Cuộc đàn áp mã kim trên toàn quốc của Trung Quốc không ngăn chặn được việc rửa tiền xuyên biên giới
Ngày 09/06, Trung Cộng đã phát động một chiến dịch toàn quốc để ngăn chặn tình trạng rửa tiền qua biên giới bằng tiền điện toán (cryptocurrencies, các loại mã kim). Đây là lần thứ năm [Trung Cộng] thực hiện hành động như vậy và là một phần trong những nỗ lực gần đây của Trung Cộng nhằm ngăn chặn dòng vốn và đề phòng rủi ro tài chính.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), ngân hàng trung ương của Trung Quốc, cho biết hôm 01/06 rằng các sửa đổi đối với Đạo luật chống rửa tiền đã được đưa vào kế hoạch công tác lập pháp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, và đang trưng cầu ý kiến của công chúng trước ngày 30/6. Tuyên bố nhấn mạnh rằng việc sửa đổi đạo luật là một yêu cầu tất yếu để ngăn ngừa và kiểm soát rủi ro tài chính đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Ngay từ ngày 23/04, PBoC đã đưa ra quyết định “đàn áp chuỗi chuyển vốn đánh bạc xuyên biên giới,” để dừng các hoạt động rửa tiền và chuyển tiền xuyên biên giới bằng cách sử dụng các loại mã kim ngay từ nguồn gốc.
Ngày 18/05, Hiệp hội Tài chính Internet Quốc gia của Trung Cộng, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán & Bù trừ Trung Quốc, lặp lại quyết định của ngân hàng trung ương, đã cùng đưa ra một tuyên bố yêu cầu các thành viên của họ “kiên quyết không thực hiện hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào liên quan đến tiền điện toán.”
Ba hiệp hội thương mại này bao quát hầu hết các công cụ thanh toán và chuyển khoản ở Trung Quốc, gồm thẻ ngân hàng và thẻ điện thoại có thể nạp lại, cũng như các khoản thanh toán của bên thứ ba như Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent.
Ngày 21/05, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính đã ban hành các chính sách để bảo vệ chống lại các rủi ro tài chính, kể cả việc khai thác và giao dịch Bitcoin. Ủy ban này là cơ quan ra quyết định hàng đầu của Trung Cộng về các vấn đề tài chính.
Để thực hiện một cuộc tấn công tuyên truyền ủng hộ chính sách đàn áp, cơ quan ngôn luận của đảng–Tân Hoa Xã–đã công bố sáu báo cáo điều tra dài trong vòng 10 ngày bắt đầu từ ngày 20/05.
Chuyên gia về Trung Quốc Shi Shan nói với The Epoch Times: “Chiến dịch leo thang chống lại tiền điện toán của Trung Cộng có thể cho thấy việc tháo chạy vốn [khỏi Trung Quốc] vẫn còn khá nghiêm trọng, hoặc có thể là các chiến dịch này chưa thực sự hiệu quả.”
Kể từ tháng 10 năm ngoái, Trung Cộng đã thực hiện 5 hoạt động tương tự liên quan đến 15,000 băng nhóm tội phạm và 311,000 vụ bắt giữ.
Trong đợt [đàn áp] thứ tư vào ngày 02/04, nhà chức trách cho biết họ đã thu giữ hơn 15,000 điện thoại và thẻ ngân hàng, trị giá hơn 2.09 triệu USD.
Kết quả của cuộc đàn áp là rất khiêm tốn so với số lượng dòng chảy ra mà các nhà chức trách tiết lộ. Báo cáo cho biết hơn 1,100 người đã bị bắt vì tình nghi rửa tiền, liên quan đến hơn 170 nhóm, nhưng không cho biết chi tiết số tiền liên quan.
Ông Liao Jinrong, Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ Công an, xác nhận vào tháng 09/2020 rằng trong số dòng vốn chảy ra từ Trung Quốc, chỉ riêng cờ bạc xuyên biên giới đã lên tới hơn 166.7 tỷ USD mỗi năm.
Khó khăn khi hạn chế dòng vốn chảy ra
ThePaper.cn, một tờ báo nhà nước, dẫn lời một nguồn tin trong ngành cho biết ngoài việc trấn áp hoạt động khai thác tiền điện toán, các nhà chức trách có khả năng hạn chế các giao dịch mã kim phi tập trung (over-the-counter, OTC) và có thể đưa ra các biện pháp khác như tăng cường điều tra về chuyển khoản ngân hàng bất thường khi họ cố gắng ngăn tiền rời khỏi đất nước. Tuy nhiên, dòng vốn chảy ra đã được chứng minh là khó có thể bị chặn hoàn toàn.
Sino Global Capital cho biết trong một báo cáo năm 2020 rằng “Giao dịch OTC là một thị trường khá lớn ở Trung Quốc, lớn hơn nhiều so với mọi người nghĩ,” và hầu hết các nền tảng giao dịch cũng cung cấp một loạt các quyền chọn OTC.
Các nền tảng giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới, Binance, Huobi và OKEx, đều được thành lập tại Trung Quốc và được hỗ trợ bởi nguồn vốn của Trung Quốc. Do các hạn chế mới của Trung Cộng, các nền tảng này hiện chủ yếu chạy bên ngoài Trung Quốc.
Binance đã chuyển máy chủ và nhân viên của mình ra khỏi Trung Quốc và đã nỗ lực hết sức để phát triển tại thị trường Hoa Kỳ kể từ tháng 09/2017, khi Trung Cộng ban hành luật để điều chỉnh chặt chẽ việc giao dịch mã kim. Tuy nhiên, phần lớn người dùng của nó, những người chủ yếu tham gia vào giao dịch mã kim phi tập trung (OTC), vẫn đến từ Trung Quốc.
Ngoài ra, theo Báo cáo chống rửa tiền thường niên về tiền điện toán năm 2020 do công ty bảo mật chuỗi khối (blockchain) PeckShield phát hành, giá trị giao dịch tiền điện toán xuyên biên giới không được kiểm soát với Trung Quốc đạt mức 17.5 tỷ USD vào năm 2020, tăng 51% so với 11.4 tỷ USD vào năm 2019 và tiếp tục phát triển nhanh chóng.
Tether (USDT), mã kim được sử dụng rộng rãi nhất được gắn với đồng USD, đã từ chối chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ vì họ không muốn tiết lộ thông tin cá nhân của những người dùng lớn nhất của mình. Những người dùng này chiếm 80% tổng số giao dịch OTC bằng tiền điện toán.
Giao dịch của Tether đạt đỉnh điểm hơn 200 tỷ USD trong khoảng thời gian 24 giờ vào ngày 19/05 và vẫn ở mức 71 tỷ USD vào ngày 13/06.
(tham khảo: https://coinmarketcap.com/zh/)
Do Jennifer Bateman thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: