COVID-19 tại Việt Nam ngày 7/7: Ngày thứ 3 liên tiếp vượt 1,000 ca, Đồng Nai có ca tử vong đầu tiên, TP. HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7
Nội dung tối 7/7:
|
-
330 ca mới, 3 tỉnh có số ca mắc cao là TP. HCM, Bình Dương và Khánh Hòa
19h40 ngày 7/7, Bộ Y tế thông báo về 330 ca mắc mới COVID-19 (BN22742-23071) gồm 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh (8 ), An Giang (1) và 321 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (149), Bình Dương (60), Khánh Hòa (41), Vĩnh Long (24), Tiền Giang (18), Phú Yên (8 ), Vĩnh Phúc (5), Hưng Yên (5), Đồng Tháp (5), Hà Nội (3), Bắc Giang (2), Thanh Hóa (1); trong đó, 268 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Trong ngày 7/7, Việt Nam ghi nhận 1,007 ca mắc mới, trong đó, 997 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (766), Bình Dương (60), Khánh Hòa (41), Vĩnh Long (24), Long An (19), Tiền Giang (18), Phú Yên (14), Quảng Ngãi (13), Bắc Ninh (6), Bắc Giang (5), Vĩnh Phúc (5), Hưng Yên (5), Đồng háp (5), Trà Vinh (3), Hà Nội (3), Đồng Nai (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (2), Nghệ An (2), Hà Tĩnh (1), Cà Mau (1), Đắk Lắk (1), Thanh Hóa (1); trong đó, 968 ca được phát hiện trong khu cách ly họăc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 19h30 ngày 7/7, Việt Nam có tổng cộng 19,610 ca bệnh, 67 ca tử vong. Có 12 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 11 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Đồng Nai ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong đầu tiên
Chiều 7/7, TS.BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, mới ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 tại Đồng Nai tử vong là nữ, 48 tuổi, ngụ tại xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất (là tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối Hóc Môn, TP. HCM). Bệnh lý nền: tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì.
Trước đó, ngày 29/6, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Đại học Công nghệ Miền Đông. Ngày 1/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19; được chuyển cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.
Trong đợt bùng phát từ ngày 26/6 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận 94 ca dương tính COVID-19, phần lớn liên quan chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền. Một số ca ở các địa phương khác đến Đồng Nai làm xét nghiệm và phát hiện dương tính.
Đồng Nai đang thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Thống Nhất.
-
TP. HCM giãn cách toàn thành phố theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7
Tại cuộc họp chiều tối 7/7, Chủ tịch TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố quyết định áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày, tính từ 0h ngày 9/7.
Từ 27/5 đến nay, TP. HCM đã 4 lần thay đổi các biện pháp giãn cách xã hội về phòng dịch COVID-19 gồm:
- Ngày 31/5, áp dụng Chỉ thị 15 trên toàn thành phố và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp; phường Thạnh Lộc (quận 12). Ngày 14/6, TP.HCM kết thúc đợt giãn cách đầu tiên nhưng số ca nhiễm không giảm, thành phố ghi nhận 871 ca nhiễm.
- Ngày 15/6, tiếp tục áp dụng Chỉ thị 15 toàn thành phố. Số ca nhiễm vẫn tăng, do đó, ngày 20/6, chính quyền TP.HCM ban hành riêng Chỉ thị 10 (hay còn gọi là Chỉ thị 15+) với yêu cầu giãn cách 1.5 m; không tập trung quá 3 người nơi công cộng; tạm dừng chợ tự phát…
- Ngày 28/6, tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 từ 0h ngày 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như: Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm…
- Sáng 5/7, tiếp tục án dụng Chỉ thị 10, kiểm soát chặt chẽ người ra/vào TP. HCM. Cách thức là kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 qua mã QR code.
TP. HCM hiện là ổ dịch lớn nhất cả nước.
-
Tạm dừng các chuyến bay chở khách từ TP. HCM đến Phú Quốc
Chiều 7/7, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, Bộ GTVT vừa ký quyết định tạm dừng các chuyến bay chở khách từ TP. HCM đến Phú Quốc và ngược lại. Thời gian áp dụng: từ 0h ngày 8/7 cho đến khi có thông báo mới.
Cục Hàng không Việt Nam được yêu cầu giải quyết các chuyến bay đặc biệt nhằm phục vụ vận chuyên nhân viên y tế, vật tư, trang thiết bị y tế.
Chủ tịch TP Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ đất liền đến đảo vẫn hoạt động bình thường. Hành khách đi tàu cao tốc thực hiện đầy đủ 5K theo quy định.
-
Thành phố Thủ Đức phong tỏa tạm thời một tòa chung cư Lexington Residence
Ngày 7/7, chính quyền thành phố Thủ Đức (TP. HCM) đã tạm phong tỏa block E của chung cư Lexington Residence (phường An Phú) để điều tra dịch tễ do liên quan ca nghi mắc COVID-19 là cư dân sinh sống tại tòa nhà này.
Giới chức thành phố đang kêu gọi cư dân chung cư Lexington Residence ở bên ngoài cần sớm trở về để thực hiện khai báo y tế.
Chung cư Lexington Residence nằm trên đường Mai Chí Thọ, TP. Thủ Đức có 5 block nhà cao 25 tầng.
-
An Giang cách ly xã hội Khu công nghiệp Bình Long theo Chỉ thị 16
Chiều 7/7, huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại khu công nghiệp Bình Long, xã Bình Long sau khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Thời gian giãn cách: từ 0h ngày 8/7. Các chốt kiểm soát sẽ được lập xuyên suốt tại khu công nghiệp này.
Giới chức huyện Châu Phú cho biết, F1 của ca nhiễm này cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Kết quả kiểm tra cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại khu công nghiệp Bình Long chưa bảo đảm các điều kiện phòng dịch.
Trước đó, chiều 6/7, huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) cũng có quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16. Cụ thể:
- Giãn cách theo Chỉ thị 16 với toàn thị trấn Tịnh Biên và khu vực chợ Nhà Bàng (thuộc khóm Thới Hòa, thị trấn Nhà Bàng), áp dụng từ 17h ngày 6/7 đến 17h ngày 13/7.
- Giãn cách theo Chỉ thị 15 với toàn bộ xã An Nông, xã An Phú, xã Nhơn Hưng và thị trấn Nhà Bàng (trừ khu vực chợ Nhà Bàng đã áp dụng theo Chỉ thị 16), áp dụng từ 17h ngày 6/7 đến đến 17h ngày 13/7 và có thể gia hạn thêm tùy theo tình hình dịch bệnh.
Toàn huyện An Phú cũng đang giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ đến hết ngày 9/7. Đối với thị trấn Long Bình của huyện An Phú, khu vực giãn cách theo Chỉ thị 16 đến 7h ngày 10/7 là khu dân cư ấp Tân Khánh (trừ trụ sở UBND thị trấn Long Bình và Công an thị trấn Long Bình), khu vực tổ 1, 2, 3, 4, 5, 6 và tổ 9 thuộc ấp Tân Bình.
Xã Khánh Bình của huyện An Phú áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 tại tổ 8, 9, 10, 14, 15, 16 thuộc ấp Bình Di đến 11h ngày 14/7.
-
Vĩnh Long lập thêm bệnh viện dã chiến khu vực Hòa Phú
Ngày 7/7, tỉnh Vĩnh Long quyết định thành lập Bệnh viện Dã chiến tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hòa Phú, huyện Long Hồ với quy mô 50 giường và 83 nhân viên y tế.
Cùng ngày, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận thêm 5 ca dương tính liên quan đến ổ dịch tại Công ty Tỷ Xuân trong Khu Công nghiệp Hòa Phú, truy vết khoảng 300 F1 của chuỗi lây nhiễm trên và gần 1,000 người liên quan, nhiều nhất ở Long Hồ và Tam Bình.
Trước đó, từ ngày 6/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long tạm ngưng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, khám bệnh ngoại trú và bệnh nội trú. Tương tự, Trung tâm Y tế TP. Vĩnh Long bị cách ly tạm thời. Trung tâm Y tế huyện Tam Bình tạm dừng hoạt động khu khám bệnh ngoại liên quan đến 6 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ghi nhận cùng ngày.
Nội dung trưa 7/7:
|
-
400 ca cộng đồng tại 11 tỉnh/thành, TP. HCM 347 ca
12h ngày 7/7, Bộ Y tế thông báo về 400 ca mắc mới COVID-19 (BN22342-22741) ghi nhận trong nước tại TP. HCM (347), Long An (19), Quảng Ngãi (13), Bắc Ninh (6), Phú Yên (4), Trà Vinh (3), Bắc Giang (3), Nghệ An (2), Cà Mau (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Đắk Lắk (1)., trong đó, 277 người được phát hiện trong khu cách ly hoặc phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 12h ngày 7/7, Việt Nam có tổng cộng 18,889 ca bệnh, 67 ca tử vong liên quan COVID-19.
-
Thêm 5 ca tử vong, 4 ca ở TP. HCM không bệnh lý nền
Sáng 7/7, Bộ Y tế thông báo về 5 ca tử vong mới liên quan đến COVID-19, trong đó có 4 ca không bệnh lý nền đều ở TP. HCM. Cụ thể:
Ca tử vong thứ 102 là BN14812 (nam, 56 tuổi, địa chỉ quận 4, TP. HCM). Ngày 29/6, BN14812 tử vong sau 5 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: chưa ghi nhận.
- Chẩn đoán tử vong: viêm phổi do COVID-19 mức độ nguy kịch, biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, hội chứng vành cấp.
Ca tử vong thứ 101 là BN13709 (nữ, 63 tuổi, địa chỉ huyện Củ Chi, TP. HCM). Ngày 1/7, BN13709 tử vong sau 7 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: chưa ghi nhận.
- Chẩn đoán tử vong: viêm phổi do COVID-19 mức độ nguy kịch, biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển.
Ca tử vong thứ 100 là BN12411 (nam, 62 tuổi, địa chỉ quận 1, TP. HCM). Ngày 30/6, BN12411 tử vong sau 11 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: chưa ghi nhận.
- Chẩn đoán tử vong: viêm phổi do COVID-19 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn.
Ca tử vong thứ 99 là BN13183 (nam, 49 tuổi, địa chỉ huyện Nhà Bè, TP. HCM). Ngày 2/7, BN13183 tử vong sau 11 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: chưa ghi nhận.
- Chẩn đoán tử vong: viêm phổi do COVID-19 mức độ nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương thận cấp.
Ca tử vong thứ 98 là BN10096 (nữ, 67 tuổi, địa chỉ Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ngày 5/7, BN10096 tử vong sau 2 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: tăng huyết áp nhiều năm, tiểu đường 1 năm.
- Chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, nhồi máu cơ tim, viêm phổi nặng do COVID-19 trên nền tiểu đường, tăng huyết áp.
Với 5 ca tử vong mới được công bố, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam lên 102 trường hợp tính từ đầu mùa dịch, 67 ca trong đợt dịch thứ 4.
-
Hơn 97,000 liều vaccine Pfizer đầu tiên đã về đến Việt Nam
Sáng 7/7, lô vaccine với 97,110 liều Pfizer đầu tiên trong cam kết cung ứng 31 triệu liều của Pfizer/BioNtech cho Việt Nam trong năm 2021 đã về đến sân bay Nội Bài, Hà Nội. Trong tháng 7, Việt Nam sẽ nhận thêm khoảng 8 triệu liều vaccine COVID-19 thông qua cơ chế Covax.
Phát biểu tại lễ tiếp nhận sáng cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cảm ơn Pfizer thời gian qua đã hướng dẫn để Việt Nam tiếp nhận và sử dụng vaccine Comirnaty của Pfizer/BioNtech.
Cũng tại buổi lễ, ông Christopher Klein, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam nhấn mạnh, ưu tiên quốc tế của Chính phủ Hoa Kỳ là ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Do đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết cung cấp hàng tỷ USD cho Cơ chế COVAX facility và hỗ trợ hàng trăm triệu liều vaccine cho các quốc gia, trong đó có 2 triệu liều vaccine Moderna sẽ về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Vaccine Pfizer có thời hạn sử dụng 6 tháng trong điều kiện bảo quản -80 độ C. Nếu bảo quản từ 2-8 độ C sẽ giữ được trong thời gian 1 tháng.
-
Cách ly tại nhà 7 ngày với người về từ TP. HCM
Trưa 7/7, trong công văn hoả tốc vừa được ký ban hành về việc tiếp nhận người về từ TP. HCM, Bộ Y tế đề nghị, những người về từ TP. HCM phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày (kể từ ngày về địa phương) và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo (trừ những người đi qua TP. HCM nhưng không dừng, đỗ).
Đồng thời, những ai thuộc diện này phải làm xét nghiệm 3 lần vào ngày đầu tiên, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly tại nhà.
Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, các trường hợp này được yêu cầu hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, không tham gia các hoạt động tập trung đông người. Nếu có dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở hoặc có biểu hiện mất vị giác phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn xử lý.
Đối với những người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra/vào TP. HCM, Bộ Y tế yêu cầu phải thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.
-
Trại giam Chí Hòa đã có 81 ca dương tính COVID-19
Trưa 7/7, truyền thông Việt Nam dẫn tin từ Sở Y tế TP. HCM cho biết, cụm lây nhiễm tại Trại giam Chí Hòa (quận 10) có tổng cộng 81 ca mắc COVID-19 (tính đến ngày 6/7).
Trước đó vào ngày 27/6, ca dương tính đầu tiên được ghi nhận là nhân viên tại Trại giam và đi khám tầm soát tại Bệnh viện Bình Thạnh.
Ngày 28/6, cảnh sát thành phố yêu cầu xét nghiệm nhanh tầm soát tất cả nhân viên và phát hiện thêm 44 nhân viên trại giam và 36 phạm nhân dương tính với COVID-19.
-
TP. HCM thí điểm cách ly F1 tại nhà trên toàn thành phố
Sở Y tế TP. HCM vừa có tờ trình gửi chính quyền thành phố đề nghị bổ sung phạm vi áp dụng hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Trước đó, tại tờ trình ngày 5/7, Sở Y tế đề nghị thành phố thí điểm cách ly F1 tại nhà với 8 quận/huyện gồm: quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, tuy nhiên, tại cuộc họp chiều cùng ngày, đề nghị được thay đổi về phạm vi, áp dụng thí điểm trên toàn thành phố.
Theo đề nghị, sẽ áp dụng cách ly tại nhà cho F1 có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính với COVID-19 (trong khi chờ thực hiện xét nghiệm PCR). F1 được cách ly tại nhà phải thuộc các nhóm sau:
- Người tiếp xúc gần ca COVID-19 nhưng không thường xuyên;
- Người làm việc cùng phòng với ca bệnh nhưng cách xa trên 2 m và không tiếp xúc trực tiếp;
- Người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người khuyến tật… cần sự chăm sóc, hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách ly được thực hiện ít nhất 5 lần vào ngày 1, 7, 14, 20 và 28 từ khi bắt đầu cách ly. Các trung tâm y tế tại địa phương thuộc nhóm áp dụng thí điểm sẽ tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho người cách ly.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP. HCM ghi nhận 7,665 ca mắc mới, và hiện đang là ổ dịch lớn nhất Việt Nam.
Nội dung sáng 7/7:
|
-
277 ca mắc mới chủ yếu ở TP. HCM
5h45 ngày 7/7, Bộ Y tế thông báo về 277 ca mắc mới COVID-19 (BN22065-22341) gồm 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Quảng Bình; 276 ca ghi nhận trong nước tại: TP. HCM (270), Phú Yên (2), Đồng Nai (2), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Hà Tĩnh (1); trong đó, 238 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính từ 27/4 đến 6h ngày 7/7, Việt Nam có tổng cộng 18,889 ca bệnh, 59 ca tử vong. Có 13 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới; 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
3 ca COVID-19 mới tử vong ở TP. HCM và Đồng Tháp
Tối 6/7, Bộ Y tế thông tin về 3 ca tử vong mới liên quan đến COVID-19, đa số là bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền, cụ thể:
Ca tử vong thứ 97 là BN20261 (nam 64 tuổi, địa chỉ ở Sa Đéc, Đồng Tháp). Ngày 4/7, BN20261 tử vong sau 2 ngày nhập viện điều trị COVID-19.
- Bệnh lý nền: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
- Chẩn đoán tử vong: viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân bệnh tim thiếu máu cục bộ, tăng huyết áp.
Ca tử vong thứ 96 là BN16339 (nữ 64 tuổi, địa chỉ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Ngày 4/7, BN16339 tử vong sau 6 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: đái tháo đường túyp 2, tăng huyết áp, suy vỏ thượng thận.
- Chẩn đoán tử vong: viêm phổi nặng do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, suy tim độ 3, đái tháo đường túyp 2, hội chứng cushing, tăng huyết áp.
Ca tử vong thứ 95 là BN17901 (nữ, 68 tuổi, trú tại huyện Bình Chánh, TP. HCM). Ngày 3/7, BN17901 tử vong sau 3 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: chưa ghi nhận.
- Chẩn đoán tử vong: nhiễm COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp hoặc thuyên tắc phổi.
Với 3 ca tử vong ghi nhận tối 6/7, hiện Việt Nam có tổng số ca tử vong do COVID-19 là 97 trường hợp tính từ đầu mùa dịch, 62 trường hợp trong đợt dịch thứ 4. (Xem chi tiết tại đây)
-
Hơn 90,000 liều vaccine Pfizer/BioNtech về Việt Nam
Sáng 7/7, theo dự kiến, lô vaccine đầu tiên của hãng BioNtech với hơn 90,000 liều Pfizer sẽ về tới Việt Nam. Dự kiến, trong quý III sẽ có thêm khoảng 3 triệu liều và quý IV có khoảng 27-28 triệu liều vaccine Pfizer/BioNtech về Việt Nam.
Trước đó, vào tháng 5/2021, Bộ Y tế đã ký hợp đồng với Pfizer/BioNtech về việc mua 31 triệu liều vaccine của hãng này, ngày 12/6, quyết định chấp thuận vaccine Cominarty của Pfizer/BioNtech.
Vaccine Pfizer được bào chế dưới dạng hỗn dịch đậm đặc pha tiêm, mỗi liều 0.3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA COVID-19 (được bọc trong các hạt nano lipid), được sản xuất tại Pfizer Manufacturing Belgium NV, Bỉ và BioNTech Manufacturing GmbH, Đức.
Hôm thứ Ba (6/7), Hoa Kỳ chuyển 2 triệu liều vaccine Moderna tặng Việt Nam. Một quan chức Tòa Bạch Ốc nói với AFP, lô vaccine này sẽ đến Việt Nam vào cuối tuần này, đây chỉ là khởi đầu của các liều vaccine được chuyển đến Đông Nam Á.
Lô vaccine Moderna này là một phần trong số 80 triệu liều vaccine đầu tiên mà Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ thế giới thông qua chương trình COVAX.
Vị quan chức này cho biết, Hoa Kỳ chia sẻ số vaccine này không nhằm đòi hỏi quyền lợi hay nhượng bộ. Vaccine được trao tặng không kèm theo bất cứ điều kiện gì.
-
Gần 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT môn đầu tiên sau quyết định bất ngờ của BGD&ĐT
Sáng nay (ngày 7/7), gần 1 triệu thí sinh Việt Nam bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021 là môn Ngữ Văn, thời gian làm bài là 120 phút.
Trước đó, chiều tối 6/7, Bộ GD&ĐT bất ngờ ban hành văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tổ chức thi cho các thí sinh F1, F2 ngay trong đợt 1, từ ngày 7-8/7/2021.
Cụ thể theo văn bản của Bộ GD&ĐT, thí sinh thuộc diện F1, F2 được thi tốt nghiệp vào các ngày 7-8/7/2021 khi địa phương đáp ứng các nội dung sau:
- Thí sinh thuộc diện F1, F2 có nguyện vọng được dự thi vào các ngày 7-8/7/2021.
- Được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.
- Phương án tổ chức thi cho những thí sinh phải bảo đảm an toàn phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
-
2 chung cư đầu tiên ở TP. HCM chuyển thành bệnh viện điều trị COVID-19
Ngày 6/7, 2 chung cư tái định cư ở phường Tân Thới Nhất (quận 12, TP. HCM) và phường An Khánh (TP. Thủ Đức, TP. HCM) đã chuyển đổi công năng làm Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2.
Với quy mô 2,500 giường, từ ngày 5/7, chung cư tái định cư ở phường Tân Thới Nhất sẽ bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 vào điều trị.
Còn chung cư tại phường An Khánh (TP. Thủ Đức) với tổng diện tích 38.4 hecta quy mô 10,000-15,000 giường điều trị đang được chuẩn bị nhân sự, thiết bị để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 trong thời gian tới.
Tính đến hiện tại, TP. HCM có tất cả 13 bệnh viện tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19.
-
Đã có 125 chợ tại TP. HCM đóng vì COVID-19
8h sáng 7/7, chợ đầu mối Thủ Đức (là một trong 3 chợ đầu mối lớn và là chợ đầu mối cuối cùng của TP. HCM) bị tạm phong tỏa vì COVID-19.
Đến sáng cùng ngày, tính cả chợ Thủ Đức, TP. HCM đã có 122 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối buộc phải tạm dừng hoạt động để dịch COVID-19. Như vậy, tại TP. HCM, số chợ tạm đóng cửa đã chiếm hơn một 1/2 tổng 234 chợ truyền thống của toàn thành phố.
Gần đây nhất là ngày 6/7, chợ Bình Điền bị tạm đóng cửa. Trước đó, ngày 28/6, chợ Hóc Môn tạm ngưng tập kết hàng.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm