Cuộc diễn hành ở London kỷ niệm 30 năm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế Giới
LONDON – Các tấm biểu ngữ và băng rôn đầy màu sắc, cùng những người chơi trống trong trang phục màu vàng và một con rồng xanh uốn lượn, băng qua các đường phố của London hôm thứ Bảy (07/05), khi các học viên của môn tu luyện tinh thần Trung Hoa Pháp Luân Công kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới.
Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện tinh thần với các bài công pháp tĩnh tại chú trọng đến nhân cách đạo đức, lần đầu tiên được giới thiệu với công chúng ở Trung Quốc cách đây 30 năm vào ngày 13/05. Ngày đó đã được các học viên lấy làm “Ngày Pháp Luân Đại Pháp,” với các lễ kỷ niệm được tổ chức vào thời điểm gần kề hoặc trong ngày hôm đó. Pháp Luân Đại Pháp còn được gọi là Pháp Luân Công.
Từ ngữ trên các tấm biểu ngữ trong cuộc diễn hành ở London đã nêu bật các nguyên lý chỉ dẫn của môn tu luyện này: chân, thiện, và nhẫn.
“Pháp Luân Công là một món quà tuyệt vời đối với tôi và các học viên khác,” bà Rosemary Byfield, phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Vương quốc Anh, nói với The Epoch Times sau cuộc diễn hành. “Môn tu luyện này mang lại cho chúng tôi sức khỏe tốt, sự an hòa trong nội tâm, và một cảm giác tìm thấy ý nghĩa cho cuộc đời mình. Và tôi nghĩ Pháp Luân Công mang lại cho chúng tôi niềm hy vọng lớn lao.”
Tuy nhiên, bà Byfield lưu ý rằng có một chủ đề khác bi thảm trong cuộc diễn hành này: cuộc bức hại.
Sau khi được phổ truyền ra công chúng lần đầu vào ngày 13/05/1992, ước tính Pháp Luân Đại Pháp đã thu hút được khoảng 70–100 triệu học viên chỉ trong vòng vài năm.
Tuy nhiên, vào tháng 07/1999, dưới sự lãnh đạo của Giang Trạch Dân, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một cuộc đàn áp quy mô lớn với mục đích “xóa sổ” Pháp Luân Công vì hoang tưởng về số lượng học viên, và cho rằng môn tu luyện này là một mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của mình.
Chỉ trong một đêm ở Trung Quốc, 100 triệu người đã trở thành “kẻ thù” của nhà nước khi hàng chục ngàn người bắt đầu bị đưa đến các trại tạm giam và trại lao động.
Trong khi đó, bà Byfield cho biết những người tập Pháp Luân Công bên ngoài Trung Quốc đã bắt đầu dành sức lực và thời gian rảnh của mình để phơi bày những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.
Điển hình là Vương quốc Anh.
Các bản kháng nghị và tờ rơi
“Chỉ có một số ít học viên trong những ngày đầu [ở Vương quốc Anh],” bà Byfield nói. “Và sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã tăng lên ở Anh. Và hiện tại, chúng tôi ước tính có khoảng 300 học viên ở Vương quốc Anh, có thể từ 100 đến 150 người đang tham gia vào các hoạt động này.”
Bà Byfield nói: “Các học viên đi ra ngoài ở các thành phố của họ trên khắp Vương quốc Anh, để biểu diễn các bài công pháp, phát tờ rơi, nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công là gì, bởi vì kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, các kênh thông tấn của ĐCSTQ đã lan truyền rất nhiều thông tin sai lệch có hại về Pháp Luân Công, và mọi người đã không biết Pháp Luân Công là gì.”
“Và họ cũng bắt đầu các bản kháng nghị, kháng nghị để giúp đỡ các học viên bị bức hại ở Trung Quốc, và họ đã đạt được kết quả vượt bậc.”
Bà cho biết những bản kháng nghị và kêu gọi đó đã giúp bảo đảm việc trả tự do cho các thành viên gia đình ở Trung Quốc.
“Họ đã được trả tự do vì tác động của những người có trái tim nhân hậu ủng hộ những bản kháng nghị này. Chúng tôi sẽ thu thập rất nhiều chữ ký và nghị viên ở địa phương [của] học viên nào có thành viên gia đình bị bức hại ở Trung Quốc sẽ hành động.”
Những lời kêu gọi giúp đỡ từ giới chính trị là lý do mà cuộc diễn hành này, vốn bắt đầu bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc, kết thúc ở đối diện Downing Street, nơi đặt văn phòng và tư dinh của thủ tướng.
“Hôm nay, vì đây là dịp kỷ niệm 30 năm Pháp Luân Công được phổ truyền ra công chúng, chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời chúc và thông điệp ủng hộ từ các nghị viên và thành viên Hạ viện,” bà Byfield nói. “Và họ đang khẳng định các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn là tốt cho nhân loại.”
Tháng trước (04/2022), Nghị viện đã thông qua luật quy định việc công dân Vương quốc Anh ghép tạng ở ngoại quốc mà không có sự đồng ý thích hợp từ người hiến tạng là bất hợp pháp.
Đạo luật này là đỉnh điểm của nhiều tháng ngày gia tăng kêu gọi từ các nhà lập pháp Anh nhằm phản đối hoạt động thu hoạch nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là thu hoạch nội tạng bắt nguồn từ các học viên Pháp Luân Công.
Năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập đã đồng ý kết luận (pdf) rằng các tù nhân lương tâm đã — và tiếp tục bị — sát hại ở Trung Quốc để lấy nội tạng của họ “trên một quy mô đáng kể.” Họ lưu ý rằng các học viên Pháp Luân Công là một trong những nguồn cung cấp nội tạng chính.
Tòa án này đã công bố một báo cáo dài 160 trang vào ngày 01/03/2020, đồng thời khẳng định lại kết luận trước đó của mình, tuyên bố rằng “không có bằng chứng về việc hoạt động này đã được dừng lại và Tòa đồng ý rằng nó vẫn đang tiếp diễn.”
Bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các học viên Pháp Luân Công chỉ bắt đầu xuất hiện vào năm 2006, bảy năm sau khi cuộc bức hại ở Trung Quốc bắt đầu.
Lời chúc mừng sinh nhật
Cùng với việc gửi thông điệp tới các nhà lập pháp và chính phủ, các học viên ở bên ngoài Downing Street cũng đã gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng sinh nhật đến nhà sáng lập Pháp Luân Công, Ngài Lý Hồng Chí.
Bên cạnh việc đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày phổ truyền môn tu luyện này ở Trung Quốc, ngày 13/05 cũng là ngày sinh nhật của Ngài Lý.
Nhiều người trong số các học viên cao niên hơn cho biết họ muốn bày tỏ lời cảm ơn của mình vì những lợi ích sức khỏe to lớn mà môn tu luyện này mang lại.
Những người trẻ tuổi có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các lợi ích về mặt tinh thần và tâm linh.
Cô Natalie Nutting, một chuyên gia khai vấn về kỹ năng nói chuyện cho biết: “Tôi từng rất nhút nhát, sống nội tâm, không thể thể hiện được bản thân mình, không thể thực sự ăn nói một cách chỉnh chu.” Cô nói sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cô đã tìm thấy điều mà cô mô tả là “sự tự tin về mặt tinh thần.”
“Tôi biết rằng mình đang đi trên con đường chân chính, rằng tôi đang chiểu theo những nguyên lý chân chính,” cô nói. “Rồi bỗng nhiên, thật kỳ diệu, tôi có thể thể hiện bản thân tốt hơn. Tôi có thể giao tiếp với mọi người. Và đối với tôi điều đó là phép màu.”
Ông Simon Veazey là một ký giả làm việc tại Vương quốc Anh, người đã đưa tin cho The Epoch Times từ năm 2006 trong nhiều lĩnh vực đa dạng, từ đưa tin chuyên sâu về chính trị Anh và Âu Châu đến viết tin tức mới nhất cho báo web.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: