COVID-19 tại Việt Nam sáng 7/8: Gần 3,800 ca mắc mới, số ca nhiễm tại Tp HCM tăng trở lại, một số tỉnh phía Nam kéo dài giãn cách, Hà Nội gần 1,000 ca sau 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16
Sáng 7/8, Bộ Y tế thông báo về 3,794 ca mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm tại Việt Nam tính từ đầu mùa dịch lên 197,175 ca, tổng số ca tử vong hiện là 3,016 người.
3,794 ca mắc mới được ghi nhận tại các tỉnh/thành sau: Tp HCM (1,836), Bình Dương (882), Đồng Nai (466), Tiền Giang (165), Long An (160), Bà Rịa – Vũng Tàu (100), Vĩnh Long (62), Phú Yên (31), Sơn La (20), Kiên Giang (17), Bình Định (17), Lâm Đồng (12), Đồng Tháp (11), Đắk Nông (7), Hải Dương (3), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (2).
Tính riêng trong đợt dịch thứ 4, kể từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 193,267 ca bệnh COVID-19, trong đó có 59,558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Hiện chỉ có Quảng Ninh và Bắc Kạn qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, có 12 tỉnh/thành không có lây nhiễm thứ phát. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 518 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.
Dịch bệnh tại 1 số tỉnh/thành
Tại Hà Nội, từ ngày 24/7 đến nay, sau 15 ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, thành phố ghi nhận khoảng 1,000 ca mắc mới, trong đó, hơn 500 ca phát hiện trong cộng đồng. Riêng trong ngày 6/8, Hà Nội có 107 ca. Đến sáng nay (7/8), Hà Nội tiếp tục thông tin thêm về 18 ca dương tính trên địa bàn tại 8 khu vực, trong đó có 7 ca phát hiện tại cộng đồng, 11 ca trong khu cách ly.
Trong ngày 6/8, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu CDC lập phương án mua sắm vật tư, trang thiết bị, hóa chất, sinh phẩm… chuẩn bị cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu ở các cấp độ; tiếp tục xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở… và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao ngoài cộng đồng.
Đến chiều muộn cùng ngày 6/8, Tp Hà Nội ra Công điện khẩn về việc tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 đến 6h ngày 23/8 trên phạm vi toàn thành phố (tức là thêm 15 ngày).
Còn tại Tp HCM, số ca nhiễm mới được công bố có xu hướng tăng trở lại với 4,060 ca ghi nhận trong ngày 6/7. Trước đó các ngày 4-5/8 thành phố ghi nhận lần lượt 3,300 ca và 3,886 ca.
Ngày 6/8, Tp HCM đã cho lập thêm 2 bệnh viện dã chiến, trong đó, sẽ sử dụng một phần bệnh viện Nguyễn Trãi, tại quận 1 và toàn bộ bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức để chuyển thành khu điều trị COVID-19 với công suất 500 giường. Như vậy hiện tại, TP có 41 cơ sở điều trị theo mô hình tháp 5 tầng, với hơn 46,000 giường.
Cùng ngày, lãnh đạo thành phố này đã chấp thuận xây dựng hệ thống khí oxy y tế cho các cơ sở điều trị COVID-19 do Công ty Oxy Đồng Nai cung cấp, lắp đặt bình oxy cho các bệnh viện thuộc tuyến quận/huyện.
Tại Bình Thuận, tính đến 18h ngày 6/8, địa phương đã ghi nhận 1,005 ca mắc mới trong đợt dịch thứ 4, trong đó thị xã La Gi nhiều nhất với 840 ca mắc.
Đồng Nai, sau gần 1 tháng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, số ca mắc mới phát hiện ngày càng tăng. Ngày 6/8, Sở Y tế cho biết, tỉnh này ghi nhận 817 ca mắc mới, đây là số ca nhiễm ghi nhận trong ngày cao nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay, nâng tổng số ca dương tính tại tỉnh lên 7,100 ca.
Đáng lưu ý, tỉnh này ghi nhận 72 nhân viên y tế nhiễm COVID-19.
Một số tỉnh phía Nam kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16
Từ 0h hôm nay (7/8), Ninh Thuận tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước; các huyện còn lại tiếp tục thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, bắt đầu từ 0h ngày 7/8 đến hết ngày 13/8.
Tính đến nay, Ninh Thuận có 311 người mắc Covid-19, trong đó 38 trường hợp được ra viện và chuyển về cách ly tại nhà; 2 trường hợp tử vong do có bệnh lý nền nhiều năm.
Tại Lâm Đồng, kể từ 19h tối 6/8, 2 xã Xuân Trường và Trạm Hành của TP Đà Lạt sẽ bắt đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 cho đến khi có thông báo mới.
Trước đó, Lâm Đồng phát hiện ổ dịch mới với 4 ca dương tính tại Công ty may DWS – Công ty TNHH Sợi Đà Lạt. Qua sàng lọc, gần 90 F1 là công nhân đã được phát hiện và đưa đi cách ly tập trung.
Ngoài ra, tỉnh này phát đi thông báo khẩn, tìm người có mặt tại các địa điểm nguy cơ thuộc Tp Đà Lạt gồm: tại 2 xã Trạm Hành, Xuân Trường và tại các phường 1, 2, 4, 9 và 10.
Tính đến chiều 6/8, ngoài 4 ca nhiễm trên, tỉnh đã test nhanh và phát hiện thêm một số ca nghi nhiễm khác, đang chờ kết quả xét nghiệm PCR khẳng định.
Cũng trong ngày 6/8, tỉnh Đắk Lắk có chỉ đạo mới về áp dụng giãn cách xã hội ứng phó với dịch bệnh. Theo đó, từ 0h ngày mai (8/8), Tp Buôn Ma Thuột tiếp tục cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 7 ngày đến hết ngày 14/8. Đối với huyện Chư Kuin, sẽ áp dụng Chỉ thị 15 trong 14 ngày, bắt đầu từ 0h ngày 8/8.
Cùng ngày 6/8, tỉnh Đắk Lắk cũng có văn bản gửi các tỉnh/thành về việc dừng tiếp nhận công dân tự phát về tỉnh. Kế hoạch đưa khoảng 2,000 công dân ở Tp HCM, Bình Dương và Đồng Nai trước đó của tỉnh Đắk Lắk vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện.
Qua 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Chư Kuin, chính quyền tỉnh Đắk Lắk nhận định, tình hình dịch Covid-19 đã có những chuyển biến tích cực. Số ca dương tính tại huyện Cư Kuin tuy vẫn tăng nhưng chủ yếu là trong khu cách ly tập trung và vùng phong toả. Tại Tp Buôn Ma Thuột, một số ca nhiễm chưa xác định được nguồn lây.
Hà Tĩnh dừng các dịch vụ không thiết yếu từ ngày 8/8
Bắt đầu từ ngày 8/8, tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu tạm dừng một số dịch vụ không thiết yếu đến khi có thông báo mới. Cụ thể, đóng cửa các cơ sở làm đẹp gồm: cắt tóc, gội đầu, làm móng tay/móng chân; thẩm mỹ/spa; phòng tập gym, yoga.
Đối với quán cà phê, đồ uống, giải khát chỉ được bán hàng mang về. Các nhà hàng, quán ăn trong nhà được phép hoạt động nhưng phải có vách ngăn chắn giọt bắn và sắp xếp giãn cách chỗ ngồi quá 50% số ghế.
Tại khu vườn hoa, công viên, quảng trường, đường phố, bãi biển và tại các khu vực ngoài công sở, trường học, không được tập trung quá 5 người tại một khu vực cùng một thời điểm.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm