Cụ ông 100 tuổi sống sót qua thảm họa Holocaust kể lại trải nghiệm sinh tồn ở 12 trại tập trung
Ông Joseph Alexander, người vừa tròn 100 tuổi, đi đến các trường học và viện bảo tàng trên toàn tiểu bang để kể lại những trải nghiệm sống còn của mình trong thảm họa Holocaust. Ông thậm chí còn được tôn vinh trong bộ phim tài liệu năm 1996 của đạo diễn Steven Spielberg, “Những người sống sót sau Thảm họa Holocaust” (“Survivors of The Holocaust”).
Ông là cư dân của tiểu bang Los Angeles. Gần đây ông đã nói chuyện trước đám đông hơn 200 người, tại Trung tâm Đời sống Do Thái Chabad của Newport Beach, đồng thời kể lại chi tiết sự tàn bạo của nơi ông sinh ra — Ba Lan. Quốc gia này vốn bị Đức Quốc Xã xâm chiếm vào năm 1939, cũng là khoảng thời gian ông ở trong các trại tập trung. Ông bị đưa đến Auschwitz, và cuối cùng được quân đội Hoa Kỳ giải cứu một ngày trước khi bị hành quyết theo lịch ấn định.
“Tôi vẫn không biết liệu có ai trong gia đình mình sống sót hay không. Theo những gì tôi biết, tôi là người duy nhất,” ông Alexander nói.
Hôm 27/01, buổi nói chuyện của ông Alexander được tổ chức để kỷ niệm Ngày Quốc tế Tưởng niệm Thảm họa Holocaust.
Trong cuộc nói chuyện kéo dài gần hai tiếng đồng hồ, ông Alexander cho biết ông bị tách khỏi gia đình ở tuổi 17 khi họ cố gắng trốn thoát vào thời điểm Hitler xâm lược, và cuối cùng bị đưa đến 12 trại tập trung trước khi được trả tự do vào năm 1945.
Ông cho biết thêm ông cũng đã được gửi đến nhiều khu ổ chuột của người Do Thái ngay bên ngoài Warsaw. Theo ông Alexander, điều kiện ở một số nơi tồi tệ đến mức đôi khi người ta tìm thấy người bị thiệt mạng trên vỉa hè vào mỗi buổi sáng do tự tử, ốm đau, đói khát, và thậm chí là do bị các sĩ quan Đức Quốc Xã bắn.
Ông chia sẻ ông đã mắc bệnh sốt phát ban trong thời gian này. Để không lây bệnh cho những người khác trong các trại lao động, ông đã quyết định trốn sau một thùng rác ngoài trời trong ba ngày cho đến khi hết sốt.
“Cuộc sống [trong khu ổ chuột] khốn khổ hơn quý vị có thể tưởng tượng,” ông nói.
Ông chia sẻ rằng, ngay sau đó, ông đã được chuyển đến một trại lao động chân tay nặng nhọc trên cánh đồng với lượng thức ăn ít ỏi — một mẩu bánh mì cỡ lòng bàn tay và một bát súp nấu với vỏ khoai tây mỗi ngày.
Ông kể lại là ông đã tránh được cảnh thiếu đói bằng cách thỏa thuận với dân thường để có thêm thức ăn và giữ đủ nước — khi lao động trong các đầm lầy tại một trong các trại — bằng cách lấy nước từ đáy chiếc áo dính đầy bùn của mình để uống.
Cuối cùng, ông nói, ông đã được đưa lên một chuyến tàu đến Auschwitz.
Ông nói với khán giả rằng các tù nhân không có nước hoặc cơ sở vật chất trong chuyến đi kéo dài ba ngày, và khoảng 40% đã bỏ mạng trên đường đi.
Khi đến Auschwitz, ông Alexander cho biết ông đã phải đối mặt với Tiến sĩ Josef Mangele khét tiếng, hiện được các nhà sử học gọi là “Thiên Thần Chết Chóc” vì ông ta nắm trong tay quyền sinh sát các tù nhân, cùng với các thí nghiệm y tế khủng khiếp của ông ta đối với tù nhân.
Theo ông Alexander, Tiến sĩ Mangele đã xếp ông vào nhóm chờ đến phòng hơi ngạt do dáng người nhỏ bé của ông. Tuy nhiên, khi Tiến sĩ Mangele bỏ đi, ông Alexander nói rằng ông đã nhanh chóng chuyển sang nhóm làm công việc lao động.
Ông nói với đám đông: “Nếu đó không phải là lúc nửa đêm thì tôi đã không trốn được [bằng cách] lẻn sang nhóm kia, và tôi sẽ không nói chuyện với các quý vị ngày hôm nay.”
Ông dừng lại để giơ cánh tay có hình xăm số tù nhân 142584 cho mọi người xem.
Sáu năm sau, vào tháng 04/1945, ông Alexander cho biết lúc đó ông đang ngủ chung trên một chiếc giường có kệ gỗ với hai người đàn ông khác — lần này là tại trại tử thần Dachau — khi ông và các bạn tù bị kết án tử hình và phải di chuyển trong ba ngày đến một địa điểm nơi họ được thông báo rằng sẽ bị hành quyết ở vùng núi nước Đức.
Tuy nhiên, vào ngày thứ hai của chuyến đi, những kẻ bắt giữ Đức Quốc Xã đột nhiên biến mất, ông Alexander cho hay. Vào thời điểm đó, ông nói rằng ông nhớ đã nghe thấy tiếng các phi cơ Mỹ ở gần đó.
Ông Alexander cho biết cuối cùng ông và những người khác đã đến được một ngôi làng gần đó bên ngoài Munich, và được quân đội Mỹ giải thoát vào ngày 29/04/1945, khi Đức đầu hàng trong cuộc chiến.
Ông cho biết thêm ông đã dành 5 năm tiếp theo để đi khắp nước Đức để tìm bất kỳ ai trong gia đình của mình có thể còn sống sót.
Ông nói, ông không tìm thấy được ai, nhưng biết rằng em trai mình đã bị hành quyết trong một phòng hơi ngạt khi mới 12 tuổi.
Khi khán giả nghe được câu chuyện của ông Alexander, nhiều người đã xúc động đến rớt nước mắt. Nhiều người là con cháu của cha mẹ và ông bà vốn cũng đã sống sót qua thảm họa Holocaust.
“Tôi không thể hiểu làm thế nào một người có thể trải qua tất cả những điều đó mà vẫn hạnh phúc như [ông Alexander],” bà Jane Friedman nói với The Epoch Times. “Ông ấy thực sự tuyệt vời.”
Trong phần hỏi đáp của chương trình, một khán giả đã hỏi nếu có cơ hội trò chuyện với gia đình của mình, ông Alexander sẽ nói gì.
Câu trả lời của ông đã gợi lên một tràng vỗ tay lớn nhất trong đêm.
Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times