COVID-19 tại Việt Nam sáng 6/8: Hơn 4,000 ca mắc mới, bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán
Từ 18h ngày 5/8 đến 6h ngày 6/8, Việt Nam ghi nhận 4,009 ca mắc mới COVID-19 tại 24 tỉnh/thành, trong đó có 823 ca trong cộng đồng.
Hơn 4,000 ca mắc mới được ghi nhận tại các tỉnh/thành sau: Tp HCM (2,563), Bình Dương (322), Long An (286), Tiền Giang (253), Đồng Nai (207), Đà Nẵng (77), Vĩnh Long (63), Đồng Tháp (53), An Giang (47), Trà Vinh (34), Phú Yên (27), Bình Định (19), Kiên Giang (17), Gia Lai (14), Hà Tĩnh (5), Đắk Nông (4), Thanh Hóa (4), Lâm Đồng (4), Bạc Liêu (2), Lào Cai (2), Quảng Trị (2), Lạng Sơn (2), Hải Dương (1), Hà Nội (1).
Như vậy, tính từ đầu mùa dịch đến sáng 6/8, Việt Nam có tổng cộng 189,066 ca nhiễm, trong đó, tính riêng đợt dịch thứ 4 (kể từ ngày 27/4 đến nay) là 185,162 ca. Số bệnh nhân COVID-19 tử vong đã lên 2,720 ca, có 55,266 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Quảng Ninh và Bắc Kạn là 2 tỉnh/thành tại Việt Nam qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới. Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 486 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 20 ca.
Về tình hình chích ngừa, trong ngày 5/8, Việt Nam đã chích 442,422 liều vaccine COVID-19. Tính tới 16h cùng ngày, tổng số liều vaccine được chích tại Việt Nam là 8,061,116 liều, trong đó số người chích 1 mũi là 7,241,093, chích mũi 2 là 820,023 liều.
Hiện các địa phương đang tăng tốc độ chích ngừa, trong đó Tp HCM yêu cầu chích xong Moderna và Pfizer trước ngày 8/8 do vaccine bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C phải dùng hết trong 31 ngày.
Sau Tp HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, bắt đầu áp dụng từ 0h ngày 10/8.
Theo quy định thí điểm, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ cách ly F1 tại nhà đối với 7 nhóm đối tượng gồm: Trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi là người tiếp xúc gần với các trường hợp F0, nhưng không có người chăm sóc, phải ở cùng cha hoặc mẹ; Cha hoặc mẹ là F1 nhưng là người giám hộ duy nhất chăm sóc con là trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi; Người tiếp xúc gần là phụ nữ có thai, người già từ 70 tuổi trở lên (hoặc từ 65 tuổi trở lên có bệnh nền), người khuyết tật, trẻ em, người bị bệnh hoặc người có sức khoẻ yếu phải có người chăm sóc.
Bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19
Sáng nay (6/8) , Cục Quản lý Khám chữa bệnh Hội đồng chuyên môn cho biết, sẽ họp để đưa bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trước đó, ngày 5/8, 10,000 lọ thuốc kháng virus Remdesivir từ Ấn Độ đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là lô đầu tiên trong tổng số 1 triệu liều Remdesivir mà doanh nghiệp dược Ấn Độ cam kết cung cấp cho Việt Nam. Trong đêm 5/8, có thêm 40,000 liều Remdesivir đến Việt Nam. Số thuốc còn lại trong 1 triệu liều sẽ về Việt Nam trong tháng 8.
Trao đổi với truyền thông, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, số thuốc Remdesivir nói trên sẽ được phân bổ cho Tp HCM và các tỉnh đang có dịch COVID-19, gồm cả Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Y tế, sắp tới, Việt Nam cũng nhận thêm 500,000 lọ Remdesivir do một tập đoàn lớn mua từ Ấn Độ gửi tặng Bộ Y tế.
Remdesivir là thuốc kháng virus phổ rộng, chích qua đường tĩnh mạch, được sản xuất bởi Gilead Science Inc. và được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận từ 22/10/2020 để điều trị bệnh nhân COVID-19 thể trung bình và nặng, cần hỗ trợ oxy. Thời gian sử dụng thuốc cho một đợt điều trị là 10 ngày.
Với 500,000 lọ thuốc trên, theo Bộ Y tế, có khả năng hỗ trợ điều trị cho khoảng 80,000 đến 100,000 bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam.
Hiện hơn 50 quốc gia gồm các nước EU, Hoa Kỳ, Úc, Singapore… sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị. Hiệu quả ban đầu cho thấy, các bệnh nhân dùng Remdesivir hồi phục nhanh hơn khoảng 4 ngày. Giá mỗi lọ thuốc Remdesivir khoảng 390 USD, trung bình mỗi bệnh nhân có liệu trình điều trị khoảng 5 ngày.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và sử dụng thuốc Remdesivir nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm