Cuộc biểu tình Toàn cầu vì Tự do: Phải chăng là biểu hiện của sự thất vọng?
Vào ngày 24/07/2021, như một phần của Cuộc biểu tình Toàn cầu vì Tự do (World Wide Rally for Freedom), các cuộc biểu tình chống lại các hạn chế COVID đã diễn ra – có một số là bạo lực – tại nhiều thành phố ở Âu Châu và Úc.
Những người biểu tình đã phàn nàn về mất kế sinh nhai, các cuộc phong tỏa và hạn chế triền miên, các quy định đeo khẩu trang bắt buộc và các vi phạm quyền công dân nghiêm trọng.
Một trong những cuộc biểu tình đã diễn ra ở Paris, nơi những người tham dự đã tuần hành phản đối một đạo luật được đề xướng – mà nếu được Quốc hội Pháp thông qua – sẽ yêu cầu mọi người phải có giấy thông hành chích ngừa COVID hoặc kết quả xét nghiệm âm tính khi vào các nhà hàng và trung tâm mua sắm.
Những người biểu tình cho biết các luật này là một nỗ lực hà khắc nhằm thể chế hóa sự phân biệt đối xử đối với những người chưa được chích ngừa.
Tại Úc, đúng như dự đoán, các chính trị gia, cảnh sát, quan chức y tế và các nhà bình luận đã đồng thời lên án các cuộc biểu tình diễn ra đồng thời, vốn được coi là vi phạm các chỉ thị phong tỏa và các biện pháp hạn chế. Ở New South Wales, những người chỉ trích này bao gồm Thủ hiến tiểu bang Gladys Berejklian, Giám đốc Y tế Kerry Chant, và Ủy viên Cảnh sát Mick Fuller, người đã gán cho những người biểu tình là “những kẻ vô chính phủ.”
Các cuộc biểu tình này được tiến hành nhằm đáp lại sự sụp đổ trông thấy của các thể chế dân chủ Úc, sự tước đoạt các quyền công dân, các cuộc phong tỏa và hạn chế biên giới không hồi kết, việc mất đi sinh kế, sự sách nhiễu đối với những người chưa được chích ngừa, quy định đeo khẩu trang bắt buộc, sử dụng ứng dụng truy vết bắt buộc, sự xâm phạm quyền riêng tư, việc cảnh sát sử dụng bất hợp pháp dữ liệu, đây mới chỉ là một vài điều được nêu ra mà thôi.
Hơn là các công trình tự tạo của “những kẻ vô chính phủ,” các cuộc biểu tình này thay vào đó có thể là một biểu hiện rõ ràng của sự tước quyền và một nỗ lực tuyệt vọng để giữ lại những quyền tự do ban đầu mà người dân Úc từng được hưởng.
Sự mất tự do cá nhân này cũng là lý do chính đằng sau việc cựu Thủ hiến tiểu bang Queensland Campbell Newman từ chức khỏi Đảng Quốc gia Tự do.
Ông nói rằng, “Chính phủ liên bang và các chính phủ tiểu bang của chúng ta đã không tôn vinh tinh thần tự do cá nhân, vốn là trọng tâm của không chỉ các giá trị của Đảng Tự Do, mà còn là các giá trị rộng lớn hơn của Úc.”
Tình hình rất trầm trọng ở Sydney, nơi biến chủng Delta của COVID-19 dường như không thể chế ngự được. Các quan chức y tế thậm chí còn tranh cãi về việc liệu người trên 60 tuổi có nên chích vaccine AstraZeneca, bất chấp các vấn đề đông máu được công bố rộng rãi.
Các công dân cao tuổi đã có lập trường cứng rắn hơn đối với các quan điểm chính thức được chính phủ hậu thuẫn, đặc biệt là về việc lựa chọn vaccine và các loại thuốc thay thế như Ivermectin.
Trong một bài báo gần đây, Ký giả Shannon Molloy đã lập luận rằng những người biểu tình chống phong tỏa “đáng phải nhận sự xấu hổ, chế nhạo và các hình phạt hướng về phía họ.”
Ông đã lưu ý rằng trong Đệ nhị Thế chiến, người dân ở London được yêu cầu tắt hết đèn vào ban đêm để gây khó khăn cho oanh tạc cơ của Đức trong việc tìm kiếm mục tiêu của họ. Ông tuyên bố [nếu ở trong hoàn cảnh đó] những người biểu tình sẽ phớt lờ chỉ thị này và “để đèn của họ sáng nhân danh tự do.”
Đây là một giả định vô trách nhiệm.
Trong Thế chiến, rõ ràng là có mối liên hệ trực tiếp giữa chỉ thị tắt hết đèn vào ban đêm và lợi ích được kỳ vọng của chỉ thị này (khiến người Đức khó tìm thấy mục tiêu oanh tạc của họ).
Ngược lại, thay vì là các biện pháp nhằm khôi phục các quyền công dân của người dân thì các hạn chế COVID-19 định kỳ và không hồi kết chỉ tìm cách để xâm phạm thêm các quyền đó.
Ngoài ra, trong Thế chiến, kẻ địch bị nhắm đến theo chỉ thị của chính phủ Anh Quốc là rõ ràng (ai cũng biết), trong khi trong trường hợp của COVID-19, kẻ địch lại là vô hình.
Do đó, những lời chỉ trích của ông Molloy đối với những người biểu tình là khắc nghiệt một cách không cần thiết, vì họ đã phải chịu đựng 18 tháng thay đổi khuyến nghị về y tế của chính phủ, bẻ cong quyền công dân, xâm phạm quyền riêng tư và việc phân phối vaccine gây tranh cãi.
Giáo sư triết học George H. Sabine, trong cuốn “A History of Political Theory” (“Lịch sử của Lý thuyết Chính trị”), đã lập luận rằng các chính phủ không thể giữ cho một xã hội đoàn kết “chỉ bằng vũ lực; nếu điều đó xảy ra, thì niềm tin cũ rằng các chính phủ được tạo ra bởi sự đồng ý [của người dân] chỉ đúng trong một hạn định.”
Lời khuyến cáo này chỉ là một lời nhắc về quan điểm nổi tiếng của triết gia người Anh John Locke rằng các chính phủ chỉ quản lý một cách hợp pháp khi họ có sự đồng ý của những người dân bị quản lý.”
Những người biểu tình ấy rõ ràng là đã không đồng ý với chính phủ này.
Cũng chẳng có gì là tốt khi tranh luận rằng sự đồng ý phải được trao đi, hay là những người biểu tình này không nên giữ lại sự đồng ý đó.
Thời gian sẽ trả lời liệu các cuộc biểu tình này có phải là sự khởi đầu của một cuộc cách mạng đang hình thành hay không.
Điều chắc chắn là nhu cầu về quyền tự do không thể dễ dàng bị dập tắt.
Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland và từng là phó hiệu trưởng và trưởng khoa luật tại Đại học Murdoch. Ông đã xuất bản một cuốn tiểu thuyết về nguồn gốc của bệnh COVID-19, “A Twisted Choice” (“Sự Lựa Chọn Xấu Xa”), và gần đây đã xuất bản một truyện ngắn, “The Greedy Pros Inspector” (“Kẻ soi xét Điểm mạnh Tham lam”) trong Tuyển tập truyện ngắn, “The Outback” (“Vùng hẻo lánh”) (NXB Boolarong Press, 2021).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Gabriël Moens thực hiện
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: