COVID-19 tàn phá Ấn Độ, xuất cảng từ ‘nhà thuốc của thế giới’ chậm lại
Ấn Độ được mệnh danh là “nhà thuốc của thế giới” bởi nước này là nhà cung cấp chính trên toàn cầu về các nguyên liệu sản xuất dược phẩm. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến việc xuất cảng dược phẩm của Ấn Độ bị chậm lại. Hồi tháng 05/2021, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tuyên bố rằng ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đang phụ thuộc nhiều vào việc nhập cảng các Hoạt chất Dược phẩm (hay dược chất, API) từ Trung Quốc.
Kể từ tháng 04/2021, hơn một chục trong số 28 tiểu bang của Ấn Độ đã thực thi các biện pháp phong tỏa. Do đó, nhiều ngành công nghiệp trụ cột đang phải chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và tỷ lệ khởi lập nhà máy đã giảm đáng kể. Trong số đó, các công ty trung gian về dược phẩm tại Ấn Độ và các doanh nghiệp nguyên liệu dược phẩm chỉ có khoảng 30% tỷ lệ khởi lập doanh nghiệp, theo thông tin từ nền tảng truyền thông Trung Quốc NetEase.
Do các đợt phong tỏa, các doanh nghiệp vẫn đóng cửa, bao gồm cả các công ty dược phẩm–điều này đã cản trở chuỗi cung ứng xuất cảng dược phẩm của Ấn Độ sang Âu Châu.
Hơn nữa, 70% API ở Ấn Độ được nhập cảng từ Trung Quốc do chi phí sản xuất thấp, theo The Indian Express. Chẳng hạn như, paracetamol và ibuprofen gần như phụ thuộc 100% vào Trung Quốc, báo cáo này cho biết.
Chuỗi cung ứng sản xuất dược phẩm bao gồm hai giai đoạn chính: giai đoạn đầu tiên là sản xuất các API, là một phần quyết định làm nên tính hiệu quả của thuốc; giai đoạn thứ hai được gọi là sản xuất công thức, trong đó thuốc được sản xuất bởi các loại tá dược và API liên kết thuốc thành dạng thuốc thành phẩm như viên nén, viên nang, dạng kem hay thuốc tiêm.
Ấn Độ và Trung Quốc là hai nhà sản xuất chính về các nguyên liệu bào chế thuốc và xuất cảng thuốc trên thế giới.
Là nhà sản xuất thuốc gốc lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ sản xuất 20% số thuốc này và ngành công nghiệp dược phẩm đã trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế Ấn Độ. Dược phẩm của Ấn Độ hiện được xuất cảng sang hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản và Úc.
Theo báo cáo của hãng thông tấn Trung Quốc đại lục Yicai Global, vào tháng 03/2020, SBICAP Securities Limited (SSL), một công ty con của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI), cho biết 85% API ở Ấn Độ được nhập cảng, trong đó Trung Quốc chiếm 68%. Tỉnh Hồ Bắc, nơi COVID lần đầu bùng phát vào cuối năm 2019, là trung tâm sản xuất chính, chiếm 35% đến 40% lượng nhập cảng API và nguyên liệu thô của Ấn Độ.
Tiến sĩ Kunal Dhamesha, Chuyên gia Phân tích Chứng khoán Cao cấp tại SBICAP, nói với hãng tin Yicai rằng kháng sinh là API được nhập cảng nhiều nhất tại Ấn Độ, tiếp theo là vitamin và hormone hợp chất. Hơn 90% thuốc kháng sinh như penicillin, cloxacillin, ciprofloxacin, tetracycline, gentamicin và neomycin có xuất xứ từ Trung Quốc; và hơn 50% các loại thuốc như vitamin tổng hợp và hormone có nguồn gốc từ Trung Quốc, ông Dhamesha nói.
Âu Châu lo lắng
Khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID, chính phủ các nước ở Âu Châu đã lo ngại khi Ấn Độ cấm xuất cảng một số sản phẩm liên hệ tới dịch bệnh, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và gây thiếu hụt thuốc.
Các nhà sản xuất API Âu Châu chủ yếu tập trung ở Ý, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, tập trung vào sản xuất API phức tạp và doanh số thấp.
Khi COVID bắt đầu lây lan khắp thế giới vào đầu tháng 03/2020, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ (DGFT) đã ban hành thông báo hạn chế xuất cảng cũng như sản xuất 26 API, bao gồm cả paracetamol, tinidazole, muối erythromycin và muối clindamycin.
Một nghiên cứu của Pro Generika, một nhóm vận động hành lang về thuốc gốc của Đức, đã phân tích việc sản xuất 565 API trên toàn cầu và phát hiện ra rằng 63% thuốc từ Á Châu được chứng nhận là phù hợp để sử dụng trong các sản phẩm dược phẩm, nhiều hơn khoảng 31% so với năm ngoái (2020). Hơn 80% số chứng chỉ này nằm trong tay các nhà sản xuất Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhiều lời kêu gọi chuyển hoạt động sản xuất trở lại Âu Châu. Những người trong ngành công nghiệp Âu Châu cảnh báo rằng đây có thể là một quá trình phức tạp, chi phí lao động cao hơn và các tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn khiến họ không đủ sức cạnh tranh về giá cả với các nhà cung cấp Á Châu.
Ngành công nghiệp dược phẩm của Trung Quốc hưởng lợi
Thời báo Chứng khoán của Trung Quốc vào tháng 04/2021 cho biết COVID đang trở nên tồi tệ hơn ở Ấn Độ và điều này có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước này và lan sang chuỗi công nghiệp toàn cầu. Nếu sự bùng phát ở Ấn Độ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt thuốc toàn cầu, một số API có thể tiếp tục chịu đơn giá cao. Do nguồn cung cấp API toàn cầu phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ nên các công ty API ở Trung Quốc có liên quan sẽ được hưởng lợi.
Báo cáo cũng cho biết, do nhiều công ty Ấn Độ đã ngưng sản xuất nên các ngành công nghiệp dược phẩm của Trung Quốc rất có thể sẽ được hưởng lợi.
Hơn nữa, các công ty Ấn Độ cũng là nhà cung cấp chính cho các dịch vụ nghiên cứu và phát triển dược phẩm và sản xuất theo yêu cầu cho các công ty thuốc sáng tạo toàn cầu. Kể từ khi nhiều công ty Ấn Độ ngừng sản xuất do đại dịch, các công ty dược phẩm của Trung Quốc như WuXi AppTec đã được hưởng lợi từ bối cảnh này.
Dữ liệu công khai cho thấy Tập đoàn WuXi PharmaTech (Cayman), được thành lập vào năm 2000 bởi học giả Lý Cách (Li Ge) thuộc Đại học Bắc Kinh và vợ ông, được mệnh danh là “Alibaba trong y học” và “Huawei trong y học.” Nguồn vốn đầu tư đằng sau WuXi bao gồm công ty Boyu Capital do Giang Chí Thành (Jiang Zhicheng), cháu trai của Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Trung Cộng, kiểm soát.
Trung Cộng gây thêm khó khăn cho Ấn Độ
Nhật báo Kinh tế của Ấn Độ ngày 16/05 đưa tin, Ấn Độ kêu gọi Bắc Kinh ổn định giá API được sử dụng trong dược phẩm liên hệ tới COVID và dỡ bỏ các hạn chế đối với các chuyến bay của các công ty vận chuyển hàng hóa. Báo cáo dẫn lời một người quen thuộc với vấn đề này cho hay chính phủ Ấn Độ và hiệp hội dược phẩm đưa ra yêu cầu này vì giá API mua từ Trung Quốc tăng đột biến gần đây dùng để sản xuất thuốc như paracetamol, ivermectin và một số loại thuốc kháng sinh. Chẳng hạn, chi phí của các API được sử dụng để tạo ra ivermectin đã tăng 300%. Ivermectin là một loại thuốc chống ký sinh trùng đã được chứng minh là giúp giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID.
Hồi tháng Tư năm nay, tờ Times of India tiết lộ rằng Sichuan Airlines, một công ty thuộc sở hữu nhà nước, đã thông báo ngừng các chuyến bay cung cấp vật tư y tế COVID đến Ấn Độ trong 15 ngày. Các thương nhân Ấn Độ cũng cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đã tăng giá các nguyên liệu liên quan lên từ 35% đến 40%, và giá cước vận chuyển tăng lên hơn 20%.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Ý tưởng Ấn Độ vào tháng 07/2020, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng Ấn Độ là một đồng minh đáng tin cậy của Hoa Kỳ. Ông kêu gọi Ấn Độ bớt phụ thuộc vào Bắc Kinh, bằng cách chuyển “chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và giảm sự phụ thuộc vào các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực như viễn thông, cung cấp y tế và các lĩnh vực khác.”
Hiện chính phủ Ấn Độ đã hành động trong việc phát triển các API của riêng mình. Tháng 03/2020, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một kế hoạch bao gồm việc thiết lập ba “khu công nghiệp dược liệu quy mô lớn” API và mang lại các ưu đãi tài chính cho các nhà sản xuất nội địa.
Do Jessica Mao thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: