COVID-19 tại Việt Nam ngày 2/7: Thêm 545 ca mắc mới, 4 ca tử vong trong ngày, TP. HCM phong tỏa 2 tuyến đường ở quận 3 liên quan đến 37 ca nghi mắc
Nội dung tối 2/7:
|
-
Thêm 219 ca mắc mới, Lâm Đồng ghi nhận ca đầu tiên
18h40 ngày 2/7, Bộ Y tế thông báo về 219 ca mắc mới COVID-19 (BN17903-18121) gồm 9 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh; 210 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (150), Phú Yên (20), Bình Dương (13), Quảng Ngãi (10), Đà Nẵng (3), Vĩnh Long (3), Long An (2), An Giang (2), Tây Ninh (2), Nghệ An (1), Đồng Tháp (1), Bắc Ninh (1), Bắc Giang (1), Lâm Đồng (1); trong đó, 163 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy trong ngày 2/7, Việt Nam ghi nhận thêm 545 ca mắc mới, với 18 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại 5 tỉnh/thành và 527 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (419), Phú Yên (40), Bình Dương (13), Quảng Ngãi (10), Long An (7), An Giang (6), Đồng Nai (5), Nghệ An (3), Đồng Tháp (3), Hưng Yên (3), Đà Nẵng (3), Vĩnh Long (3), Bắc Giang (2), Bắc Ninh (2), Tây Ninh (2), Hà Tĩnh (1), Khánh Hòa (1), Bình Phước (1), Trà Vinh (1), Hải Phòng (1), Lâm Đồng (1); trong đó, 428 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 18h30 ngày 2/7, Việt Nam có tổng cộng 14,715 ca bệnh, 50 ca tử vong. Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng; 9 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
Thêm 4 ca tử vong trong ngày ở Đồng Tháp, TP. HCM và Bắc Ninh
Ngày 2/7, Bộ Y tế thông báo 4 ca tử vong mới liên quan đến COVID-19 ở Đồng Tháp, TP. HCM và Bắc Ninh đều là các ca có bệnh lý nền nặng, và cao tuổi. Cụ thể
Ca tử vong thứ 85 là BN11618 (nam 64 tuổi, địa chỉ quận 12, TP. HCM). Ngày 30/6, BN11618 tử vong sau 15 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
- Chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Ca tử vong thứ 84 là BN15970 (nam 67 tuổi, địa chỉ ở TP. Thủ Đức, TP. HCM). Ngày 29/6, BN15970 tử vong sau diễn tiến ngưng tim ngưng thở đột ngột.
- Bệnh lý nền: tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy thận mạn.
- Chẩn đoán tử vong: nhồi máu cơ tim cấp, viêm phổi do COVID-19 mức độ trung bình trên bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, suy thận mạn, phì đại tuyến tiền liệt.
Ca tử vong thứ 83 là BN3799 (nam, 69 tuổi, địa chỉ Yên Phong, Bắc Ninh, sống trong vùng dịch tễ). Ngày 30/6, BN3799 tử vong sau 47 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: chưa ghi nhận
- Chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng trên bệnh nhân suy kiệt, viêm phổi nặng biến chứng ARDS liên quan đến COVID-19.
Ca tử vong thứ 82 là BN16340 (nữ, 81 tuổi, ngụ phường 1, TP Sa Đéc). Lúc 2h, ngày 2/7, BN16340 tử vong sau 5 ngày mắc COVID-19.
- Bệnh lý nền: viêm phổi, suy thượng thận cấp, đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, tim thiếu máu cục bộ
- Chẩn đoán tử vong: suy hô hấp, viêm phổi nặng, đái tháo đường type 2, suy thượng thận cấp, tăng huyết áp, nhiễm COVID-19.
Với 4 ca tử vong mới ghi nhận, tổng số ca tử vong tại Việt Nam liên quan đến COVID-19 tính từ đầu mùa dịch là 85 ca, tính từ ngày 27/4 đến nay là 50 ca. (Xem chi tiết tại đây)
-
Lâm Đồng giãn cách xã hội xã Mỹ Đức theo Chỉ thị 16
Ngày 2/7, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định thiết lập vùng cách ly y tế phòng dịch COVID-19 trên địa bàn thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Khu vực cách ly này có 171 gia đình với 711 người. Thời gian cách ly: từ 18h30 ngày 2/7 cho đến khi có thông báo mới (tối thiểu 14 ngày).
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh. Thời gian: từ 18h30 ngày 2/7 cho đến khi có thông báo mới.
Ca dương tính mới ghi nhận tại tỉnh Lâm Đồng là bà V.T.T (BN17951, nữ, 46 tuổi, địa chỉ tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng; có tiền sử đi về từ TP. HCM ngày 26/6). Kết quả xét nghiệm ngày 2/7, cho dương tính với COVID-19.
Trước đó, sau khi nhận được thông tin bà T. có kết quả dương tính lần 1, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã ra thông báo khẩn, tìm người tại 6 địa điểm nguy cơ liên quan tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng. 6 địa điểm cụ thể gồm:
- Nhà bà Thảo (thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, Đạ Tẻh), từ ngày 26-30/6;
- Quầy rau nhà ông Tạ Văn Thiều (thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, Đạ Tẻh), từ 9-10h ngày 28/6;
- Quầy thuốc cô Kim (ngã 3 Hòa Nhơn, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh), từ 15-17h ngày 28/6 và khoảng 15-16h ngày 29/6;
- Cây ATM Viettinbank (ngã 3 bùng binh chợ Đạ Tẻh, thị trấn Đạ Tẻh), từ 15-16h ngày 29/6;
- Khoa Ngoại – Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, từ 12-14h ngày 29/6;
- Trạm Y tế xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, từ 9-10h và từ 18-20h ngày 30/6.
-
TP. HCM phong tỏa 2 tuyến đường ở quận 3 liên quan đến 37 ca nghi mắc COVID-19
Chiều 2/7, giới chức quận 3, TP. HCM cho biết, đã phong tỏa đường Vườn Chuối và Nguyễn Thượng Hiền sau khi ghi nhận 37 ca nghi mắc COVID-19 thông qua tầm soát mở rộng từ một ca dương tính trong một con hẻm trên đường Nguyễn Thượng Hiền.
Hiện đường Nguyễn Thượng Hiền và đường Vườn Chuối đã được phong tỏa 2 đầu, đoạn giao với đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Điện Biên Phủ. Người bên ngoài tạm thời không vào khu vực phong tỏa, người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà nếu không có việc thật sự cần thiết.
Sở GTVT TP. HCM cũng vừa phát thông báo cấm tất cả phương tiện lưu thông trên 2 tuyến đường nêu trên, đồng thời đưa ra 2 lộ trình thay thế thông qua các tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thiện Thuật hoặc đường Cao Thắng.
Hiện quận 3 đang tiếp tục điều tra, truy vết tại một số tuyến đường, hẻm trên địa bàn phường 4.
-
Bộ Y tế dự kiến phân bổ thêm cho TP. HCM 1 triệu liều vaccine COVID-19
Ngày 2/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng dịch COVID-19 TP. HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn .
Sáng 2/7, 400,000 liều vaccine COVID-19 đã về sân bay Tân Sơn Nhất. Nhận định dịch bệnh tại thành phố tiếp tục tăng và lan rộng, Bộ Y tế dự kiến phân bổ cho TP. HCM gần 1 triệu liều trong thời gian tới.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, từ 6h ngày 1/7 đến 6h ngày 2/7, HCDC ghi nhận 533 ca nghi mắc COVID-19 gồm:
- 460 ca tại khu cách ly, khu phong tỏa, cách ly tại nhà đều đã xác định được nằm trong các chuỗi lây nhiễm trước đó;
- 2 người là dân quân trực khu phong tỏa tại quận 5 và TP. Thủ Đức;
- 42 ca phát hiện khi khám tại 15 bệnh viện và trung tâm y tế;
- 1 ca phát hiện khi xét nghiệm tầm soát mở rộng trong cộng đồng;
- 28 ca đang điều tra bổ sung thông tin.
-
Thanh Hóa dừng khai thác các chuyến bay đi/đến từ 4/7
Bộ GTVT vừa có văn bản chấp thuận đề nghị của tỉnh Thanh Hóa về việc ngừng khai thác các đường bay thương mại đi và đến sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) từ 0h ngày 4/7.
Trước đó ngày 2/7, tỉnh Thanh Hóa có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép tạm dừng khai thác các đường bay thương mại đi và đến sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) ngay trong ngày 2/7 để hạn chế, giảm thiểu tình trạng lây lan.
Hiện có 6 đường bay nội địa nối TP. HCM với các địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Gia Lai, Côn Đảo, Quảng Bình và Vinh đã được yêu cầu dừng khai thác vì lý do dịch bệnh COVID-19. Chưa có đường bay nào trong số này được khôi phục trở lại.
Nội dung trưa 2/7:
|
-
Thêm 175 ca mắc mới tại 10 tỉnh/thành, TP. HCM nhiều nhất với 151 ca
12h15 ngày 2/7, Bộ Y tế thông báo về 175 ca mắc mới COVID-19 (BN17728-17902) gồm 5 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Thanh Hóa (3), Long An (1), Kiên Giang (1); 170 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (151), Phú Yên (10), Hưng Yên (3), Long An (2), Trà Vinh (1), Hải Phòng (1), Bắc Giang (1), Bắc Ninh (1); trong đó, 143 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Tính từ 27/4 đến 12h ngày 2/7, Việt Nam có tổng số ca bệnh COVID-19 là 14,505 ca, 46 ca tử vong. Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
-
Việt Nam tiếp nhận 190,000 kit xét nghiệm COVID-19 do Đức hỗ trợ
Ngày 2/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã tiếp nhận 190,000 kit xét nghiệm COVID-19 của các bang Hamburg, Bremen, Mecklenburg – Vorpommern và Sachsen-A (Cộng hoà Liên bang Đức) thông qua Tổ chức Hỗ trợ Đại học thế giới Đức (WUS), trị giá khoảng 500,000USD.
Các kit xét nghiệm kháng nguyên hỗ trợ cho Việt Nam đợt này gồm: Panbio – COVID-19 – Ag Rapid test Device (Nasopharyngeal); SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test; Safecare COVID-19 Ag Rapid Test Kit (Swab).
Tại buổi tiếp nhận, Thứ trưởng Cường trân trọng gửi tới Chính phủ và nhân dân Cộng hoà Liên bang Đức lời cảm ơn vì sự hỗ trợ quý báu và hiệu quả đã dành cho ngành y tế Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn về việc hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa hai nước Việt Nam và Đức sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận, Tiến sĩ Guido Hildner, Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam cho biết, số kit xét nghiệm này nằm trong cam kết hỗ trợ thông qua Tổ chức Hỗ trợ Đại học thế giới Đức; trong thời gian tới tổ chức này sẽ kêu gọi chính quyền các bang của Đức tiếp tục viện trợ cho Việt Nam khoảng 1 triệu kit xét nghiệm nhanh COVID-19.
-
TP. HCM đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn thêm 11 ngày
Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn (TP. HCM) vừa có thông báo đến các tiểu thương về việc sẽ tiếp tục đóng cửa đến hết ngày 15/7.
Trước đó, kể từ 0h ngày 28/6, chợ đầu mối này tạm dừng các hoạt động tập kết giao thông hàng trực tiếp để phòng dịch COVID-19 đến hết ngày 4/7.
Tuy nhiên, hiện trên địa bàn TP. HCM ghi nhận nhiều ca dương tính với COVID-19 có liên quan đến ca F0 từ chợ này nên giới chức quyết định đóng cửa chợ thêm 11 ngày nữa.
Chợ đầu mối nông sản Hóc Môn là 1 trong 3 chợ đầu mối lớn nhất của TP HCM với diện tích 100,000 m2. Theo thống kê, mỗi ngày tại chợ này giao dịch khoảng 4,000 con lợn, 3,000 tấn rau củ quả.
-
Thêm 1 bệnh viện ở Đồng Nai chuyển đổi thành Bệnh viện điều trị COVID-19
Ngày 2/7, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, tỉnh sẽ chuyển đổi công năng 1 phần Bệnh viện Da Liễu thành Bệnh viện điều trị COVID-19. Việc chuyển đổi được thực hiện bắt đầu từ ngày 3/7.
Trước mắt, sẽ tạm thời chuyển khu C (khu điều trị nội trú bệnh nhân phong) của Bệnh viện Da Liễu làm nơi điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, tỉnh sẽ tiếp tục sử dụng đến khu A và B của bệnh viện.
Hiện, khu C của Bệnh viện Da Liễu có khoảng 60 giường bệnh điều trị nội trú. Đây là khu tách biệt riêng của bệnh viện, có hàng rào bao quanh, có cổng đi riêng. Theo dự kiến, ngày 3/7 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi công năng và bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19.
Tỉnh Đồng Nai hiện có Bệnh viện Phổi là nơi đang điều trị cho hơn 30 bệnh nhân COVID-19.
-
Đồng Tháp giãn cách xã hội huyện Châu Thành 14 ngày
Sáng 2/7, giới chức huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội trong 14 ngày trên phạm vi toàn huyện. Thời gian: bắt đầu từ 12h trưa nay ngày 2/7.
Theo quyết định giãn cách, mọi người ở tại nhà, được phép lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương; chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, làm việc tại cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.
Lãnh đạo các địa phương căn cứ khối lượng công việc giảm số người làm việc tại đơn vị, bố trí giãn cách, trừ lực lượng tham gia phòng dịch COVID-19; số người không đến trụ sở thì chuyển sang làm việc tại nhà, làm việc trực tuyến. Riêng, bộ phận một cửa của huyện và các xã, thị trấn vẫn duy trì hoạt động, nhưng đảm bảo an toàn theo nguyên tắc 5K.
Trước đó, TP. Sa Đéc là địa phương đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp thực hiện giãn cách xã hội trên toàn địa bàn trong 14 ngày.
-
Trà Vinh cách ly khu vực có 29 gia đình liên quan ca dương tính về từ Bình Dương
Sáng 2/7, tỉnh Trà Vinh quyết định thiết lập vùng cách ly y tế ở ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, với 29 gia đình (117 nhân khẩu), sau khi phát hiện ca dương tính COVID-19 là bà N.T.B.L (30 tuổi, ngụ xã Lương Hòa, huyện Châu Thành).
Trước đó, 25/6, bà L. cùng chồng từ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương về Trà Vinh.
Sáng 1/7, bà L. nhận được thông báo từ chủ nhà trọ ở Bình Dương về việc phòng kế bên nơi bà L. thuê có ca dương tính COVID-19 nên vào chiều cùng ngày, bà này đến xã Lương Hòa khai báo bị nhức đầu, mất khứu giác; được xét nghiệm nhanh kháng nguyên 2 lần, đều cho kết quả dương tính với COVID-19. Bà L. được lấy mẫu xét nghiệm và cũng cho kết quả khẳng định dương tính với COVID-19.
Quy truy vết, ngành y tế xác định được 14 người tiếp xúc gần, tỉnh Trà Vinh đã thiết lập vùng phong tỏa ở ấp Bót Chếch, nơi bà L. sinh sống.
Trước đó, tỉnh Trà Vinh cũng ghi nhận ca dương tính COVID-19 là cô gái 18 tuổi từ chợ Bình Điền, TP. HCM, trở về nhà ở xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần. Tối 28/6, tỉnh Trà Vinh đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế ở ấp Hòa Thành, xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, với 21 gia đình.
-
Nghệ An tiếp tục phong tỏa bệnh viện tâm thần
Sáng 2/7, Bệnh viện tâm thần Nghệ An cho biết, theo kế hoạch sáng cùng ngày, Bệnh viện tâm thần Nghệ An sẽ trở lại trạng thái bình thường sau 14 ngày phong tỏa. Tuy nhiên, trước khi thực hiện lệnh dỡ phong tỏa hai giờ, CDC Nghệ An ghi nhận 3 bác sĩ tại Khoa Tâm thần nam thuộc diện F1 đã cách ly từ trước, có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19.
Do đó, bệnh viện giữ nguyên trạng thái phong tỏa, không tiếp nhận bệnh nhân mới (trừ bệnh nhân cấp được đưa vào khu riêng biệt). Riêng Khoa Tâm thần nam thuộc diện cách ly y tế đặc biệt. Hiện hơn 100 bệnh nhân cùng người nhà và một số bác sĩ tại khoa này “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Hiện, toàn bệnh viện có 341 người gồm bệnh nhân, người nhà và bác sĩ đang ở trong khu vực phong tỏa.
-
Nghệ An dừng cách ly xã hội trụ sở cảnh sát huyện Đô Lương
Từ 12h ngày 2/7, tỉnh Nghệ An dừng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với trụ sở cảnh sát huyện Đô Lương, chuyển sang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15.
Quyết định này được đưa ra sau khi toàn bộ F1 và những người liên quan đến bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Đối với các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19 (F1), tỉnh này yêu cầu tiếp tục cách ly phòng dịch theo quy định.
Trước đó, từ ngày 23/6, tỉnh Nghệ An quyết định tạm phong tỏa trụ sở cảnh sát huyện Đô Lương do ghi nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trên địa bàn (là nam, 42 tuổi, nhân viên cảnh sát huyện Đô Lương) vào sáng cùng ngày.
Nhân viên cảnh sát này được cho là lây nhiễm từ một bệnh nhân COVID-19 từ ngày 5/6 khi cả hai cùng ngồi chung trong một quán hải sản ở thị xã Thái Hòa. 17 ngày sau, kết quả xét nghiệm cho thấy người này bị nhiễm COVID-19. Sau khi truy vết, đã xác định được 138 F1.
Tính từ ngày 13/6 đến nay, Nghệ An ghi nhận 109 ca nhiễm và nghi nhiễm COVID-19.
Nội dung sáng 2/7:
|
-
Thêm 151 ca mắc mới tại 11 tỉnh/thành, riêng TP. HCM 118 ca
6h ngày 2/7, Bộ Y tế thông báo về 151 ca mắc mới COVID-19 (BN17577-17727) gồm 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Khánh Hòa; 147 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (118), Phú Yên (10), Đồng Nai (5), An Giang (4), Long An (3), Nghệ An (2), Đồng Tháp (2), Hà Tĩnh (1), Khánh Hòa (1), Bình Phước (1), trong đó, 122 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 6h ngày 2/7, tổng số ca bệnh COVID-19 tại Việt Nam là 14,335, ghi nhận ở 51 tỉnh thành, 46 ca tử vong. Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng; 8 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn.
-
400,000 liều vaccine COVID-19 do Nhật Bản tài trợ đã về tới TP. HCM
Sáng 2/7, tàu bay chở lô vaccine COVID-19 đầu tiên trong 1 triệu liều mà Chính phủ Nhật Bản tài trợ Việt Nam đợt 2 đã hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, TP. HCM.
Lô vaccine này có khoảng 400,000 liều với tổng trọng lượng hơn 930 kg, được bảo quản trong 5 thùng đặc chủng RKN, vận chuyển từ Nhật Bản trên chuyến bay của hãng ANA (All Nippon Airway) và nhận tại Công ty CP Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS, doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam).
Dự kiến vào ngày 8/7 tới, 600,000 liều còn lại sẽ về Tân Sơn Nhất, Công ty TCS sẽ miễn phí phục vụ và phí lưu kho đối với 1 triệu liều vaccine COVID-19 này.
Trước đó, ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ Việt Nam gần 1 triệu liều vaccine COVID-19 AstraZeneca. Mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0.5 ml (được chích bắp). Như vậy, tổng cộng Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam gần 2 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca.
-
Bà Rịa – Vũng Tàu phong tỏa chợ, tổ dân cư vì 2 ca nghi nhiễm COVID-19
2h sáng 2/7, sau khi nhận được thông báo về 2 trường hợp nghi nhiễm COVID-19, giới chức huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã phong tỏa tổ 9, thôn Tân Bình, xã Sơn Bình (nơi 2 ca nghi nhiễm này cư ngụ) và chợ Sơn Bình, đồng thời, phun xịt tiêu độc khử khuẩn tại tổ dân cư nói trên và các địa điểm liên quan.
Hai trường hợp nghi nhiễm COVID-19 trú tại xã Sơn Bình, huyện Châu Đức là vợ chồng N.V.X và T.T.T.K (cùng 33 tuổi).
Trước đó, 2 vợ chồng hàng ngày đi lấy hàng ở chợ Bình Điền, TP. HCM bằng ô tô rồi về bỏ mối tại chợ Sơn Bình và một số nơi khác.
Sáng ngày 1/7, khi biết thông tin chợ Bình Điền có ca dương tính, 2 vợ chồng này được lấy mẫu gộp xét nghiệm PCR và cho kết quả 2 người dương tính lần 1; đã được đưa đi cách ly.
Truy vết đến 7h ngày 2/7, đã xác định hàng chục F1 của 2 ca nghi nhiễm này có ở các xã thị trấn thuộc huyện Châu Đức như: Ngãi Giao, Bình Ba, và Sơn Bình; những người này đã được đưa đi cách ly.
-
Chủ phòng khám nha khoa dương tính, Đà Nẵng thông báo tìm người liên quan
Tối 1/7, giới chức phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng thông báo khẩn, tìm người liên quan đến ca bệnh là chủ nha khoa Lê Hưng (địa chỉ 143 Điện Biên Phủ).
Trước đó, ca nhiễm này tự đến khám tại Trung tâm Y tế quận Thanh Khê với triệu chứng mệt mỏi và sốt, được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính vào chiều 1/7.
Thông báo nêu rõ: Người dân từng đến địa chỉ 143 Điện Biên Phủ từ ngày 18/6 đến nay cần liên hệ ngay Trạm Y tế phường Chính Gián để được hướng dẫn các biện pháp phòng dịch COVID-19.
Địa chỉ số 143 Điện Biên Phủ là tiệm bánh Bonpas Bakery & Coffee, từng có ca mắc COVID-19 là BN12860 (nhân viên bảo vệ quán, phát hiện dương tính ngày 19/6). Kế tiệm bánh này là trụ sở Công ty Nhựa Duy Tân (145 Điện Biên Phủ), nơi BN12437 làm nhân viên bảo vệ, phát hiện dương tính ngày 18/6.
Ông Nguyễn Ngự Tuyên, Chủ tịch phường Chính Gián cho biết, chưa rõ giữa chủ nha khoa Lê Hưng và 2 bệnh nhân trên có liên quan gì hay không, dù trùng số nhà nhưng nha khoa Lê Hưng nằm tách biệt ở phía sau tiệm bánh Bonpas Bakery & Coffee. Hiện giới chức địa phương đang điều tra dịch tễ.
-
Người vào Bình Phước phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19
Tối 1/7, tỉnh Bình Phước có văn bản hỏa tốc yêu cầu triển khai biện pháp kiểm soát các trường hợp vào tỉnh. Cụ thể, tỉnh này yêu cầu các trường hợp về/đến Bình Phước qua các chốt kiểm dịch phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 trong 5 ngày gần nhất.
Trong trường hợp không có giấy trên, người dân phải thực hiện test nhanh, có trả phí với giá (tạm thời) 238,000 đồng/test.
Hiện Bình Phước có 2 ca dương tính COVID-19, có 62 F1, 254 F2 và 785 F3 liên quan. Đến chiều 1/7, tỉnh lấy mẫu xét nghiệm gần 2,700 người, trong đêm, lấy mẫu diện rộng 2,500 người trong khu dân cư.
-
Có 33 thí sinh F0, 1,117 F1 và F2, hơn 17,000 thí sinh thuộc diện phong tỏa
Theo số liệu thống kê tính đến 17h ngày 1/7 của Bộ GD&ĐT, hiện Việt Nam có 18,328 thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2021 trong diện F0, F1, F2 và ở trong khu vực bị phong tỏa. Riêng số thí sinh diện F0 là 33 học sinh, trong đó TP HCM nhiều F0 nhất với 16 em.
Ngoài ra, 270 thí sinh diện F1, trong đó TP HCM 61 thí sinh. Số thí sinh F2 là 847 học sinh, trong đó, nhiều nhất vẫn là TP HCM với 215 em. Số thí sinh đang cư trú trong khu vực phong tỏa là 17,178 em, nhiều nhất ở Phú Yên với 5,215 em.
Năm 2021, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thành 2 đợt, trong đó đợt thi thứ 2 cho đối tượng thí sinh không thể tham dự kỳ thi đợt 1 vào các ngày 7-8/7/2021 do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm