Cuộc chiến Afghanistan khiến kỳ nghỉ dưỡng của ông Biden bị hạ màn
Sự sụp đổ đầy ô nhục đến không ngờ của hoạt động chống khủng bố quốc tế ở Afghanistan là một bước ngoặt trong một số khía cạnh quan trọng.
Kỳ nghỉ dưỡng bất khả xâm phạm và hàn gắn hết thảy của ông Biden đã buộc phải hạ màn bởi tin sét đánh này. 95% các phương tiện truyền thông chính trị và xã hội của Hoa Kỳ đã đối nghịch với cựu Tổng thống Donald Trump và bắt tay nhau để tiến hành [dẫn hướng dư luận cho] chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden, trong khi ông ấy trốn trong tầng hầm của mình, lấy dịch virus corona làm cớ để cáo lỗi cho việc thậm chí không thể đọc nổi một chiếc máy nhắc chữ từ xa.
Nhưng sau khi đã ồ ạt quảng bá cho ông Biden và che đậy cho những thất bại to lớn của chính phủ mới trong các vấn đề nhập cư, tội phạm, lạm phát và khủng hoảng COVID-19, thì giới truyền thông sẽ nhận thấy sự tồn tại của chính mình với tư cách là một nguồn thông tin đáng tin cậy đang bị đe dọa. Họ đã mặc sẵn áo phao cứu sinh, và sớm nhất là vào tối hôm 16/08 khi CNN và MSNBC trưng ra một đoàn khách mời diễn hành để chỉ trích chính phủ một cách thậm tệ, và có thể thấy rằng họ đang lần lượt leo lên những chiếc xuồng cứu sinh.
Sau bảy tháng, chính phủ ông Biden đã bị đảo lộn bởi quy mô của các thảm họa đến từ chính họ.
Việc kéo dài kỳ nghỉ dưỡng của ông Biden cho đến giữa tháng Tám là một cử chỉ bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm của đa số người dân Hoa Kỳ khi có một bầu không khí chính trị yên tĩnh hơn trong nước và không có một vị tổng thống cứ liên tục lên truyền hình mỗi ngày và tweet với họ cả đêm.
Có thể hiểu được rằng một cảm giác dễ chịu của sự yên bình đã đưa chính phủ ông Biden tới được tháng Tám, bất chấp những bằng chứng ngày càng gia tăng về sự vô năng đến mức nguy hiểm của họ. Nhưng bài thuyết trình liên miên trên truyền hình của Tổng thống Biden và các phát ngôn viên của ông – vốn thể hiện sự tự tin cao độ vào năng lực của quân đội ở Afghanistan và bảo đảm với khán giả rằng, như lời mà vị tướng ưu tú Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, từng nói vào một vài tuần trước, “Chiến thắng của Taliban hoàn toàn không phải là một kết cục trong dự liệu” – sẽ không nhanh chóng rơi vào lãng quên.
Đáng lý ra ông ta phải bị sa thải vì hành động phản bội trâng tráo của mình đối với cựu Tổng thống Trump trong cuộc đi dạo tới “Nhà thờ của các Tổng thống” (St. John) nhằm thể hiện rằng chính phủ sẽ không cho phép những nơi như vậy bị đốt phá; và đáng lý ra ông ta phải bị sa thải một lần nữa vì những bình luận ngớ ngẩn của mình về việc đọc về nạn phân biệt chủng tộc của người da trắng. Nhưng nhất định ông ta phải bị sa thải ngay bây giờ, vì đã chỉ huy màn thất bại ê chề này ở Afghanistan.
Một chính phủ thất bại
Bước ngoặt chính trị trong nước chính là từ nay trở đi sẽ không còn có thể làm ra vẻ rằng cái chính phủ này, vốn đang thất bại trên hầu hết mọi phép đo về khả năng lãnh đạo và các sáng kiến chính sách, là còn lý tính.
Họ đáp trả mọi thách thức bằng các cuộc tấn công mới ngày càng yếu nhược và chẳng liên quan gì nhắm đến chính phủ tiền nhiệm mà, vốn về mặt chính sách, là một trong những chính phủ thành công nhất trong lịch sử đất nước.
Trên thực tế, ông Trump gần như đã loại bỏ tình trạng nhập cư bất hợp pháp, loại bỏ tình trạng thất nghiệp và tạo ra hoàn cảnh cho 20% dân số là những người làm công ăn lương có thu nhập thấp nhất giàu lên nhanh hơn top 10% dân số có thu nhập cao nhất tính theo phần trăm. Ông Trump cũng đã xốc lại liên minh phương Tây, loại bỏ năng lượng nhập cảng và thu hút sự chú ý của đất nước vào thách thức từ phía Trung Cộng mà không mị dân hay khoa trương.
Trong thời gian ông Trump làm tổng thống, người ta ít khi nói đến việc Hoa Kỳ bị Trung Quốc đuổi kịp và vượt mặt; còn giờ thì, người ta ít khi nói về bất cứ điều gì khác [ngoài việc đó]. Với sự vô năng của họ, bằng cách nào đó Đảng Dân Chủ đã mày mò làm hồi sinh được đồng minh vĩ đại của họ vào năm 2020 – cơn đại dịch COVID-19 cuồng loạn – thành một kẻ thù không đội trời chung tiềm năng.
Khi các phương tiện truyền thông tìm lời thoái thác cho sự đặt cược của mình và ngừng cố gắng thổi hơi vào quả bóng xịt Biden, Đảng Dân Chủ sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử không thể tránh khỏi đang ngày càng cận kề tựa như những kẻ bị ruồng bỏ và săn đuổi đang sợ hãi sự phán quyết của người dân.
Mặc dù dường như họ không mấy thiện cảm với ông Trump, nhưng các phương tiện truyền thông này không thích bị lợi dụng và giờ đây nhận ra rằng sự hợp tác khăng khít ở mặt ngoài với chính phủ này là chút sức lực duy nhất mà họ có. Các thành viên Đảng Dân Chủ, những người mà lập luận chính trị của họ trong suốt năm năm qua luôn là họ không phải ông Trump, sẽ không thấy lập luận đó là một lập luận thuyết phục như thế nữa kể từ nay trở đi.
Liên minh phương Tây bị nghi vấn
Chúng ta cũng đang tiến tới một bước ngoặt về địa chính trị, đặc biệt là trong liên minh của phương Tây. Liên minh đó đã rơi vào tình trạng trì trệ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. NATO từng là liên minh thành công nhất trong lịch sử thế giới: một sự liên thủ hoàn toàn của các quốc gia mà bằng cách tiến hành kiềm chế đã giành chiến thắng trong cuộc chạy đua với Liên Xô khi quốc gia đó chỉ đơn giản là sụp đổ như một chiếc bánh Soufflé bị rơi xuống đất mà không cần tới một phát súng giận dữ qua lại nào giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.
Kể từ khi Liên Xô tan rã, người ta đã để cho liên minh phương Tây này sa sút thành “một liên minh của những nước sẵn lòng,” có nghĩa là nhiều quốc gia nhỏ hoặc thiếu vũ trang khác nhau sẽ sẵn sàng đồng ý để cho an ninh và biên giới của nước họ được bảo đảm bởi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vĩ đại, nhưng sẽ không đóng góp đáng kể gì vào ngân sách chung, mặc dù họ đã cam kết làm như vậy và nói chung cũng sẽ không hỗ trợ đóng góp nhân lực cho các sứ mệnh của NATO nữa, ngoại trừ các việc chỉ đơn thuần là mang tính qua loa tượng trưng.
Anh và Pháp vẫn luôn giữ được tâm thái của các cường quốc, mặc dù chỉ vừa đủ tiềm lực quân sự cho vai trò đó, còn Đức, cường quốc mạnh nhất của phương Tây sau Hoa Kỳ theo hầu hết các phép đo, là một cường quốc quân sự tức cười. Dưới ảnh hưởng độc hại của Đảng Xanh quá khích, Đức đã ngừng [phát triển] một năng lực nguyên tử ưu việt và cũng đã chịu phục tùng để ghi danh trở thành một nước chư hầu của Nga về năng lượng khí đốt tự nhiên.
Người Âu Châu không có dấu hiệu sẵn sàng tham gia vào bất kỳ hành động nào để chống lại tham vọng bành trướng công khai từ phía Trung Cộng để trở thành một quốc gia có ảnh hưởng và quyền lực nhất thế giới. Các liên minh không nên được tiếp tục duy trì chỉ bởi vì chúng tồn tại, và mỗi năm người ta sẽ ngày càng khó nhìn ra lợi ích của liên minh phương Tây này là gì, tuy nhiên, với những cải cách kịp thời, nó chắc chắn sẽ có thể viết nên một tuyên bố về sứ mệnh mới cho chính mình.
Tôi nghĩ rằng NATO nên trở thành một liên minh toàn cầu của các quốc gia dân chủ, nhưng để lãnh đạo được một tổ chức như vậy một cách hiệu quả sẽ đòi hỏi một chính phủ hiệu quả, đồng thời am hiểu các vấn đề và chiến lược quốc tế hơn chính phủ này rất nhiều.
Nhưng ngay cả khi cứ duy trì hiện trạng này, thay vì chỉ vấp ngã hết năm này qua năm khác, thì sự thất bại ở Kabul có lẽ đã làm lung lay sự sẵn lòng của một loạt đồng minh của Hoa Kỳ trong việc tiếp tục chấp thuận sự lãnh đạo của Hoa Thịnh Đốn. Hoa Kỳ đã bỏ rơi hoàn toàn các đồng minh của mình ở Afghanistan, một đất nước mà những đồng minh này chỉ đến vì lòng trung thành với liên minh của Hoa Kỳ cách đây 20 năm, kể từ sau vụ tấn công 11/09, và là nơi mà người Mỹ thường không xem trọng việc lựa chọn các đồng minh Afghanistan trong nước.
Di tản đồng minh
Ở một cấp độ nào đó, phải nói rằng không có lý do gì để Hoa Kỳ đặc biệt bận tâm đến việc ai cai quản Afghanistan. Về mặt chiến lược, đó là một quốc gia vô giá trị và nếu người Trung Quốc có dốc nhiều công sức vào việc xây dựng nó thành “Vành đai và Con đường” của họ ở đó, thì họ cũng sẽ không đạt được bất cứ điều gì hữu ích cho bản thân họ.
Taliban là một tổ chức bị chia rẽ, và cả người Iran, người Uzbekistan, người Pakistan, người Ấn Độ và người Trung Quốc đều có phe phái của họ ở đó.
Nếu người Mỹ có thể đưa tất cả các đồng minh trong và ngoài nước của họ ra khỏi Afghanistan một cách an toàn và bắt tay vào một chính sách mới nhằm hạn chế chủ nghĩa can thiệp của Hoa Kỳ đối với những gì chắc chắn có liên quan đến lợi ích của quốc gia này, thì họ có thể sẽ sử dụng các nguồn lực của mình một cách khôn ngoan hơn, và người Trung Quốc sẽ không ở vị thế có thể cố gắng bắt chước hành động xa xỉ của người Mỹ khi họ chỉ huy và bảo vệ chặt chẽ hơn chu vi xung quanh Liên Xô và Trung Quốc.
Nếu có bất kỳ thiết kế nào như thế này xung quanh chính sách đối ngoại của ông Biden, thì chúng ta có thể an tâm một phần, nhưng việc từ bỏ Afghanistan hóa ra chỉ đơn giản là một sự hỗn loạn do phân tích nhầm lẫn, điều này sẽ chỉ làm cho bước tiến của Trung Cộng ngày càng dễ dàng hơn và làm suy yếu đi cách nhìn nhận [của các quốc gia khác] đối với Hoa Kỳ trong khu vực.
Nếu Taliban sẵn lòng đưa Afghanistan quay về với trạng thái là nơi dung dưỡng cho những kẻ khủng bố, thì Hoa Kỳ sẽ phải đáp trả. Taliban về cơ bản chính là sự phát triển quá độ của nhóm Chiến binh Hồi giáo mà [tự tay] người Mỹ đã đưa lên bản đồ thế giới bằng cách cung cấp cho họ hỏa tiễn chống trực thăng vác vai, khiến 10 năm ở Afghanistan của Nga trở nên rất khó khăn.
Chúng ta có lẽ đang trở về nơi bắt đầu và Taliban có thể gây bất ổn cho Pakistan, một quốc gia luôn bị coi là được cai trị tồi (và là một cường quốc nguyên tử). Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ này đã học được bất cứ điều gì từ trải nghiệm ảm đạm của Hoa Kỳ ở Afghanistan hay có một chút ý tưởng nào dù là nhỏ nhoi nhất về những gì cần làm tiếp theo ngoại trừ việc rút lui.
Hành động duy nhất để có thể vãn hồi một chút tình trạng hỗn loạn đáng sợ này đó là nếu Hoa Kỳ vẫn giữ lực lượng tại phi trường Kabul và cử trực thăng đi khắp nơi để tìm kiếm những người trung thành và đồng minh của mình, đồng thời giúp di tản tất cả những ai có thể đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Việc đó sẽ chỉ ra được sự khác biệt trong trận thất bại này khi so với [cuộc rút lui] ở Sài Gòn năm 1975. Chí ít thì Hoa Kỳ nợ họ, và nợ chính bản thân mình, điều đó.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Conrad Black là một trong những chuyên gia tài chính nổi tiếng nhất ở Canada trong vòng 40 năm qua và là một trong những nhà xuất bản báo chí hàng đầu trên thế giới. Ông là tác giả của các cuốn tiểu sử đáng tin cậy về các Cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Richard Nixon, và gần đây nhất là tiểu sử “Donald J. Trump: A President Like No Other” (“Donald J. Trump: Một Vị Tổng Thống Chẳng Giống Ai”), đã được tái bản dưới dạng cập nhật. Quý vị có thể theo dõi ông Conrad Black cùng ông Bill Bennett và ông Victor Davis Hanson trên podcast Scholars and Sense của họ.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: