Cửa hàng sửa chữa tivi ở Ohio đóng cửa sau 75 năm hoạt động
Một cửa hàng sửa chữa TV thuộc sở hữu của một gia đình từng là nơi thường xuyên lui tới của các khách hàng ở thành phố Dayton, tiểu bang Ohio, chẳng bao lâu nữa sẽ đóng cửa sau 75 năm [hoạt động].
Nằm trong khu phố West Side cổ kính của thành phố Dayton, cửa hàng này thậm chí còn thu hút cả những người đến từ các tiểu bang khác.
Ông Joe Spanel, chủ sở hữu của cửa hàng Dayton Electronics tại địa chỉ số 112 North Broadway đã làm việc ở đây “từ khi ông còn là một đứa trẻ.”
Cha của ông, cụ Pete Spanel, đã mở cửa hàng sửa chữa tivi và đồ điện tử này vào năm 1946, nhưng thời thế đã hoàn toàn thay đổi và hiện ông Joe Spanel đang có kế hoạch đóng cửa cửa hàng này trong vài tuần tới.
Ông hy vọng sẽ bán được những lô đất lân cận mà ông đang sở hữu và có khả năng sẽ làm một công việc bán thời gian trong “những năm tháng nghỉ hưu” của mình.
Lý do ư?
Ông Spanel cho biết, khi các linh kiện của tivi như bảng mạch, ống chân không, và thậm chí cả màn hình thủy tinh đã trở nên lỗi thời hoặc không còn được sản xuất ở nước ngoài nữa, thì các loại tivi ngày càng khó sửa hơn—nếu không muốn nói là không thể sửa chữa được.
Hiện còn rất ít các cửa hàng nhận sửa chữa các đời TV cũ hơn.
Giống như người thợ sửa chữa của công ty Maytag sống cô đơn trên một hòn đảo, ông Spanel, 65 tuổi, cho biết, “Tôi là người cuối cùng trong số những người cuối cùng, ít nhất là ở đây trong khu vực Dayton này.”
“Trong suốt 20-30 năm qua, khi các cửa hàng sửa chữa TV khác đóng cửa hoặc chủ cửa hàng qua đời, tôi sẽ mua lại tất cả các linh kiện mà họ để lại. Bây giờ, tất cả những cửa hàng đó đều không còn nữa.”
“Khi mọi người nói với tôi rằng họ sắp mua một chiếc TV mới, thì tôi thường khuyên họ nên đăng ký gói gia hạn bảo hành.”
Ông Spanel cho biết, rất nhiều chiếc TV mới hơn mà mọi người mang đến sửa đều đã hết thời hạn bảo hành và ông không thể làm gì được với chúng.
Ông Spanel nói thêm rằng, “Các cửa hàng sửa chữa tivi đang dần ngừng hoạt động không phải là một xu hướng.”
“Mà là nó đã hết thời rồi. Mỗi khi có người gọi đến từ Kentucky, hoặc bất cứ nơi nào khác, tôi chỉ có thể nói với họ rằng tôi không thể sửa được bởi vì tôi không thể mua được các linh kiện đó.”
“Sửa chữa tivi không phải là một nghề đang chết dần chết mòn; mà nó đã chết hẳn rồi.”
“Dayton từng là thị trấn của các nhà phát minh và các nhà máy, nhưng bây giờ chẳng còn gì nữa. Mọi thứ đã thay đổi hết rồi, cả thế giới đều đã thay đổi rồi.”
Cửa hàng Dayton Electronics là doanh nghiệp hoạt động lâu đời nhất ở khu phố West Side của thành phố Dayton. Nơi đây từng là quê nhà của Anh em nhà Wright, những nhà tiên phong trong lĩnh vực hàng không Orville và Wilbur Wright, nhà thơ người Mỹ gốc Phi Paul Laurence Dunbar, và công ty Mike-sells’ Potato Chips, công ty sản xuất khoai tây chiên lâu đời nhất ở Hoa Kỳ.
Trên thực tế, Phòng thí nghiệm Hàng không của Anh em nhà Wright chỉ cách cửa hàng của ông Spanel một dãy nhà về phía nam, và ông Spanel cho biết ông ngoại của ông, cụ Giuseppe Spanel, một dân nhập cư gốc Ý đã từng đưa cho ông Orville Wright một tờ báo từ cửa hàng tạp hóa của mình vốn chiếm một nửa diện tích tòa nhà.
Đây cũng từng là nơi tập trung đông đúc của người nhập cư gốc Hungary và các doanh nghiệp, nhiều người trong số họ là khách hàng của cửa hàng của ông Spanel, giống như nhiều cảnh sát ở Dayton làm việc trong khu vực cách đó một dãy nhà và từng thường xuyên lui tới cửa hàng này.
Mặc dù công việc kinh doanh của ông Spanel vẫn không bị ảnh hưởng bởi các cuộc bạo động chủng tộc ở Dayton vào những năm 1960, nhưng khu phố West Side của Dayton đã không bao giờ trở lại như trước được nữa. “Sau cuộc bạo loạn đó, hầu hết mọi người đã rời đi.”
Ông Spanel cho biết ông từng tự hào rằng mình có thể truy tìm lỗi ở tận từng linh kiện của TV để sửa chữa, những chỗ mà ông có thể xem xét các bộ phận tạo ra hình ảnh, âm thanh, và cấp nguồn.
“Giờ đây, mọi thứ đã được tích hợp vào một bảng mạch nhỏ hoặc các chất bán dẫn,” ông Spanel nói. Họ không còn sản xuất các linh kiện riêng biệt nữa, ông nhấn mạnh.
“Hầu hết TV hiện nay được sản xuất tại Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, và Việt Nam. Khi quý vị bật chúng lên, chúng trông đẹp hơn bất cứ thứ gì quý vị từng thấy, nhưng chúng không bền.”
Mặc dù có một số ít TV được lắp ráp tại Hoa Kỳ, nhưng không còn nhiều TV được sản xuất hoàn toàn tại Hoa Kỳ nữa bởi vì các linh kiện [bên trong] đều được sản xuất ở nước ngoài, ông Spanel cho biết.
“Chúng ta từng có [các loại TV] của hãng Zenith, Magnavox, RCA Victors, Motorolas và thậm chí là thương hiệu Admirals được sản xuất tại Hoa Kỳ–nhưng chúng không còn nữa.”
“Nếu có, thì chúng chỉ còn lại cái nhãn hiệu, và thuộc sở hữu của một công ty ngoại quốc giữ lại nhãn hiệu được ủy quyền đó.”
Vào đầu những năm 1950, có hơn 90 công ty Mỹ sản xuất máy thu hình, nhưng sau gần 90 năm kinh doanh, công ty Zenith Electronics có trụ sở tại Illinois—nhà sản xuất TV “hộp lớn” cuối cùng tại Mỹ—đã được bán cho một công ty Hàn Quốc vào năm 1995.
Ít nhất một khách hàng trung thành đã đến cửa hàng này vào một ngày trong lành đầu tháng 11 một tuần trước Lễ Tạ Ơn để sửa chữa một đầu đĩa CD Carousel. Đó là một người đàn ông ưa những món đồ cổ tên là Tony Wilson, sống trong vùng này và cho biết ông đã mang những chiếc TV, radio, và dàn âm thanh đến cửa hàng của ông Spanel trong suốt 50 năm qua.
Ông Wilson cho biết chiếc máy này không phải là thứ đồ bỏ đi, hay không còn dùng được nữa, và ông Spanel nói rằng ông ấy sẽ xem xét nó.
“Có lẽ chỉ cần làm sạch thấu kính là xong,” ông Spaniel nói. “Tôi sẽ xem xem tôi có thể làm được gì.”
Ông Wilson nói rằng ông biết bất cứ thứ gì mà ông mang đến cho ông Spanel, đều được “sửa ngon lành.”
“Tôi biết trình độ của ông ấy,” ông Wilson cho biết. “Ông ấy trung thực và không lấy tiền của quý vị. Quý vị không thể đi bất cứ nơi đâu mà được phục vụ như ở đây.”
Ví dụ, ông Wilson cho biết ông phải đặt mua trên mạng bộ chế hòa khí cho một chiếc máy thổi tuyết và người ta đã gửi nhầm thứ khác đến cho ông.
“Nên bây giờ, tôi chỉ còn cách ngồi đợi thôi,” ông Wilson nói.
Đã qua lâu rồi những ngày mà ông Spanel có từ 30 đến 40 chiếc TV xếp hàng đợi sửa chữa trên bàn làm việc bên trong tòa nhà 22 phòng của gia đình mình.
Cũng đã qua rồi cái thời mà ông Spanel và cha mình sửa chữa những chiếc TV tại tất cả các bệnh viện ở Dayton—Good Samaritan, Miami Valley, St. Elizabeth, Grandview, và, gần đây nhất là Bệnh viện Tim Dayton.
Cửa hàng này có khởi nguồn sâu xa từ gia tộc nhà Spanel, hiện đang ở thế hệ thứ năm ở khu Miami Valley của Dayton.
Cụ ông Giuseppe Spanel, di cư đến Hoa Kỳ cùng vợ là cụ bà Maria, từ Coutra, Ý, vào năm 1909. Đầu tiên họ định cư ở Tây Virginia, nơi mà cụ ông Giuseppe đã làm việc trong các mỏ than đá và sau đó là đường sắt. Ông đã chuyển đến Dayton vào năm 1919 để có một công việc tốt hơn.
Cụ ông Giuseppe Spanel, một công nhân làm việc ở bộ phận xi mạ của công ty NCR trong trong suốt 27 năm, đã mở một cửa hàng tạp hóa ở một nửa của tòa nhà này. Con trai của cụ, ông Pete, đã bỏ việc tại phòng thiết kế và kỹ thuật của công ty NCR và mở cửa hàng Dịch vụ [Sửa chữa] TV và máy thu thanh AAA (AAA Radio and TV Services) vào năm 1946 ở nửa còn lại của tòa nhà đó. Ông đã nhận sửa chữa các thiết bị điện tử như máy thu thanh, lò nướng bánh, các thiết bị gia dụng, và TV.
Tuy nhiên, ông Giuseppe đã đóng cửa cửa hàng tạp hóa này vào năm 1955, một năm trước khi ông Joe chào đời bởi vì các siêu thị bắt đầu mở cửa.
“Khi còn nhỏ, tôi đã cảm thấy yêu thích cửa hàng này rồi,” ông Joe Spanel nói. “Tôi lúc nào cũng ở trong đó hết. Tôi được chào đón ở tất cả các cửa hàng và cơ sở kinh doanh trong khu phố này bởi vì mọi người đều biết đến bố tôi.”
Ông Spanel nhớ lại chiếc TV đầu tiên mà ông đã sửa, khi ông khoảng 10 hoặc 11 tuổi, vào giữa những năm 1960.
Ông cho rằng đó là một chiếc TV của hãng Crosley, đang bị vứt bỏ trên kệ ở căn phòng phía sau cửa hàng của bố ông.
“Tôi hỏi bố tôi rằng ông sẽ làm gì với nó,” ông Spaniel nhớ lại. “Ông ấy nói, ‘Chiếc TV đó không còn hoạt động nữa. Bố sẽ vứt nó đi.”
Ông Spanel nói rằng ông biết điều đó là không đúng, vì bố ông chưa bao giờ vứt bỏ bất cứ thứ gì cả.
“Tôi hỏi ông ấy liệu tôi có thể giữ nó lại nếu tôi sửa được nó không, và ông ấy nói rằng, ‘Chắc chắn rồi, hãy thử xem.’ Tôi đã mày mò và sửa được nó rồi đặt nó trong phòng ngủ của tôi.”
Sau khi tốt nghiệp trường Trung học Chaminade-Julienne ở Dayton vào năm 1974, ông Spanel đã nâng cao kiến thức của mình trong ngành này bằng cách tham gia các lớp học tại Học viện Phát thanh Quốc gia và sau đó tham gia các lớp học cơ bản về phát thanh tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Sincalir, cả hai trường này đều ở Dayton.
Năm 1993, ông Joe Spanel đã bỏ công việc bán giày toàn thời gian cho các cửa hàng ở thành phố Concord sau 15 năm để làm việc toàn thời gian cho cửa hàng của bố ông.
Cửa hàng của gia đình Spanels đã sửa chữa các loại TV ở hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các quán bar và nhà hàng gần đó vốn tập trung đông đúc trong khu vực này khi các nhà máy của Dayton hoạt động cao độ. Bây giờ, tất cả những thứ đó cũng không còn nữa.
Ông Joe và vợ, bà Linda, có bốn người con—bà Andrea, bà Maria, ông Pete, và bà Teresa, tất cả đều tốt nghiệp Đại học Dayton. Họ cũng có chín đứa cháu.
Mẹ của ông Joe, bà Claudette, hiện đang sống trong một viện dưỡng lão.
Ông Spanel có một người bạn cùng thời với mình thấu hiểu được ngành công nghiệp này đang dần biến mất.
Ông ấy tên là Neil Leipziger, người đang điều hành công ty Mort’s TV, ở Levittown, tiểu bang Pennsylvania, cùng với anh trai của mình, là ông Mike.
Cửa hàng này đã hoạt động trong 65 năm và cặp đôi này là con trai của chủ sở hữu ban đầu Mort Leipziger, người đã qua đời cách đây 14 năm.
Ông Neil Leipziger cũng có cùng quan điểm giống như ông Spanel.
“Bất cứ ai vẫn chỉ kinh doanh sửa chữa TV đều sẽ có một tương lai ảm đạm,” ông nói. “Chúng tôi không thể sửa bất kỳ chiếc TV nào được nữa. Chúng tôi cũng có sửa chữa các thiết bị âm thanh như dàn âm thanh nổi và lò vi sóng.”
Ông Leipziger cho biết công ty Mort’s đã từng sửa chữa từ 250 đến 350 chiếc TV mỗi tháng, chỉ cách đây 15 năm. Hầu hết đó là công việc theo hợp đồng của bên thứ ba đối với TV được bảo hành. Hiện nay, số lượng TV phải qua công ty Mort’s để sửa chữa mỗi tháng chỉ còn khoảng 20 chiếc.
Công ty Mort’s đã phải ngừng việc sửa chữa TV tại nhà trong đại dịch COVID-19 vì ông nói rằng nó “không đạt được hiệu quả”—họ không thể sửa chữa chúng do thiếu các linh kiện.
“Mục tiêu chúng tôi từng đưa ra là sửa được một chiếc TV trong hai lượt đi,” ông Leipziger cho biết. “Lượt đi đầu tiên là chúng tôi sẽ xem TV trục trặc ở đâu. Lượt đi thứ hai của chúng tôi là đi lấy linh kiện mà chúng tôi đã đặt hàng, lắp đặt vào và hy vọng nó sẽ hoạt động tốt.”
Ông Leipziger nói rằng: “Nếu ai đó nói với tôi rằng họ sắp sửa bắt đầu kinh doanh sửa chữa TV, tôi sẽ nói với họ rằng họ nên sẵn sàng thay đổi [ý định] đó đi.”
Để báo hiệu rằng cửa hàng sắp đóng cửa, ông Spanel cho biết gần đây ông đã bán khoảng 5,000 ống chân không cho một người đàn ông từ Michigan lái một chiếc xe tải chở đồ đến Dayton để chất chúng lên. Ông Spanel cho biết ông cũng đang gỡ bỏ trang web của cửa hàng này, www.TVJoeJoe.com.
Với kế hoạch phát triển nhà ở cho khu vực lân cận, ông Spanel hy vọng sẽ bán được 11 mẫu bất động sản mà ông sở hữu ở phía bắc của West Third Street, con đường chính xuyên qua khu West Side đã xuống cấp từ lâu của thành phố này.
Sau khi ông Pete Spanel qua đời vào năm 2012 ở tuổi 87, phần lớn linh hồn và sự ngọt ngào của cửa hàng Dayton Electronics đã ra đi cùng với ông.
Hiện tại, hàng ngày, ông Spanel vẫn đến cửa hàng với sàn gỗ cũ nát này để nhận các cuộc gọi và giúp đỡ bất kỳ khách hàng nào muốn ghé qua. Để giết thời gian, ông sẽ xem các chương trình truyền hình cũ trên đài truyền hình cáp MeTV từ chiếc TV đời mới của hãng Vizio.
Ông Joe Spanel cho biết điểm mấu chốt chính của ông trong công việc kinh doanh này là ông rất yêu thích công việc của mình.
“Chúng tôi luôn ở đó để giúp đỡ mọi người. Tôi không bao giờ quan tâm đến vấn đề tiền bạc. Ngày nay, có những người ngoài kia vẫn biết rằng không thể sửa chữa TV được nữa, nhưng họ vẫn kiếm sống bằng các cuộc gọi dịch vụ. Họ ra ngoài để xem xét xung quanh một chiếc TV và chỉ nói với người đó rằng ‘chúng tôi không thể sửa được’ và tính phí cho họ là 60-70 USD. Tôi sẽ không làm điều đó đâu.”
Với ba cuộc gọi đến với công ty Dayton Electronics trong vòng vài giờ vào cuối tháng 11/2021, thật dễ dàng để nói rằng ông Spanel đã không còn có thể giúp các khách hàng tiềm năng được nữa.
“Tôi không thể sửa chữa màn hình được nữa,” ông Spanel nói với một người gọi. “Ông không tìm được linh kiện nữa đâu. Màn hình bị nứt giống như việc làm rơi một cốc nước. Kính bị vỡ và ông không thể gắn nó lại với nhau.”
Một người gọi đến khác nói rằng nhà họ bị sét đánh, cũng nhận được câu trả lời tương tự.
“Tôi không có cách nào để sửa được nó đâu,” ông Spanel nói. “Tôi đã không thể sửa được máy chiếu sáng phía sau TV trong 10 năm nay rồi.”
Ông Spanel vừa cúp điện thoại, vừa lắc đầu.
Sau đó, ông Spanel pha chút triết lý khi nói rằng, “Tôi là ngài Ronald Reagan của những người thợ sửa chữa TV. Ông Reagan, người từng là thành viên Đảng Dân Chủ trước khi trở thành thành viên của Đảng Cộng Hòa, từng nói rằng không phải là ông ấy đã rời bỏ Đảng Dân Chủ, mà là Đảng Dân Chủ đã rời bỏ ông ấy.”
“Tôi không rời bỏ công việc sửa chữa TV này; mà là nó đã rời bỏ tôi rồi,” ông Spanel nói. “Nghề này đã không còn nữa, nó thật sự không còn nữa.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: