COVID-19 tại Việt Nam ngày 5/7: Xác lập kỷ lục mới với hơn 1,000 ca bệnh, TP. HCM đề nghị thí điểm cách ly F1 tại nhà với 8 quận/huyện, Hà Nội kiến nghị cho học sinh đi học trở lại từ 10/7
Nội dung tối 5/7:
|
-
527 ca mắc mới, riêng TP. HCM và Bình Dương gần 400 ca
19h ngày 5/7, Bộ Y tế thông báo về 527 ca mắc mới COVID-19 (BN20509-21035) gồm 13 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Trà Vinh (12), Bà Rịa – Vũng Tàu (1); 514 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (270), Bình Dương (114), Đồng Tháp (62), Tiền Giang (11), Phú Yên (11), Khánh Hòa (10), Đồng Nai (8 ), An Giang (6), Bình Phước (4), Bà Rịa – Vũng Tàu (4), Bình Định (3), Tây Ninh (3), Bắc Giang (3), Quảng Ngãi (2), Bắc Ninh (1), Nghệ An (1), Lâm Đồng (1); trong đó, 482 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy tổng trong ngày 5/7, Việt Nam ghi nhận thêm 1,102 ca mắc mới, với 1,089 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (641), Đồng Tháp (165), Bình Dương (131), Phú Yên (40), Khánh Hòa (18), Long An (15), An Giang (12), Tiền Giang (11), Hưng Yên (9), Đồng Nai (9), Bắc Giang (7), Bắc Ninh (4), Quảng Ngãi (4), Bình Phước (4), Bà Rịa – Vũng Tàu (4), Vĩnh Long (3), Bình Định (3), Tây Ninh (3), Hà Tĩnh (2), Lạng Sơn (1), Sóc Trăng (1), Nghệ An (1), Lâm Đồng (1); trong đó, 974 ca được phát hiện trong khu cách ly họăc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 19h ngày 5/7, Việt Nam có tổng cộng 17,594 ca bệnh, 55 ca tử vong. Có 14 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới.
-
100,000 liều vaccine Pfizer sắp về Việt Nam
Trong ngày 7/7 tới, lô vaccine Pfizer đầu tiên với khoảng 100,000 liều sẽ về tới sân bay Nội Bài và sẽ được bảo quản tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Đây là lô vaccine đầu tiên của Pfizer về Việt Nam trong kế hoạch cung ứng 31 triệu liều từ nay đến cuối năm 2021, trong đó, 3 triệu liều về trong quý 3, 28 triệu liều còn lại về trong quý 4.
Trước đó, vào ngày 12/6, Bộ Y tế Việt Nam đã chấp thuận vaccine Pfizer sử dụng công nghệ mRNA.
Hiện, Việt Nam đã nhận gần 5.5 triệu liều vaccine COVID-19 từ nhiều nguồn, trong đó, Covax hỗ trợ gần 2.5 triệu, đặt mua qua công ty vaccine Việt Nam hơn 400,000 liều, Nhật Bản tặng 2 triệu liều. Tất cả đều là vaccine AstraZeneca. Ngoài ra, Trung Quốc viện trợ 500,000 liều vaccine Sinopharm, Nga tặng 2,000 liều vaccine Sputnik.
-
Phong tỏa phường Tân Phú hơn 34,000 dân ở TP. Thủ Đức
Chiều 5/7 , Chủ tịch thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng đã quyết định áp dụng phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch theo Chỉ thị 16 đối với phường Tân Phú (không bao gồm phần diện tích thuộc Khu Công nghệ cao TP. HCM).
Thời gian áp dụng: từ 0h ngày 6/7 cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian phong tỏa, người dân không được ra khỏi khu vực này trừ nhân viên y tế, người thực hiện công vụ, trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Đảm bảo cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty. Người không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.
Quyết định phong tỏa phường Tân Phú được đưa ra sau khi số ca nhiễm tại Công ty TNHH Nidec Sankyo (trong Khu Công nghệ cao TP. HCM) gia tăng nhanh, hiện có hơn 200 ca nhiễm và nghi nhiễm COVID-19. Công ty này cũng ngừng hoạt động từ chiều 3/7.
Theo thống kê sơ bộ, phường Tân Phú rộng 351 hecta gồm 6 khu phố với hơn 12,000 gia đình và 34,750 nhân khẩu.
-
Đề nghị thí điểm cách ly F1 tại nhà với 8 quận/huyện ở TP. HCM
Ngày 5/7, Sở Y tế TP. HCM có tờ trình gửi chính quyền thành phố về hướng dẫn thí điểm cách ly y tế tại nhà đối với F1 tại 8 địa phương thuộc nhóm có nguy cơ, gồm: quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Thời gian thí điểm: từ ngày 5/7.
Theo dự kiến, đến ngày 19/7, ngành Y tế thành phố đánh giá kết quả thực hiện việc thí điểm trên để xem xét mở rộng áp dụng cho địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao. Việc cách ly F1 tại nhà sẽ không áp dụng cho địa phương thuộc nhóm nguy cơ rất cao.
Việc thí điểm sẽ áp dụng cho những người được xác định tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 (F1), có mang khẩu trang y tế trong khi tiếp xúc, có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính (trong khi chờ xét nghiệm PCR) và thuộc 1 trong 3 nhóm sau:
- Người tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 nhưng không thường xuyên.
- Người làm việc cùng phòng với ca bệnh nhưng vị trí làm việc cách xa trên 2 m và không có sự tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh.
- Người tiếp xúc gần là người già trên 60 tuổi, trẻ em, thai phụ, người tàn tật… cần sự chăm sóc hỗ trợ.
Ngoài ra, người tiếp xúc gần đã được cách ly tập trung đủ 14 ngày và có kết quả xét nghiệm ngày thứ 14 âm tính, được chuyển từ cơ sở cách lý tập trung và cách ly tại nhà. Việc lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cách lỵ y tế tại nhà thực hiện ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách lỵ.
Hiện, TP. HCM có 14,392 người cách ly tập trung, 36,305 trường hợp cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
-
Long An kích hoạt thêm 2 bệnh viện dã chiến
Chiều 5/7, Sở Y tế tỉnh Long An cho biết, đã kích hoạt thêm 2 bệnh viện dã chiến số 3 và 4 nằm trên địa bàn huyện Thạnh Hóa và huyện Đức Huệ.
Trước đó, Long An thành lập bệnh viện dã chiến số 1 và 2 tại TP. Tân An và huyện Tân Trụ.
Tính đến sáng cùng ngày, Long An có 205 ca mắc COVID-19 xuất hiện ở 11/15 huyện/thị/thành. Một số ca khác đang được kiểm tra, rà soát cấp mã số. Số người cách ly tập trung tại địa phương hiện tại lên gần 2,000 trường hợp và hơn 10,300 trường hợp đang cách ly tại nhà.
Ngoài bệnh viện Đa khoa Long An phát hiện trên 60 ca và đang bị phong tỏa, 3 địa phương giáp ranh với TP. HCM là: huyện Cần Giuộc, huyện Bến Lức và huyện Đức Hòa là những nơi xuất hiện nhiều ca bệnh nhất.
-
Đề nghị cho học sinh Hà Nội đi học trở lại từ 10/7
Chiều muộn 5/7, Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội gửi tờ trình đến chính quyền thành phố về việc cho học sinh, học viên các cấp học, bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên; trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa, bồi dưỡng kỹ năng; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố đi học trở lại.
Thời gian: bắt đầu từ 10-24/7/2021 để hoàn thành năm học 2020-2021.
Trước đó, chiều cùng ngày, trao đổi với truyền thông trong nước, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thông tin ngày 9/7 tới học sinh sẽ đi học lại để ôn tập và thi học kỳ 2 chưa được khẳng định.
Theo ông Tiến, hiện Hà Nội đang tập trung để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sau khi hoàn thành kỳ thi này, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ xem xét tình hình rồi xin phép thành phố.
Về thời gian ôn tập sau khi trở lại trường, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, học sinh sẽ có khoảng 2 tuần để ôn tập rồi thi học kỳ.
Tính đến hiện tại từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4, học sinh Hà Nội đã không đến trường hơn 2 tháng. Trước đó, ngày 3/5, Sở GD&ĐT thông báo học sinh sẽ học trực tuyến ở nhà sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5. Đến ngày 15/5, lần đầu tiên học sinh Hà Nội chính thức được nghỉ hè nhưng chưa thi học kỳ và chưa có kết quả tổng kết năm học.
Nội dung trưa 5/7:
|
-
247 ca mắc cộng đồng, Việt Nam đã vượt 17,000 ca trong đợt dịch mới
12h30 ngày 5/7, Bộ Y tế thông báo về 247 ca mắc mới COVID-19 (BN20262-20508) ghi nhận trong nước tại TP. HCM (196), Bình Dương (17), Long An (13), Phú Yên (6), Bắc Giang (4), Vĩnh Long (3), Đồng Tháp (3), Quảng Ngãi (2), Hà Tĩnh (2), Bắc Ninh (1); trong đó, 220 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 12h30 ngày 5/7, Việt Nam có tổng cộng 17,080 ca bệnh. Có 14 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
-
Thực hư thông tin Campuchia phong tỏa biên giới với Việt Nam và Thái Lan
Sáng 5/7, thông tin từ Campuchia cho hay, nước này đã tăng cường kiểm soát biên giới với Việt Nam và Thái Lan để phòng dịch COVID-19, nhưng không có chuyện phong tỏa biên giới như báo chí Campuchia đưa tin trước đó.
Việc một số tờ báo của Campuchia, trong đó có tờ Khmer Times, vào ngày 4/7 dẫn lời Thủ tướng Campuchia Hun Sen chỉ đạo “Campuchia tạm thời phong tỏa biên giới đường bộ với Việt Nam, Thái Lan” là không chính xác.
Trước đó, hôm 1/7, tại cuộc họp trực tuyến đặc biệt thảo luận và đề ra giải pháp ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã nêu ra 5 vấn đề, trong đó có tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt tại các cửa khẩu biên giới; tất cả các cửa khẩu phải áp dụng biện pháp xét nghiệm nhanh.
Theo Thủ tướng Hun Sen, tại khu vực biên giới Campuchia với Việt Nam có nhiều kiều dân sinh sống, phải tạm dừng việc đi qua lại Việt Nam. Người dân Campuchia nếu không có việc gì thật sự cần thiết thì không được qua lại biên giới với Thái Lan, Lào và Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia nói, đây không phải là lúc “đổ lỗi cho nhau”, cáo buộc nước nào lây lan dịch bệnh cho nước nào, mà nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác phòng dịch COVID-19 giữa các nước láng giềng.
Campuchia ngày 4/7 ghi nhận thêm gần 1,000 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên hơn 54,000, gần gấp 100 lần so với tổng ca tính đến ngày 22/2, thời điểm dịch bắt đầu bùng phát.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Campuchia Or Vandine đã lên tiếng bác bỏ thông tin của báo Bangkok Post, nói rằng biến thể Alpha hoành hành tại Thái Lan xuất phát từ Campuchia.
Theo bà Vandine, ngược lại, Campuchia bị bùng dịch do những người di cư, đặc biệt là những người lao động trở về từ Thái Lan. “Chúng ta đừng cáo buộc virus đến từ bất kỳ hướng nào. Điều quan trọng là virus có thể phát tán xuyên biên giới mà không cần hộ chiếu”, Bộ trưởng Y tế Campuchia nói.
-
Thêm 4 bệnh nhân COVID-19 tử vong ở TP. HCM, Đồng Tháp, Long An
Trưa 5/7, Bộ Y tế công bố 4 ca tử vong liên quan đến COVID-19, đều là các bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền gồm:
Ca tử vong 87 là BN18265 (nam, 68 tuổi, trú tại quận 11, TP. HCM). Ngày 29/6, BN18265 tử vong trong cùng ngày nhận kết quả xét nghiệm mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: đái tháo đường túyp 2, bệnh tim thiếu máu cục bộ, lao phổi kháng thuốc đang điều trị tháng thứ 3, giãn tĩnh mạch 2 chi dưới.
- Chẩn đoán tử vong: Nhiễm COVID-19 trên bệnh nhân lao kháng thuốc đang điều trị tháng thứ 3, tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường type 2, giãn tĩnh mạch hai chi dưới, suy dinh dưỡng.
Ca tử vong thứ 88 là BN16340 (nữ, 81 tuổi, trú tại Sa Đéc, Đồng Tháp). Ngày 2/7, BN16340 tử vong sau 6 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: tăng huyết áp, hội chứng cushing, đái tháo đường.
- Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi do COVID-19 nặng biến chứng suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, suy thượng thận cấp.
Ca tử vong thứ 89 là BN17100 (nữ, 73 tuổi, địa chỉ Châu Thành, Long An). Ngày 30/6, BN17100 tử vong sau 1 ngày có kết quả dương tính.
- Bệnh lý nền: suy tim, tăng huyết áp, Lupus ban đỏ, thoái hóa khớp gối, loét cùng cụt, cushing do thuốc.
- Chẩn đoán tử vong: viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, suy tim, tăng huyết áp trên bệnh nhân lupus ban đỏ, thoái hoá khớp gối, loét cùng cụt, hội chứng cushing do thuốc.
Ca tử vong thứ 90 là BN19602 (nữ, 88 tuổi, địa chỉ Tam Nông, Đồng Tháp). Ngày 4/7, BN19602 tử vong.
- Bệnh lý nền: tim thiếu máu cục bộ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, lao phổi cũ, di chứng đột quỵ.
- Chẩn đoán tử vong: thủng ruột non, viêm phổi do COVID-19 biến chứng suy hô hấp trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ, lao phổi cũ, di chứng đột quỵ.
Với 4 ca tử vong mới được công bố, Việt Nam hiện có 90 ca tử vong do COVID-19 tính từ đầu mùa dịch, tính từ 27/4 là 55 ca. (Xem chi tiết tại đây)
-
Hà Nội truy vết 20 người liên quan ca dương tính trốn viện đi xe khách về Hà Giang
Trưa 5/7, CDC Hà Nội cho biết, đã truy vết hơn 10 người liên quan đến F0 là Sùng Mí Quả (29 tuổi, trú tại Yên Ninh, Hà Giang, là công nhân tại Núi Hiểu, KCN Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), đang điều trị tại Bệnh viện Quân Y 110 cơ sở 2 Dĩnh Trì (Bắc Giang) từ ngày 13/6, trốn viện về Hà Giang.
Trước đó, vào khoảng 0h ngày 4/7, F0 này trốn viện và bắt xe khách biển số 29B-18463 di chuyển về bến xe Mỹ Đình, để bắt xe về quê tại Hà Giang.
Truy vết xác định, 20 người liên quan gồm: 12 người trên xe 29B-18463, 2 F1 tại quán nước B6 nơi F0 uống nước, 6 người bán hàng rong và đánh giày khu vực xe chờ F0 đỗ.
Lịch trình di chuyển:
Xe khách biển số 29B-18463 xuất phát từ bến xe Bắc Giang đến bến xe Mỹ Đình lúc 7h30 (chỉ ở cổng không vào bến).
Trên xe có 12 người gồm: 2 tài xế, 3 phụ xe, 7 hành khách. Trên đường di chuyển có 2 khách xuống khu vực sân bay Nội Bài, 5 khách còn lại (gồm cả F0) xuống điểm gần đèn đỏ cạnh bến xe Mỹ Đình. F0 ngồi hàng ghế 5 bên lái xe, các hành khách khác ngồi giãn cách và có đeo khẩu trang.
Sau khi xuống xe, F0 vào ngồi tại khu vực chờ của bến xe Mỹ Đình, sau đó được phụ xe 23B-00358 dẫn ra khu vực đỗ xe (điểm đỗ số 46 – bến xe Mỹ Đình) chờ xe chạy để về Hà Giang. F0 uống nước tại quầy B6.
Đến khoảng 8h30, F0 lên xe về Hà Giang. Hiện tại, xe đã bị buộc dừng tại địa phận Tuyên Quang.
-
TP. HCM tìm người ở 12 địa điểm tại huyện Hóc Môn liên quan ca nhiễm COVID-19
Trưa 5/7, huyện Hóc Môn, TP. HCM vừa phát thông báo đề nghị những người từng đến 12 địa điểm trên địa bàn cần liên hệ cơ sở y tế để thực hiện khai báo y tế và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.
Tìm người đến địa điểm liên quan F0:
- Cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Nguyễn Thị Huê (gần chợ Cây Me), xã Bà Điểm. Thời gian: khoảng 19h30-20h30 ngày 28/6.
- Điểm bán nước sâm phía trước nhà số 5.1, ấp 2, xã Đông Thạnh (góc ngã 4 Huỳnh Thị Na – Đặng Thúc Vịnh). Thời gian: từ ngày 19/6 đến 2/7.
- Cửa hàng Con Cưng gần chợ Xuân Thới Thượng. Thời gian: từ ngày 23/6 đến ngày 24/6.
- Tài xế xe công nghệ Gojek (tên Nguyễn Thế Bằng) điều khiển xe máy biển kiểm soát 51R2-0087 đón khách lúc 14h20 ngày 4/7, tại địa chỉ nhà 59/98H, tổ 14, ấp 3, xã Xuân Thới Thượng H.Hóc Môn, đi đến Bệnh viện Xuyên Á.
- Trà sữa Su Tea đường Lê Thị Hà, H.Hóc Môn (gần chùa Pháp Huyền). Thời gian: 21h ngày 30/6.
- Cửa hàng Bách Hóa Xanh, địa chỉ 27/10A ấp 4, xã Xuân Thới Sơn. Thời gian: 17-18h ngày 20/6.
- Trà sữa Cà Rốt trên đường Nguyễn Văn Bứa. Thời gian: 18h ngày 2/7.
- Điểm bán thịt bò ngay ngã tư Bà Triệu và đường song hành Quốc lộ 22. Thời gian: từ 6h30 đến 7h30 ngày 27/6.
- Cửa hàng Bách Hóa Xanh (đối diện Công an H.Hóc Môn). Thời gian: từ 7-8h30 ngày 20/6.
- Bưu điện Hóc Môn. Thời gian: từ 8-9h ngày 7/7.
- Cửa hàng Bách Hóa Xanh (trên đường Phan Văn Hớn, đối diện nhà thuốc Thành Công). Thời gian: sáng 30/6.
- Tiệm tạp hóa Diễm Hằng (cạnh tiệm hoa Đất Việt) trên vòng xoay đường Lý Thường Kiệt, TT.Hóc Môn. Thời gian: từ 15-17h ngày 1/7.
Tính từ ngày 27/4 đến chiều ngày 4/7, huyện Hóc Môn ghi nhận 316 bệnh nhân COVID-19 đã được công bố, 341 ca nghi nhiễm. Hầu hết ca dương tính được phát hiện từ các khu phong tỏa sau khi có ca liên quan F0 các chuỗi lây nhiễm.
-
Quảng Ngãi đóng cửa chợ trung tâm thành phố
Từ 0h hôm nay (5/7), Quảng Ngãi tạm đóng cửa chợ trung tâm thành phố với gần 900 lô sạp bán quần áo, giày dép, bánh kẹo, hàng gia dụng… để phòng dịch COVID-19.
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Chủ tịch TP. Quảng Ngãi cho biết, trong đêm 4/7, TP. Quảng Ngãi đã phong tỏa 2 điểm có 2 ca mắc COVID-19 tại: khu đô thị An Phú Sinh cách ly, phong tỏa 60 gia đình với 106 người; tại đường Nguyễn Công Phương là 36 gia đình với 135 người; đồng thời lấy mẫu xét nghiệm test nhanh khoảng 300 người dân trong khu vực phong tỏa.
Như vậy, đến sáng nay 5/7, 3 khu vực của tỉnh Quảng Ngãi có ca mắc COVID-19 gồm: Thị xã Đức Phổ, TP. Quảng Ngãi và huyện Ba Tơ, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh lên 117 ca.
Nội dung sáng 5/7:
|
-
328 ca mắc cộng đồng, Việt Nam có gần 17,000 ca trong đợt dịch mới
6h ngày 5/7, Bộ Y tế thông báo về 328 ca mắc mới COVID-19 (BN19934-20261) ghi nhận trong nước tại 11 tỉnh/thành gồm: TP. HCM (175), Đồng Tháp (100), Phú Yên (23), Hưng Yên (9), Khánh Hòa (8), An Giang (6), Long An (2), Bắc Ninh (2), Lạng Sơn (1), Đồng Nai (1), Sóc Trăng (1); trong đó, 272 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Như vậy tính từ 27/4 đến 6h ngày 5/7, Việt Nam có tổng cộng 16,833 ca bệnh. Có 14 tỉnh/thành đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới.
-
TP. HCM thêm 175 ca COVID-19, có 54 trường hợp chưa rõ nguồn lây
Sáng 5/7, TP. HCM ghi nhận thêm 175 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố mã bệnh BN20054-20228, trong đó, 121 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 54 trường hợp đang điều tra dịch tễ.
Trong đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay), TP đã có tổng cộng 6,209 bệnh nhân COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Hiện, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc thí điểm cách ly F1 tại nhà theo công thức 14-14 (14 ngày cách ly tập trung, 14 ngày cách ly tại nhà). TP. HCM thành lập Trung tâm điều hành, điều phối công tác xét nghiệm để công tác tổ chức xét nghiệm vừa đáp ứng với tình hình hiện này vừa được nâng cao năng lực.
-
Truy vết 113 F1 và F2 với ca dương tính đầu tiên ở Sóc Trăng
Sáng 5/7, Bộ Y tế công bố trường hợp dương tính COVID-19 đầu tiên trong cộng đồng tại Sóc Trăng với mã số BN20260, tên V.V.L. (36 tuổi, quê Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng). Tối 4/7, BN20260 có kết quả xét nghiệm dương tính khi thực hiện phương pháp RT-PCR.
Giới chức đã tìm được tài xế xe ôm chở anh BN20260, đồng thời thông báo tìm người đi cùng trên chuyến xe Tuấn Hiệp biển số 69B-00.631. Quy truy vết xác định:
- 29 F1 gồm: 24 F1 liên quan đến nơi bệnh nhân làm test nhanh, 2 trường hợp đi cùng xe Tuấn Hiệp; còn lại là vợ, nhân viên nhà nghỉ và xe ôm chở bệnh nhân.
- 84 F2 gồm: 75 người làm cùng công ty, còn lại liên quan đến xe ôm, nhà nghỉ K.H. và những người ở cùng nhà với vợ bệnh nhân.
-
Đồng Nai phong toả 2 khu dân cư liên quan 10 ca nghi nhiễm mới
Ngày 5/7, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tiếp tục ghi nhận 10 ca dương tính với COVID-19 mới gồm 9 ca liên quan đến ổ dịch chợ Hóc Môn (huyện Thống Nhất 8 ca, TP. Biên Hòa 1ca) và 1 ca phát hiện tại xã Phước Thái, huyện Long Thành, liên quan đến ổ dịch chợ Bình Điền.
- Tại huyện Long Thành, giới chức đã phong tỏa khu dân cư tại xã Phước Thái với gần 200 gia đình và tạm dừng hoạt động chợ Phước Thái.
- Tại TP. Biên Hòa, giới chức cũng phong tỏa 1 khu vực dân cư ở phường Long Bình Tân.
Tính từ 27/4 đến nay, tổng số ca dương tính với COVID-19 tại Đồng Nai là 80 ca. Đồng Nai vẫn đang lấy mẫu xét nghiệm tại khu phong tỏa huyện Thống Nhất, trong 2 ngày qua đã lấy được 40,000 mẫu.
-
1 công nhân KCN Hòa Phú dương tính, Vĩnh Long truy vết gần 900 F1 và F2
Sáng 5/7, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long Văn Công Minh cho biết, 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với COVID-19 là công nhân trong công ty đông người nhất KCN Hòa Phú (xã Hòa Phú, H.Long Hồ, Vĩnh Long), là F1 của bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh Đồng Tháp.
Cụ thể, người này là nam (ngụ xã Long Mỹ, H.Mang Thít, Vĩnh Long), là công nhân của Công ty TNHH Tỷ Xuân (với hơn 22,000 người), làm việc tại phân xưởng A8. Tại dây chuyền người này làm có 52 người, trong đó, 1 người ở xã An Phú Thuận, H.Châu Thành, Đồng Tháp đã được xác định dương tính với COVID-19.
Nam công nhân này có vợ làm ở phân xưởng A3, cùng công ty. Hiện cả 2 phân xưởng A3 và A8 tạm ngưng hoạt động để khử khuẩn, đồng thời, tất cả công nhân ở 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang được nghỉ việc tạm thời để phòng dịch.
Qua điều tra truy vết, đã xác định được 85 F1 và 800 F2 liên quan đến nam công nhân. Hiện giới chức Vĩnh Long đã cách ly tập trung 85 F1, lấy mẫu xét nghiệm PCR, đang chờ kết quả.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm