Cuộc sống dưới chế độ chuyên chế: Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra ở Hồng Kông lúc này
Như chúng ta đều biết, sự lột xác tột độ của Hồng Kông bị Bắc Kinh siêu áp đặt đã gần như hoàn tất: nào là trong giáo dục, xã hội, chính trị, kinh tế hay trong quá trình bầu cử, và còn nhiều lĩnh vực khác nữa.
Trong suốt hai năm qua, việc kiểm soát chặt chẽ hoàn toàn đối với Hồng Kông còn hơn cả siêu thực. Bắc Kinh đã không còn giả vờ tôn trọng Bản Tuyên bố Chung được ký năm 1984 giữa Trung Quốc và Anh Quốc nữa. Một phát ngôn viên của Bắc Kinh thậm chí còn gọi những gì được cho là bản thỏa thuận chắc như thép chỉ đơn giản là một “tài liệu lịch sử,” và trắng trợn nói với thế giới rằng không ai được can thiệp vào các vấn đề của Hồng Kông.
Hai năm đã trôi qua kể từ khi diễn ra phong trào xã hội năm 2019, và người dân Hồng Kông hiện đã thực sự nếm trải ‘phong cách chuyên chế’ của Trung Quốc đại lục theo Luật An ninh Quốc gia (NSL). Là vũ khí chính trị, giờ đây bộ luật này đã được sử dụng rộng rãi như một cái cớ để đàn áp những người dân sinh sống trong thành phố quốc tế nổi tiếng một thời này. NSL cũng đã biến Hồng Kông thành một thành phố của nỗi sợ hãi. Tất nhiên, thủ phạm không phải là NSL, vốn chỉ là một công cụ thuận tiện do Trung Cộng chủ mưu để tiến hành chuyển đổi một cách tàn bạo và man rợ thành phố của chúng tôi.
Là một nhà tài chính, tôi lo ngại nhất về việc mất đi cơ quan tư pháp độc lập của chúng tôi. Người dân Hồng Kông và ngoại kiều sinh sống ở Hồng Kông ngày càng trở nên lo lắng hơn về sự an toàn của họ, đặc biệt là khi thành phố của chúng tôi hiện đã bị biến đổi gần như 100% thành một nhà nước cảnh sát.
Bắc Kinh đã thắt chặt các quyền tự do của Hồng Kông với tốc độ siêu thanh, và toàn bộ quá trình này vô cùng tàn nhẫn, khiến nhiều người dân mất đi hy vọng. Trước đây, tôi luôn nói với mọi người rằng tôi may mắn như thế nào khi được sinh ra ở Hồng Kông. Tôi đã từng đặt cược vào sự thành công về kinh tế và quyền tự do của thành phố này. Nhưng giờ đây tôi sẽ không nói điều đó nhanh như vậy đâu.
Nhiều người đã biết về việc sửa đổi quy định nhập cư ở Hồng Kông, có hiệu lực từ ngày 01/08 và cho phép các nhân viên nhập cư cấm người dân ra vào Hồng Kông. Quy định này đã dẫn đến tình trạng nhiều cảnh sát mặc thường phục trực chốt ngay bên trong nhà ga quốc tế Hồng Kông. Cảnh sát NSL mặc thường phục có thể đến thẩm vấn quý vị nếu quý vị trông có vẻ khả nghi. Nếu quý vị mặc đồ đen và trông ra dáng thể thao khi nhập cảnh vào Hồng Kông, quý vị có thể gặp rắc rối, bởi vì quý vị ăn mặc giống như cách những người kháng nghị đã mặc trong các cuộc biểu tình hàng loạt hồi năm 2019.
Quý vị có thể bị cảnh sát NSL thẩm vấn về mục đích chuyến thăm của quý vị đến Hồng Kông, quý vị đã đi những đâu trong vài tháng qua, v.v. Tất cả điều này được tiến hành thậm chí trước khi một hành khách đến quầy nhập cảnh. Và những “quan chức mặc thường phục” này rất có thể sẽ không cho vị hành khách này xem bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, điều đó chưa bao giờ là thủ tục chuẩn mực ở Hồng Kông trước khi [áp dụng] NSL của Trung Cộng.
Nghĩ về thời gian sắp tới, Bắc Kinh hiện đang nắm toàn quyền kiểm soát đối với toàn bộ quá trình bầu cử của Hồng Kông, dù là bầu cử cấp quận hay hội đồng lập pháp hoặc ở vòng trong của Ủy ban Bầu cử, hiện có 1,500 thành viên, là những người sẽ bỏ phiếu cho người kế nhiệm trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông.
Tất cả các ứng cử viên sẽ phải chứng minh với Bắc Kinh rằng họ là những người “ái quốc” đích thực, và những người được gọi là ái quốc ấy sẽ được cảnh sát NSL kiểm tra. Và đối với những người vẫn muốn tranh cử tại Hồng Kông, việc tham gia lễ tưởng niệm dưới ánh nến đối với biến cố Thiên An Môn vào ngày 04/06 hàng năm hoặc một trong các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại Dự luật Dẫn độ vào năm 2019 có thể khiến họ mất tư cách ứng cử. Cảnh sát NSL có thể đào sâu hơn vào những bí mật đen tối nhất của bất kỳ ứng viên nào.
Nhưng với một hệ thống bầu cử hoàn toàn bất công, thì lý nào những ai có tâm trí sáng suốt lại quan tâm đến việc tham gia tranh cử chứ?
Tôi lo ngại nhất về việc bắt giữ nhiều người dân Hồng Kông khác nhau, những người bị cáo buộc là đã vi phạm bộ luật NSL khét tiếng này. Giờ đây hầu như ai cũng hiểu rằng nếu ai đó bị cáo buộc vi phạm bộ luật NSL này, thì các nhà chức trách có thể nhốt anh ta vô thời hạn trước khi có bất kỳ phiên tòa nào diễn ra. Số phận của những người dân Hồng Kông, những người đấu tranh cho nền dân chủ và các quyền tự do cho thành phố này không quá khác so với hậu quả thảm khốc mà những người bất đồng chính kiến ở đại lục phải đối mặt hiện nay.
Có thể [sự tình này] đang tạo ra một vài ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) ở Hồng Kông—người đoạt giải Nobel đầu tiên nhận giải đồng thời là một nhà bất đồng chính kiến ở Trung Quốc. Thành thật mà nói, “cái tội” duy nhất của ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), một ông lớn truyền thông; ông Đới Diệu Đình (Benny Tai), một giáo sư luật; hay anh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một nhà hoạt động trẻ năng động, đó là mang lại hy vọng cho thành phố này. Thật đáng lo ngại khi chứng kiến những người dân Hồng Kông, những người đang bước ra, có khả năng phải đối mặt với những cáo buộc vô căn cứ như “âm mưu cấu kết với các thế lực ngoại bang” hoặc “kích động lật đổ quyền lực quốc gia.”
Cả thế giới bây giờ cũng nên cảnh giác trước đề xướng của một số kẻ trung thành với Bắc Kinh trong việc tước bỏ quyền tự điều chỉnh của Hiệp hội Luật sư Hồng Kông (HKBA). Một số người trung thành với Bắc Kinh có nền tảng về luật đã cáo buộc HKBA là làm “chính trị,” và nếu một ngày nào đó Bắc Kinh tước bỏ quyền tự điều chỉnh của nghề luật sư, cho dù họ là luật sư bào chữa hay công tố viên, thì hầu hết tất cả các khối ngành của xã hội Hồng Kông sẽ bị cưỡng chế để quỳ gối trước Bắc Kinh, và ở thế bị lệ thuộc.
Liệu có còn triển vọng nào khiến tình thế thay đổi tốt lên ở Hồng Kông hay không? Chưa chắc. Trên thực tế, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra ở Hồng Kông lúc này. Sẽ có nhiều vụ bắt giữ nữa xảy ra, xin Trời Phật phù hộ Hồng Kông, trước khi có nhiều thứ hơn nữa bị hủy hoại.
Ông Edward Chin điều hành một công ty đầu tư. Trước đây ông là giám đốc quốc gia của một quỹ phòng ngừa rủi ro niêm yết công khai của Anh Quốc, quỹ lớn nhất thuộc loại này tính theo tài sản mà quỹ này quản lý. Bên cạnh công việc của quỹ phòng ngừa rủi ro, ông Chin là chủ tịch của nhóm Giám sát Hồng Kông 2047 và là cố vấn cao cấp của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF, HK & Ma Cao). Ông Chin học giao tiếp ngôn luận tại Đại học Minnesota và nhận bằng MBA tại Đại học Toronto.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: