COVID-19 tại Việt Nam ngày 9/12: Hơn 15,300 ca nhiễm mới, nữ sinh lớp 11 ở Quảng Trị tử vong sau 7 ngày chích vaccine COVID-19
Việt Nam ngày 9/12 ghi nhận gần 15,300 ca nhiễm mới, trong đó có hơn 8,800 ca cộng đồng. Trong ngày ghi nhận 256 ca tử vong, gần 14,600 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hơn 15,300 ca nhiễm mới, cao nhất trong gần 3 tháng qua
Tối 9/12, Bộ Y tế thông báo về 15,311 ca nhiễm mới gồm 11 ca nhập cảnh và 15,300 ca ghi nhận tại 61 tỉnh/thành, trong đó có 8,843 ca cộng đồng.
Có 10 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Sài Gòn (1,453), Tây Ninh (895), Hà Nội (822), Sóc Trăng (789), Đồng Tháp (730), Cà Mau (720), Cần Thơ (670), Bình Phước (631), Bà Rịa – Vũng Tàu (576), Vĩnh Long (568), Tiền Giang (568), Bến Tre (517), Đồng Nai (501).
So với ngày 8/12, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 9/12 tăng 705 ca, trong đó, Hà Nội tăng 426 ca, Tiền Giang tăng 261 ca, Cà Mau tăng 209 ca.
Trong ngày, có 14,586 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 256 ca tử vong tại 23 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (76), An Giang (37), Đồng Tháp (17), Tây Ninh (16), Bình Dương (16),… nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 27,186 ca.
Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7,697 ca, với 6,574 ca thở oxy, 1,123 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,367,433 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,362,111 ca. Tổng có 1,050,979 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hà Nội thêm 704 ca nhiễm, hơn 200 F0 cộng đồng
Tối 9/12, Hà Nội ghi nhận thêm 704 ca nhiễm mới, trong đó có 222 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay lên 15,959 ca.
Các ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, trong đó phân bố nhiều nhất tại Đống Đa (95), Thanh Trì (50), Tây Hồ (49), Gia Lâm (48), Đông Anh (42), Bắc Từ Liêm (39), Hoàn Kiếm (38), Hai Bà Trưng (36), Thanh Xuân (33)…
Nữ sinh lớp 11 ở Quảng Trị tử vong sau 7 ngày chích vaccine COVID-19
Tối 9/12, Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết, một học sinh (17 tuổi, trú tại xã Triệu Đại) vừa tử vong sau 7 ngày chích vaccine COVID-19.
Trước đó, chiều 2/12, nữ sinh này được chích vaccine Pfizer có hạn sử dụng đến tháng 2/2022.
Sau khi chích xong, nữ sinh bị nổi mề đay, 25 phút sau có biểu hiện choáng, sốc phản vệ, mạch huyết áp tụt. Sau 10-15 phút được xử lý theo hướng sốc phản vệ nhưng không đỡ, nữ sinh được chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Trên đường chuyển viện, em này có biểu hiện ngừng tim, ngừng thở. Sau khi được đưa đến phòng cấp cứu bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, nữ sinh được hồi sức tim phổi, chuyển hồi sức tích cực, chống độc.
Quá trình điều trị, nữ sinh bị rối loạn đông máu, tuy nhiên, đến 13h chiều 9/12, nữ sinh đã tử vong.
Ông Võ Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Triệu Phong cho hay, nữ sinh được khám sàng lọc trước chích và biết em có tiền sử bị dị ứng một vài loại thuốc uống (thuốc Tây) nhưng không rõ loại thuốc gì.
Theo đó, Trung tâm khuyến cáo hôm nay không chích, tuy nhiên, mẹ của nữ sinh đã xin cho em được chích luôn trong đợt này.
Tỉnh duy nhất vùng ĐBSCL chưa điều trị F0 tại nhà
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hiện có 12 trong tổng số 13 tỉnh/thành đã thực hiện cách ly điều trị F0 tại nhà. Tỉnh duy nhất chưa thực hiện dù đối mặt với nguy cơ quá tải là Hậu Giang.
So với các tỉnh thành khác trong khu vực, Hậu Giang có số ca nhiễm, số ca tử vong ít hơn. Hiện tỉnh đang có 3,327 F0 đang điều trị tại 20 bệnh viện, cơ sở y tế.
Theo Sở Y tế Hậu Giang, hiện tỉnh đã thí điểm cách ly F1 tại nhà nhưng chưa điều trị F0 tại nhà do số giường điều trị tại các cơ sở y tế còn nhiều, trên 50%.
Một lý do khác, cho F0 tại nhà sẽ gặp một số vấn đề như nhân sự trạm y tế lưu động (3-5 người) tại các xã, phường, thị trấn phải đến điều trị tại nhà và hàng ngày theo dõi, chăm sóc cho người bệnh. Xét về nhân lực hiện có thì khó đảm đương nổi.
Dương Minh tổng hợp
Xem thêm