gợi chuyện”, anh luôn lạc quan và tránh những chủ đề tiêu cực.
Anh nói, “Đúng là trong cái rủi lại có cái may. Tất cả những điều tôi đã và đang làm những điều mà tôi luôn muốn làm. Chỉ khác là bây giờ tôi có nhiều thời gian để làm việc đó”. “Rõ ràng là tôi nhận lại nhiều như những gì mình đã cho đi”.
Everett hiện đang sử dụng tiền tiết kiệm của mình và trợ cấp JobKeeper, một chương trình của chính phủ Úc nhằm giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi tác động kinh tế từ đại dịch.
Tiếp theo Cửa sổ cà phê và trò chuyện là dự án Vườn thảo mộc cộng đồng. Sau đó là Chạn bếp công cộng, anh mua một cái tủ gỗ qua mạng sau đó sơn lại bằng màu đỏ tươi rồi để thực phẩm vào. Còn dự án mới nhất là Tủ lạnh công cộng chứa đầy đồ ăn đặt bên hông nhà.
Anh nói, “Tôi không thấy điều này có gì là to tát, mà cũng dễ làm, cũng chẳng tốn nhiều tiền, nhưng vẫn góp một phần nhỏ bé nào đó cho cộng đồng”.
“Nếu như có hàng trăm nghìn câu chuyện như thế này diễn ra thì thế giới sẽ thay đổi. Chẳng ai có thể thay đổi thế giới một mình, chúng ta cùng nhau làm điều đó”, anh nói thêm.