Cuộc đàn áp Hồng Kông của Đảng Cộng Sản Trung Quốc là ‘lời cảnh tỉnh’ cho thế giới tự do
Theo nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông La Quán Thông (Nathan Law), sự trỗi dậy của Trung Quốc cộng sản là một “cuộc khủng hoảng sinh tồn” đối với các nền dân chủ tự do trên toàn thế giới.
“Hồng Kông là một ví dụ điển hình về cách một chế độ độc tài có thể làm xói mòn một thành phố tự do; … các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể lấy đó làm bài học giáo huấn,” anh La Quán Thông, tác giả của cuốn sách “Freedom: How We Lose It and How We Fight Back” (tạm dịch: “Tự Do: Cách Chúng Ta Đánh Mất Nó, Cũng Như Cách Chúng Ta Phản Công”), nói với chương trình “American Thoughts Leaders” (“Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ”) của EpochTV hôm 14/12.
“Những gì đang xảy ra ở Hồng Kông, những gì đang xảy ra ở Tân Cương, cũng như ở phần còn lại của Trung Quốc, là một lời cảnh tỉnh cho thế giới. Nó không chỉ là về … việc giúp đỡ cho người dân ở Hồng Kông hay giúp đỡ cho người dân ở Tân Cương, mà đó còn là về cách chúng ta có thể bảo vệ nền dân chủ.”
Anh La, người trở nên nổi tiếng với tư cách là một nhà hoạt động trong Phong trào Dù vàng ủng hộ dân chủ của thành phố vào năm 2014 và hiện đang sống lưu vong ở London, là một người trong cuộc đã tự thân nếm trải cuộc đàn áp của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
“Đối với tôi … sự suy tàn của nền dân chủ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài toàn trị không phải là một lý thuyết trừu tượng, đó là một câu chuyện đau đớn của riêng cá nhân tôi,” anh nói.
Trong bảy năm qua, “[Tôi đi] từ một sinh viên lãnh đạo cuộc biểu tình lên thành nhà lập pháp trẻ nhất được bầu ở Hồng Kông. [Sau đó] tôi bị tuyên bố là không đủ tư cách, trở thành một tù nhân và … [bây giờ tôi là một] nhà hoạt động lưu vong,” anh La Quán Thông giãi bày.
Anh La cho biết quyền tự do của Hồng Kông đã bị suy giảm trong nhiều năm, nhưng nó đã “lao đầu xuống vực” vào tháng 06/2020, khi nhà cầm quyền ở Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia.
Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh Quốc, đã trải qua nhiều làn sóng biểu tình trên toàn thành phố kể từ khi khu tự trị này được trao lại cho chính quyền Trung Cộng vào năm 1997. Theo đó, ĐCSTQ đã đang từng bước thu hồi các quyền tự do và quyền tự chủ của thành phố — điều mà nhà cầm quyền này đã bảo đảm sẽ duy trì trong 50 năm sau cuộc bàn giao này.
“Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay thực sự tinh vi hơn về mặt công nghệ so với Đảng Cộng Sản của năm ‘một chín tám tư’, một nhà nước toàn trị kiểu Orwell, và thế giới đã không có chút tiến triển nào trong việc buộc họ phải chịu trách nhiệm.”
— Nathan Law
Vào giữa năm 2020, sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ quy mô lớn trên lãnh thổ do Trung Cộng cai trị một năm trước đó, Bắc Kinh đã áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc, vốn ngăn cản đáng kể quyền tự do ngôn luận và quyền tự do lập hội trong thành phố này. Bộ luật này trao cho chính quyền Trung Cộng quyền lực sâu rộng để nhắm mục tiêu vào các cá nhân có bất kỳ hành vi nào bị Bắc Kinh coi là ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc thông đồng với các lực lượng ngoại quốc. Người vi phạm nếu bị kết tội có thể bị tù chung thân.
Kể từ đó trở đi, rất nhiều nhà hoạt động đã bị bắt giữ và tống giam hoặc đã đào thoát khỏi Hồng Kông.
‘Cuộc thoái trào của nền dân chủ’
Anh La Quán Thông cho rằng việc cho phép chính quyền Trung Cộng gia nhập các tổ chức quốc tế, chẳng hạn như Tổ chức Thương mại Thế giới, chẳng khác nào đang mời một “con sói lang vào nhà”, bởi vì thế giới tự do chưa phát triển các cơ chế thỏa đáng để kiểm soát hành vi của mình.
Anh La cho biết, thế giới này đã kết giao với Trung Quốc về chính trị và kinh tế, với hy vọng đất nước cộng sản này trở nên tự do hơn. Nhưng thay vào đó, Trung Quốc đã đi theo hướng hoàn toàn ngược lại.
Sự hòa nhập như vậy vào cộng đồng quốc tế đã mang lại cho Trung Quốc sự giàu có và công nghệ để tiếp sức cho chế độ cộng sản Trung Quốc trở nên mạnh mẽ và độc tài, thậm chí toàn trị hơn, theo nhà hoạt động La Quán Thông.
Anh chia sẻ: “Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay thực sự tinh vi hơn về mặt công nghệ so với nhà nước trong năm ‘1984’, nhà nước toàn trị của Orwell, và thế giới đã không có tiến triển nào trong việc buộc họ phải chịu trách nhiệm.”
Kết quả là, chúng ta đang nếm trải một “cuộc thoái trào của nền dân chủ”, trong lúc đồng thời phải chống chọi với sự lên ngôi của chủ nghĩa độc tài toàn trị, anh nói. “Chúng ta chắc chắn phải đoàn kết lại để đẩy lùi sự bành trướng độc tài từ phía Đảng Cộng Sản Trung Quốc.”
Những người bảo vệ nền dân chủ phải “giống như nước” (“be like water”), anh La Quán Thông nói, lặp lại nhận xét của huyền thoại võ thuật Hồng Kông Lý Tiểu Long được các nhà hoạt động Hồng Kông áp dụng. Đó là bởi vì họ phải thích ứng để chống lại những mối đe dọa và trở ngại khi đối diện với cường quốc chuyên chế đàn áp nhất trên thế giới.
Anh nói, “Sự thật” chính là điểm yếu của ĐCSTQ. “Họ kiểm duyệt hết mọi cửa ngõ có khả năng truyền đi sự thật ở Trung Quốc đại lục và chuyện này có thể sẽ đến Hồng Kông.”
Khi được hỏi về những gì người dân ở Trung Quốc đại lục có thể làm để chống lại ĐCSTQ, anh La khuyên họ không nên “nhẹ dạ cả tin trước thế giới tuyên truyền của Trung Quốc.”
“Nếu quý vị muốn biết tường tận hơn, và quý vị muốn giữ an toàn, hãy bảo đảm rằng quý vị sẵn sàng sống hai cuộc đời. Quý vị có một điện thoại với WeChat, một điện thoại với Twitter; một điện thoại với Baidu, một điện thoại với Google. Bảo vệ bản thân và phát triển bản thân. Lý giải rõ hơn về thế giới và những lý do mà chúng ta đang chiến đấu,” anh nói.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ”. Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny”.
Cô Danella Pérez Schmieloz là một phóng viên chuyên về Trung Quốc.
Do Danella Pérez Schmieloz và Jan Jekielek thực hiện
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: