Cư dân Mỹ thỉnh cầu Cao ủy Nhân quyền LHQ giúp xác nhận liệu chồng bà còn sống ở Tân Cương
Một cư dân ở tiểu bang California đã kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) Michelle Bachelet, người đang thăm Trung Quốc, giúp xác nhận xem chồng mình, người đang chịu án tù 19 năm vì bài diễn văn về quyền tự do ngôn luận, có còn sống sau bốn năm bị từ chối thăm nuôi, thư tín, và các cuộc gọi điện thoại hay không.
Bà Jenny Lý, một cư dân sống tại Hayward, đã viết thư cho bà Bachelet hôm 26/05 thỉnh cầu bà khẩn cấp xác minh rằng người chồng đang bị giam giữ – ông Trương Hải Đào (Zhang Haitao), một nhà vận động nhân quyền 51 tuổi, vẫn còn sống hay không, khi bà Bachelet đang ở Trung Quốc.
“Tôi vô cùng hy vọng rằng bà có thể giúp tôi, cho tôi biết chồng tôi còn sống hay đã mất, liệu ông ấy có bị tra tấn trong tù và liệu ông ấy có khỏe mạnh hay không,” bà Lý viết trong lá thư gửi quan chức Liên Hiệp Quốc này. “Nếu có thể, hãy đến thăm ông ấy tại nhà tù Sa Nhã (Shaya) ở Tân Cương.”
Ban đầu, ông Trương bị giam giữ tại nhà tù Sa Nhã, ở Aksu, thuộc khu vực Tân Cương, miền tây Trung Quốc, theo một thông báo do quản lý nhà tù đưa ra mà vợ ông đã cung cấp cho The Epoch Times. Tuy nhiên, đã 49 tháng kể từ khi các lính canh ngăn bà và luật sư của ông Trương gặp gỡ hoặc liên lạc với ông bằng nhiều lý do bào chữa khác nhau.
Trong bức thư gửi cho ủy viên Liên Hiệp Quốc, vợ của ông Trương bày tỏ rằng mỗi ngày bà và cậu con trai nhỏ Joseph đều thương nhớ ông như thế nào. “Chúng tôi rất mong mỏi sự giúp đỡ của bà. Xin hãy hiểu cho tấm lòng của một người vợ và một đứa con!”
Bà Lý nói với The Epoch Times rằng cậu con trai 6 tuổi của bà rất thiết tha nhận được tình yêu và sự chăm sóc từ cha, người mà cậu bé chưa bao giờ nhìn thấy từ khi chào đời. “Tôi vừa mới mang thai tháng thứ ba thì chồng tôi bị cảnh sát bắt đi,” bà nói.
Bà Trương Thanh Trân (Zhang Qingzhen), em gái của ông Trương, sống ở Trung Quốc, cũng đã viết một lá thư cho người đứng đầu Ủy ban Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, kêu gọi sự chú ý đến người anh trai bị bỏ tù của bà.
Nói về chuyến thăm của một quan chức Liên Hiệp Quốc tới Trung Quốc, bà Lý đã nghi ngờ về khả năng bà ấy sẽ đến nhà tù Trung Quốc. “Tôi tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ hạn chế quyền tiếp cận của bà ấy với các trại ‘cải tạo’ [ở Tân Cương] và ngăn bà ấy điều tra tình hình nhân quyền của Trung Quốc,” bà Lý nói.
Các nhà quan sát và các nhóm nhân quyền cảnh báo rằng chính quyền Trung Quốc có thể sử dụng chuyến thăm của bà Michelle Bachelet để minh oan cho những hành vi vi phạm nhân quyền của họ.
Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện: Bắc Kinh nên lập tức thả ông Trương Hải Đào
“Hãy xem những gì chồng tôi đã và đang phải chịu đựng,” bà nói thêm, “bà có thể hiểu sơ bộ về toàn bộ tình hình nhân quyền của Trung Quốc.”
Theo bà Lý, một tòa án Tân Cương đã kết án chồng bà thời hạn 19 năm về tội kích động lật đổ quyền lực nhà nước và cung cấp thông tin tình báo cho các nhóm ngoại quốc, dựa trên 69 bài đăng của ông Trương trên WeChat và 205 bài trên Twitter ủng hộ nhân quyền và chấp nhận phỏng vấn từ các hãng truyền thông ngoại quốc.
Hồi tháng 03/2022, bà Lý đã đệ trình trường hợp của chồng mình lên Nhóm Công tác của Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện (WGAD). WGAD hồi đáp lại cho biết họ tin rằng việc chính phủ Trung Quốc tước bỏ các quyền tự do của ông Trương Hải Đào đã vi phạm nhiều điều khoản của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, và chính phủ Trung Quốc nên lập tức trả tự do cho ông Trương Hải Đào.
Bà Lý cho biết bà và con trai Joseph đã trốn sang Hoa Kỳ vào cuối năm 2017.
Chế độ cộng sản Trung Quốc luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền. Thay vào đó, họ tận dụng mọi cơ hội để tô vẽ Trung Quốc là một quốc gia cam kết bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do dân sự.
Trong chuyến thăm của bà Bachelet, các hãng thông tấn nhà nước của Trung Quốc tuyên bố rằng bà đã nói: “Tôi ngưỡng mộ những nỗ lực và thành tựu của Trung Quốc trong việc xóa đói giảm nghèo, bảo vệ nhân quyền, và thực hiện phát triển kinh tế và xã hội.”
Tuy nhiên, những lời khen ngợi đó đã bị thách thức bởi phát ngôn viên của LHQ Elizabeth Throssell, theo Guardian. Bà Throssell nói rằng phía Trung Quốc đã trích dẫn sai lời của bà Bachelet. Cách nói chính xác của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là “Tôi mong muốn làm sâu sắc hơn các cuộc thảo luận của chúng ta về những vấn đề này và những vấn đề khác, đồng thời hy vọng Văn phòng của tôi có thể đồng hành để tăng cường sự thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, công lý và pháp quyền cho tất cả mọi người mà không có ngoại lệ.”
Cách đây vài ngày, tin tặc đã làm rò rỉ hàng ngàn bức ảnh và các tài liệu nội bộ khác tiết lộ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giam giữ và tra tấn người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và gửi chúng cho ông Adrian Zenz, Giám đốc kiêm Nghiên cứu viên cao cấp về Trung Quốc tại Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Chủ nghĩa Cộng sản ở Hoa Thịnh Đốn. Các tài liệu này được cho là bằng chứng mới nhất về hành vi vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ở Trung Quốc.
Chuyến thăm kéo dài sáu ngày của vị quan chức LHQ này dự kiến kết thúc hôm 28/05.
Hiện không thể liên lạc với nhà tù Sa Nhã để yêu cầu bình luận vào thời điểm phát hành bản tin này.
Ông Frank Yue là một ký giả tại Canada của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng có bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ và Văn học Anh tại Đại học Ngoại Ngữ Thiên Tân, Trung Quốc.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: