Cuộc khủng hoảng bầu cử thực sự
Nhiều người lo ngại về kết quả của cuộc bầu cử vì những lý do chính đáng. Bất cứ ai lãnh đạo đất nước, đều sẽ tác động đến nền kinh tế, đến Tối cao Pháp viện, đến kế hoạch ứng phó virus corona, luật pháp và trật tự, tự do ngôn luận, và nhiều thứ khác.
Nhưng có một điều gì đó khác còn quan trọng hơn: sự mục nát bên trong các cơ quan tình báo của chúng ta, Bộ Tư pháp và FBI còn cần được giải quyết. Trách nhiệm pháp lý cuối cùng không thể tìm thấy được dưới thời chính phủ TT Trump và tôi tin rằng nó cũng sẽ khó khăn, nếu không muốn nói là khó hơn, dưới thời chính phủ ông Biden.
Hãy suy nghĩ về điều đó. Giờ đây, chúng ta biết chắc chắn rằng vào năm 2016, những kẻ xấu trong chính phủ của chúng ta, đã thông đồng với các đặc vụ chính trị trong Đảng Dân Chủ để cố gắng phá hoại ông Donald Trump trước và sau khi ông đắc cử. Ngay cả những kẻ thù của ông Trump, vốn tham gia vào cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Mueller, cũng phải kết luận rằng, không có chuyện “Trump thông đồng với Nga” như đã được các đặc vụ và giới truyền thông tuyên bố sai trái trong vài năm; và thêm nữa, không có người dân Hoa Kỳ nào thông đồng với Nga.
Thêm một cuộc bầu cử nữa đã xảy ra nhưng không ai chịu trách nhiệm về những gì mà các nhà quan sát trung lập coi là một trong những hành vi phạm tội lớn nhất của thời đại chúng ta. Bốn năm sau khi nhiều hành động bị cho là tội ác đã được thực hiện, tất cả những ai đang ở vị thế có thể làm gì về điều đó để tránh trò bịp bợm thêm nữa, đều đã lảng tránh và trì hoãn. Sau đó, họ tuyên bố họ tin rằng đã quá gần đến ngày bầu cử nên không thể làm gì được.
Họ đã không hiểu vấn đề – có lẽ là cố tình [không hiểu]. Sự can thiệp bầu cử của các quan chức chính quyền và mưu đồ tác động bất chính đến hệ thống chính trị là những điều quan trọng cần giải quyết trước cuộc bầu cử năm 2020, để thực hiện các biện pháp đầu tiên tránh bị can thiệp thêm. Đó là một trường hợp khẩn cấp đáng lẽ không nên bị trì hoãn.
Ngày nay, thậm chí một số người liên quan đến hành vi bất chính vẫn đang tại vị, như Tổng thanh tra Bộ Tư pháp do ông Obama bổ nhiệm đã nêu tên gần 1 năm trước đây. Họ vẫn đang hưởng lương nhà nước và tác động đến các quyết định và chính sách công trong các cơ quan đó. Chưa bao giờ có bất kỳ hành động có ý nghĩa nào được thực hiện đối với những kẻ gây ra những rò rỉ bất hợp pháp. Bộ Tư pháp đã thông qua hồ sơ hình sự do Tổng thanh tra gửi đến đối với cựu Giám đốc FBI James Comey vì đã xử lý sai thông tin mật chống lại ông Trump.
Chỉ khi cảm thấy xấu hổ và bị thúc ép bởi báo cáo của Tổng thanh tra, Tòa án Giám sát Tình báo Nước ngoài mới tiến hành xem xét việc lấy mẫu các [băng ghi âm] nghe lén khác của FBI để xem liệu hành vi sai trái có mở rộng sang các vụ án khác hay không. Họ thấy có những đoạn bị lỗi trong từng [băng ghi âm] nghe lén mà họ đã xem xét; nhưng không có thông báo nào được đưa ra để buộc các đặc vụ liên bang phạm tội phải chịu trách nhiệm hoặc thông báo cho những người dân Hoa Kỳ đã bị theo dõi một cách bất chính. Không có một lời nào về việc liệu những người dân Hoa Kỳ bị theo dõi dựa trên những băng ghi âm bị lỗi đó đã được thông báo hay không.
Các hồ sơ về những người dân Hoa Kỳ mà cộng đồng tình báo thu thập được dựa trên các ứng dụng nghe lén bị lỗi, đã được hủy đi hay chuyển giao cho những công dân bị ảnh hưởng hay chưa?
Cựu cộng sự chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Carter Page, người bị theo dõi một cách bất chính, đã không nhận được lời xin lỗi thích đáng vì danh tiếng của mình đã bị hủy hoại. Không có quan chức chính phủ nào tham gia đã bị buộc chịu trách nhiệm vì đã xâm phạm quyền riêng tư của ông. Không ai bị buộc chịu trách nhiệm sau khi tái hủy bằng chứng trên điện thoại di động của FBI. Nhiều hồ sơ hình sự được gửi đến Bộ Tư pháp dường như đã bị bỏ qua; ít nhất là không có hành động nào được công bố, thậm chí đối với cả hồ sơ về [cựu sĩ quan tình báo Anh] Christopher Steele do các thượng nghị sĩ chuyển lên, hiện đã vài năm trôi qua.
Không ai bày tỏ mong muốn tìm hiểu đến cùng những hành vi vạch mặt bất chính đối với công dân Hoa Kỳ, ngay cả khi một trong những quan chức của ông Obama tuyên bố rằng ai đó đã nhân danh cô ấy yêu cầu tiến hành nhiều lần vạch mặt như thế này. Riêng chuyện đó thôi đã là một trong những vi phạm dễ dàng nhất và quan trọng nhất được ghi lại để truy tìm dấu vết, nếu người ta muốn làm. Tôi vẫn có thể liệt kê tiếp.
Không phải chỉ riêng thành viên Đảng Dân Chủ phải chịu trách nhiệm về việc không hành động gì hoặc bị cáo buộc có những hành động che đậy. Thậm chí nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa còn đưa ra những lý do như: “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm, là làm sáng tỏ những gì đã xảy ra, chúng tôi không có thẩm quyền truy tố” hoặc “ồ, chúng tôi phải xem có luật nào bị vi phạm hay không”.
Những chuyện đó trông quá nhỏ bé. Nhiệm vụ trước mắt không phải là xem những luật lệ nào đã bị vi phạm, chẳng hạn như vị luật sư FBI, người bị cáo buộc là đã giả mạo một tài liệu. Đó là chỉ là những thứ không quan trọng so với những gì chúng ta biết đã xảy ra và điều gì đang bị đe dọa nếu không ai bị buộc phải chịu trách nhiệm. Chúng ta có trong tay bằng chứng về những hành vi sai trái khắp nơi, gian lận và những mưu toan nhằm làm suy yếu Hoa Kỳ và nhà lãnh đạo đất nước — không phải do các đối thủ nước ngoài thực hiện, mà là do những công dân Hoa Kỳ đang làm việc trong chính phủ của chúng ta và đang nhận tiền của người đóng thuế.
Những hậu quả để lại là gì?
Sự nghi ngờ và mất niềm tin vào các thể chế của chúng ta: cộng đồng tình báo, FBI, Bộ Tư pháp, Nghị viện (đã không giải quyết được các vụ lạm dụng giám sát lâu nay giữa các cơ quan theo bất kỳ nghĩa nào). Sự thiếu tin tưởng đó tiếp tục mở rộng đến các tòa án, hệ thống bầu cử của chúng ta và các phương diện khác của chính phủ chúng ta, chưa kể đến các kênh truyền thông tin tức (vốn chủ yếu đưa tin một chiều về những vấn đề này), mạng xã hội và internet (vốn rõ ràng đã gây ảnh hưởng để biến kết quả theo hướng họ mong muốn, khai triển sự kiểm duyệt để cố gắng đạt được các mục tiêu chính trị và các mục tiêu của tập đoàn).
Dù kết quả cuối cùng ra sao, sau cuộc bầu cử năm 2020 chúng ta còn lại một cuộc khủng hoảng về niềm tin vào các thể chế mà chúng ta dựa vào để giữ cho đất nước đi theo định hướng đã được thiết lập. Và không thấy có bên nào sẵn sàng cố gắng khắc phục điều này.
Sharyl Attkisson là tác giả cuốn sách bán chạy nhất sắp ra mắt của The New York Times “Slanted” [Thiên kiến], người từng 5 lần đoạt giải Emmy, và là người dẫn chương trình truyền hình điều tra quốc gia của Sinclair: “Full Measure with Sharyl Attkisson”. Bà đã nhận được Giải thưởng Edward R. Murrow cho phóng sự điều tra, và đưa tin toàn quốc cho các hãng CBS News, PBS và CNN.