COVID-19 và Hiến Pháp
Các quyền hiến định của người dân Hoa Kỳ không phải là thứ xa xỉ để vứt bỏ trong thời kỳ khủng hoảng. Chúng là trung tâm của hệ thống kinh tế xã hội của chúng ta và là chìa khóa để chúng ta thành công. Loại bỏ chúng là chúng ta tự làm tổn thương chính mình.
Đầu tiên, tin tốt là: Hệ thống hiến pháp của chúng ta đủ linh hoạt để cho phép các chính phủ ứng phó với đại dịch và các trường hợp khẩn cấp khác.
Mỗi tiểu bang được giữ một lượng lớn quyền hạn mà tòa án gọi là quyền lực quản trị. Để đối phó với đại dịch, các tiểu bang và chính quyền địa phương có thể sử dụng quyền lực quản trị này để cách ly những người bệnh, đóng cửa những nơi tập trung nhiều người như nhà hát và nhà thờ, dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, đồng thời yêu cầu xét nghiệm và chích ngừa.
Các tiểu bang có thể áp đặt các hạn chế về sức khỏe đối với các doanh nghiệp vẫn đang mở cửa, chẳng hạn như giảm giờ làm việc và yêu cầu đeo khẩu trang. Họ có thể hạn chế các phương tiện công cộng hoặc thực hiện các bước đặc biệt để bảo đảm các phương tiện giao thông được thông thoáng và không quá đông đúc. Họ có thể tuyên bố miễn giảm thuế và bãi bỏ các quy định để giảm bớt gánh nặng từ phía chính phủ.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-19 có thể đã lấy đi sinh mạng của khoảng 50 triệu người trên thế giới. Nó khiến COVID-19 trông giống như một cuộc dạo chơi trong công viên. Chính quyền địa phương và tiểu bang đã chống lại nó bằng một số công cụ mà tôi vừa liệt kê. Tất cả những công cụ đó đều hoàn toàn hợp hiến. Sự linh hoạt này trong tình huống khẩn cấp là lý do tại sao cố Thẩm phán Robert H. Jackson đã nói, “Hiến Pháp không phải là một hiệp ước tự sát”.
Mặt khác, các trường hợp khẩn cấp không làm cho Hiến Pháp biến mất. Luật tối cao rất linh hoạt, nhưng nó không thể bị hủy bỏ. Tuy nhiên, ngày nay, một số chính quyền tiểu bang và địa phương đang hành động như thể Hiến Pháp không tồn tại.
Mặc dù quyền lực quản trị của tiểu bang rất rộng, nhưng nó vẫn phải tuân theo Hiến Pháp. Ngày nay, nhiều quan chức tiểu bang đang đe dọa các quyền hiến định mà trước đây họ chưa từng làm trong lúc bình thường. Bị đe dọa nhiều nhất là quyền được đi lại.
Các quyền căn bản
Hiến Pháp không đề cập đến quyền đi lại một cách rõ ràng. Nhưng Tòa án tối cao đã tìm thấy các phần của nó trong Điều khoản Đặc quyền và Miễn trừ của Điều IV và trong Các điều khoản Bảo vệ Bình đẳng và Đặc quyền hoặc Miễn trừ của Tu chính án thứ Mười Bốn. Tòa án xếp nó là một “quyền căn bản” – cùng với các quyền tự do ngôn luận và tôn giáo.
Trong một loạt các vụ kiện, Tòa án Tối cao đã bảo vệ quyền đi lại bằng cách bãi bỏ các luật của tiểu bang khi chúng vô tình tạo ra gánh nặng đối với việc di cư giữa các tiểu bang. Tôi nghĩ rằng nó sẽ hoạt động dễ dàng hơn nữa nếu đối mặt với các lệnh cấm trực tiếp quá mức đối với việc đi lại trong ranh giới tiểu bang.
Qua thời gian, Tòa án Tối cao đã phát triển một cách kiểm tra xem các biện pháp (luật, quy định, và lệnh) có hạn chế các quyền cơ bản hay không. Cách kiểm tra này gồm hai phần: Một, để phù hợp với hiến pháp, biện pháp đó không chỉ đơn thuần là một mục đích thông thường của chính phủ, mà còn phải thuyết phục hơn nữa, chẳng hạn như bảo vệ quốc gia; và thứ hai, biện pháp đó của chính phủ phải được “điều chỉnh trong phạm vi hẹp” – tức là nhắm chặt vào vấn đề. Nó không được quá rộng: Quý vị không thể dùng súng ngắn để giết kiến.
Ngoài ra, nếu biện pháp đưa ra có nhiều lỗ hổng, thì đó là dấu hiệu cho thấy nó không được “điều chỉnh trong phạm vi hẹp”. Một công dân khởi kiện để bãi bỏ biện pháp đó không cần phải chứng minh rằng nó bị lỗi. Chính phủ phải chứng minh là nó hợp lệ.
Tôi nghĩ rằng các tòa án sẽ nhận thấy việc chống lại virus Trung Cộng là một “mục đích thuyết phục của chính phủ”. Nhưng họ cũng có thể nhận thấy rằng các phương pháp thực hiện của các tiểu bang là quá dàn trải để có hợp hiến.
Các lệnh vi hiến
Một ví dụ là lệnh đóng cửa toàn tiểu bang ở Maryland. Bởi vì dịch bệnh không kéo dài mãi mãi, các lệnh khẩn cấp phải bao gồm ngày hết hạn. Nếu dịch bệnh vẫn chưa thuyên giảm đủ trước ngày hết hạn, lệnh đó có thể được gia hạn. Nhưng lệnh đóng cửa của tiểu bang Maryland không có ngày hết hạn.
Như Tổng thống Donald Trump đã đề nghị, một lệnh hạn chế ra đường phù hợp cho thành phố New York sẽ là quá mức đối với Wyoming. Sự linh hoạt tương tự cũng cần được thực hiện bên trong từng tiểu bang.
Thống đốc tiểu bang Pennsylvania trước đây đã hiểu điều này và chỉ hạn chế đối với các quận thành thị. Nhưng kể từ đó, ông đã mở rộng nó ra toàn bộ tiểu bang của mình, ngay cả những vùng nông thôn nhất. Một tòa án có thể xem điều này là quá rộng.
Các lệnh của Colorado thì đi theo một khuôn mẫu được sử dụng ở một số tiểu bang khác. Chúng vi hiến vì nhiều lý do:
- Chúng mở rộng đến tất cả các vùng của tiểu bang, mặc dù các điều kiện là hoàn toàn khác nhau giữa vùng đô thị Denver và vùng đồng bằng gần như trống rỗng phía đông của tiểu bang.
- Các lệnh của Colorado cấm đi lại bằng xe hơi, mặc dù virus không lây lan giữa các xe hơi.
- Họ đóng cửa hầu hết nền kinh tế thay vì tiếp cận một cách có mục tiêu hơn. Ví dụ, có thể cho phép các doanh nghiệp hoạt động nếu họ tuân thủ các quy trình y tế khẩn cấp, chẳng hạn như giãn cách xã hội và cung cấp dịch vụ ngoài trời. Dù sao, phá hủy nền kinh tế là một cách chắc chắn để tăng số người tử vong do tự tử, suy dinh dưỡng và các sản phẩm khác của nghèo đói.
- Các lệnh của Colorado, giống như các lệnh của một số tiểu bang khác, có các trường hợp miễn trừ không được giải thích. Ví dụ, các cửa hàng cần sa giải trí có thể mở cửa, nhưng các cửa hàng thuốc lá phải đóng cửa. Rõ ràng, điều này liên quan đến chính trị hơn là sức khỏe: Ở Colorado, vận động hành lang cần sa mạnh hơn vận động hành lang thuốc lá.
Một số tiểu bang cũng đang vi phạm các quyền hiến pháp khác. Một trong những lệnh của Colorado dường như cấm hầu hết việc vận chuyển hàng hóa giữa các tiểu bang, làm vi phạm các quy tắc của Điều khoản Thương mại của Tòa án Tối cao. Còn ở Montana, thống đốc đã ban hành một chỉ thị có thể vi phạm Điều khoản Hợp đồng của Hiến Pháp.
Chỉ thị của Montana có mục đích ngăn chặn việc trục xuất khi không trả tiền thuê nhà, ngăn chặn việc tịch thu nhà do không thanh toán các khoản vay mua nhà, và ngăn chặn việc cắt dịch vụ đối với việc không thanh toán các chi phí tiện ích. Chỉ thị này không phân biệt giữa những người có thể và không thể trả tiền. Một siêu thị đông khách có thể dễ dàng ngừng trả tiền thuê nhà như một doanh nghiệp bị đóng cửa.
Cuối cùng: Phản ứng thích hợp của chính phủ đối với đại dịch sẽ bao gồm sự cân bằng giữa việc thứ nhất là các hạn chế và chi tiêu, việc thứ hai là việc giảm thuế cùng với các quy định. Tuy nhiên, ở hầu hết các tiểu bang, các lệnh thường đưa ra các biện pháp gây thêm gánh nặng từ chính phủ chứ không giảm bớt gánh nặng đó.
Điều này một lần nữa cho thấy rằng nhiều nỗ lực của chính phủ để chống lại virus Trung Cộng đã bị chính trị làm hỏng.
Tác giả Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật hiến pháp, nghiên cứu viên cao cấp về luật hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver, tác giả của “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Hiến Pháp Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa.” (xuất bản lần thứ 3, 2014).
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Joe Nguyễn biên dịch
Quý vị tham khảo bài gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: