Cuộc chiến bí mật chống Hoa Kỳ của Trung Cộng
Phương pháp đánh ngầm và không hạn chế bất kỳ chiêu thuật nào để phá hoại Hoa Kỳ
Trung Cộng đang sử dụng một loạt các chiến thuật bất chính để đạt mục tiêu gây hấn với Hoa Kỳ, mà không cần sử dụng đến quân đội. Nhiều chiến thuật đã được trình bày chi tiết trong cuốn sách quân sự Trung Quốc “Cuộc Chiến Không Giới Hạn” (năm 1999), được rút ra từ các chiêu thuật dối trá của Liên Xô cũ. Mục tiêu chính chỉ là thắng mà không cần phải chiến đấu công khai, giành quyền kiểm soát xã hội dần dần, đánh cắp bí mật kinh tế, và sử dụng các phương pháp lừa bịp dư luận khiến cho công chúng bị phân tâm và không nhận thức được tình hình chính trị và xã hội.
Trong số các chiến lược bao quát có cả phương pháp phá hoại. Liên Xô đã sử dụng phương pháp phá hoại để truyền bá “cuộc cách mạng cộng sản” của họ, và Trung Cộng đã áp dụng nhiều chiến lược tương tự để xuất khẩu “mô hình Trung Quốc”. Phương pháp phá hoại là một quá trình giành quyền kiểm soát một quốc gia bằng cách phá hủy tôn giáo, đạo đức, truyền thống, và tất cả mọi thứ giúp cho đất nước đó vận hành. Mục tiêu cuối cùng là đưa đất nước đó vào tình trạng hỗn loạn, để công chúng sẽ hỗ trợ sự can thiệp từ bên ngoài, đưa đến việc thiết lập một hình thức chính phủ mới.
Bước 1: Làm mất tinh thần
Chiến tranh tuyên truyền
Các hoạt động của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc và tờ Nhật Báo Trung Quốc tại Hoa Kỳ do Trung Cộng vận hành, đã đăng tải những thông tin tuyên truyền của Bắc Kinh tại Hoa Kỳ. Nhật Báo Trung Quốc cũng mua quảng cáo trên các tờ báo phương Tây, như Thời báo New York và Tạp chí Phố Wall, để đưa các quan điểm của Bắc Kinh đến với đối tượng khán giả chủ lưu.
Chiến tranh văn hóa
Bắc Kinh đã mở rộng ảnh hưởng của mình ở Hollywood bằng cách tài trợ cho các bộ phim bom tấn và dùng thị trường rộng lớn của Trung Quốc như một điều kiện để đổi chác. Điều này cho phép nó kiểm duyệt các chủ đề phim và thúc đẩy tuyên truyền trong các bộ phim của Hoa Kỳ.
Mặt trận tư tưởng
Giới thiệu và truyền bá những tư tưởng vào một cộng đồng mà Trung Cộng đã nhắm đến để tạo thành các ý thức hệ mới và cuối cùng là gây ảnh hưởng đến văn hóa.
Chiến tranh truyền thông
Trung Cộng sử dụng các nền tảng thông tin phổ thông để đánh lạc hướng, lừa dối, hoặc làm thay đổi nhận thức. Chẳng hạn, trên Twitter và Facebook, Trung Cộng đã khai triển các mạng bot rộng lớn để khuếch đại tuyên truyền và đưa thông tin sai lệch về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2019 và về đại dịch.
Chiến tranh tâm lý
Chiến thuật này tập trung vào việc thay đổi cách diễn giải thông tin, hoặc kích động tâm lý xung quanh một số vấn đề. Trung Cộng đã đầu độc người dân Trung Quốc với nhận thức rằng những chỉ trích về Trung Cộng là chỉ trích hướng tới đất nước và người dân Trung Quốc, từ đó gây ra phản ứng yêu nước của người dân.
Thông tin giả
Trung Cộng đã dàn dựng ra các sự kiện hoặc báo cáo giả dối, sau đó biến hóa chúng thành “sự thật” bằng cách thông qua các hãng tin tức có uy tín của nước ngoài. Chẳng hạn, nhiều phương tiện truyền thông phương Tây khi đưa tin vẫn tiếp tục sử dụng số liệu virus Trung Cộng từ nguồn tin chính thức của Đảng CS, mặc dù có rất nhiều bằng chứng cho thấy con số đó ít hơn so với thực tế.
Thông tin sai lệch
Thông tin sai lệch được lan truyền hoàn toàn với mục đích tạo ra sự mập mờ và rối ren trong các cuộc tranh luận và phân tích. Các nhà ngoại giao Trung Cộng đã truyền bá các thuyết âm mưu vô căn cứ, rằng virus Trung Cộng được Quân đội Hoa Kỳ đưa vào Trung Quốc, để làm lệch hướng chú ý của dư luận quốc tế hòng thoát khỏi trách nhiệm trong việc để xảy ra đại dịch.
Bước 2: Gây mất ổn định
Các hoạt động phá hoại
Kiểm soát hoặc tạo ra các phong trào xã hội để phát động các cuộc biểu tình hoặc tấn công chống lại một nhóm người hoặc vấn đề cụ thể nào đó. Các nhóm người Hoa ở nước ngoài thường được các lãnh sự quán Trung Quốc huy động để tổ chức các cuộc biểu tình ủng hộ Bắc Kinh và quấy rối những người biểu tình thuộc các nhóm bất đồng chính kiến.
Kiểm soát hải ngoại
Trung Cộng duy trì sự kiểm soát đối với các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài thông qua Văn phòng Các Vấn Đề Hoa Kiều và các cơ quan khác.
Chiến tranh buôn lậu
Trung Cộng chính là đầu sỏ mafia sử dụng các mạng lưới tội phạm có tổ chức hoặc núp bóng các tổ chức viện trợ để thiết lập các đường dây buôn lậu vào quốc gia khác, sau đó phát triển chúng thành công cụ phá hoại.
Chiến tranh ma túy
Trung Quốc là nguồn cung cấp fentanyl lớn nhất thế giới, một hợp chất opioid tổng hợp và tương tự fentanyl, vào Hoa Kỳ. Trung Cộng đã làm ngơ để ngăn chặn dòng chảy ma túy này, mặc dù luôn miệng hứa hẹn sẽ kiểm soát chặt chẽ. Hợp chất opioids tổng hợp là nguyên nhân của hơn 32,000 ca tử vong ở Hoa Kỳ năm 2018.
Các hoạt động ở tuyến đầu
Ban Mặt trận Thống nhất của Trung Cộng chỉ đạo một mạng lưới các tập đoàn kinh doanh và văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài, các tổ chức sinh viên, và cơ quan truyền thông để thúc đẩy kế hoạch của Bắc Kinh và ép buộc những người khác làm theo.
Xâm nhập chính trị
Trung Cộng xâm nhập vào giới chính trị hoặc các tổ chức có ảnh hưởng chính trị, như các tập đoàn kinh doanh và chuyên gia cố vấn. Nó sử dụng ảnh hưởng kinh tế đối với các công ty Hoa Kỳ hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc. Các tập đoàn này tiếp tục gây ảnh hưởng đến các ứng cử viên chính trị hoặc can thiệp vào việc lựa chọn các ứng cử viên trong các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.
Chiến tranh giáo dục
Có khoảng 80 Học viện Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ hoạt động trong các đại học ở Hoa Kỳ và hơn 500 Lớp học Khổng Tử trong các trường học từ lớp vỡ lòng đến trung học. Các cơ sở này tuyên truyền cho Trung Cộng và kiểm duyệt các cuộc thảo luận về những vấn đề mà Bắc Kinh cho là nhạy cảm.
Bẫy mật ngọt và tống tiền
Sau khi dụ dỗ những người có ảnh hưởng như các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp khiến họ bị rơi vào các tình huống ảnh hưởng đến uy tín và sự nghiệp, Trung Cộng có thể sẽ khống chế và sai khiến họ.
Chiến tranh ngoại giao
Ngoại giao được sử dụng để làm trầm trọng vấn đề, chỉ trích các hoạt động, hoặc điều hành hoạt động tình báo. Gần đây, các quan chức Trung Cộng bắt đầu sử dụng chiến thuật ngoại giao “lang sói” để tấn công những người chỉ trích Bắc Kinh vì những sai lầm trong việc kiểm soát đại dịch.
Chiến thuật bạo lực và đe dọa
Trung Cộng sử dụng các băng đảng đường phố hoặc các tổ chức tội phạm để đe dọa hoặc giết những người bất đồng chính kiến và các nhà phê bình có ảnh hưởng trong xã hội.
Chiến tranh công nghiệp
Trung Cộng đã hỗ trợ các công ty Trung Quốc trở thành các nhà sản xuất hàng đầu trong những ngành công nghiệp quan trọng, bao gồm dược phẩm, nhôm, và thép, bằng cách cung cấp trợ cấp, bán phá giá hàng hóa ở thị trường nước ngoài, và thực hiện các hoạt động thương mại bất công khác. Giờ đây, Trung Cộng đặt mục tiêu trở thành một cường quốc công nghiệp công nghệ cao, theo kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025.”
Chiến tranh tài chính
Thao túng thị trường tiền tệ, chi phối ngân hàng để tạo ra các bong bóng hoặc khủng hoảng tài chính, và in ngoại tệ giả đều là những chiến thuật phổ biến. Trung Cộng điều chỉnh tỷ giá nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ vào tháng 8 năm 2019, sau khi chính quyền TT Trump tuyên bố sẽ áp dụng thuế quan bổ sung đối với hàng hoá nhập khẩu trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc.
Chiến tranh tài nguyên
Sử dụng chiến thuật này, Trung Cộng chiếm quyền kiểm soát, hoặc lên kế hoạch tấn công các nguồn tài nguyên khoáng sản hoặc nhân lực của quốc gia khác. Ví dụ, Trung Quốc kiểm soát việc khai thác đất hiếm toàn cầu, là thành phần chính trong việc sản xuất các thiết bị điện tử.
Chiến tranh kinh tế
Sử dụng chiến lược “lấy trộm, sao chép, và thay thế,” Trung Cộng đặt mục tiêu đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ (IP) từ các công ty Hoa Kỳ, sao chép công nghệ, và cuối cùng thay thế các công ty công nghiệp của Hoa Kỳ trên thị trường toàn cầu.
Chiến tranh công nghệ
Trung Cộng tìm kiếm sự vượt trội về công nghệ, với hy vọng sẽ khiến các quốc gia khác tụt hậu về kinh tế và quốc phòng. Bên cạnh chiến dịch đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ, nó đang rót hàng tỷ Mỹ kim vào nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, và mạng không dây thế hệ tiếp theo.
Chiến tranh cơ sở hạ tầng
Thông qua chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường, Bắc Kinh tìm cách nâng cao ảnh hưởng chính trị và kinh tế của nó bằng cách tài trợ cho những dự án cảng, đường sắt, đường bộ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các nước đối tác trên khắp châu Âu, châu Phi và châu Á.
Chiến tranh môi trường
Chiến thuật này sử dụng các vấn đề môi trường để thao túng hoặc ngăn chặn việc cung cấp tài nguyên. Mặc dù đã ký hiệp định khí hậu Paris, nhưng Trung Quốc lại là quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, tiếp tục gia tăng sản lượng nhiệt điện than của nó, đồng thời xây dựng và tài trợ vay vốn cho hàng trăm nhà máy nhiệt điện than ở các nước đang phát triển.
Chiến tranh viễn thông
Thông qua gã khổng lồ viễn thông Huawei, Bắc Kinh tìm cách kiểm soát mạng lưới 5G toàn cầu. Thiết bị Huawei có thể được sử dụng cho các hoạt động gián điệp hoặc phá hoại các mạng viễn thông.
Chiến tranh thương mại
Bắc Kinh đã phá hoại tự do và công bằng thương mại toàn cầu thông qua các hoạt động thương mại lấn áp và các chính sách bảo hộ thị trường nội địa, như hàng rào thuế quan và hạn chế tiếp cận thị trường đối với các quốc gia không phục tùng những ý định của Bắc Kinh.
Chiến tranh hàng giả
Trung Quốc là nguồn xuất khẩu hàng giả lớn nhất sang Hoa Kỳ. Năm 2019, hải quan Hoa Kỳ đã thu giữ số lượng hàng giả trị giá hơn 1 tỷ USD từ Trung Quốc, chiếm gần phân nửa tổng số vụ bắt giữ.
Chiến tranh pháp lý
Bằng chiến thuật này, Trung Cộng thao túng các hệ thống pháp lý quốc tế để ngăn chặn hoặc đình trệ các hoạt động bất lợi, hoặc thông qua phương pháp hợp pháp hóa các hoạt động bất hợp pháp, hoặc đẩy ra ngoài vòng pháp luật các hoạt động chính đáng.
Chiến tranh tình báo
Bắc Kinh duy trì mạng lưới tình báo rộng lớn để nghiên cứu phương thức hoạt động của cách một đối tượng hay mục tiêu.
Chiến tranh cấm vận
Bắc Kinh sử dụng các biện pháp trừng phạt như để ngăn chặn các hoạt động có thể ảnh hưởng đến lợi ích của họ hoặc dùng làm vũ khí tấn công các ngành công nghiệp chủ chốt của quốc gia khác.
Chiến tranh do thám
Bắc Kinh sử dụng các điệp viên để thực hiện những hoạt động phá hoại chính trị, thu thập thông tin tình báo, trộm cắp kinh tế và các hoạt động gây ảnh hưởng khác.
Chiến tranh mạng
Các tin tặc Trung Quốc liên kết với các cơ sở tình báo và quân đội để thực hiện những cuộc tấn công mạng quy mô lớn nhắm đến các công ty và cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, đánh cắp bí mật thương mại và thông tin bảo mật cá nhân.
Bước 3: Xung đột
Chiến tranh gián tiếp
Thao túng và cung cấp lính đánh thuê cho ngoại quốc để tham gia vào chiến cuộc giữa các nước khác một cách không công khai.
Kiểm soát hoạt động đối lập
Tạo ra các nhóm hoặc phong trào hỗ trợ lợi ích của đối thủ và sử dụng chúng để kiểm soát cả hai mặt của xung đột.
Chiến tranh du kích
Sử dụng các nhóm quân sự nhỏ, chuyên dùng để phá hoại đối phương. Các hoạt động này bao gồm tấn công vào chuỗi cung ứng, phá hủy các nguồn tài nguyên, và ám sát.
Chiến tranh khủng bố
Sử dụng các cuộc tấn công khủng bố vào dân thường để dẫn dắt dư luận.
Bước 4: Can thiệp
Chiến tranh sinh học
Triển khai vũ khí hóa học và các tác nhân sinh học để tạo ra bệnh tật và sự hỗn loạn, hoặc quét sạch các cộng đồng dân cư.
Chiến tranh đầu độc
Sử dụng chất độc để sát hại hoặc làm suy yếu các quần thể dân cư. Đây là một chiến thuật của cộng sản trong thời kỳ Xô Viết, khi Liên Xô ban hành các chỉ thị về việc đầu độc các nguồn cung cấp nước trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ.
Điệp viên nằm vùng
Kích hoạt các mạng lưới gián điệp chìm để tiến hành các hoạt động khủng bố hoặc bí mật.
Chiến tranh hạt nhân
Phát động một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, từ container hàng hoá hoặc bom giấu trong hành lý, hoặc từ một quốc gia khác, để tiêu diệt các mục tiêu chiến lược.
Xung điện từ
Sử dụng xung điện từ được tạo ra từ vũ khí hạt nhân để phá hủy lưới điện và hầu hết các thiết bị điện tử.
Chiến tranh không gian
Phá hủy các vệ tinh chiến lược để vô hiệu hóa các hệ thống quan trọng mà quốc gia đối thủ và quân đội của quốc gia đó dựa vào.
Chiến tranh điện tử
Tấn công phổ điện từ để chiếm quyền điều khiển các mạng truyền thông và phá vỡ các hệ thống chỉ huy và kiểm soát.
Tác giả: Bowen Xiao