Cuộc diễn hành ở New York làm sáng rõ cảnh ngộ của học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc
NEW YORK — Đối với người dân New York tản bộ trên các con đường trong Khu Chinatown lớn nhất của thành phố này hôm 23/04, sự hiện diện của đoàn diễn hành là điều khó có thể phủ nhận.
Được dẫn đầu bởi đội múa lân và một ban nhạc trong trang phục màu thiên thanh, đoàn diễn hành gồm 2,000 người này đã diễn hành qua khu phố Flushing của quận Queens. Trên một chiếc thuyền Pháp được trang trí tinh mỹ với dải dây tua rua màu vàng kim, những đám mây trắng viền xanh và những đóa sen nở rộ, những học viên nam và nữ trong trang phục truyền thống mỉm cười và vẫy tay chào dưới mái nhà lợp ngói màu vàng kim mô phỏng cảnh tượng thiên đình. Những học viên nữ trong trang phục truyền thống Trung Quốc giống như những phi thiên bay lượn, thỉnh thoảng lại lấy một bông sen giấy từ một chiếc giỏ được đan từ những sợi liễu gai mảnh mai đem tặng cho những người qua đường.
Song, màu sắc rực rỡ và không khí kỷ niệm chỉ nói lên một phần của câu chuyện. Sự kiện truyền thống hàng năm này vốn đã có từ hơn một thập niên qua nhằm kỷ niệm cuộc kháng nghị ôn hòa đòi quyền tự do tín ngưỡng lớn nhất trong lịch sử gần đây của Trung Quốc.
Cách đây khoảng chừng 23 năm, vào ngày 25/04/1999, 10,000 học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần chiểu theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đã tập trung bên ngoài Văn phòng Kháng nghị Trung ương của Trung Quốc gần trụ sở của chính quyền cộng sản Trung Quốc (còn được gọi là Trung Nam Hải) ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được thực hành tín ngưỡng mà không bị đàn áp chính trị.
Các học viên này đã lặng lẽ giải tán vào tối hôm đó sau khi nhận được lời cam đoan từ một quan chức hàng đầu của Trung Quốc rằng yêu cầu của họ đã được ghi nhận. Nhưng sự kiện này chỉ là tiền đề cho một cuộc đàn áp kéo dài hàng thập niên nhắm vào đức tin của họ.
Ba tháng sau sự kiện này, lãnh đạo Đảng đương thời Giang Trạch Dân đã khởi xướng một chiến dịch quy mô toàn quốc nhằm xóa sổ môn tu luyện này. Theo ước tính của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu người đã bị giam giữ tại nhiều cơ sở khác nhau và ở đó, họ phải đối mặt với tra tấn, lao động cưỡng bức, và thu hoạch nội tạng.
Các hoạt động của các học viên Pháp Luân Công hiện vẫn bị chính quyền cộng sản ở Trung Quốc chĩa mũi nhọn vào — chẳng hạn như sự kiện hôm 23/04 tại Flushing — được tổ chức nhằm nâng cao kiến giải của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại về các hành vi lạm dụng của Bắc Kinh.
Cô April, một Hoa kiều lần đầu tiên chứng kiến cuộc diễn hành, cho biết các yếu tố truyền thống trong văn hóa Trung Quốc mà các học viên [Pháp Luân Công] thị hiện mang lại cảm giác rất “ấm áp”.
“Làm sao có thể chứng kiến điều này ở Trung Quốc,” cô nói với Đài truyền hình NTD Hoa ngữ, một hãng thông tấn chi nhánh của The Epoch Times. “Không ai ở Trung Quốc dám bày tỏ suy nghĩ của họ.”
Một người nhập cư Trung Quốc khác đứng xem đoàn diễn hành, tự xưng là Susan, cho biết cuộc bức hại này là một trong nhiều hành vi lạm dụng nghiêm trọng cho thấy chính quyền này là “kẻ thù của Trung Quốc”.
“Đối với một số người trong xã hội nguyện ý đứng lên và đấu tranh cho quyền tự do để trở thành người lương thiện, điều này thật đáng khâm phục phải không? Nhưng nỗ lực kiểu như vậy lại bị đàn áp,” cô nói với NTD.
Cô nói, cuộc bức hại này đã đàn áp khát vọng hướng thiện của mọi người và toàn bộ Trung Quốc đang gánh chịu hậu quả.
“Hãy nhìn Thượng Hải của ngày hôm nay, ngay cả quyền tự do ăn uống cũng gần như không còn,” cô nói khi nhắc đến đợt phong tỏa hà khắc của chính quyền Trung Quốc tại trung tâm tài chính này đã khiến nhiều người trong thành phố phải chật vật để kiếm thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, và chăm sóc y tế.
“Quyền tự do là thứ mà nếu quý vị không bảo vệ ngay từ đầu, nó sẽ sụp đổ với tốc độ ngày càng nhanh. Cuối cùng, quý vị không chỉ không có quyền ăn uống mà thậm chí còn không có quyền được thở.”
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: