Cuộc chiến tình báo Nga-Ukraine: Cờ giả, rò rỉ thông tin và thông đồng
Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều góp mặt trong cuộc chạy đua tình báo và thông tin xoay quanh chiến tranh Nga-Ukraine. Có phải Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đã biết về kế hoạch xâm lược từ trước? Nếu đúng như vậy, thì ai đã làm rò rỉ thông tin?
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga còn làm bén rễ cuộc chiến tình báo và cuộc chiến thông tin. Trước khi Nga tấn công, đã triển khai chiến lược “cờ giả” (vu oan giá họa – dịch giả) và phát video tuyên truyền. Hệ thống tình báo Hoa Kỳ cũng dự đoán chính xác ngày xảy ra cuộc tấn công, nhưng thông tin tình báo do Hoa Kỳ đưa cho Trung Quốc lại được Trung Quốc giao cho Nga. Tình báo Nga đơn phương tiết lộ rằng Nga ở thế bị động trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình. Còn Hoa Kỳ tiết lộ chuyện ĐCSTQ yêu cầu hoãn xâm lược tới sau Thế vận hội Olympic Mùa Đông, thế nhưng ai đã báo tin cho Hoa Kỳ? Có phải trong nội bộ Trung Quốc và Nga đều có người cung cấp thông tin tình báo cho Hoa Kỳ?
Trước khi chiến tranh Nga-Ukaine xảy ra là cuộc chiến giữa truyền thông Nga và tình báo Hoa Kỳ
Nga dự định lan truyền tin tức giả trước khi phát động tấn công
Đầu tháng 12 năm ngoái (2021), Toà Bạch Ốc cáo buộc Moscow lên kế hoạch “cờ giả” để che đậy cuộc xâm lược Ukraine. Hôm 03/02, Ngũ Giác Đài cho biết nhận được tình báo rằng Nga đang có ý đồ dựng “video truyên truyền” bịa đặt Ukraine tấn công Nga.
Cả phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đều xác nhận rằng Nga đã dựng một đoạn video khiến mọi người hiểu nhầm rằng Ukraine tấn công Nga trước. Mục đích là để Nga có cớ xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ cũng nói rằng, họ không biết Nga định dùng đoạn video đó ra sao. Khi đó, Vương quốc Anh cũng đứng lên xác minh độ tin cậy của thông tin tình báo này. Đoạn video ghi lại hình ảnh phi cơ không người lái, do Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên của NATO, cung cấp cho Ukraine. Được dựng rất công phu và chân thực, đoạn video này sau đó đã được Hoa Kỳ công bố nhằm ngăn cản ý đồ tuyên truyền của Nga.
Tại thời điểm công bố video, Hoa Kỳ đã không tiết lộ thông tin chi tiết mà chỉ nói rằng Hoa Kỳ muốn bảo vệ các nhà cung cấp thông tin tình báo. Rõ ràng, đoạn video được người trong nội bộ Nga cung cấp. Vì video được dùng để lấy cớ phát động chiến tranh, cho nên chắc chắn không phải ai cũng biết đến nó. Do đó, video rất có khả năng là đến từ một quan chức cao cấp của Nga.
Hồi giữa tháng 02/2022, Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng, Nga có thể sẽ xâm lược bất cứ lúc nào, thậm chí còn dự đoán chiến sự xảy ra vào ngày 16/02. Kết quả là, hôm 15/02, Nga tuyên bố ‘rút một số đơn vị khỏi biên giới với Ukraine’. Rốt cuộc, đó chỉ là kế tung hoả mù của Nga mà thôi. Cũng chính vì lý do này, Tổng thống Ukraine đã chỉ định ngày 16/02 là “Ngày thống nhất đất nước”.
Hoa Kỳ còn đưa ra dự đoán chính xác về thời gian xảy ra chiến tranh. Hôm 23/02, Hoa Kỳ đã cảnh báo với Ukraine, và dự kiến Nga sẽ phát động chiến dịch xâm lược Ukraine trong vòng 48 giờ. Kết quả là hôm 24/02, Tổng thống Nga Putin đã đọc diễn văn tuyên chiến và khởi động chiến dịch xâm lược toàn diện.
Các hành động của Nga như bao vây toàn diện Ukraine, điều động quân sự, trang bị vũ khí, v.v. có thể kết luận rằng Nga đã sẵn sàng phát động chiến tranh bất cứ lúc nào. Hơn nữa, trong thời đại thông tin hiện nay, những hình ảnh chụp từ vệ tinh, những video được truyền thông đăng tải và những bài phân tích của chuyên gia quân sự, đều giúp chúng ta dễ dàng dự đoán sắp xảy ra chiến tranh. Nhưng điều khó đoán là thời gian tấn công, bởi những điều này nằm gọn trong đầu của ông Putin và các tướng lĩnh tiền tuyến. Các thông tin chính xác này căn bản không thể phân tích ra được, mà chỉ có thể lấy từ chính quan chức cao cấp trong chính phủ và quân đội Nga.
Từ chiến thuật cờ giả, video giả của Nga, đến việc dự đoán chính xác thời điểm Nga xâm lược, cho thấy rõ ràng có lãnh đạo cấp cao trong chính phủ hoặc quân đội Nga đã cung cấp thông tin tình báo tuyệt mật nhất của Nga cho Hoa Kỳ. Tất nhiên, trong cuộc chiến tình báo sẽ có cả những tin tức giả, nhưng sau cùng, thực tế đã chứng minh độ xác thực của chúng.
Ảnh hưởng của thông tin tình báo đối với chính trị trong lịch sử
Lưu Liên Côn và cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan
Trong chiến tranh hiện đại, không thể thiếu những cuộc chạy đua thông tin và tình báo. Có đôi khi, một tin tình báo sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các lãnh đạo tối cao trong chính phủ. Năm 1996, để tác động đến cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan, ĐCSTQ đã phát động kế hoạch “Tập trận chung 961”. Kế hoạch cho thấy cuộc tập trận có thể được biến thành một hoạt động quân sự thực sự khi có “kết quả xấu nhất”. Kế hoạch đã được Thiếu tướng Trung Cộng đã nghỉ hưu Lưu Liên Côn (Liu Liankun) tiết lộ cho Đài Loan.
Đài Loan ngay lập tức thông báo cho Hoa Kỳ, sau đó Hoa Kỳ đã cử hai hàng không mẫu hạm đến gần eo biển Đài Loan để răn đe, đồng thời buộc ĐCSTQ thay đổi kế hoạch, góp phần giúp cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của Đài Loan diễn ra suôn sẻ. Ông Lưu Liên Côn sau đó đã bị bắt và tuyên án tử hình.
Trước chiến tranh Nga-Ukraine, ĐCSTQ đã giao cho Nga thông tin tình báo do Hoa Kỳ cung cấp
Điều trùng hợp là, trước và sau chiến tranh Nga-Ukraine, ĐCSTQ luôn cùng phe với Nga. Cũng có một sự rò rỉ thông tin tuyệt mật trong vấn đề này. Hoa Kỳ có bằng chứng chắc chắn rằng ĐCSTQ đã biết về cuộc xâm lược của Nga. Có ba điều để chứng minh điều đó.
Đầu tiên, hôm 26/02, The New York Times đưa tin, sau khi Nga bắt đầu tăng quân ở biên giới Nga-Ukraine, trong vòng ba tháng, Hoa Kỳ đã có ít nhất sáu lần liên lạc với các quan chức Trung Quốc, cung cấp cho Trung Quốc thông tin tình báo Hoa Kỳ thu được, hy vọng Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn cản Nga khỏi một cuộc xâm lược có kế hoạch. Các quan chức Trung Quốc được phía Hoa Kỳ liên lạc bao gồm Ngoại trưởng Vương Nghị và Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc không chỉ phủ nhận khả năng Nga xâm lược mà còn chuyển thông tin tình báo do Hoa Kỳ cung cấp cho Nga, cho rằng Hoa Kỳ đang muốn làm rạn nứt quan hệ giữa Trung Quốc và Nga.
Vậy câu hỏi đặt ra là, làm thế nào mà Hoa Kỳ biết ĐCSTQ đã chuyển giao thông tin tình báo cho Nga? Phải chăng có lãnh đạo cấp cao phía Trung Quốc hoặc Nga đã báo cáo lại cho Hoa Kỳ?
Việc Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc hiệp trợ, cho dù là để chống khủng bố, hay ngăn chặn chiến tranh, có lẽ đều chỉ là ảo tưởng viển vông. Mục tiêu của Trung Quốc chính là làm thiên hạ đại loạn. Sau sự kiện 11/09, sai lầm lớn nhất của Hoa Kỳ là không những đầu tư quá nhiều lực lượng chống khủng bố mà còn có ý định mời Trung Quốc đứng cùng chiến tuyến chống khủng bố với mình.
Rõ ràng là Hoa Kỳ chưa thực sự rút ra được bài học cho mình, và vẫn trông chờ vào việc ĐCSTQ sẽ giúp mình thuyết phục Nga về vấn đề xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, ĐCSTQ tất nhiên chỉ mong thế giới thêm hỗn loạn, để dễ bề chuyển hướng áp lực ra khỏi bản thân mình.
Đại sứ quán Nga bán đứng ĐCSTQ, tiết lộ cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Tập?
Nếu thông tin trên chỉ có thể chứng minh rằng ĐCSTQ từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ, thì hai tin tức sau đây trực tiếp chứng minh rằng có sự thông đồng sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và Nga.
Hôm 28/02, Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc đã đăng một thông điệp trên WeChat cho biết Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm hôm 25/02. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên của ông Putin với một nguyên thủ ngoại quốc kể từ sau cuộc xâm lược Ukraine. Điều này đủ để chứng minh, Nga đang rất cần Trung Quốc hỗ trợ.
Ông Putin đã thông báo cho ông Tập về lý do của cuộc xâm lược, còn ông Tập lại nhấn mạnh sẽ tôn trọng những hành động của lãnh đạo Nga trong tình hình khủng hoảng hiện nay. Nhưng “tôn trọng hành động” là một cách nói uyển chuyển ngầm ủng hộ cho một cuộc xâm lược. Ngoài ra còn có bằng chứng công khai cho thấy Trung Quốc cùng phe với Nga, đó là Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong buổi họp nghị quyết của Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Một điều đáng chú ý khác là Trung Quốc và Nga tuyên bố sẽ không bao giờ cho phép sử dụng các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp để đạt được các mục tiêu tư lợi của hai nước.
Tuy nhiên, dù Trung Quốc có muốn giúp Nga nhưng cũng khó mà làm nổi. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án việc Nga xâm lược Ukraine và yêu cầu Nga rút toàn bộ lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine. Tất cả những gì ĐCSTQ có thể làm là cùng với 34 nước khác bỏ phiếu trắng. Cho dù Trung Quốc tuyên bố sẽ không áp đặt bất kỳ lệnh cấm vận tài chính nào đối với Nga về hành động quân sự tại Ukraine, thì cả Hoa Kỳ và các nước Âu Châu đã gia tăng gây sức ép lên Nga thông qua những biện pháp trừng phạt. Các dân biểu Hoa Kỳ đã đề nghị ngăn cản ĐCSTQ bắt chước Nga.
Vậy tại sao Đại sứ quán Nga lại tiết lộ điều này? Vì đây không hẳn là tin tình báo có thể dễ dàng phủ nhận. Nó đã được một trong các bên đơn phương công bố, cho nên phía Trung Quốc không có khả năng bác bỏ. Rất có thể Nga hiện đang lâm vào thế khó, muốn kéo Trung Quốc về phía mình và ngăn cản Trung Quốc có cơ hội qua cầu rút ván. Huawei chẳng phải đã bắt đầu chuyển sang trợ giúp thông tin liên lạc của Ukraine hay sao?
ĐCSTQ yêu cầu Nga hoãn xâm lược cho đến sau Olympic, ai đã tiết lộ chuyện này?
Một điều bất ngờ nhất là báo chí Hoa Kỳ đưa tin, phía Hoa Kỳ đã nhận được tin tình báo rằng ĐCSTQ yêu cầu Nga hoãn xâm lược tới sau Thế vận hội Olympic vào đầu tháng Hai (04-20/02/2022). Nếu điều này là đúng, chứng tỏ phía Trung Quốc đã biết về kế hoạch xâm lược của Nga trước cả sự kiện Olympic.
Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, trong thời gian diễn ra Thế vận hội, liệu có nổ ra cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, hay một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan hay không? Tác giả cho rằng, cuộc chiến sẽ xảy ra sau Thế vận hội, nhưng sẽ không xảy ra ở eo biển Đài Loan. Trước đó, tác giả luôn cho rằng, Nga sẽ không cần thiết phải xâm lược Ukraine vì mục tiêu của Nga chỉ là công nhận nền độc lập và giữ gìn hoà bình khu vực miền Đông và miền Đông Ukraine. Nhưng có vẻ phán đoán này cuối cùng đã sai lầm.
Chúng ta đều biết, cuộc chiến tranh giữa Nga-Georgia đã nổ ra vào đúng thời điểm diễn ra lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh năm 2008. Nhưng khi đó, giữa Bắc Kinh và Moscow chưa cần đến nhau nhiều. Nhưng đến năm nay, thế cục đã hoàn toàn khác, giờ có lẽ Nga chỉ có thể dựa vào Trung Quốc, nên buộc phải để ý đến thái độ của Bắc Kinh. Vì vậy, độ tin cậy của thông tin này khá cao.
Bắc Kinh tỏ ra khá bức xúc trước tin tức này, vì nó chứng tỏ quan hệ Trung-Nga còn tốt hơn nhiều so với những điều nhìn thấy ngoài thực tế. Do đó, Trung Quốc lên tiếng phủ nhận hoàn toàn.
Vậy rốt cuộc Trung Quốc biết về kế hoạch xâm lược từ khi nào? Olympic Bắc Kinh là dự án của ông Tập, chỉ có thành công chứ không được thất bại, và cũng không thể gây rối loạn. Xâm lược Ukraine là kế hoạch của ông Putin, cũng phải chấp hành tuyệt đối. Một quan chức tình báo nắm rõ nội tình cho biết, kế hoạch xâm lược không nhất thiết là được trao đổi trong các buổi gặp gỡ. Nhưng tác giả cho rằng, hai bên chắc chắn đã đánh tiếng trước cho nhau.
Kế hoạch trọng đại như vậy không phải là điều mà một ngoại trưởng hoặc bộ trưởng quốc phòng nào đó có thể tuỳ tiện đề cập hoặc tuỳ tiện đáp ứng.
Câu hỏi đặt ra là, phía Hoa Kỳ đã lấy được thông tin này như thế nào? Thông tin này hẳn là do các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và Nga định đoạt, hơn nữa còn liên quan đến diện mạo của Bắc Kinh, cho nên chỉ có hai khả năng:
Một là đến từ phe phái chống ông Tập trong nội bộ ĐCSTQ. Hai là đến từ quan chức Nga. Nếu thông tin lấy từ Nga, thì động cơ cũng giống như việc Đại sứ quán Nga tiết lộ cuộc hội đàm giữa ông Putin và ông Tập.
Còn nếu thông tin đến từ nội bộ ĐCSTQ, thì nó chứng minh có người đang cố gắng làm gì đó trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc lần thứ 20. Chẳng bao lâu nữa sẽ diễn ra Đại hội Đại biểu lần thứ 20, nhưng tới đây rất có thể sẽ xảy ra một số bất ngờ lớn, thậm chí đủ để thay đổi kết quả dự kiến trong Đại hội. Chúng ta hãy cùng chờ xem.
Trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine đang hết sức căng thẳng, cuộc chạy đua tình báo và thông tin cũng không kém phần khốc liệt. Đây là một cuộc đua thực sự, giúp các nước có thể cân nhắc và đưa ra đối chiếu về nhiều phương diện, đặc biệt là đánh giá năng lực của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngoài ra, chúng ta cũng không khỏi ấn tượng với năng lực tình báo của Hoa Kỳ. Đương nhiên, cũng không ngoài khả năng Nga cũng có tình báo trong nội bộ ĐCSTQ. Xem ra có vẻ như Trung Quốc và Nga đều đang có những cuộc đấu tranh nội bộ cấp cao, thậm chí là rất khốc liệt.
Nhóm sản xuất “Quan điểm hoành hà”
Lý Hạo thực hiện
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: