COVID-19 tại Việt Nam ngày 1/7: Hơn 700 ca mắc mới trong ngày, Bắc Ninh quản lý công nhân qua vòng định vị, Bình Dương đề xuất phát thẻ vào chợ 3 ngày một lần
Nội dung tối 1/7:
|
-
Thêm 264 ca mắc mới tại 13 tỉnh/thành, riêng TP. HCM 152 ca
18h30 ngày 1/7, Bộ Y tế thông báo về 264 ca mắc mới COVID-19 (BN17313-17576) gồm 18 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Tây Ninh (12), An Giang (3), Đà Nẵng (2), Hà Nội (1); 246 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (152), Bình Dương (42), Tiền Giang (22), Quảng Ngãi (9), Phú Yên (8 ), An Giang (5), Đà Nẵng (3), Hà Tĩnh (2), Bắc Ninh (2), Bắc Giang (1); trong đó, 189 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, trong ngày 1/7, Việt Nam ghi nhận 713 ca mắc mới, trong đó, 20 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại 5 tỉnh/thành và 693 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (464), Bình Dương (90), Tiền Giang (38), Long An (28), Phú Yên (26), Hưng Yên (11), Quảng Ngãi (9), Bắc Giang (5), Hà Tĩnh (5), An Giang (5), Nghệ An (3), Bắc Ninh (3), Đà Nẵng (3), Vĩnh Long (1), Bình Phước (1), Đồng Tháp (1); trong đó, 584 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 18h ngày 1/7, Việt Nam có tổng cộng 14,188 ca, 46 ca tử vong. Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng.
-
Nghệ An có sản phụ và con trai 7 ngày tuổi lây nhiễm COVID-19 ở bệnh viện
Tối 1/7, CDC Nghệ An vừa phát hiện 3 ca nhiễm COVID-19, trong đó, có 2 ca dương tính mới phát hiện là sản phụ P.T.T (ngụ xã Nghi Trường, H.Nghi Lộc, Nghệ An) và con trai mới sinh 7 ngày tuổi.
Trước đó, ngày 25/6, sản phụ T. sinh con tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An và ở chung phòng với vợ chồng anh L.V.G (anh G. bán hàng ở chợ đầu mối Vinh, ngụ xã Hưng Chính, TP. Vinh). Khi nhập viện, anh G. và vợ được test nhanh và sau 2 lần cho kết quả âm tính với COVID-19.
Ngày 28/6, anh G. quay lại bệnh viện để làm thủ tục ra viện cho vợ thì được phát hiện dương tính qua test nhanh và xét nghiệm PCR. Tối cùng ngày, sản phụ P.T.T cũng được xác định dương tính COVID-19.
Với 3 ca bệnh mới ghi nhận này, số ca bệnh tại Nghệ An là 105 ca sau 18 ngày dịch xuất hiện.
-
Bắc Ninh quản lý công nhân qua vòng định vị, về nhà điểm danh trước 21h
Đến ngày 1/7, tỉnh Bắc Ninh đã có trên 255,000 công nhân thuộc gần 1,000 doanh nghiệp trở lại sản xuất. Trước đó, khoảng 65,000 lao động phải nghỉ làm do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh sẽ quản lý công nhân tạm thời qua vòng định vị. Cụ thể, người lao động đăng ký với doanh nghiệp lộ trình đi lại. Nếu lao động không đi đúng lộ trình đã đăng ký hoặc không đeo thì vòng kiểm soát sẽ báo về công ty.
Các công nhân sẽ ăn 3 bữa ở các ca khác nhau và đi lại theo quy trình khép kín từ sản xuất đến khi về nhà. Cùng với đó, các chủ nhà trọ phải lắp camera giám sát, cửa kiểm soát, điểm danh công nhân vào 21h hằng ngày…
Trước đó, từ 30/6, người lao động ở Bắc Ninh đã được đi/về nhà trọ hàng ngày nhưng phải đi theo xe đưa đón tập trung, không sử dụng phương tiện cá nhân.
Dự kiến trong 2 tháng tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ rà soát và duy trì mỗi khu vực nhà trọ chỉ có công nhân một doanh nghiệp.
-
Thêm 42 ca dương tính, Bình Dương đề xuất phát thẻ vào chợ 3 ngày một lần
Ngày 1/7, Sở Công Thương Bình Dương đã đề nghị chính quyền tỉnh này phương án phân chia tần suất đi chợ tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, dự kiến áp dụng từ ngày 2/7.
Cụ thể, tần suất đi chợ 3 ngày 1 lần, mỗi gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ/15 ngày. Thẻ có giá trị sử dụng 1 lần ở chợ bất kỳ trên địa bàn tỉnh.
Chính quyền các xã, phường sẽ in thẻ gửi đến từng khu phố, cấp phát cho các gia đình, học sinh, sinh viên, người lao động thuê nhà. Các chợ bố trí người thu lại thẻ, lưu giữ theo ngày để phục vụ quá trình điều tra dịch tễ khi cần thiết.
Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 497 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng ở 36 công ty, xí nghiệp và hàng chục khu nhà trọ công nhân.
Riêng trong tối 1/7, Bình Dương ghi nhận thêm 42 trường hợp dương tính trong cộng đồng gồm có 36 ca ở khu cách ly liên quan đến các chuỗi lây nhiễm tại Công ty Wanek 2, Công ty Việt Nam House Wares, Chi nhánh Xử lý chất thải thuộc Công ty Cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương và nhà trọ số 57 (khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An); 3 ca được phát hiện khi bệnh nhân đi khám sàng lọc; 1 ca tại trại giam Bố Lá ở Phú Giáo (là phạm nhân được chuyển về từ Trại tạm giam Chí Hòa, TP.HCM) và 2 ca trong cộng đồng.
-
Phú Yên giãn cách xã hội xã An Phú, TP. Tuy Hòa theo Chỉ thị 16
Giới chức TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội xã An Phú theo Chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày, kể từ 18h hôm nay (1/7) sau khi ghi nhận 6 trường hợp dương tính với COVID-19 trong cộng đồng có yếu tố dịch tễ, lịch sử đi lại phức tạp.
Theo Chỉ thị 16, xã An Phú thực hiện giãn cách theo nguyên tắc:
- Gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã;
- Người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu;
- Các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K;
- Giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Đến thời điểm này, tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 150 ca dương tính với COVID-19, riêng TP. Tuy Hòa có 107 ca. Trước đó, TP. Tuy Hòa đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với xã Bình Kiến.
Cùng ngày 1/7, huyện Tuy An tạm thời giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với xóm Ngoài, thôn Diêm Hội, xã An Hòa Hải trong vòng 15 ngày do trên địa bàn xã đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với COVID-19.
Nội dung trưa 1/7:
|
-
Thêm 260 ca mắc mới, riêng TP. HCM và Bình Dương 202 ca
12h30 ngày 1/7, Bộ Y tế thông báo về 260 ca mắc mới COVID-19 (BN17053-BN17312) gồm 2 ca nhập cảnh được cách ly ngay; 258 ca ghi nhận trong nước tại TP. HCM (154), Bình Dương (48), Long An (28), Phú Yên (10), Hưng Yên (5), Bắc Giang (4), Nghệ An (3), Hà Tĩnh (3), Bình Phước (1), Đồng Tháp (1), Bắc Ninh (1), trong đó, 207 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc vùng phong tỏa.
Tính từ 27/4 đến 12h30 ngày 1/7, Việt Nam có tổng cộng 13,942 ca bệnh, 46 ca tử vong. Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng; 11 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.
-
55 bệnh viện ghi nhận bệnh nhân COVID-19, TP. HCM ra yêu cầu khẩn
Theo ghi nhận, tính từ ngày 18/5 đến nay, TP. HCM đã có 459 ca F0 ở 55/130 bệnh viện. Ngày 1/7, Sở Y tế yêu cầu khẩn tất cả bệnh viện tiếp tục triển khai các giải pháp an toàn. Cụ thể:
- Đối với khu vực khám bệnh ngoại trú, thực hiện xét nghiêm sàng lọc qua khai báo y tế và đo thân nhiệt. Nhân viên y tế phải tuân thủ các quy định phòng lây nhiễm, sử dụng khẩu trang N95 khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, khám sàng lọc theo hướng tách rời khỏi khối nhà hiện hữu của Khoa Khám bệnh.
- Đối với Khoa Cấp cứu, tất cả bệnh nhân khi đến bệnh viện đều phải qua buồng cấp cứu sàng lọc, làm xét nghiệm PCR tầm soát trước khi chuyển lên các khoa nội trú (bố trí các buồng cách ly tạm chờ kết quả PCR trước khi chuyển vào các khoa nội trú).
- Đối với tất cả trường hợp có chỉ định nhập viện, thực hiện xét nghiệm tầm soát, nếu có thực hiện test nhanh vẫn phải làm xét nghiệm RT-PCR, trong thời gian chờ kết quả PCR phải bố trí người bệnh trong buồng cách ly tạm.
- Đối với người nhà nuôi bệnh, phải làm xét nghiệm RT-PCR trước khi tham gia chăm sóc người bệnh, không dựa vào kết quả test nhanh.
- Đối với người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính cần can thiệp chuyên khoa, nếu không cấp cứu liên hệ chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương được phân công chuyên tiếp nhận các trường hợp F0 có bệnh lý nền hoặc bệnh lý đi kèm.
- Đối với nhân viên y tế, thực hiện xét nghiệm định kỳ hàng tuần và đột xuất (trước và sau khi tham gia các đội chích vaccine và lấy mẫu xét nghiệm).
-
Bình Dương xét nghiệm sàng lọc miễn phí cho 4,000 công nhân và người thân
Sáng 1/7, gần 4,000 cư dân Nhà ở xã hội Hòa Lợi ở phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 miễn phí.
Số cư dân trên hầu hết đều là công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp ở TP. Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát.
Hiện Bình Dương có hơn 400 ca mắc COVID-19, trên địa bàn phường Hòa Phú có đông công nhân lao động nên dịch bệnh nguy cơ cao len lỏi vào các khu nhà trọ, khu nhà ở xã hội.
-
TP. Thủ Đức tạm hoãn việc lấy mẫu xét nghiệm tại 2 khu vực
Sáng 1/7, TP. Thủ Đức, TP. HCM có thông tin mới về việc lấy mẫu xét nghiệm phòng dịch COVID-19 trong cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Theo đó, việc lấy mẫu xét nghiệm người dân ở khu vực II (quận 9 cũ) và khu vực III (quận Thủ Đức cũ) trong ngày 1/7 sẽ tạm hoãn.
Lý giải về việc này, giới chức TP. Thủ Đức cho hay, do địa bàn rộng, dân số đông, TP. Thủ Đức đã phân chia lại khung thời gian, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, bắt đầu từ ngày 1-3/7. Cụ thể:
- Trong ngày 1/7, bắt đầu từ 10h sẽ tập trung lấy mẫu tại 9 phường thuộc khu vực I (quận 2 cũ) gồm: phường An Phú, An Khánh, An Lợi Đông, Thảo Điền, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái, Thủ Thiêm.
- Những ngày tiếp theo, TP. Thủ Đức sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở các phường còn lại, thông báo sẽ được cập nhật đến các phường, khu phố.
Trước đó, ngày 30/6, TP. Thủ Đức ban hành công văn về việc lấy mẫu xét nghiệm phòng dịch COVID-19 trong cộng đồng dân cư trên địa bàn trong ngày 1/7. Đến tối cùng ngày, người dân ở khu vực II (quận 9 cũ) và khu vực III (quận Thủ Đức cũ) nhận được thông báo hoãn.
-
Nghệ An áp dụng mức giá xét nghiệm COVID-19 mới, giảm hơn 60 ngàn đồng/lần
Ngày 1/7, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An ra thông báo mới về mức giá xét nghiệm nhanh tầm soát COVID-19. Theo đó, kể từ ngày 1/7, bệnh viện áp dụng mức giá mới cho dịch vụ test nhanh COVID-19 với số tiền là 176,400 đồng.
Trước đó, bệnh viện này áp dụng mức giá xét nghiệm nhanh tầm soát bệnh COVID-19 là 238 ngàn đồng/lần. Như vậy, so với mức giá cũ, mỗi mẫu xét nghiệm được giảm 61,600 đồng.
Trước đó, người dân xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An phản ánh với giới truyền thông về việc phải nộp 238 ngàn đồng/lần, trong khi ở Hà Tĩnh chỉ là 150 ngàn đồng/lần. Mức thu trên được cho là đã gây khó khăn cho nhiều người dân, bệnh nhân nghèo.
Nội dung sáng 1/7:
|
-
Thêm 189 ca mắc mới, số ca tại TP. HCM đã vượt 4,000 và tiếp tục tăng
5h55 ngày 1/7, Bộ Y tế thông báo về 189 ca mắc mới COVID-19 (BN16864-17052) ghi nhận trong nước tại TP. HCM (158), Tiền Giang (16), Phú Yên (8 ), Hưng Yên (6), Vĩnh Long (1); trong đó, 188 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Như vậy, tính từ 27/4 đến 6h ngày 1/7, Việt Nam có tổng cộng 13,684 ca bệnh, 46 ca tử vong. Có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng; 10 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát.
Tối 30/6, Sở Y tế TP. HCM cho biết, tính từ đầu mùa dịch đến nay, số mắc COVID-19 trên địa bàn đã vượt 4,000 ca và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Từ ngày 18/5 (Bệnh viện Vinmec Central Park phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên của đợt bùng phát dịch thứ 4) đến nay, thành phố đã có 459 ca dương tính COVID-19 được phát hiện từ nhiều bệnh viện.
-
Nữ dược sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tử vong sau khi chích vaccine COVID-19
Chiều 30/6, truyền thông Việt Nam đưa tin về 1 ca tử vong là nữ dược sĩ B.T.L (38 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy).
Trước đó, chiều 25/6, nữ dược sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy chích vaccine phòng COVID-19 (mũi thứ 2).
Đến khoảng 20h ngày 25/6, sau khi ăn cơm cùng gia đình, nữ dược sĩ có biểu hiện mệt mỏi nên đã đi nghỉ. Một lúc sau, khi người nhà hỏi thăm thì chị này không trả lời được và bị ngất, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến khoảng 21h37 cùng ngày, bác sĩ thông báo chị L. đã tử vong trước khi đến bệnh viện.
Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chưa nhận được kết luận giám định pháp y về nguyên nhân tử vong của trường hợp này.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận 7 trường hợp tử vong sau khi chích vaccine COVID-19 gồm:
- Nữ nhân viên y tế 35 tuổi ở An Giang: tử vong sau 1 ngày chích vaccine
- Công nhân 27 tuổi ở Bắc Giang: tử vong sau 2 ngày chích vaccine
- Tài xế 46 tuổi ở Bắc Giang: tử vong sau 6 giờ chích vaccine
- Cán bộ 55 tuổi ở Bình Thuận: tử vong sau 1 ngày chích vaccine
- Nam giáo viên 26 tuổi ở Hà Nội: tử vong sau 39 giờ chích vaccine
- Thượng uý công an, 38 tuổi, ở Trà Vinh: tử vong sau 1 tuần chích vaccine
- Nữ dược sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, 38 tuổi: tử vong trong cùng ngày sau khi chích vaccine (như nêu trên).
Trong đó, trường hợp nữ nhân viên y tế ở An Giang được xác định nguyên nhân tử vong là do sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non-steroid. Những trường hợp còn lại được xác định tử vong không rõ nguyên nhân hoặc là do bệnh lý.
-
An Giang giãn cách xã hội nhiều khu vực theo Chỉ thị 15, 16 từ 7h hôm nay
Tối 30/6, tỉnh An Giang quyết định thực hiện giãn cách xã hội nhiều khu vực theo Chỉ thị 15 và 16 sau khi ghi nhận 11 trường hợp dương tính với COVID-19, cụ thể:
- Huyện An Phú thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 đối với khu vực có ca dương tính COVID-19 đang được phong tỏa gồm: khu vực nhà bà L.T.L. (trường hợp dương tính đầu tiên) và nhà của bà N.T.T.M (người có tiếp xúc gần với bà L. đã chuyển từ F1 sang F0) với khoảng 700 hộ dân, thuộc ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú. Thời gian: bắt đầu từ 7h ngày 1/7.
- Thị trấn Long Bình thực hiện giãn cách xã hội thời gian 15 ngày theo Chỉ thị 15 toàn thị trấn (trừ ấp Tân Khánh). Thời gian: bắt đầu từ 7h ngày 1/7.
Các khu vực thực hiện theo Chỉ thị 16 phải thực hiện ngay việc phong tỏa, phun khử khuẩn.
-
Bình Phước ghi nhận ca dương tính đầu tiên
Tối 30/6, CDC Bình Phước thông tin, trên địa bàn vừa ghi nhận một ca dương tính COVID-19 trong cộng đồng là bệnh nhân nam, tạm trú ở TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương), đến huyện Chơn Thành (Bình Phước) làm thầu xây dựng.
Trước đó, sau khi có biểu hiện sốt, đau họng, người này đã chủ động đến Trung tâm Y tế huyện Chơn Thành đề nghị test nhanh COVID-19, kết quả xét nghiệm PCR xác định dương tính với COVID-19.
Qua truy viết, hiện xác định được 11 F1, có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với COVID-19.
-
5 nhóm người được miễn phí xét nghiệm COVID-19
Công văn số 5028/BYT-KHTC của Bộ Y tế quy định 5 nhóm người dưới đây được chi trả chi phí xét nghiệm COVID-19 gồm:
- Bệnh nhân nội trú.
- Người bệnh ngoại trú thực hiện xét nghiệm sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú.
- Nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám, chữa bệnh.
- Người chăm sóc bệnh nhân (tối đa không quá 2 người luân phiên) nếu được cơ sở y tế đồng ý cho ở lại.
- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định nhưng thuộc các nhóm nêu trên.
Về chi phí xét nghiệm COVID-19 được chi trả dựa trên 2 nguồn là quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách nhà nước (NSNN). Cụ thể:
- Quỹ BHYT chi trả với những người thuộc 5 nhóm trên và có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của trường hợp được bệnh viện chỉ định xét nghiệm.
- NSNN chi trả với những người thuộc nhóm trên nhưng không có thẻ BHYT hoặc có thẻ BHYT không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT và phần cùng chi trả (nếu có) của người bệnh.
Về giá thanh toán chi phí xét nghiệm thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Mức giá tối đa của dịch vụ xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật rRT-PCR (mẫu đơn) là 734,000 đồng/mẫu.
Về tần suất xét nghiệm
- Với nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Định kỳ 7 ngày/lần
- Với người bệnh sau khi khám ngoại trú cần chuyển vào điều trị nội trú: Xét nghiệm ngay sau khi có quyết định chuyển vào nội trú.
- Với người bệnh đang được điều trị nội trú: Xét nghiệm định kỳ 7 ngày điều trị/lần.
- Khi có F0 trong khu điều trị: Xét nghiệm ngay toàn bộ người liên quan.
- Với người nhà chăm sóc người bệnh được ở lại: Xét nghiệm 1 lần trong trường hợp người bệnh điều trị nội trú dưới 7 ngày hoặc 3 ngày.
- Với người bệnh điều trị nội trú từ 3 hoặc 7 ngày trở lên: Người nhà chăm sóc được 2 lần xét nghiệm.
-
Bắc Ninh, Bắc Giang dự kiến trở lại bình thường từ 10/7, hàng loạt KCN hoạt động
Chiều tối 30/6, tại cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, dự kiến, từ ngày 10/7, tỉnh chuyển sang trạng thái bình thường, khôi phục lại hoạt động kinh tế-xã hội địa phương; trong đó, trọng tâm sẽ khởi động lại các KCN.
Theo nhận định Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, những ngày gần đây, diễn biến dịch bệnh tại địa phương tương đối tích cực. Dự kiến từ 6h ngày 1/7, huyện Việt Yên dỡ bỏ cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 đối với 14/17 xã, thị trấn, chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15; 2 xã, 1 thị trấn còn lại tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm 1 tuần. Đến nay, tại 4 KCN của Bắc Giang, có 222 DN với 55,400 lao động quay lại hoạt động an toàn. Trong tháng 7, các KCN cơ bản quay lại hoạt động toàn bộ.
Cũng tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, trong 5 ngày trở lại đây, số ca mắc dưới 10 ca/ngày, số ca trong cộng đồng dưới 5 ca/ngày; 7/8 huyện, thị xã không có ca mắc trong cộng đồng; 23 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc trong DN, nhà máy… của các khu, cụm công nghiệp.
Bắt đầu từ ngày 20/6 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã có 977 DN hoạt động với 255,000 công nhân làm việc trở lại. Công nhân ăn 3 bữa/ngày ngay tại DN, lưu trú tạm thời ngay trong nhà máy, phân xưởng sản xuất.
Bắc Ninh, Bắc Giang cho biết, nếu không có gì đột biến, đến ngày 10/7, tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát hoàn toàn, quay lại trạng thái bình thường mới đến quy mô cấp xã, phường.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm