Cuộc gọi của quý vị có thể bị theo dõi: Giám sát kiểu Trung Quốc nay đã tới Hoa Kỳ
Tại Trung Quốc, WeChat đã trở thành một công cụ không thể thiếu đối với 1.2 tỷ người của đất nước có 1.4 tỷ dân này. Cần chuyển tiền ư? Hãy dùng WeChat. Cần đặt lịch hẹn với bác sĩ ư? Hãy dùng WeChat. Cần gọi một chiếc taxi? Đã có WeChat. Cần nhắn tin cho bạn bè? Dùng WeChat đi. Cái “siêu ứng dụng” này, như quý vị có thể thấy, được sử dụng cho tất cả mọi thứ mà người ta có thể hình dung ra được.
Không lấy gì làm ngạc nhiên khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng WeChat để do thám công dân Trung Quốc. Xét cho cùng, thì dữ liệu chính là sức mạnh. Quý vị càng sở hữu nhiều dữ liệu, thì quý vị càng dễ dàng phát hiện ra các khuôn mẫu thông thường và những điều bất bình thường. Ở Trung Quốc, thông tin thu thập được thông qua việc theo dõi trên mạng xã hội được sử dụng để kiểm soát người dân và trừng phạt những ai không vâng lời. Đáng buồn thay, kiểu giám sát này không chỉ giới hạn ở các quốc gia cộng sản. Trên thực tế, ngay lúc này đây, điều này đang diễn ra ở một trong những thành phố đông dân nhất của Hoa Kỳ.
Những kẻ ẩn mình ở Los Angeles
Khoảng 80% người dân Mỹ không tin tưởng vào chính phủ. Họ cảnh giác với các chính trị gia có những nghị trình bất chính. Ai có thể đổ lỗi cho họ đây?
Hai thập niên trước, ngay sau vụ khủng bố ngày 11/09, Đạo luật Yêu nước đã được thông qua. Trong khi đất nước này vẫn còn đang bị chấn động thì chính phủ Hoa Kỳ, vốn chưa từng để một cuộc khủng hoảng nào trở nên lãng phí, đã ban hành một bộ luật giám sát toàn diện. Luật mới này cho phép các cơ quan chính phủ theo dõi công dân Mỹ—tất nhiên, mọi việc đều dưới danh nghĩa bảo đảm an ninh cho quốc gia.
Hãy tiến nhanh đến năm 2021, và chính phủ Hoa Kỳ hiện vẫn đang theo dõi những người dân Mỹ vô tội, 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm. Tại California, một tiểu bang tự do nhưng lại phi tự do nhất của Hoa Kỳ, nơi mà Quyền Tu chính án thứ Nhất đang bị vi phạm. Theo các tài liệu do Trung tâm Tư pháp Brennan thu thập được cho thấy, Sở Cảnh sát Los Angeles (LAPD) hiện được chỉ thị giám sát hoạt động trực tuyến của bốn triệu cư dân trong thành phố này, bất kể họ có phải là những kẻ bị tình nghi phạm tội hay không.
Theo bà Mary Pat Dwyer, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Brennan, thì ngoài việc giám sát các tài khoản mạng xã hội, LAPD cũng sẽ sử dụng Media Sonar, một nền tảng dựa vào công nghệ đám mây để hỗ trợ cho việc thu thập và phân tích dữ liệu trực tuyến. Bà Dwyer cho hay, với một công cụ mạnh mẽ như vậy, thì LAPD sẽ có khả năng “thiết lập hồ sơ chi tiết về các cá nhân và xác định những mối liên hệ giữa họ.”
Đáng lo ngại hơn, theo như các tài liệu nói trên nêu rõ, các viên cảnh sát không có nghĩa vụ phải báo cáo bất kỳ cuộc thăm dò nào mà họ thực hiện. Chẳng cần bất kỳ bằng chứng chứng minh nào, các cảnh sát có thể theo dõi công dân bao lâu tùy ý – trong nhiều giờ, nhiều ngày, hoặc thậm chí trong nhiều tháng. Hơn nữa, tài liệu này còn tích cực khuyến khích các cảnh sát tham gia vào một thứ gọi là “lắng nghe” trên mạng xã hội. Điều này liên quan đến việc giám sát chặt chẽ và phân tích các cuộc trò chuyện trực tuyến.
Kỳ lạ hơn nữa, giống như một tình tiết trong tiểu thuyết của Orwell, là các cảnh sát được yêu cầu thu thập thông tin tài khoản mạng xã hội từ những người họ gặp trên đường phố. Sau khi nhận được “Mẫu báo cáo phỏng vấn thực địa,” người được phỏng vấn được yêu cầu cung cấp tên, địa chỉ, số điện thoại, và email, cũng như thông tin tài khoản Twitter, Facebook, và Instagram của họ. Thông tin này sau đó được đưa vào Palantir, một hệ thống phân tích cho phép các cảnh sát tổng hợp dữ liệu từ rất nhiều nguồn. Các viên cảnh sát của LAPD không phải là những người duy nhất đang thu thập lượng lớn dữ liệu về những công dân không nằm trong diện bị tình nghi. Không, sự việc này đang diễn ra trên khắp nước Mỹ.
Sự giám sát của Hoa Kỳ
Bộ An ninh Nội địa (DHS), được thành lập 14 tháng sau vụ tấn công ngày 11/09, cũng thu thập thông tin của công dân Mỹ trên mạng xã hội. Kể từ năm 2018, số lượng trát “hàng rào địa lý” được ban hành đã tăng lên đáng kể. Những lệnh truy vết vị trí này cho phép các cơ quan chấp pháp có được dữ liệu đã bị ẩn danh từ Google. Nếu một người được coi là đã thực hiện hành vi đáng ngờ, các cơ quan có quyền yêu cầu có thêm nhiều thông tin chi tiết hơn. Không khó để thấy được mức độ lạm dụng thực sự có thể xảy ra.
Vào năm 2019, theo tạp chí Forbes đưa tin, sau khi một người đàn ông phạm tội, ngay lập tức Google đã giao nộp 1,500 vị trí khác nhau [được định vị trên] điện thoại cho các cảnh sát. Một điều phổ biến là dữ liệu của chúng ta đã được mua bán trong nhiều năm mà thường là không có sự đồng ý của người dùng. Tuy nhiên, điều ít được biết đến hơn là việc DEA đã mua dữ liệu lưu trữ trên điện thoại thông minh của các công dân Mỹ. Hàng tỷ cuộc gọi đã được theo dõi trong nhiều thập niên. Ở Hoa Kỳ, quyền riêng tư, cũng giống như Blockbuster (một công ty cung cấp dịch vụ phim ảnh trực tuyến đã phá sản) và điện thoại nắp gập vậy, hiện đã trở thành dĩ vãng.
Cách đây tám năm, bằng cách tiết lộ thông tin tuyệt mật cho công chúng, ông Edward Snowden đã khiến người Mỹ thức tỉnh về một thực tại đang bị chính phủ giám sát. Không bị xáo trộn bởi những tiết lộ này, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), nơi làm việc cũ của ông Snowden, vẫn theo dõi người dân Mỹ. CIA, một tổ chức nữa có lịch sử đáng ngờ, cũng đang do thám người Mỹ. Tệ hơn là, các đại công ty công nghệ (Big Tech), kể cả Facebook và Google như đã đề cập ở trên, có thể đã chia sẻ thông tin cá nhân của quý vị cho ít nhất một trong những tổ chức này. Với sự bắt tay giữa Big Tech và chính phủ, việc lạm dụng sẽ trở nên thường xuyên hơn hay ít đi? Tôi sẽ để quý vị tự quyết định.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và các tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một ký giả chuyên mục tại Cointelegraph.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.
Xem thêm: