Cuộc phong tỏa Thượng Hải làm trầm trọng thêm vấn đề kinh tế – xã hội của Trung Quốc
Một số biện pháp phong tỏa hà khắc nhất được áp dụng ở mọi nơi trong toàn bộ đại dịch COVID-19 đã khiến các nhân viên văn phòng ở Thượng Hải phải thực hiện một hành động khác thường, đó là ngủ trong văn phòng của họ để tránh gián đoạn quy trình làm việc của công ty họ. Một số nhân viên sẽ làm việc theo ca luân phiên.
Reuters đưa tin hôm 29/03, nhân viên của các công ty kinh doanh môi giới, sàn giao dịch, và quản lý tài sản ở khu tài chính Lục Gia Chủy (Lujiazui) đã tích trữ túi ngủ và đồ dự phòng cho việc lưu trú qua đêm trong văn phòng của họ để đề phòng một trong hai giai đoạn dự kiến của đợt phong tỏa trên quy mô lớn ảnh hưởng đến 26 triệu cư dân Thượng Hải.
Hôm 28/03, chính quyền Thượng Hải bắt đầu thực hiện một đợt phong tỏa toàn thành phố chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn áp dụng cho những khu vực của thành phố nằm ở hai bên sông Hoàng Phố vốn chia thành phố này thành phía Đông và phía Tây.
Theo báo cáo, có 20,000 người đang làm việc tại 285 tòa tháp văn phòng ở quận tài chính Lục Gia Chủy ở phía đông của dòng sông này.
Cuộc phong tỏa ở trung tâm tài chính này, vốn là nơi tọa lạc của bến cảng lớn nhất thế giới, đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trầm trọng hơn. Một nhà kinh tế gần đây đã dự đoán rằng đợt phong tỏa này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc thiệt hại 29 tỷ USD trong hai tuần.
Trong khi đó, ông Michael Every của Rabobank nói với Associated Press, mức giảm 7% của giá dầu trên sàn giao dịch London vào thứ Hai có thể được coi là sự phản ánh nỗi lo trên toàn cầu, một phần là từ cuộc phong tỏa ở Thượng Hải.
Theo ông Thomas Duesterberg, một thành viên cao cấp tại Viện Hudson, xét đến phạm vi rộng lớn của nó, cuộc phong tỏa Thượng Hải này hoàn toàn nhất quán với cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc trước các đợt bùng phát COVID-19 ở những nơi khác trong nước — một chính sách được gọi là “Zero COVID”.
Vẫn còn phải xem chính sách “ngủ tại văn phòng” sẽ hiệu quả như thế nào, nhưng một số gián đoạn đối với cuộc sống công việc bình thường có thể xảy ra, ít nhất là đối với những người không thể ngủ tại nơi làm việc, và cũng có khả năng là đối với những nhân viên văn phòng bị sốc văn hóa do ảnh hưởng từ phương án mới này.
Mặc dù chuyện phong tỏa ở Trung Quốc không phải là mới, nhưng ông Duesterberg cho biết ông dự đoán là cuộc phong tỏa ở Thượng Hải, cộng với những biện pháp phong tỏa được áp đặt gần đây ở thành phố Thâm Quyến phía nam Trung Quốc và tỉnh Cát Lâm phía đông bắc Trung Quốc, sẽ có một tác động kinh tế rõ rệt, chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm một số xu hướng tiêu cực đang diễn ra.
Ông Duesterbeg lưu ý: “Nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại do nhiều vấn đề về cơ cấu và những vấn đề cấp bách liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản và các cuộc trấn áp đối với ngành công nghiệp kỹ thuật số sôi động.”
Ông trích dẫn một loạt các vấn đề mà đất nước này đã đang phải đối mặt ngoài việc phong tỏa, bao gồm dân số già, lương hưu không thỏa đáng và chăm sóc y tế không đầy đủ cho nhóm dân số già trong xã hội, bất bình đẳng về tình trạng kinh tế và giáo dục giữa khu vực thành thị và nông thôn của Trung Quốc, suy thoái môi trường, phụ thuộc nghiêm trọng vào các nguồn năng lượng, khoáng sản và ngũ cốc nước ngoài, cũng như nợ nần chồng chất nhiều thêm.
Do đó, những đợt phong tỏa như thế này sẽ chỉ thêm dầu vào lửa cho những vấn đề như vậy, ông nói, vì thương mại và công nghiệp ở Thượng Hải cũng như ở các thành phố và khu vực khác đang bị các biện pháp hạn chế này làm gián đoạn.
Tuy nhiên, thật sai lầm khi cho rằng mọi thứ sẽ được cải thiện nếu không có các biện pháp hà khắc hiện tại mà chế độ độc tài này áp đặt. Ông lưu ý, các vấn đề của Trung Quốc ẩn sâu và mang tính cấu trúc.
Ông Duesterberg cho biết: “Việc dỡ bỏ phong tỏa sẽ hữu ích trong ngắn hạn, nhưng các hành động cần thiết để giải quyết nhiều vấn đề khác sẽ khó khăn hơn nhiều.”
Có thể, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phải rút bỏ gọng kìm khống chế mà ông đã siết vào những lĩnh vực này của nền kinh tế vốn có thể thúc đẩy tăng trưởng theo cách khác, chẳng hạn như tài chính bất động sản và nền kinh tế kỹ thuật số.
Ông Duesterberg nói: “Ngay cả những hành động này cũng chỉ là câu giờ để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề dài hạn, mà sẽ còn khó khăn hơn nếu đứng từ góc độ chính trị. Ông Tập có rất ít phương án hay để ngăn chặn một vòng xoáy kinh tế tiêu cực.”
Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: