Cửa bức bàn
Ngôi nhà cổ của ông bà tôi nằm xoai xoải giữa làng. Mỗi lần về chơi đứng trước hai cánh cổng gỗ khép hờ tôi cứ muốn ngắm mãi cái mái ngói nhỏ che trên cánh cổng, cái chân cổng đặt trong chiếc đáy chai cổ, chôn hai bên làm chân quay… Giá như cái mái ấy thấp xuống, có hàng cột nhỏ chạy dài thì sẽ có một mô hình thu nhỏ của ngôi nhà lớn kia.
Qua bậc cổng vài bước là vào đến sân, cái sân lát gạch vuông đỏ thẫm màu đất nung. Hiên thềm ở những ngôi nhà kiểu cổ là không gian chuyển tiếp giữa nhà và sân nên thấp và thoáng. Đứng ngoài sân nhìn vào cứ tưởng nhà thấp, nhưng khi bước vào, lòng nhà vừa sâu vừa cao, nên mùa hè thì mát, còn mùa đông lại ấm.
Ở nhà ông trông cái gì cũng cổ kính, dày một lớp thời gian. Hai cánh phản đen bóng kê hai bên. Kế tiếp là bộ trường kỷ cũng đen bóng chắc nịch, tôn lên vẻ đẹp cầu kỳ của cái giường thờ ở gian giữa với bao hoa văn chạm trổ kỹ xảo, với chân quỳ uốn cong. Từ cái kỷ, cái mâm bồng, đến cái chân đèn đều đẹp, với những đường ly, chỉ to nhỏ, đến góc lại chạy rích rắc theo hình kỷ hà khỏe khoắn, thếp vàng bạc lấp lánh, trông thật uy nghiêm.
Buổi trưa hè nằm phản thật thoải mái, cứ mát lạnh, rồi tha hồ ngắm những cái dui, mè vuông vắn, cái xà, cái cột tròn đều… tất cả đều một màu đen, bóng nước thời gian. Hàng cột thẳng tắp chia đều các gian, đối xứng hai bên là hai gian buồng, bức tường ngăn ốp gỗ cũng thăm thẳm một màu đen.
Ở nhà ông thích nhất vẫn là cái cửa bức bàn chạy dài suốt ba gian giữa. Thì ra đây là cửa bức bàn, tôi cứ nghe mẹ kể mãi mà không biết ngay nhà ông mình cũng có. Bậc cửa ở gian giữa thấp hơn, có cây gỗ đóng khung cách mặt đất mươi phân. Hai gian bên xây cao đến non nửa mét, muốn vào nhà phải bước cao chân qua cửa.
Mỗi khi trời mưa, bà tôi bên cái thúng đồ khâu, ngồi dựa vào cửa lúi húi vá áo; hay lúc ông lôi cái tráp trên ban thờ xuống, mở cuốn sách chữ Nho bên ngọn bút lông, đĩa mực, lụi cụi viết mấy hàng câu đối dán lên hàng cột trong nhà. Trong cái hòa sắc đen của gỗ, màu giấy điều cứ rực lên thật đẹp. Những lúc như thế tôi thấy cảm giác yên bình đến vô cùng, như từ xa xưa lắm.
Có lần theo bà ra đồng, ghé vào đình ngồi nghỉ, bà chỉ cho xem bộ cửa bức bàn có chạm hoa văn. Thấy tôi khen mãi, bà bảo “Cửa võng trong kia còn đẹp hơn”. Rồi bà dẫn tôi qua cái cửa nách nhỏ vào đình. Tôi sửng sốt trước ánh vàng son cứ rực lên trong cảnh tranh tối tranh sáng.
Bà giảng giải cho nghe từng chi tiết về cái đẹp, cái quí của bức cửa võng, chỗ nào chạm thủng, chỗ nào chạm nét, chỗ nào chạm kênh bong… Thật tinh xảo tài hoa. Nhưng tôi vẫn thích cái chất mộc mạc của gỗ trơn trên cửa nhà ông bà.
Mỗi buổi sáng đứng chải tóc trước chiếc gương nhỏ mà bà treo trên cột, ngắm những tia nắng sớm lọt qua kẽ nan của tấm phên tre, đọng thành những đốm vàng nhảy nhót lao xao, tôi xòe bàn tay ra hứng, ao ước gom tất cả những mảnh nắng lại, đựng vào chiếc túi để chơi, có lẽ mỗi lần xóc xóc lên, các mảnh nắng sẽ lanh canh va vào nhau còn giòn giã hơn những mảnh thủy tinh. Các tấm phên tre chắn mưa nắng, bà tôi gọi là cái dại cửa.
Bà thường vắng mặt cả ngày, không đi làm đồng thì đi chợ, mãi chiều muộn mới về. Tối đến, cơm nước xong bà mang chiếu trải ra hiên, tay phe phẩy cái quạt gọi to “Cái gái ra đây kềnh với bà”. Chỉ chờ có thế là tôi chạy đến, đúng là đổ kềnh ra chiếu thật. Duỗi thẳng tay chân, nghe hơi đất thấm vào da cùng làn gió thoảng trong không khí, cộng thêm hơi nóng chạy nhè nhẹ khắp người… Vừa nhìn sao trên trời, vừa nghe bà kể các chuyện gần xa, rong ruổi theo gánh hàng khắp một vùng thôn quê. Sau một ngày vất vả, giờ phút này thật tuyệt vời.
Gặp hôm ông đi chơi hay đi ăn cỗ, chẳng ai nói ra nhưng hai bà cháu đều ngóng đợi tiếng guốc gỗ mộc của ông gõ lộc cộc trên đường gạch, rồi tiếng then cổng lạch cạch… Ông đã về. Thế nào cũng có phần cho hai bà cháu, khi quả chuối, nắm xôi, ngày giỗ họ hay hội họp ở đình còn có cả oản… Nhìn cái dáng nhỏ thó, rắn rỏi trong bộ đồ nâu may kiểu cũ, ông chậm rãi ra vào bên hiên nhà thật khó quên.
Lần đầu mới về thăm quê, ông cho bà dẫn tôi đi khắp làng để thăm họ hàng. Bỡ ngỡ từng bước chân trên đường gạch lát nghiêng, tôi mải mê ngắm từng bức tường xây, từng mái ngói… Bức tường bao chạy dài theo các ngõ, quanh co, âm âm một sắc xanh rêu, nâu đỏ, có chỗ rêu dày quá bong ra lộ nguyên màu đất, màu lửa đỏ au, rực thắm…
Qua cánh cổng cũ kỹ, mốc mác, tôi nhìn vào sâu trong sân, vẫn gặp những ngôi nhà thấp cùng kiểu với ngôi nhà của ông bà tôi. Lấp ló sau tấm dại cửa vẫn mộc mạc màu gỗ – cửa bức bàn. Nhiều nhà có cửa bức bàn lắm, cả nhà bác, nhà chú, rồi nhà cô… Vẫn một kiểu vì kèo rộng đỡ mái ngói như cánh chim. Tôi tưởng tượng nếu mình ngồi trên ngọn cây đầu làng nhìn xuống sẽ thấy các mái nhà lô xô như một đàn chim lớn xòe cánh đỗ nghỉ.
Mùa hè tuổi thơ đã xa lắm rồi, từ ngày lớn lên tôi ít có dịp về thăm ông bà và họ hàng. Có lần đến chơi nhà bạn, bắt gặp cái thân quen ở bộ trường kỷ, cái sập gụ, tủ chè, lại có cả hoành phi câu đối chạm nổi nữa… Hỏi ra mới biết quê bạn cũng ở vùng Từ Sơn.
Ngắm những đồ vật cổ kính đó như thấy được phần nào quê hương, nhưng vẫn có cảm giác thiêu thiếu cái gì đó. À, đúng rồi, còn thiếu cái không gian lao xao nắng bên thềm, thiếu cái cửa bức bàn chạy dài suốt ba gian, thiếu những buổi tối cùng bà ngong ngóng đợi tiếng gõ của đôi guốc mộc theo bước chân ông về nhà. Bỗng dưng tôi thấy thèm nghe câu gọi “Cái gái ra đây kềnh với bà” trong những buổi tối mùa hè đẹp trời ấy.