Cúm gia cầm lây lan ở Âu Châu và Á Châu, phát hiện các ca nhiễm ở người
Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã nhận được rất nhiều báo cáo từ các quốc gia ở Á Châu và Âu Châu về tình trạng bệnh cúm gia cầm lây lan gần đây, làm dấy lên lo ngại rằng loại virus này có thể sẽ lây lan rộng trở lại.
Cúm gia cầm là một bệnh do virus gây ra, ảnh hưởng đến cả gia cầm và các loài chim hoang dã. Virus này cũng đã được phân lập từ động vật có vú như chó, mèo, chuột, ngựa và cả con người. Một số chủng trở nên ngày càng phổ biến hơn ở những khu vực cụ thể trên thế giới.
Các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm ở nhiều khu vực thường dẫn đến việc tiêu hủy [gia cầm] hàng loạt và hạn chế việc buôn bán. Căn bệnh này có thể lây sang người và các nhà dịch tễ học đã bắt đầu ghi nhận biến thể H5N6 trên 21 người đã được báo cáo ở Trung Quốc.
Mặc dù hàng trăm người ở đại lục đã bị nhiễm biến thể H7N9 vào năm 2019, nhưng biến thể mới nhất này đang gây lo ngại vì nhiều người trong số nói trên đã có các triệu chứng bệnh nặng và ít nhất đã có sáu người đã tử vong vì căn bệnh này.
“Các trường hợp nhiễm bệnh ở người gia tăng tại Trung Quốc trong năm nay là một điều đáng lo ngại. Đây là một chủng virus gây tỷ lệ tử vong cao,” ông Thijs Kuiken, giáo sư về bệnh học so sánh tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus, thành phố Rotterdam, nói với Reuters.
Trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại cho biết, chưa từng có trường hợp lây nhiễm từ người sang người và hầu hết các trường hợp lây nhiễm đều liên quan đến những người tiếp xúc với gia cầm. Trung Quốc là nhà sản xuất gia cầm lớn nhất thế giới.
Hôm thứ Hai, OIE đã báo cáo về việc tiêu hủy hàng loạt 770,000 gia cầm tại một trang trại ở tỉnh Chungcheongbuk-do, thuộc Nam Hàn.
Trước đây cũng từng có một đợt bùng phát dịch cúm ở phía đông bắc Nhật Bản. Biến thể được tìm thấy là H5N8. Theo một thông báo từ Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, gần 143,000 con gà ở tỉnh Akita đã bị tiêu hủy. [Người ta] đã thiết lập một khu vực cấm trong vòng bán kính 6.2 dặm (khoảng 10 km) tính từ trang trại.
Bộ [Nông nghiệp] đã tạm ngừng xuất cảng thịt và trứng gà trên toàn quốc. Tuyên bố này cũng nói rằng không có “bất kỳ khả năng nào cúm gia cầm lây sang người qua việc ăn thịt gà.”
Tại Âu Châu, Na Uy đã báo cáo một vụ bùng phát cúm gia cầm H5N1 trên một đàn gia súc 7,000 con tại vùng Rogaland. H5N1 có khả năng gây bệnh cao, và tất cả số gia cầm này đều đã bị tiêu hủy. Các đợt bùng phát thường xảy ra vào mùa thu, khi các loài chim hoang dã di cư đến, và lây lan dịch bệnh.
Chính phủ Bỉ đã ra lệnh cho tất cả gia cầm phải được nhốt trong chuồng trại bởi vì một biến thể virus cúm gia cầm rất dễ lây lan đã được phát hiện ở một con ngỗng hoang dã sống gần khu vực Antwerp. Pháp và Hà Lan cũng đã áp dụng các biện pháp tương tự trong khi luôn sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
“Kể từ đầu tháng Tám, đã có 130 ca nhiễm hoặc cụm [lây nhiễm] cúm gia cầm được phát hiện ở động vật hoang dã hoặc tại các trang trại ở Âu Châu,” Bộ [Nông nghiệp] Pháp cho biết trong một tuyên bố. Pháp đã phải tiêu hủy gần 3 triệu gia cầm trong năm vừa qua do bệnh cúm gia cầm lây lan từ các loài chim hoang dã sang các đàn gia cầm.
Bệnh cúm truyền nhiễm này đã được phát hiện tại các trang trại ở Kuwait, nơi các nhà chức trách được cho là đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm hàng loạt. Bên cạnh đó tại miền Bắc Ấn Độ, hồi tháng Sáu một thanh niên 18 tuổi được phát hiện đã nhiễm H5N1.
Virus cúm gia cầm có thể lây lan qua tiếp xúc với những chất bài tiết của những con gia cầm bị nhiễm bệnh, cũng như qua nguồn nước và thức ăn bị ô nhiễm.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: