COVID-19 tại Việt Nam ngày 21/6: 272 ca mắc mới trong ngày, 3 ca tử vong, Hà Nội mở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu, quán ăn
Nội dung tối 21/6:
|
-
135 ca mắc mới, TP. HCM vẫn nhiều nhất với 70 ca
18h20 ngày 21/6 Bộ Y tế thông báo về 135 ca mắc mới COVID-19 (BN13349-13483) gồm 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Kiên Giang (1), An Giang (1); 133 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (70), Bắc Giang (30), Bình Dương (21), Bắc Ninh (6), Đà Nẵng (4), Hưng Yên (2); trong đó, 130 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy trong ngày 21/6, Việt Nam ghi nhận thêm 272 ca mắc mới, trong đó, 267 ca ghi nhận trong nước gồm TP. HCM (166), Bắc Giang (51), Bình Dương (21), Bắc Ninh (13), Nghệ An (5), Đà Nẵng (4), Tiền Giang (2), Hà Tĩnh (2), Hưng Yên (2), Trà Vinh (1). Trong đó, 258 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 18h ngày 21/6, Việt Nam có tổng cộng 10,210 bệnh nhân COVID-19, 34 ca tử vong. Đến nay có 19 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
-
3 ca tử vong mới ở TP. HCM và Bắc Giang
Chiều 21/6, Bộ Y tế vừa công bố 3 ca tử vong mới gồm 1 nam, 2 nữ ở Bắc Giang và TP. HCM. Đây là trường hợp bệnh nhân COVID-19 tử vong thứ 67, 68, 69 ở Việt Nam kể từ đầu mùa dịch, tính từ ngày 27/4 đến nay là 34 ca.
Ca tử vong thứ 67 là BN11592 (nam, 75 tuổi, địa chỉ tại quận 8, TP. HCM). Ngày 20/6, BN11592 tử vong sau 6 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
- Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do COVID-19, biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhiễm trùng huyết, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, rối loạn lipid máu.
Ca tử vong thứ 68 là BN6891 (nữ, 86 tuổi, địa chỉ ở Việt Yên, Bắc Giang). Ngày 20/6, BN6891 tử vong sau 25 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: suy tim, lão suy.
- Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, ARDS, suy đa tạng, viêm phổi do COVID-19 trên bệnh nhân suy tim, lão suy.
Ca tử vong thứ 69 là BN12007 (nữ, 67 tuổi, địa chỉ Quận Bình Chánh, TP HCM). Ngày 21/6, BN12007 tử vong sau 6 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: Tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 đang điều trị thuốc tại địa phương (không rõ loại), hội chứng cushing do dùng thuốc nam giảm đau nhiều năm.
- Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp tiến triển do COVID-19 trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, hội chứng cushing.
(Xem chi tiết tại đây)
-
Hà Nội mở lại dịch vụ cắt tóc, gội đầu, quán ăn từ 0h ngày 22/6
Tối 21/6, chính quyền TP. Hà Nội có văn bản hoả tốc về việc tiếp tục duy trì, thực hiện một số biện pháp phòng dịch COVID-19 trên địa bàn.
Cụ thể, theo văn bản, từ 0h ngày 22/6, trên địa bàn TP Hà Nội được phép mở cửa trở lại: dịch vụ cắt tóc, gội đầu; dịch vụ ăn, uống trong nhà đảm bảo khoảng cách, có tấm chắn giữa người với người, ngồi không quá 50% công suất chỗ ngồi và không quá 20 người, đóng cửa trước 21h00 hàng ngày (nhà hàng rượu, quán rượu, bia, bia hơi chỉ được phép bán hàng mang về).
TP Hà Nội yêu cầu chủ các cơ sở dịch vụ phải đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định, yêu cầu khách hàng khai báo y tế, lập danh sách, kiểm soát, đối chiếu thông tin khách hàng hàng ngày.
Trước đó, từ ngày 29/4, TP. Hà Nội bắt đầu tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu (karaoke, quán bar, vũ trường, games), khi Hà Nội ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng tại Đông Anh. Sau đó lần lượt các dịch vụ ăn uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè; massage, rạp chiếu phim, sân vận động, phòng gym; bia hơi và chợ cóc; sân golf, hoạt động thể thao đông người, cắt tóc… bị tạm dừng.
Tính đến trưa 21/6, TP. Hà Nội ghi nhận 248 ca lây nhiễm cộng đồng trong đợt dịch thứ 4 (không tính số ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viên K).
-
Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ vaccine COVID-19 cho Việt Nam
Chiều 21/6, tại buổi hội đàm trực tuyến giữa Việt Nam và Nhật Bản, ông Oshima Tadamori, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản khẳng định, sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ chế, các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên hợp quốc, các nước G7… để hỗ trợ vaccine cho tất cả các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Việt Nam vaccine phòng COVID-19, làm cơ sở để phục hồi và phát triển kinh tế bền vững.
Cũng tại buổi điện đàm, Chủ tịch Quốc hội trân trọng cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ Việt Nam trong việc phòng dịch; chuyển cho Việt Nam 1 triệu liều vaccine vào ngày 16/6 vừa qua.
Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản cảm ơn Việt Nam đã gửi tặng khẩu trang y tế cho Nhật Bản trong thời điểm Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn về vật tư y tế khi đối mặt với dịch bệnh COVID-19 vào năm 2020.
-
Nhà hàng, quán ăn ở Hải Dương được phục vụ tại chỗ
Từ 0h ngày 22/6, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê… trên địa bàn Hải Dương được phép phục vụ tại chỗ nhưng phải bảo đảm nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch cho khách và nhân viên. Cụ thể:
- Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc. Người dân thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
- Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.
- Tiếp tục dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: khu vui chơi, giải trí, cơ sở chiếu phim, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, karaoke, massage, quán bar, vũ trường, quán game…
- Các ngành nghề được phép hoạt động trở lại gồm: cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ (bán buôn, bán lẻ, xổ số kiến thiết, khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn…); khu luyện tập thể thao, di tích, danh lam thắng cảnh (chỉ phục vụ khách nội tỉnh) nhưng phải bảo đảm các biện pháp an toàn để phòng chống dịch.
- Nhà hàng, quán ăn, quán cà phê… được phép phục vụ tại chỗ nhưng phải bảo đảm nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch cho khách và nhân viên.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Hải Dương ghi nhận 53 ca mắc COVID-19.
Nội dung trưa 21/6:
|
-
90 ca mắc mới, TP. HCM nhiều nhất với 63 ca
12h30 ngày 21/6, Bộ Y tế thông báo về 90 ca mắc mới COVID-19 (BN13259-13348) gồm 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh; 88 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (63), Bắc Giang (16), Nghệ An (4), Bắc Ninh (3), Hà Tĩnh (2); trong đó, 87 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Trước đó, vào 6h sáng cùng ngày, Bộ Y tế thông báo về 47 ca mắc mới COVID-19 (BN13212-13258) gồm 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Hải Dương; 46 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (33), Bắc Giang (5), Bắc Ninh (4), Tiền Giang (2), Nghệ An (1), Trà Vinh (1); trong đó, 41 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính từ 27/4 đến 12h 21/6, Việt Nam có tổng số ca nhiễm là 10,077 ca, 31 ca tử vong. Hiện có 20 tỉnh qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
-
Bình Dương giãn cách xã hội nhiều khu vực
Sáng 21/6, sau khi CDC Bình Dương thông báo thêm 21 ca nghi mắc COVID-19, chính quyền TP. Thủ Dầu Một yêu cầu người dân 4 phường gồm: Hiệp An, Chánh Mỹ, Phú Hòa và Hiệp Thành ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, nhu yếu phẩm… Hiện 4 phường này ghi nhận 7 ca nhiễm liên quan.
Trong khi đó, tại thị xã Tân Uyên (trên 370,000 người) và TP. Thuận An (hơn 600,000 người), giới chức địa phương cũng áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, với nguyên tắc “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”. Trước đó, 2 địa phương này từng áp dụng giãn cách xã hội.
21 ca nghi mắc COVID-19 vào sáng nay có 18 trường hợp là công nhân các công ty, liên quan đến ổ dịch ở phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên); 2 trường hợp liên quan tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP. HCM); và một ca là tài xế chở hàng được phát hiện khi có triệu chứng sốt đến khám tại Trạm Y tế xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng.
Tính từ ngày 27/4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 108 ca cộng đồng, trong đó, 87 ca đã được Bộ Y tế ghi nhận. Ổ dịch Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên (68 ca); các ca bệnh còn lại ở phường Bình Chuẩn, Bình Hòa, Vĩnh Phú, TP. Thuận An.
Ngành y tế đã truy vết khoảng 2,600 F1, gần 6,000 F2; xét nghiệm sàng lọc cộng đồng hơn 9,100 người tại phường Tân Phước Khánh, trên 4,000 người tại công ty ở phường Bình Chuẩn, TP Thuận An, 2,500 người tại khu vực xung quanh công ty tại phường Bình Hòa, TP. Thuận An…
-
TP. HCM phong tỏa khu phố 2,000 dân ở quận 8
Ngày 21/6, TP. HCM quyết định thiết lập vùng phong tỏa, áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với khu phố 2, phường 16, quận 8 (tiếp giáp phường An Lạc, quận Bình Tân). Khu vực này có diện tích 89 hecta và 2,049 người, 21 doanh nghiệp. Thời gian thực hiện 14 ngày, từ 12h ngày 21/6.
Về các biện pháp, chính quyền quận 8 cho biết, sẽ tổ chức 5 chốt chặn tại các tuyến đường, hẻm ra vào khu vực áp dụng Chỉ thị 16. Cụ thể, các chốt chặn ở các vị trí:
- Đường Hồ Học Lãm đoạn từ ranh phường 16 đến cuối đường;
- Đường An Dương Vương đoạn từ cống Bà Lựu đến cuối đường (phía bến đò);
- Cổng vào khu nhà ở Cần Giờ.
Quận yêu cầu chỉ chở hàng hóa, không chở người ra vào. Mỗi lần ra vào, xe và người đều phải được khử khuẩn, sát trùng; tiếp tục giữ các chốt tại hẻm hoặc khu vực có nguy cơ cao, đang được phong tỏa (hẻm Hồ Học Lãm, hẻm An Dương Vương).
Các cửa hàng tiện ích trong khu vực này tiếp tục hoạt động để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Tính đến 20/6, quận 8 có 110 ca mắc COVID-19. Riêng phường 16 có 57 F0 và 8 khu vực phong tỏa; khu phố 2 có 53 F0.
-
46 khách sạn, nhà nghỉ ở TP. HCM làm điểm cách ly tập trung cho người nhập cảnh
HCDC cho biết, đến ngày 21/6, tại TP. HCM có tổng cộng 49 cơ sở lưu trú được sử dụng làm điểm cách ly tập trung có thu phím, bao gồm 46 khách sạn, nhà nghỉ… làm điểm cách ly tập trung cho người nhập cảnh về thành phố với 3,173 phòng và 3 khách sạn làm điểm cách ly cho đoàn bay với 220 phòng.
Danh sách 46 khách sạn có khu cách ly tập trung thu phí dành cho người nhập cảnh tại TP. HCM như sau:
Theo HCDC, hiện trên địa bàn TP. HCM có 36,564 người đang thực hiện cách ly, trong đó, 11,631 người cách ly tập trung, 24,933 người đang cách ly tại nhà và nơi lưu trú.
-
Khởi tố giám đốc thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA làm lây lan dịch COVID-19
Sáng 21/6, cảnh sát TP. Đà Nẵng cho biết, đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang Trọng (sinh năm 1992, trú căn hộ B1204 khu chung cư FHome, quận Hải Châu) là Giám đốc công ty TNHH quốc tế AMIDA về tội “vi phạm quy định an toàn ở nơi đông người”.
Dịch bệnh đã bùng phát tại công ty AMIDA làm tổng cộng 65 người nhiễm COVID-19.
Theo cơ quan điều tra, Nguyễn Quang Trọng đã vi phạm quy định 5K về phòng dịch COVID-19 khi tổ chức cuộc họp công ty có hơn 30 nhân viên tham dự trong khoảng thời gian từ 20h30 đến 22h15 ngày 2/5.
Trước khi vào họp các nhân viên công ty đều mang khẩu trang theo quy định, tuy nhiên, đến phần phát biểu của Giám đốc Trọng, các nhân viên được yêu cầu bỏ khẩu trang để hô to các mục tiêu.
Cảnh sát điều tra đã khởi tố và cho tại ngoại đối với bị can Nguyễn Quang Trọng, đồng thời ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.
Thẩm mỹ viện AMIDA có trụ sở chính ở đường Phan Châu Trinh, được xem là ổ dịch COVID-19 lớn tại Đà Nẵng. Trước đó, ngày 13/5, cảnh sát TP. Đà Nẵng đã khởi tố vụ án tại thẩm mỹ viện AMIDA gây lây lan dịch COVID-19.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm