Cuộc sống không có nhiên liệu: Vùng ngoại ô Louisiana thích ứng sau bão Ida
Cuộc sống không có điện sau một cơn bão nghe có vẻ như một sự trở về với quãng thời gian [mà mọi thứ] đơn giản hơn, tuy nhiên hiện thực lại phức tạp hơn thế.
Tại trạm xăng Big Boss Travel Plaza ở Tickfaw, tiểu bang Louisiana, các loại lương thực chính giản đơn đã trở thành những mặt hàng thiết yếu qua ngày.
Bên ngoài, một chiếc tủ lạnh từng chứa đá bị vỡ toang nằm trơ trọi. Nhân viên trạm xăng cho biết, cách đây vài ngày, một số người tranh nhau những viên đá lạnh đã đập vỡ kính và lấy trộm đá.
Con trai của người chủ trạm xăng, anh Nabeel Idres nói, “Không phải là một người thôi đâu. Mà là nhiều người. Chúng tôi thực sự chẳng thể làm bất cứ điều gì. Chúng tôi có những vấn đề lớn hơn cần giải quyết ở đây.”
Trong một mùa hè không có tủ lạnh nào hoạt động được ở Louisiana, ngay cả một thứ gì đó phù phiếm như đá lạnh cũng trở nên đáng để đánh nhau. Hôm 03/09, người ta còn phải chờ đợi trong một hàng xe hơi dài.
Big Boss thuộc bán kính 40 dặm trong khu vực mất điện rộng hơn 100 dặm của bão Ida. Bên trong khu vực nguy hiểm gây tử vong này, mặt phía đông mạnh hơn của cơn bão tàn phá như một lưỡi dao rựa.
Cây cối văng tung tóe như những que tăm, còn mái nhà thì bị xé toạc. Nhưng hậu quả của cơn bão còn mang lại nhiều vấn đề hơn. Trên khắp nửa phía nam của tiểu bang Louisiana, cư dân tất bật chạy máy phát điện chỉ để đối diện với một tình trạng thiếu xăng ngày càng tăng.
Có xăng đồng nghĩa với việc thực phẩm vẫn đông lạnh, xe hơi vẫn chạy và các cơn sốc nhiệt được né tránh.
Khi tình trạng thiếu xăng ngày càng lan rộng ra từ New Orleans, cư dân thành phố này và các cộng đồng địa phương bắt đầu tìm kiếm nhiên liệu trong tuyệt vọng. Những ngày sau bão, gần 1 triệu cư dân của khu vực đô thị này đã làm cạn kiệt mọi trạm xăng tại địa phương và bắt đầu tìm đến vùng ngoại ô để kiếm thêm xăng.
Tại Big Boss, một hàng xe hơi chờ đổ xăng với hơn 30 chiếc xe kéo dài hai tiếng. Trong xe của họ, người dân Louisiana phải chịu cái nóng 87 độ F (30.5 độ C) khi họ chờ đổ xăng để cung cấp năng lượng cho máy phát điện của mình. Tính thêm độ ẩm, thì cái nóng có cảm giác như 96 độ F (35.5 độ C).
Trong dòng xe này, người dân địa phương hy vọng vẫn còn xăng khi họ đến được chỗ hai cây xăng đang hoạt động. Thỉnh thoảng, ai đó sẽ cố gắng chen ngang trước khi bị nhân viên cửa hàng hoặc cảnh sát chặn lại.
Bất chấp hành động tuyệt vọng đôi khi xảy ra, hầu hết mọi người đã làm việc cùng nhau để tương trợ lẫn nhau. Điện có thể sẽ vẫn bị mất trong một thời gian dài.
“Nếu chúng tôi khiến đèn bật lại trong vòng một tháng, tôi sẽ rất, rất vui,” cư dân địa phương Clarence Bright cho biết. “Những người trong chính phủ đang làm những gì trong khả năng của họ.”
Ông Bright nói, vào ban ngày, người dân Louisiana hợp tác với nhau. Nhưng vào ban đêm, những kẻ cắp ló dạng tấn công.
Ông cho hay, “Tất cả chúng tôi đều cố gắng làm việc cùng nhau cho đến khi trời tối. Đó là lúc tất cả hành vi trộm đạo bắt đầu.”
Mặc dù nhu cầu cao, nhưng giá xăng không cao hơn bình thường, và xăng không được bán theo định mức.
Dòng xe di chuyển với sự chậm chạp đáng sợ. Nó dừng hoàn toàn trong vài phút mỗi khi người dân đổ xăng vào các can Jerry.
Nhiều người đã tắt máy xe của họ trong lúc chờ đợi, chịu đựng cái nóng.
Trong khi xếp hàng chờ đợi, cư dân địa phương Rob Fontenot cho biết cuộc sống không có điện lưới đặt ra những thách thức. Ông có một chiếc máy phát điện và luôn dự trữ nhiên liệu cho bốn ngày, nhưng một số người hàng xóm của ông thì không có máy này.
Ông nói: “Chúng tôi đã được ban phước. Thức ăn của chúng tôi không bị hỏng vì chúng tôi luôn sạc đầy tủ lạnh và tủ đông.”
Để giữ cho điều hòa và tủ lạnh luôn bật, ông Fontenot cho hay ông tiếp nhiên liệu cho máy phát điện của mình khoảng hai lần mỗi ngày. Thật dễ dàng để biết khi nào máy phát điện dừng. Không có điều hòa nhiệt độ, cái nóng sẽ đánh thức ông.
Chi phí máy phát điện cao hơn nhiều so với điện lưới. Ông Fontenot ước tính rằng một tuần đổ xăng cho máy phát điện tốn nhiều hơn hóa đơn tiền điện hàng tháng của ông.
“Điều hòa nhiệt độ, ngay cả khi chỉ cho một phòng, là một điều may mắn,” ông nói. “Quá nhiều nhiệt là sự khác biệt giữa sự sống và cái chết đối với một số người.”
Ông Fontenot nói: “Tìm xăng sau bão cũng có thể là một thách thức. Khi mọi người tìm thấy một trạm xăng còn nhiên liệu, họ đăng địa điểm đó lên mạng xã hội.”
“Sau đó, quý vị sẽ có những dòng xe như thế này,” ông cho biết.
Kể từ sau cơn bão, có rất ít việc để làm. Ông Fontenot, một giáo viên dạy bằng lái xe thương mại, hy vọng sẽ được trở lại làm việc vào tuần lễ từ ngày 13-19/09.
Vợ ông, bà Maureen, đã không đi làm công việc của mình ở chính quyền địa phương vì mất điện. Trong khoảng thời gian này, bà và những người dân Louisiana khác sẽ có một “kỳ nghỉ” dài khó chịu.
Ông Bright cho biết ông dành thời gian nướng thịt để có thể bảo quản thịt. Ông nhặt nhạnh những mảnh cây bị bão giật đổ làm nhiên liệu.
Ông nói: “Quý vị ăn thịt nướng. Về căn bản, quý vị phải làm gì đó với chỗ thịt này, và làm thế tốt hơn là bỏ đi.”
Bên cạnh xăng, mặt hàng bán chạy nhất của cửa hàng này là rượu, anh Idres cho biết. Một số khách hàng mang theo các thùng bia len lỏi qua bãi đỗ xe.
Đồ uống của họ sẽ chẳng mát lạnh lâu nữa, nhưng ít nhất họ có thể xua tan bớt cái nóng.
Ông Jackson Elliott là một phóng viên về tin tức nói chung. Ông học kỹ năng viết và tìm kiếm chân lý tại Đại học Northwestern. Ông tin rằng những hành động quan trọng nhất là các hành động nhỏ và như Dostoevsky nói, mỗi người đều có trách nhiệm với mọi người và mọi việc. Khi không viết lách, ông thích chạy, đọc và dành thời gian với bạn bè.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: