Cú đấm đúp của Trung Quốc
Trong quyền anh có một thứ được gọi là cú đấm đúp hay hai cú đấm liên tiếp.
Quý vị có thể làm chệch hướng hoặc né tránh cú đấm “thứ nhất” nhưng nếu quý vị quên [né] cú đấm “thứ hai,” quý vị có thể bị hạ đo ván trên sàn đấu.
Đối với Trung Cộng cũng vậy. Phần lớn họ để tâm vào việc làm thế nào để sử dụng Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) và nhanh chóng xây dựng tàu bè, phi cơ, và những năng lực [quân sự] tiềm tàng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng-ngay cả đối với Hoa Kỳ.
Giải quyết được điều đó thì quý vị đã né được một đòn và có thể thở phào nhẹ nhõm. Hoặc đó cũng chỉ là suy nghĩ mà thôi.
Nhưng trên thực tế, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc mới là cú đấm “thứ hai” trong cú đấm đúp-đó là cách mà Bắc Kinh toan tính thực hiện.
Người Trung Quốc thậm chí còn có một giáo lý cho điều này-“sự hợp nhất dân sự-quân sự.” Đó có nghĩa là các hoạt động dân sự như hoạt động thương mại và kinh tế (cú đấm thứ hai) gắn liền với các hoạt động quân sự (cú đấm thứ nhất) như những yếu tố củng cố lẫn nhau tạo nên sức mạnh quốc gia.
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sánh ngang với sức mạnh chính trị-nhưng nó cũng nuôi dưỡng sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Làm thế nào mà họ làm được như vậy? Trung Quốc kiếm tiền để tài trợ cho việc xây dựng nền quốc phòng của mình – và Trung Cộng không bị buộc phải lựa chọn giữa “súng và bơ.” Thực tế là, họ có thể có cả hai.
Cái gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đóng một vai trò nổi bật trong nỗ lực của Trung Cộng nhằm giành quyền thống trị về kinh tế, chính trị (và quân sự). Đặc điểm chính của BRI là Trung Quốc tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và thương mại trên khắp hầu hết Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – và cả ở Châu Mỹ Latinh, Phi Châu, Trung Á, và Âu Châu.
BRI có cả khía cạnh tài chính và chiến lược. Nếu các dự án có thể tạo ra một số tiền và mặt khác thu hút lao động nhàn rỗi của Trung Quốc vào làm việc, thì điều đó thật tốt. Nhưng nếu Trung Quốc có thể tiếp cận, gây ảnh hưởng chính trị và tạo ra sự phụ thuộc tại các quốc gia tham gia BRI-thì điều đó quả là vô giá và kết quả tài chính không quan trọng lắm.
Vì lý do đó, nhiều dự án BRI-chẳng hạn như về cảng và phi trường-có khía cạnh “lưỡng dụng.” Chúng vừa phục vụ cho mục đích thương mại vừa phục vụ cho mục đích quân sự. Hãy nhìn vào những nơi mà Trung Cộng đã phát triển đường vào cảng và phi trường trên toàn cầu và sự hữu ích của việc “mở rộng sức mạnh” quân sự là điều hiển nhiên. Các quan chức và sĩ quan quân đội Trung Quốc thường xuyên nói về điều này – đây không phải là bí mật.
Một ví dụ điển hình là có thể thấy Trung Cộng đã sử dụng thành công lời hứa đầu tư theo BRI để đạt được lợi thế chiến lược ở quần đảo Solomon và Kiribati. Vào năm 2019, vì những lời hứa không rõ ràng từ Bắc Kinh, cả hai quốc gia này đều không công nhận Đài Loan. Giờ đây, đã có câu chuyện về việc Trung Quốc tân trang lại một phi trường cũ của Hoa Kỳ ở Kiribati và tin đồn về các cơ sở quân sự ở Solomons. Điều đó là quý hơn bất cứ cái giá nào mà Bắc Kinh phải trả – và đã thu hút chú ý ở Hoa Thịnh Đốn và Canberra.
BRI của Trung Quốc thường bị chỉ trích là [công cụ] săn mồi – hay còn được gọi là “ngoại giao bẫy nợ.” Và trên thực tế, các thỏa thuận thường không rõ ràng, và được dàn xếp có lợi cho Trung Quốc, được định giá quá cao so với mức công bằng hoặc phải chăng, và đầy rẫy các hành vi hối lộ các quan chức và chính trị gia địa phương.
Nhưng hãy đến gần hơn và người dân địa phương sẽ thường nói với quý vị: “Chúng tôi còn phải làm gì nữa?” Nghe nói tổng thống của một quốc gia ở Trung Thái Bình Dương vài năm trước đã bình luận: “Chúng tôi không làm điều này theo ý muốn, mà là vì cần thiết.”
Và Trung Quốc cần thời gian để đặt nền móng. Kể từ rất lâu trước khi có BRI, hoạt động thương mại của Trung Quốc đã thực sự hiện diện ở khắp mọi nơi đến tận cùng xa xôi của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương – thậm chí xuống đến cấp độ cửa hàng ở góc phố. Ví dụ, 80% doanh nghiệp bán lẻ ở Tonga do những người Trung Quốc mới xuất hiện trong thời gian gần đây điều hành.
Sự phát triển từ kinh tế đến chính trị đến chiến lược tạo ra sự phụ thuộc và ảnh hưởng, và cũng không ít sự bất bình. Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn, cú đấm thứ hai đã giáng xuống.
Cũng có một tác động tổng hợp, khi những quốc gia láng giềng nhìn thấy những gì đang xảy ra và định hình nhận thức của họ. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc không chỉ tăng cường việc mở rộng nền quốc phòng của họ mà còn giúp củng cố nhận thức rằng Trung Quốc là một quốc gia hùng mạnh đang trên đà phát triển – quốc gia được định đoạt để thống trị (trong khi Hoa Kỳ sẽ suy yếu). Điều này thúc đẩy một số quốc gia khác muốn xích lại gần hơn – hoặc để liên kết với kẻ chiến thắng trong tương lai – hoặc để tự bảo vệ mình. Trong khi đó, các đối thủ thì tỏ ra lo lắng và thậm chí còn bị đe dọa.
Nhận thức hay ảo tưởng?
Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các nơi khác, nhiều quốc gia đang mắc kẹt vào nhận thức về sự thiết yếu của thị trường và tiền tệ của Trung Quốc. Ngay cả những quốc gia cảnh giác với Trung Quốc cũng đã tự thuyết phục bản thân – hoặc ít nhất là các doanh nghiệp và tầng lớp chính trị của họ – rằng sự thịnh vượng của họ phụ thuộc vào sự kết nối với nhu cầu của Trung Quốc và/hoặc thu hút tiền của Trung Quốc thông qua đầu tư, viện trợ, du lịch, v.v.
Đây là một chút ảo tưởng. Người ta chỉ cần nhìn lại 30 năm trước khi mà thị trường Trung Quốc chẳng có vai trò gì và thế giới vẫn thịnh vượng.
Trung Quốc thực sự đang sử dụng thành công sức mạnh kinh tế để mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng của họ, đồng thời tăng cường sức mạnh quân sự và mở rộng vị thế quân sự tiềm năng. Nhưng liệu họ sẽ tiếp tục đi hết từ thắng lợi này sang thắng lợi khác hay không? Họ cũng phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng.
Một trong những vấn đề lớn nhất là tiền tệ của Trung Quốc, nhân dân tệ hay RMB, không được tự do chuyển đổi. Trong khi đó, Trung Quốc phải có tiền tệ có thể chuyển đổi để phục vụ cho bất cứ thứ gì họ muốn làm ở nước ngoài hoặc muốn mua từ nước ngoài, ví dụ, để thanh toán cho các dự án xây dựng ở nước ngoài hoặc mua các công ty (một số công ty có công nghệ quốc phòng hoặc lưỡng dụng), hoặc để mua phần lớn hoặc một phần các tài sản như cảng và phi trường, và để mua ảnh hưởng chính trị để giành quyền kiểm soát lãnh thổ.
Họ cần tiền tệ có thể chuyển đổi để thúc đẩy sự mở rộng của họ. Và không ai chấp nhận đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Nhưng đừng lo lắng, phần lớn hoạt động ở nước ngoài của Bắc Kinh được tài trợ bởi các tổ chức tài chính và công ty của Hoa Kỳ, phương Tây và Nhật Bản, họ đã rót một lượng tiền khổng lồ (vài trăm tỷ USD) tiền tệ có thể chuyển đổi vào Trung Quốc hàng năm.
Điều này cho phép Trung Cộng không chỉ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình mà còn che đậy đi nhiều vấn đề nội bộ và tỏ ra có vẻ thành công hơn thực tế. Như một phần thưởng, các nhà đầu tư ngoại quốc cũng gây áp lực lên chính phủ nước sở tại của họ để không làm Trung Quốc “thất vọng.”
Nhưng quý vị sẽ thấy lỗ hổng của Bắc Kinh: Do lợi thế quân sự của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đang giảm dần, đồng USD (và mối đe dọa cắt đứt đồng tiền này với Bắc Kinh) là “đòn đáp trả” chính cuối cùng của Hoa Thịnh Đốn để chống lại chế độ này.
Bắc Kinh muốn loại bỏ lợi thế này của Hoa Kỳ và đang thử một số cách để làm điều đó, bao gồm tiền tệ kỹ thuật số, các thỏa thuận hoán đổi, và “tung hô” đồng yuan đồng thời “hạ thấp” đồng dollar Mỹ. Tất cả đều nhằm mục đích giới thiệu đồng yuan như một loại tiền tệ đáng mơ ước và làm suy yếu niềm tin vào đồng dollar Mỹ.
Phản ứng của Hoa Thịnh Đốn đối với COVID – việc chi tiêu số tiền khổng lồ làm giảm giá trị của đồng tiền Hoa Kỳ – vừa vặn đang tiếp tay giúp Bắc Kinh hạ bệ đồng dollar Mỹ.
Nhìn về phía trước
Liệu cú đấm đúp của Bắc Kinh có hiệu quả? Liệu họ có ngày càng thống trị các ngành công nghiệp và thị trường trên toàn thế giới, đồng thời mở rộng phạm vi chính trị và quân sự của mình trong quá trình này không?
Có khả năng. Tuy nhiên, Trung Cộng có những điểm yếu bên trong trái ngược với những thông điệp của họ về tăng trưởng và mở rộng kinh tế tích cực không thể lay chuyển. Bắc Kinh phải đối mặt với các vấn đề về nợ xấu, lạm phát, mất niềm tin (trong và ngoài nước) vào nền kinh tế và hệ thống tài chính, thiếu hụt ngoại hối, và tất cả đều trở nên trầm trọng hơn bởi các lệnh trừng phạt tiềm tàng. Và cũng có một thực tế là “thị trường” của Trung Quốc phải tuân theo các mệnh lệnh thất thường của Trung Cộng. Trung Cộng đã không nắm được các quy luật kinh tế mới mà chưa có ai từng làm được trong 5,000 năm qua.
Ngoài ra, hãy xem xét rằng những người thành công nhất trong hệ thống Trung Cộng-bao gồm cả những người đứng đầu Trung Cộng-trong nhiều thập kỷ qua đã cố gắng đưa tài sản của họ ra ngoài Trung Quốc và để nó ở nơi nào đó an toàn-như Hoa Kỳ, Canada, Úc, và Anh Quốc. Điều đó cho thấy rằng những người được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống đó có nghi ngờ lớn về độ tin cậy nếu không muốn nói là sự tồn tại của [Trung Cộng].
Chỉ cần gỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất cảng đối với đồng yuan trong một vài tuần thì quý vị sẽ thấy nó tràn ra khỏi Trung Quốc đến “những nơi trú ẩn an toàn.”
Ngoài ra còn có câu chuyện về những ngoại kiều “chia tay” thị trường Trung Quốc-và một số nỗ lực nhen nhóm để làm điều này, đặc biệt là để giảm thiểu sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng.
Nhưng hiện tại, có vẻ như các nhóm lợi ích thương mại và tài chính của phương Tây và Nhật Bản – và các chính trị gia mà họ tài trợ – không quan tâm đến việc rút lui khỏi thị trường Trung Quốc.
Và các tuyên bố của các nhóm như Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Trung Quốc, Keidanren của Nhật Bản, và các công ty lớn như Boeing và Nike đã chứng minh điều này. Thay vào đó, họ “dốc lòng” với Trung Quốc, trong khi nhắm mắt làm ngơ trước sự quản lý tài chính không rõ ràng, việc thực thi quy định kiểu mafia và những hành động tàn bạo về nhân quyền của Trung Cộng.
Như đã lưu ý trước đó, điểm cộng của người Trung Quốc là họ sẵn sàng “xông pha” và tiến hành giao thương chăm chỉ theo cách mà thương nhân Hoa Kỳ ngày xưa từng làm-ngày nay các doanh nghiệp Hoa Kỳ (và hầu hết những người khác) dường như không hứng thú với những nơi có cuộc sống không thuận lợi và không bảo đảm đem lại [cho họ] lợi nhuận hoặc lợi nhuận đủ lớn.
Để thay đổi quỹ đạo hiện tại, Hoa Kỳ và các nước bằng hữu của mình cần phải cung cấp các giải pháp thay thế thực sự cho những món quà kinh tế của Trung Quốc, đồng thời gia tăng các quy định về đầu tư vào hoặc nhận đầu tư từ Trung Quốc. Và các cổ đông (và luật sư của họ) nên bắt đầu hỏi các giám đốc điều hành của công ty tại sao họ lại đầu tư vào một thị trường gian lận vốn nhằm mục đích tiêu diệt sự cạnh tranh nước ngoài? Nhưng điều này tốt hơn nên được thực hiện nhanh chóng.
Có một câu nói phổ biến ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ngoài khu vực này là-“Hoa Kỳ cung cấp an ninh, Trung Quốc cung cấp hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi không muốn lựa chọn.”
Đến một lúc nào đó, nếu Trung Cộng tiếp tục tung ra đủ nhiều cú đấm đúp, Hoa Kỳ sẽ bị hạ gục trên sàn đấu. Sau đó, Trung Quốc sẽ đưa ra các quyết định về an ninh và kinh doanh cho tất cả mọi người-và sẽ chẳng còn ai có thể giơ tay lên nhận lời thách đấu.
Ông Grant Newsham là một sĩ quan Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu, đồng thời là một cựu quan chức ngoại giao và điều hành kinh doanh Hoa Kỳ, người đã sống và làm việc nhiều năm tại khu vực Châu Á/Thái Bình Dương. Ông từng là trưởng ban tình báo dự bị của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Thái Bình Dương, và là tùy viên Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tokyo trong hai lần. Ông là thành viên cao cấp của Trung tâm Chính sách An ninh.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Grant Newsham thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: