Cuộc họp Bộ trưởng tài chính G20 xoay quanh chiến sự Ukraine và lạm phát
Hôm thứ Sáu (15/07) cuộc họp thứ ba của bộ trưởng tài chính G20 và thống đốc ngân hàng trung ương đã diễn ra trên đảo Bali của Indonesia, với trong tâm chính là suy thoái kinh tế do cuộc chiến Nga-Ukraine gây ra.
Trong bài diễn văn khai mạc, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đã kêu gọi G20, các nền kinh tế hàng đầu thế giới, đi đến một sự đồng thuận để giải quyết các thách thức toàn cầu, khi bà cảnh báo về kết cục của một cuộc khủng hoảng “thảm khốc.”
Bà nói: “Chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về nguy cơ đối với an ninh lương thực do tác động của cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt cũng như [các] biện pháp hạn chế xuất cảng đang làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.”
Bà Indrawati cho biết chiến tranh Ukraine và giá cả hàng hóa tăng cao đe dọa sự ổn định kinh tế vi mô và sự phục hồi kinh tế trên toàn thế giới, khiến các thành viên G20 cần phải “xây dựng cầu nối với nhau.”
Bà nói: “Chúng ta nhận thức sâu sắc rằng cái giá phải trả cho việc chúng ta không làm việc cùng nhau là nhiều hơn so với những gì chúng ta tự mình giải quyết. Các hậu quả về vấn đề nhân đạo đối với thế giới, và đặc biệt là đối với nhiều quốc gia có thu nhập thấp, sẽ là thảm khốc.”
Lời nhận xét của bà đượcc đưa ra sau chuyến thăm của Tổng thống Indonesia Joko Widodo tới Ukraine và Nga hồi tháng trước, tại đó ông đề nghị trở thành “cầu nối giao tiếp” của các quốc gia để giải quyết vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Một số bộ trưởng phương Tây chỉ trích việc giới chức Nga dự vòng đàm phán. Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết “cuộc chiến tàn bạo và phi nghĩa” của Nga là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay.
Các quan chức từ Hoa Kỳ, Anh, Canada, và Ukraine đã bước ra khỏi một phiên họp tại hội nghị thượng đỉnh tài chính G20 trước đó ở Hoa Thịnh Đốn để phản đối sự tham dự của giới chức Nga. Cuộc họp hồi tháng Tư kết thúc mà không đưa ra một thông cáo chung.
Hoa Kỳ dự định thảo luận về việc áp trần giá lên dầu Nga
Trình bày trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, bà Yellen cho biết “chúng ta đang chứng kiến những hiệu ứng lan tỏa tiêu cực” từ cuộc chiến Nga–Ukraine “ở mọi ngóc ngách trên thế giới”, đặc biệt là giá năng lượng cao hơn và tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng rình rập.
Bà cho hay: “Trong suốt chuyến đi của tôi đến khu vực, và ở Indonesia đây, chúng ta sẽ tiếp tục các cuộc đối thoại của mình về những gì chúng ta có thể cùng nhau làm để giúp đỡ những quốc gia khác trên khắp thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh của Nga.”
“Điều này bao gồm giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, lên kế hoạch và thực hiện một mức giá trần đối với dầu của Nga.”
Bà Yellen cho biết việc đặt mức giá trần cho dầu Nga vẫn chưa được quyết định nhưng họ sẽ chọn “một con số rõ ràng tạo cho Nga động lực để tiếp tục sản xuất, điều đó sẽ biến ngành sản xuất thành ngành sinh lợi cho Nga.”
Bà nói: “Một giới hạn về giá dầu của Nga sẽ không cung cấp cho ông Putin nguồn thu mà cỗ máy chiến tranh của ông ấy cần và sẽ xây dựng dựa trên các biện pháp trừng phạt lịch sử mà chúng tôi đã thực hiện, khiến ông ấy gặp khó khăn hơn trong việc tiến hành chiến tranh hoặc phát triển nền kinh tế của mình.”
“Hành động này cũng sẽ hỗ trợ duy trì nguồn cung dầu toàn cầu, giúp giảm áp lực giá cả đối với người tiêu dùng ở Hoa Kỳ và trên toàn cầu vào thời điểm giá năng lượng đang tăng vọt.”
Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.