Cư dân Thượng Hải chia sẻ về những bất cập trong thời gian bị phong tỏa
Đợt phong tỏa chống đại dịch không có điểm dừng của Thượng Hải đã gây ra nhiều cuộc khủng hoảng nhân đạo khác nhau đối với người dân. Người dân đang bị đói vì thiếu lương thực và những bệnh nhân đang phải chật vật để nhận được điều trị y tế cần thiết. Một số bệnh nhân mắc bệnh cấp tính có thể điều trị khỏi đã tử vong [trong lúc chờ đợi], vì họ phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi nhập viện.
Khi truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin ông Ổ Kinh Lôi (Wu Jinglei), Giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải, nhanh chóng được nhập viện vì ông bị đau đầu hôm 19/04, độc giả đã hỏi trong phần bình luận một cách giận dữ: “Ông ta cũng không phải làm xét nghiệm acid nucleic sao?!”
Ông Ổ hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Trung Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán vì ông được chẩn đoán mắc bệnh đau đầu vận mạch.
Tuy nhiên, những người dân thường rất khó được khám chữa bệnh kịp thời.
Cô Vu Dĩnh (Yu Ying, hóa danh), sống ở quận Mẫn Hàng, Thượng Hải, nói với The Epoch Times, theo thông tin của bạn bè trên mạng xã hội, cô biết được rằng mới đây một nam thanh niên đã tử vong trong sảnh bệnh viện trong quá trình chờ đợi kết quả xét nghiệm COVID-19 của mình.
Cô Vu nói, “Mọi người đang bàn tán rằng cách đây vài ngày, một nam thanh niên đã vào bệnh viện cùng với mẹ mình vì bị đau tức ngực. Mặc dù anh này đã có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 từ khu dân cư của anh, nhưng bệnh viện không chấp nhận. Anh đã phải trả 40 tệ (khoảng 6.2 USD) để bệnh viện làm một xét nghiệm khác.”
Trong lúc cùng mẹ chờ kết quả xét nghiệm tại sảnh bệnh viện, anh phải chống chọi với cơn đau tức ngực và đã tử vong vài giờ sau đó.
“Mẹ anh ấy kể lại với những người khác rằng câu nói cuối cùng trước khi qua đời anh là “Kết quả xét nghiệm của tôi đã ra chưa?” Và rồi hai giờ sau, kết quả âm tính mà anh ấy trông mong cuối cùng cũng tới — nhưng đã quá muộn rồi. Anh ấy ra đi bỏ lại cha mẹ, vợ và một đứa con năm tuổi,” cô Vu kể lại.
Anh Ngô Lâm (Wu Lin, hóa danh), một cư dân ở quận Từ Hối, Thượng Hải, nói với The Epoch Times rằng nhiều người đã được đưa đến các địa điểm cách ly, nhưng điều kiện tại các cơ sở này rất tồi tệ. Giữa các giường với nhau không có sự ngăn cách. Về căn bản, già trẻ trai gái đều ở chung một phòng. Một số khi đến đó không có triệu chứng gì, nhưng bị nhiễm bệnh tại cơ sở cách ly vì lây nhiễm chéo. Vậy mà toàn bộ khu vực này không có ai ngó ngàng tới. Các cư dân đã tạo một nhóm mạng xã hội để chia sẻ thông tin với người bên ngoài và nhờ mọi người giúp, nhưng nhóm trò chuyện của họ nhanh chóng bị chặn, anh Ngô chia sẻ.
“Một bà mẹ và đứa con mới sinh hơn 20 ngày tuổi cũng được đưa đến bệnh viện dã chiến này để cách ly. Những bức ảnh mà cô ấy gửi cho bạn bè cho thấy bệnh viện dã chiến này còn xây dựng dang dở đầy vôi vữa trên nền nhà,” anh Ngô nói. “Những người bên trong phải đeo khẩu trang 24 giờ mỗi ngày. Chồng và mẹ chồng của cô ấy rất lo lắng cho cô và em bé nên đã tìm cách lên mạng xã hội nhờ sự giúp đỡi. Tất cả các tin nhắn và hình ảnh của họ đã bị công an mạng xóa hết. Những người dân thường có thể làm được gì đây? Trong khi ngay cả tài khoản Weibo của Vương Tư Thông (Wang Sicong) cũng bị cấm.”
Vương Tư Thông là một nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc, cha anh là Vương Kiện Lâm (Wang Jianlin), chủ tịch của Tập đoàn Vạn Đạt, một tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc. Thiếu gia Vương nằm trong ban giám đốc của công ty này. Hôm 19/04, anh này đã đăng trên Weibo: “Xét nghiệm acid nucleic vào mỗi buổi sáng không phải là một xét nghiệm về âm tính hay dương tính, mà là xét nghiệm sự phục tùng và lòng dũng cảm của quý vị. Bắt đầu từ hôm nay, tôi sẽ không ra ngoài để làm [xét nghiệm] acid nucleic nữa.” Tài khoản Weibo của anh đã bị đình chỉ sau đó.
Cô Vu Dĩnh đã chia sẻ tình cảnh của chính gia đình mình.
Cô kể: “Hàng ngày chúng tôi bị cấm bước ra khỏi cửa ngoại trừ để làm xét nghiệm acid nucleic. Đối với một đợt phong tỏa kéo dài như vậy, chúng tôi chỉ được cấp năm pound gạo (hơn 2kg). Gia đình tôi có năm người, nên số gạo đó thậm chí còn không đủ để nấu cháo. Khu phố đã phát rau ba lần và thịt một lần. Rau củ đều bị thối rữa và thịt cũng bị ôi. Ngày nào cũng thấy chính quyền tuyên truyền trên TV rằng họ có đủ lương thực cho người dân Thượng Hải chúng tôi, nhưng những gì chúng tôi trải nghiệm ở đây, đó là những người dân nào phàn nàn về sự đói khát đều bị đưa đi và bị bịt miệng.”
Cô Vu cũng cho biết rằng đáng thương nhất là những người không phải thường trú nhân ở Thượng Hải. Cô có biết một chủ doanh nghiệp từ tỉnh Chiết Giang lân cận, người này đã bị đình chỉ kinh doanh ngay sau khi cuộc phong tỏa bắt đầu.
“Ông ấy không thể trả lương cho nhân viên và ông ấy nợ các khoản vay ngân hàng. Sau đó ông ấy đã treo cổ tự tử,” cô Vu thở dài.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: