Cuộc khủng hoảng điện làm lộ ra những điểm yếu chiến lược của Trung Quốc
Vào hôm thứ Tư (13/10), Bắc Kinh đã tuyên bố sẽ mạnh tay khai thác và tiêu thụ nhiều than hơn trên toàn quốc. Tình thế tiến thoái lưỡng nan về thiếu điện ở Trung Quốc hiện nay không chỉ đang làm tổn hại đến hình ảnh một “công xưởng thế giới” đáng tin cậy, mà còn làm lộ ra những bất cập khi không đủ năng lượng của Trung Quốc. Mùa đông năm nay đang đến gần và có thể còn lạnh hơn năm ngoái, khiến cho tình hình nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Theo tờ The New York Times, tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc đang phổ biến trong khắp các ngành công nghiệp và nhà máy ở mọi nơi, đây là bài kiểm tra đối với vị thế công xưởng sản xuất toàn cầu của Trung Quốc. Do thiếu điện, công ty bánh mì không thể có được lượng điện cần thiết để làm bánh; Nhà cung cấp hóa chất của nhà sản xuất sơn lớn nhất thế giới đã thông báo sẽ cắt giảm sản lượng; Một thành phố cảng đã thay đổi quy tắc phân phối điện cho các nhà sản xuất đến bốn lần trong một ngày.
Sự thiếu hụt than đã khiến chính quyền Bắc Kinh phải thông báo vào hôm thứ Tư rằng, sẽ đẩy mạnh khai thác và tiêu thụ nhiều than hơn, mặc dù trước đó họ đã hứa sẽ giảm lượng khí thải gây ra biến đổi khí hậu.
Một số mỏ đóng cửa trước đó đã được ra lệnh mở lại. Các mỏ than và nhà máy nhiệt điện đóng cửa để bảo trì cũng đã được mở trở lại. Bắc Kinh hiện đang soạn thảo các ưu đãi về thuế cho các nhà máy nhiệt điện than. Các nhà quản lý còn yêu cầu các ngân hàng Trung Quốc cung cấp những khoản vay đáng kể cho ngành than. Chính quyền địa phương cũng được cảnh báo cần thận trọng hơn trong việc hạn chế sử dụng năng lượng – vốn là trách nhiệm trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu của nước này.
Tình trạng thiếu điện đã khiến mọi người nghi ngờ rằng liệu Bắc Kinh có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như người dân Trung Quốc mong đợi trong vài tháng tới hay không, điều này tùy thuộc vào lượng than mà Trung Quốc có thể khai thác và tiêu thụ trong thời gian tới.
Cuộc khủng hoảng điện lực lần này cũng đã bộc lộ một điểm yếu chiến lược của Trung Quốc: Đó là một quốc gia ‘háu ăn’ và ngày càng ‘đói khát năng lượng’. Do phụ thuộc nhiều vào than đá, Trung Quốc đã trở thành quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang dựa vào các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép, xi măng và hóa chất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù nhiều nhà máy mới ở Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn các nhà máy ở Hoa Kỳ, nhưng việc chính quyền kiểm soát giá điện trong những năm qua đã khiến phần lớn các chủ xí nghiệp phải trì hoãn việc cải tiến điện, hệ thống sưởi và các thiết bị khác.
Thuận theo việc mùa đông đang đến gần – điều sẽ khiến Trung Quốc phải khai thác và đốt nhiều than hơn – Bắc Kinh sẽ phải xem xét xem có nên cho phép các nhà máy tiếp tục sản xuất nguyên liệu theo yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu hay không.
Ông Trần Long, đồng sáng lập và đối tác của Plenum, một công ty nghiên cứu kinh tế và chính trị ở Bắc Kinh, cho biết: “Bắt buộc phải có một số sự hi sinh. Để đảm bảo các gia đình có hệ thống sưởi và điện, thì phải cắt giảm lượng điện tiêu thụ trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng”.
Kể từ cuối tháng trước, dù các biện pháp cắt giảm điện dường như đã giảm bớt, nhưng tình trạng mất điện trên diện rộng cũng đã khiến nhiều nhà máy trở tay không kịp. Chưa kể mùa người dân dùng điện sưởi ấm sẽ chính thức bắt đầu ở Đông Bắc Trung Quốc vào thứ Sáu (15/10), và sang tháng tới sẽ kéo dài đến miền Trung và miền Bắc Trung Quốc.
Bắc Kinh đang phải đối diện với một lựa chọn khó khăn. Trung Quốc đốt nhiều than hơn tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại, và cũng là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai sau Hoa Kỳ.
Mặc dù Trung Quốc đã và đang nhanh chóng mở rộng việc sử dụng khí đốt tự nhiên, các tấm pin mặt trời, tuabin gió và các đập thủy điện, tuy nhiên Trung Quốc vẫn không có đủ năng lượng để đáp ứng cho nhu cầu trong nước. Ngay cả việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh cũng cần đến rất nhiều điện năng, nguồn điện cung ứng ngày càng eo hẹp đã làm tăng chi phí sản xuất các tấm pin mặt trời.
Khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn điện cung ứng có thể sẽ buộc Trung Quốc phải định hình lại nền kinh tế, cũng như giá dầu cao trong những năm 1970 đã buộc các nước Bắc Mỹ và Âu Châu phải thay đổi. Các quốc gia này đã phát triển những chiếc ô tô hiệu quả hơn, sử dụng các nhiên liệu khác, tìm thấy nhiều nguồn cung mới và chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, hầu hết đều là chuyển đến Trung Quốc, nhưng quá trình này rất dài, tốn kém và khó khăn.
Hiện tại, chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tập trung tại Glasgow, Scotland để thảo luận về vấn đề giải quyết biến đổi khí hậu, trong khi Trung Quốc lại đang tăng tốc tiêu thụ than.
Các thành viên của Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu tại Trung Quốc vào hôm thứ Tư cho biết, tình trạng thiếu điện ở một số thành phố của Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn trong tuần này. Họ dự đoán rằng tình trạng thiếu điện sẽ tiếp diễn cho đến tháng 3 năm sau.
Hiện tại, nỗi lo lớn nhất của Bắc Kinh chủ yếu là vào mùa đông. Trong thời tiết lạnh giá khắc nghiệt vào tháng 12 năm ngoái, một số thành phố thiếu than đã khiến hoạt động của các nhà máy bị giảm, đèn đường và thang máy ngưng hoạt động, và hệ thống sưởi văn phòng bị hạn chế. Mặc dù các nhà máy điện đã bắt đầu tích trữ than trong vài tuần đầu mùa đông, nhưng vấn đề vẫn đã xuất hiện.
Theo số liệu của công ty dữ liệu than CQCoal ở Trung Quốc, năm nay, các tỉnh lớn nhất của Trung Quốc chỉ tích trữ được than trong vòng 9 đến 14 ngày.
Do Cao Sam, Diệp Tử Vy thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: